Những “Nàng Tô Thị” bên đường Trường Sơn

Thứ Bảy, 31/05/2008, 15:30
Đã có nhiều cuộc tình giữa những anh công nhân cầu đường, khai thác đá với các cô thiếu nữ Tà Ôi, Vân Kiều, Pa Cô... được nảy nở và đơm hoa kết trái. Nhưng, khi công trình đã hoàn tất, những người thợ vội vã "cuốn chiếu" về đồng bằng, để lại những "nàng Tô Thị" trên non ôm con đứng chờ... cha của những đứa trẻ.

Hơn 100km của tuyến đường Hồ Chí Minh chạy qua huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế dường như đã thổi vào cuộc sống của cư dân 21 xã, thị trấn khu vực này một luồng sinh khí mới. Cả vùng rừng núi hắt hiu ngày xưa nay như khoác lên mình một tấm áo mới đầy tươi tắn và sống động.

Không chỉ đời sống vật chất, mà đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào miền núi cũng được phát triển bởi sự giao thoa mạnh mẽ hơn với cuộc sống hiện đại thông qua những người miền xuôi lên đây làm dự án, xẻ núi, dựng cầu, làm đường.

Đã có nhiều cuộc tình giữa những anh công nhân cầu đường, khai thác đá với các cô thiếu nữ Tà Ôi, Vân Kiều, Pa Cô... được nảy nở và đơm hoa kết trái. Nhưng, khi công trình đã hoàn tất, những người thợ vội vã "cuốn chiếu" về đồng bằng, để lại những "nàng Tô Thị" trên non ôm con đứng chờ... cha của những đứa trẻ. (Tên các cô gái đã được thay đổi)

Đường đã thông mà chẳng thấy chàng quay về cùng sơn nữ

Ngày 13/9, buổi tập huấn về nuôi con bằng sữa mẹ của  cán bộ Trung tâm Y tế huyện A Lưới dành cho các bà mẹ ở xã A Roàng, huyện A Lưới được kết thúc sớm vì các hội viên Hội Phụ nữ xã rủ nhau đi đám cháu bé Nguyễn Thị Hạt con của chị Blup Thị Liên ở thôn A Mên chết sau 3 ngày sốt cao. Bé Hạt tròn 2 tuổi có cha là người miền xuôi lên đây làm đường Hồ Chí Minh, đoạn Tây Trường Sơn đi qua địa phận của xã A Roàng nhưng  đến bây giờ, mẹ cháu cũng không nhớ nổi quê của anh ta ở đâu?

Liên đang ở tuổi 19, khá đẹp với nước da bánh mật và đôi mắt to, tròn nhưng sau hai cái chết của con, một đứa còn trong bụng và bé Hạt khiến cô trở nên tiều tụy. Liên tâm sự, cách đây 3 năm, theo bạn bè đi sim, cô đã gặp một chàng công nhân dưới miền xuôi làm nghề lái máy xúc lên đây làm đường.

Thoạt đầu, Liên sợ gặp người lạ và cũng không muốn làm quen với người lạ nhưng dần dần, những món quà “miền xuôi” của chàng công nhân đã làm cô gái miền núi xiêu lòng.

Khi thì cái kẹp tóc, khi thì bánh xà phòng thơm, lọ dầu gội đầu... khiến Liên sướng ngây ngất và nghĩ rằng: “Thương mình” thì anh ta mới “tốt cái bụng đến vậy!”. Sau vài tuần, Liên đã đồng ý theo anh vào rừng... ngủ sim mà chưa kịp nhớ quê anh ta ở đâu.

Kết quả sau đó, Liên đã có thai. Mang trong mình giọt máu được 4 tuần, Liên thông báo với Khai - tên của anh công nhân thì được anh an ủi: “Vì anh chưa kịp dựng nhà, phát rẫy tại đây nên phải bỏ cái  thai đi!”. Không có kiến thức làm mẹ, lại ngại đến Trạm y tế xã vì... xấu hổ. Liên giấu cái thai bằng cách quấn vải chặt quanh bụng. Một lần, đi rẫy, Liên vấp phải hòn đá lớn, máu từ bụng chảy xuống chân đầm đìa và cái thai đã bị hỏng.

Chưa kịp để anh chàng máy xúc “dựng nhà” như hứa hẹn, Liên lại có con lần thứ hai với anh ta. Nhưng chỉ một tháng sau đó, vào một buổi sáng, khi đi làm rẫy, từ trên núi nhìn xuống, không thấy những chiếc xe máy xúc đâu, Liên chạy xuống hỏi đám công nhân làm đường thì được biết, anh chàng Khai đã về dưới xuôi để nhận công việc mới. Đám công nhân cũng không biết địa chỉ cụ thể của Khai.

