Nguyện làm điểm tựa cho bà con vùng lũ
Người dân các tỉnh miền Trung đang căng mình chống chọi sự tàn phá khắc nghiệt của thiên nhiên. Đã có những mất mát đau lòng do hậu quả bị mưa lũ. Những ngôi làng bị chia cắt hoàn toàn, không điện, không nước, không lương thực, người dân sống qua ngày nhờ thực phẩm cứu trợ.
Đại tá Nguyễn Tiến Nam - Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình và ông Đặng Đại Tình - Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy đến tâm lũ động viên, cứu trợ người dân. |
Vượt lũ đưa người dân đến nơi an toàn
Huyện Quảng Điền là một trong số địa phương thấp trũng của tỉnh Thừa Thiên-Huế chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra. “Đây là trận lụt lớn từ năm 2006 đến nay. Rất may trong thời điểm xảy ra mưa lũ, người dân địa phương đã được lực lượng công an xã và công an huyện hỗ trợ kịp thời để di dời đến nơi an toàn”, ông Phạm Công Phước, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền cho hay.
Ông Hoàng Công Phong, Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền cho biết, cùng với sự hỗ trợ của công an xã, chính quyền địa phương đã vận động, giúp đỡ các hộ dân ở vùng xung yếu, ngập sâu kê cao tài sản, di dời đến nơi an toàn để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ. Thiếu tá Vương Hưng Long, Trưởng Công an xã Quảng Thành cho biết, mưa lớn dồn dập trong những ngày qua khiến các tuyến đường từ xã đi trung tâm huyện đều bị chia cắt.
“Trước khi nước dâng, các cán bộ chiến sĩ (CBCS) công an chính quy của xã đã phối hợp với UBND xã, các thôn đến từng nhà dân vận động, tuyên truyền người dân sẵn sàng ứng phó, không được chủ quan với mưa lũ. Đồng thời giúp các hộ dân có nhà bị ngập di dời đến nơi cao, bố trí lực lượng, biển báo tại các tuyến đường ngập sâu để cảnh báo người dân không vượt qua các tuyến đường ngập sâu nguy hiểm”, Thiếu tá Long cho hay.
Thượng tá Nguyễn Văn Cường, Trưởng Công an huyện Quảng Điền cho biết, trong những ngày qua, đơn vị và lực lượng địa phương đã di dời 422 hộ với 1.146 nhân khẩu ở vùng thấp trũng; đồng thời huy động tất cả các phương tiện, lực lượng, tổ chức kiểm tra, tuần tra, giám sát trên các sông, đầm phá nhằm sớm phát hiện, kêu gọi, vận động người dân trở về nhà an toàn. “Sau khi nước lũ rút xuống, Công an huyện sẽ huy động CBCS phối hợp với công an chính quy ở cơ sở để tổ chức thu dọn bùn non, vệ sinh môi trường, phối hợp sửa chữa lại các căn nhà hư hỏng do mưa lũ gây ra để người dân sớm ổn định cuộc sống trở lại”, Thượng tá Cường khẳng định.
Cán bộ, chiến sĩ Công an Quảng Bình vượt lũ đến với bà con. |
Tại TP Huế, Ban Chỉ huy Công an thành phố đã yêu cầu công an các phường tổ chức ứng trực, giúp dân ứng phó với mưa lũ. CBCS Công an TP Huế đã di dời 265 hộ dân và nhiều khu trọ, hơn 800 người ở các vùng thấp trũng ra khỏi khu vực ngập lụt đến nơi an toàn.
Tại các địa bàn ngập lụt sâu, các CBCS Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã sử dụng ghe, đò, ca nô... để vận chuyển nhu yếu phẩm hỗ trợ kịp thời cho người dân vùng lũ. Thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, trong những ngày qua đơn vị đã tích cực triển khai kế hoạch ứng phó với thiên tai; phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức lực lượng kiểm soát giao thông tại các đường bị ngập, các ngầm, đò ngang để hướng dẫn người, phương tiện và phân luồng giao thông an toàn, tổ chức đảm bảo an toàn giao thông đường bộ qua QL1A, QL49, đường sắt Bắc Nam, đường hàng không.
