Nguyễn Vũ Bình lại "ngựa quen đường cũ"

Thứ Hai, 17/09/2007, 16:37
Những ngày gần đây, trên một số trang web có quan điểm chống đối Việt Nam, như Đối thoại, ykien.net, ... xuất hiện đơn xin thành lập “Hội những người bảo vệ các nguồn viện trợ nước ngoài tại Việt Nam” và đưa ra “Bản kiến nghị tập thể về sự thất thoát các ngân khoản viện trợ” ký tên Hoàng Minh Chính và Nguyễn Vũ Bình.

Những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ cho biết: bất kỳ một quốc gia nào muốn vay vốn của Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Phát triển châu Á... đều phải có báo cáo giải trình về dự án vay, biện pháp giải ngân...

Trên cơ sở đó, các tổ chức tín dụng quốc tế thẩm định, đánh giá tính khả thi của các dự án trước khi quyết định có cho vay vốn hay không và hình thức cho vay như thế nào. Hơn thế nữa, trong quá trình sử dụng vốn vay của các tổ chức tín dụng, mọi hoạt động đều phải chịu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các tổ chức này.

Do đó, “hội” của các ông Hoàng Minh Chính và Nguyễn Vũ Bình xin thành lập sẽ là trò cười cho các tổ chức tín dụng quốc tế hay nói cách khác là nó thật vô nghĩa.Chắc hẳn mọi người chưa quên ông Hoàng Minh Chính, một người có quá trình hoạt động chống Đảng, Nhà nước CHXHCN Việt Nam, đã từng bị xử lý trước pháp luật, còn Nguyễn Vũ Bình là một cái tên “mới”. Vậy, Nguyễn Vũ Bình là người như thế nào?

Nguyễn Vũ Bình sinh năm 1968. Sinh ra và lớn lên tại một trong những địa phương có truyền thống cách mạng là xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Cha và mẹ đều đi theo cách mạng, anh trai cả là liệt sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Nguyễn Vũ Bình là con út trong gia đình nên được bố mẹ và các anh chị tạo điều kiện cho ăn học đến nơi đến chốn. Năm 1990, Bình tốt nghiệp Khoa Kinh tế Trường đại học Tổng hợp Hà Nội; cuối năm 1992, Nguyễn Vũ Bình xin vào làm hợp đồng tại một tờ tạp chí.

Trong thời gian công tác tại đây, Nguyễn Vũ Bình không được đánh giá là người có năng lực chuyên môn như đã được đào tạo, xa rời thực tế, thiếu năng lực thực tiễn, thậm chí những người cùng công tác còn nhận thấy Bình có dấu hiệu không ổn định về tinh thần, phát ngôn tùy tiện, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, ủng hộ dân chủ, đa nguyên theo kiểu phương Tây.

Tuy vậy, Bình vẫn luôn cho rằng bản thân mình là một tài năng và không được đánh giá đúng mức. Mặc dù được lãnh đạo tạp chí và anh chị em hết sức giúp đỡ, phân tích cho thấy những quan điểm lệch lạc, nhưng Bình đã bất chấp tất cả.

Ngày 2/9/2000, Nguyễn Vũ Bình đã soạn thảo "điều lệ, cương lĩnh" chuẩn bị cho việc thành lập “đảng Tự do, dân chủ” với mục đích đối trọng với Đảng Cộng sản Việt Nam và gửi đơn xin thành lập đảng này nhưng không được Nhà nước Việt Nam cho phép.

Cũng từ đây, Bình đã móc nối, quan hệ với số đối tượng cơ hội chính trị ở trong nước như Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang, Trần Khuê, Lê Chí Quang... để nhận viết bài có nội dung trái với quan điểm, đường lối của Đảng, vu cáo, xuyên tạc thực trạng dân chủ, nhân quyền Việt Nam, ký tên vào các bản kiến nghị đòi “tự do”, “dân chủ”, vu cáo Nhà nước Việt Nam vi phạm “dân chủ, nhân quyền”.