Liên rất buồn, nhưng cô đã quyết định giữ cái thai trong bụng để người cha miền xuôi quay trở lại. Nhưng tất cả chỉ là vô vọng. Cháu Hạt sinh ra mẹ không có đủ sữa, nhà Liên lại nghèo nên ốm đau, quặt quẹo luôn. Chị A Viết Thị Nhi (người dân tộc Tà Ôi), Chủ tịch Hội Phụ nữ xã A Roàng cho biết, kỳ kiểm tra sức khỏe vừa rồi, cháu Hạt bị suy dinh dưỡng độ 1 và buồn hơn là cháu chưa hề được biết mặt cha đẻ của mình.

ngôi nhà cô quạnh để "nàng Tô Thị" chờ chồng.

Cuộc tình của Blup Thị Mỵ (17 tuổi) người thôn A Lùa,  với chàng công nhân làm đường hầm thuộc tuyến đường Hồ Chí Minh ở xã A Roàng cũng cho ra đời bé trai Nguyễn Mạnh Hùng, nay 4 tháng tuổi. Mặc dù, mang họ cha nhưng có lẽ Hùng mãi mãi ở lại quê mẹ vì đến bây giờ, Blup Thị Mỵ đã bị phụ bạc.

Mỵ nhớ lại, khi đi sim, cô đã được một anh “rải nhựa đường bên ni” tán tỉnh và hứa mang cô về miền xuôi. Anh chàng đã đưa Mỵ vào rừng ngủ sim. Khi có thai, anh chàng không nhận đứa bé trọng bụng là con của mình mà còn nại ra lý do Mỵ đã từng ngủ sim với nhiều người.

Đến lúc sinh con, khuôn mặt giống anh chàng nọ y hệt, Mỵ tìm đến công trường cũng là lúc công trình đã hoàn tất, số công nhân đều rút lui cả. Nhờ cán bộ xã tìm hộ, nhưng họ cũng không thể giúp được cô vì ở đó có tới... 6 đơn vị cùng thi công và hầu hết số lao động giản đơn đều được thuê lại theo hợp đồng ngắn hạn.

Từ ngày người “chồng hờ” dưới xuôi bỏ đi được 8 tháng, Hồ Thị Hợi (21 tuổi) ở thôn A Ho, xã A Roàng như nguời thẫn thờ. Sáng nào cũng vậy, cô bỏ cả việc nương rẫy để bế con trai Hoàng Văn Phát một tuổi rưỡi đứng bên đường Hồ Chí Minh để ngóng xe ôtô chạy qua xã. Cô hy vọng rằng, một ngày nào đó, người “chồng” đã ăn ở với cô sẽ quay trở về với hai mẹ con. Nhưng càng mong thì Hợi càng thấy tuyệt vọng.

Cách đây hơn 3 năm,  Hợi phải lòng một anh công nhân miền xuôi lên “giúp” đồng bào dân tộc làm đường tên là Phúc. Thấy anh chàng cũng “hiền lành và tốt bụng” nên bố mẹ Hợi đã đồng ý cho cô và Phúc ăn ở với nhau tại một cái nhà chòi trên núi. Phúc hứa hẹn, vì bố mẹ anh ở miền xuôi mất cả, anh em lại đông nên anh sẽ ở lại đây sinh sống.

Họ có con với nhau, ngày công trình hoàn tất, đúng như lời hứa, Phúc ở lại vùng núi với mẹ con Hợi. Tuy nhiên, cuộc sống khó khăn, Phúc bàn với Hợi phát rẫy trồng tiêu. Anh chàng người miền xuôi tay chân lóng ngóng nên mọi việc nặng nhọc như phát nương, làm rẫy Hợi đều nhận cả. Họ cũng đã có được một mảnh vườn nhỏ trồng hơn 40 gốc tiêu.

Nhưng mưa chẳng thuận, gió chẳng hòa, thất bát liên tiếp. Phúc rỉ tai vợ cho về xuôi để vay bà con vốn liếng làm ăn. Vậy mà 8 tháng trôi qua, Phúc không quay trở lại và cũng chẳng có tin tức gì. Hợi chỉ biết, “chồng” của mình quê ở Hà Tây, còn huyện, xã nào thì... anh ấy không cho biết!--PageBreak--

Chị A Viết Thị Nhi cho biết, bắt đầu từ năm 2001, khi đường Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng qua xã A Roàng, thì có tới 6/9 thôn, bản của xã dọc theo quốc lộ đều có hiện tượng các anh công nhân xây dựng dưới xuôi cặp kè yêu đương với các thôn nữ địa phương.