Công an tỉnh đã huy động 2.400 CBCS; 22 lượt xe cứu nạn cứu hộ, 14 cano, 47 ghe máy, 30 lượt xuồng cứu sinh cứu hộ, di dời dân; phối hợp với các đơn vị quân đội và lực lượng địa phương tổ chức sơ tán người dân từ các vùng xung yếu, thấp trũng ven sông, ven suối đến nơi trú ẩn an toàn.
Một miếng khi đói bằng cả gói khi no
Sáng 10-10, khi trời còn chưa sáng rõ, hàng trăm CBCS Công an tỉnh Quảng Bình đã đội mưa đến có mặt tại sân cơ quan Công an tỉnh để chia thành các tổ công tác lên đường hỗ trợ giúp dân. Hơn 1.000 thùng hàng cứu trợ gồm mì tôm, lương khô, nước lọc đóng chai, dầu gió, thuốc khử khuẩn môi trường... nhanh chóng được các CBCS đưa lên xe để về vùng rốn lũ Lệ Thủy, Quảng Bình.
Bên bờ sông Kiến Giang nước lũ dâng cao nhiều ngày qua. Đại tá Nguyễn Tiến Nam - Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình cùng ông Đặng Đại Tình - Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy và hàng chục CBCS công an quyết định lên thuyền đến tâm lũ. Giữa mênh mông nước lũ, ai cũng muốn nhanh chóng vào đến thôn Vinh Quang, xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, nơi người dân nhiều ngày qua đang trông ngóng. Thôn có 180 hộ với 720 nhân khẩu hoàn toàn bị lũ lụt chia cắt, biệt lập.
Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế hỗ trợ di dời người già, trẻ nhỏ từ vùng ngập lũ đến nơi an toàn. |
Trên con đò vượt lũ, ông Đặng Đại Tình nói: “Mấy hôm nay lãnh đạo huyện cũng như ngồi trên lửa đốt khi nhắc đến tên thôn Vinh Quang, vì biết bà con ngoài đó đang vật lộn với lũ dữ. Mấy lần huyện dùng cano, thuyền máy để ra đó với bà con lại bị sóng đánh quật trở lại. Trước đó, chưa kịp di dời bà con đi nơi khác thì nước lũ lên ban đêm dâng ngập sâu, chỉ mấy tiếng đã cô lập cả làng. Huyện đã thống nhất, bằng mọi cách ngày hôm nay cũng đến làng, ai cần di dời sẽ di dời ngay, ai cần cứu trợ thì cứu trợ, không để bà con bị đói do lũ. May mắn là sáng nay Công an Quảng Bình đưa cano lớn lên để vào làng, không những người dân mà chúng tôi rất mừng vì vô được với bà con”.
Khi vào gần đến thôn Vinh Quang, do sóng quá lớn, con thuyền tròng trành chở Giám đốc Công an Quảng Bình và Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy suýt bị sóng đánh chìm. Mọi người phải dùng mũ đang đội để tát nước khỏi thuyền. Thuyền cập làng, nhiều CBCS công an phải bơi để níu thuyền vào nhà dân, tìm nơi cao nhất để vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm. Do mưa nặng hạt, đi giữa mênh mông nước lũ nên các thùng mì tôm, lương khô, nước chai... các thùng giấy đều bị bong ra gần hết, CBCS công an phải dùng rổ để đựng mì tôm, lương khô đưa giúp đỡ bà con.
Bà Nguyễn Thị Lai gần 80 tuổi cầm tay CBCS Công an Quảng Bình xúc động. Bà cho biết, các con đi làm ăn xa trong miền Nam, ở nhà chỉ có ba bà cháu, nước lũ dâng ban đêm nên bà cháu kiệt sức vì lũ. Đưa lên cao được cái tivi, bếp ga khi quay lại thì toàn bộ thóc, gạo, quạt điện đã chìm trong nước lũ. Đứa cháu gái lớp 3 vừa khóc vừa bắt bà leo lên cao để tránh lũ vì sợ lũ cuốn trôi mất bà. Hai ngày qua, ba bà cháu ngồi gần sát nóc nhà nhìn nước lũ chạy qua, ăn tạm gói mỳ tôm qua ngày. Hôm nay được lực lượng Công an đến ứng cứu, hai bà cháu cứ ôm chầm lấy nhau khóc rấm rứt vì mừng.
Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế mang nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân vùng lũ. |
Chị Nguyễn Thị Tùng, và chị Nguyễn Thị Liễu thôn Hữu Tân, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình khi nhận lương khô, mỳ tôm, nước uống xúc động cho biết, lũ lên nhanh không kịp trở tay, ai cũng lo tìm cách cất gác các vật dụng đắt tiền như tivi, tủ lạnh... mà quên cất gạo và và thực phẩm, khi quay lại xem thì tất cả bị chìm trong nước lũ. Vì vậy, những thùng hàng, quà tặng của Công an Quảng Bình thực sự là “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”.
Đã 3 ngày qua, Thượng tá Trần Đức Tới cùng tất cả CBCS Công an huyện Lệ Thủy, Quảng Bình hầu như chưa ai về nhà. Lệ Thủy vùng chiêm trũng, nước lũ lên cao. Công an huyện Lệ Thủy chia thành nhiều tổ công tác tỏa về các địa bàn để giúp dân sơ tán, và vận chuyển đồ dùng sinh hoạt đưa lên cao. 12 giờ đêm, chuông điện thoại đổ dồn dập về trực ban, người dân báo có 2 người bị nhồi máu cơ tim ở xã Liên Thủy và xã Mỹ Thủy, xung quanh nước lũ đã ngập sâu, cô lập mọi ngả đường. Thượng tá Trần Đức Tới cùng CBCS của đơn vị dùng ca nô bất chấp hiểm nguy mưa lũ, kịp thời ứng cứu đưa người bệnh đến bệnh viện cấp cứu.
Huyện Minh Hóa, Quảng Bình nước đầu nguồn đổ về như thác, nên chỉ vài tiếng đồng hồ nhiều nơi ở Minh Hóa gần cả ngàn nhà dân đã ngập trong biển nước. Thượng tá Cao Ngọc Lâm - Trưởng Công an huyện Minh Hóa cho biết, ngay trong đêm, Ban chỉ huy Công an huyện cùng hàng chục CBCS đã dùng đò vượt lũ trực tiếp xuống các điểm xung yếu để giúp dân chạy lũ. 85 hộ dân ở khu vực bị ngập và có nguy cơ sạt lở cao được đưa về nơi an toàn ngay trong đêm. 100% CBCS Công an huyện được điều động trong đêm để thành lập 6 tổ công cứu giúp người dân trong tình huống khẩn cấp.
Cả chiều dầm mình trong mưa lũ để sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, khi các CBCS Công an Minh Hóa vừa chuẩn bị bữa cơm tối thì điện thoại lại đổ chuông dồn dập khi người dân gọi có sản phụ sắp sinh trong lũ. Các chiến sĩ công an đã kịp thời sử dụng xuồng máy đưa sản phụ Trương Thị Thu, ở thôn 2 Kim Bảng qua sông đi bệnh viện cấp cứu kịp thời, bảo đảm được tính mạng, sức khỏe cho hai mẹ con.
Tiếp đó, trong đêm các anh lại dùng xuống máy và xe ô tô chuyên dụng đưa chị Hồ Thị Núc, ở bản Ba Loóc, xã Dân Hóa bị điện giật do cột điện bị sạt lở nghiêng xuống và cụ ông Trương Văn Thân, 88 tuổi, ở thôn 3 Kim Bảng bị tai biến đi cấp cứu kịp thời, giữ được tính mạng...
Trên các địa bàn vùng lũ miền Trung, lực lượng Công an đang ngày đêm bám trụ để giúp đỡ nhân dân sơ tán, vận chuyển đồ dùng sinh hoạt đến nơi an toàn, đưa người bị thương, đau ốm, sinh đẻ đi cấp cứu, chữa trị. Hàng ngàn thùng mì tôm, nước lọc, lương khô, thuốc men... đang được CBCS công an vượt lũ đưa đến ủng hộ, giúp đỡ người dân. Dự báo tình hình những ngày tới sẽ còn cam lo, khốc liệt hơn với hiện tượng “lũ chồng lũ” ở miền Trung... Những việc làm của CBCS công an đã và sẽ trở thành điểm tựa vững chãi cho bà con chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên nơi đây. |