Tháng 9/2001, Nguyễn Vũ Bình cùng với số đối tượng cơ hội chính trị âm mưu thành lập tổ chức núp dưới danh nghĩa “Hội nhân dân Việt Nam chống tham nhũng”, lợi dụng chiêu bài “chống tham nhũng” để tập hợp lực lượng, hình thành tổ chức chính trị đối lập tại Việt Nam.

Từ đầu năm 2002, Nguyễn Vũ Bình đã móc nối với số cầm đầu các tổ chức phản động người Việt lưu vong  ở hải ngoại như Nguyễn Gia Kiểng, Vũ Thư Hiên (cầm đầu tổ chức “Tập hợp dân chủ đa nguyên” ở Pháp), Nguyễn Ngọc Đức (cầm đầu “Liên minh Việt Nam tự do” ở Mỹ), Ngô Thị Hiền (Chủ tịch “Ủy ban tự do tôn giáo cho Việt Nam” ở Mỹ), Trương Minh Dũng (cầm đầu “Trung tâm dân chủ cho Việt Nam” tại Canada)... qua mạng Internet để cung cấp các thông tin về số đối tượng có quan điểm chống đối, bất mãn, tình hình hoạt động chống Đảng, Nhà nước Việt Nam ở trong nước cho các đối tượng này sử dụng vào mục đích tuyên truyền gây dư luận chống Việt Nam.

Trong 5 tháng đầu năm 2002, Nguyễn Vũ Bình đã nhận 42 thư điện tử của các phần tử phản động ở nước ngoài và đã gửi 39 thư điện tử cung cấp tin tức sai lệch về tình hình đất nước cho bọn chúng.

Nguyễn Vũ Bình đã tổng hợp tình hình, soạn thảo và gửi đi 3 tài liệu cho các tổ chức phản động: “Hiện tình phong trào dân chủ ở Việt Nam”, “Bản điều trần về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam”, “Vấn đề biên giới Việt - Trung”, trắng trợn xuyên tạc thực trạng dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, trơ tráo kêu gọi sự hỗ trợ về tài chính cho các hoạt động chống Việt Nam ở trong nước.

Để tránh sự phát hiện, khi nhận và gửi tài liệu cho nước ngoài, Nguyễn Vũ Bình đã sử dụng dịch vụ Internet công cộng tại nhiều điểm khác nhau. Ngày 25/9/2002, Cơ quan Điều tra Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam Nguyễn Vũ Bình về tội hoạt động gián điệp theo Điều 80 của Bộ Luật hình sự. --PageBreak--

Ngày 5/5/2004, Tòa án nhân dân tối cao tuyên phạt Nguyễn Vũ Bình 7 năm tù giam, 3 năm quản chế sau mãn hạn tù. Ngày 9/6/2007, sau gần 3 năm chấp hành án phạt tù, Nguyễn Vũ Bình được hưởng chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước, được đặc xá trước thời hạn tù do tình hình sức khỏe và Bình cùng thân nhân đã có đơn xin đặc xá gửi các cơ quan chức năng.

Trước khi được đặc xá, Nguyễn Vũ Bình đã cam kết chấp hành các quy định của pháp luật, nghiêm chỉnh thực hiện hình phạt phụ 3 năm quản chế sau khi mãn hạn tù.

Tuy nhiên, ngay sau khi được đặc xá, Nguyễn Vũ Bình đã tráo trở, "quên" ngay những gì đã cam kết, liên tục trả lời phỏng vấn các đài RFA, RFI, BBC, phủ nhận mọi tội lỗi, cảm ơn các cá nhân, tổ chức nước ngoài đã ủng hộ, giúp đỡ gia đình Bình và kêu gọi, vận động trả tự do cho y.

Việc xin thành lập “Hội những người bảo vệ các nguồn viện trợ nước ngoài tại Việt Nam” là hoạt động trở lại đầu tiên chống đối Nhà nước của Bình.Động cơ nào để Nguyễn Vũ Bình tham gia những hoạt động chống lại Đảng và Nhà nước mặc dù đã được cải tạo trong một thời gian dài?

Theo tài liệu các cơ quan chức năng thu được, vợ Bình đã nhận được sự hỗ trợ tài chính của các đối tượng bên ngoài trong thời gian Bình chấp hành án phạt tù. Vợ Bình (là Bùi Thị Kim Ngân, 39 tuổi, quê Nghĩa Hưng, Nam Định, làm kế toán của một công ty TNHH tại Hà Nội) thường xuyên trả lời phỏng vấn báo, đài nước ngoài, trình bày hoàn cảnh “nuôi nấng hai con nhỏ”, “gia đình khó khăn” để kêu gọi bênh vực, ủng hộ cho chồng.

Số đối tượng phản động người Việt lưu vong ngoài việc thường xuyên gửi cho Bình và vợ khoảng 200-300 USD/tháng, còn vận động các tổ chức nhân quyền quốc tế trao giải thưởng về nhân quyền cho Bình để khích lệ, kích động Bình hoạt động chống Đảng, Nhà nước.

Ngay sau khi được đặc xá, tháng 6/2007, Bình và vợ đã nhận được 1.000 USD của tổ chức mang tên “Đoàn thanh niên Phan Bội Châu” tại Hoa Kỳ (đây là một trong những tổ chức hoạt động theo sự chỉ đạo của tổ chức phản động “Việt Tân” - đã bị các cơ quan báo chí, truyền thông của Việt Nam công khai vạch mặt trước dư luận thời gian qua).

...Và bức thư cảm ơn của vợ Bình gửi "Đoàn Thanh niên Phan Bội Châu" ở Hoa Kỳ.

Điều đó giải thích sự thắc mắc của hầu hết bà con hàng xóm láng giềng, bạn bè thân hữu, hoặc những ai quan tâm đến gia đình Bình vì sao trong thời gian Bình đi tù, vợ Bình là nhân viên công nhật tại một công ty TNHH tư nhân, nuôi hai con nhỏ, lại đủ tiền để xây một căn nhà mới khang trang, là niềm mơ ước của bao nhiêu người lao động. Cái “lý tưởng” mà Bình rêu rao “vì dân chủ”, thực chất cũng chỉ là bức bình phong che đậy bản chất tay sai hám lợi, cơ hội và nhận thức chính trị lệch lạc của bản thân.

Điều đó cũng giải thích việc xin thành lập cái gọi là “Hội những người bảo vệ những nguồn viện trợ từ nước ngoài” do Nguyễn Vũ Bình và Hoàng Minh Chính đang rêu rao trên mạng Internet là một mánh khóe để hợp thức hóa số tiền mà bọn phản động  người Việt lưu vong chuyển về nước hỗ trợ các hoạt động chống Đảng, Nhà nước Việt Nam, mà một trong những hành vi điển hình là việc các ông Thích Không Tánh, Thích Quảng Độ đã chi hàng trăm triệu đồng để kích động người khiếu kiện, gây rối ANTT, hòng biến vấn đề khiếu kiện trở thành vấn đề chính trị.

Đây còn là một thủ đoạn rửa tiền nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định đối với nền kinh tế của đất nước.

Tuy nhiên, sau khi “hội” ra lời kêu gọi tham gia trên mạng Internet, chỉ có một số rất ít  đối tượng chống đối ở trong nước ủng hộ, còn phần lớn không tỏ thái độ. “Đồng hữu” quan điểm với Bình là Nguyễn Gia Kiểng (cầm đầu tổ chức “Tập hợp dân chủ đa nguyên” ở Pháp) cũng đánh giá đây là hành động thiếu suy nghĩ, thể hiện sự ấu trĩ của Nguyễn Vũ Bình và Hoàng Minh Chính, bởi “Hội những người bảo vệ các nguồn viện trợ nước ngoài tại Việt Nam” và “Bản kiến nghị tập thể về sự thất thoát các ngân khoản viện trợ” đã phơi bày bản chất thực sự của cái gọi là “phong trào dân chủ Việt Nam” hoạt động theo sự chỉ đạo của bọn phản động người Việt lưu vong ở nước ngoài.

Những hoạt động của Nguyễn Vũ Bình đã gây dư luận xấu trong nhân dân và gây mất ANTT. Với những kẻ “ngựa quen đường cũ” như Nguyễn Vũ Bình thì cần phải có biện pháp kiên quyết để ngăn chặn các hành động của chúng chống phá công cuộc xây dựng đất nước

Trung Trực
.
.