Từ trước tới nay, trai gái dân tộc được tự do tìm hiểu, kết bạn tình vốn là chuyện tự nhiên. Theo tập tục, khi các cô gái có mang sẽ được cưới hỏi làm vợ. Nhưng với các chàng miền xuôi lên đây làm đường đã lợi dụng tập quán này và cả sự thiếu hiểu biết, nhẹ dạ của các cô gái dân tộc để quan hệ tình dục như là một thú tiêu khiển và để mặc cho hậu quả xảy ra! Đến năm 2005, khi “đường đã thông, xe đã chạy”, tại xã A Roàng,  có 10 đứa trẻ bị các ông bố dưới xuôi bỏ rơi.

Lộ diện những chàng họ “Sở”

Không chỉ riêng xã A Roàng, nhiều xã khác của huyện miền núi A Lưới, nơi có tuyến đường Hồ Chí Minh chạy qua cũng có chuyện các anh công nhân xây dựng “ngắt trộm hoa rừng” - theo lối nói của chị Nguyễn Thị Tâm Thuận, Phó chủ tịch thường trực Hội Phụ nữ huyện A Lưới. 

Theo báo cáo chưa đầy đủ của các chi hội Phụ nữ cơ sở và Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em huyện A Lưới, ước tính toàn huyện hiện nay có gần 50 chị em đồng bào dân tộc rơi vào cảnh nuôi con một mình vì “mắc” lưới tình của các chàng xây dựng miền xuôi.

Hiện nay, việc “truy tìm” cha cho những đứa trẻ vô tội là vấn đề hết sức “đau đầu”. Bên cạnh những  ông bố “ăn vụng, chùi mép” như ở xã A Roàng nhưng cũng có nhiều nơi, các ông bố họ “Sở” để lại hẳn lai lịch, gốc tích của mình nhưng bỏ con vẫn hoàn... bỏ con.

Riêng tại thôn A Năm của xã Hồng Vân, có 2 trường hợp của các cô Hồ Thị Phương (28 tuổi) và Hồ Thị Hạ (23 tuổi) cũng đã “trót” có con với các anh công nhân xây dựng. Mặc dù, các cô có trong tay số điện thoại nhà riêng, biết địa chỉ đàng hoàng, thậm chí cầm cả CMTND nhưng vẫn không giữ chân được bố cho con của mình.

Tháng 7/2002, Nguyễn Văn Chiến, công nhân Công ty xây dựng 874 quê ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định tới huyện A Lưới để thi công cầu Sắt và cầu A Lim nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn chạy qua xã Hồng Vân. Thời gian làm việc tại đây, Chiến đã chiếm được trái tim của cô gái Hồ Thị Phương (người dân tộc Pa Hy).

Mặc dù, nhà của Phương nằm ngay sát quốc lộ nhưng trong suốt thời gian có quan hệ yêu đương, Chiến không bao giờ vào nhà Phương để thăm hỏi ba, mệ. Thấy vậy, bố của Phương đã kịch liệt phản đối mối tình của cô con gái. Thế nhưng, Phương vẫn vụng trộm để đến với Chiến.

Đến tết năm 2004, Chiến mới tới nhà và xin phép ba mệ đưa Phương về nhà ở Nam Định chơi, đồng thời ra mắt bố mẹ Chiến. Ông bố sinh nghi nhưng có khuyên cũng không cản được cô con gái lớn của mình. Ông liền bắt Chiến để lại số điện thoại nhà riêng và cả CMTND để “làm tin”.

Sau chuyến đi chơi 10 ngày dưới xuôi với người yêu, kết quả là Phương đã có thai. Biết được tin này, bố Phương nhắc nhở Chiến thưa chuyện với bố mẹ dưới xuôi để bàn việc cưới hỏi. Ngay sau đó, Chiến nại ra rằng, gia đình dưới xuôi đang gặp nhiều khó khăn nên muốn vay của bố Phương 5 triệu đồng để tổ chức đám cưới.

Khi ông không đồng ý, Chiến đã bỏ đi hẳn khỏi xã Hồng Vân mà không thông báo một lời với Phương. Tới công trường hỏi thì mọi người chỉ nói Chiến chuyển sang công trình khác và không biết địa chỉ. Cái thai to dần, bố mẹ Phương đã nhờ bác Lê Văn Tá, cán bộ MTTQ xã Hồng Vân gọi điện cho gia đình Chiến thì mới vỡ lẽ, Chiến không đi công trình nào cả mà về nhà... cưới vợ.

Sau nhiều lần điện thoại để gặp Chiến không được, cuối cùng bố Phương cũng gặp được bà thông gia... hụt. Mẹ Chiến tỏ ra rất buồn vì chuyện xảy ra nhưng bà trách cứ bố Phương không thông báo sớm để bà giải quyết. Bây giờ, Chiến đã có vợ rồi, bà cũng không giúp gì cho Phương được!

Hiện nay, theo tập tục của đồng bào Pa Hy, con gái lớn đã có con thì phải ra ở riêng. Vì vậy, sau khi cháu trai Nguyễn Minh Châu, con của Phương và Chiến tròn 1 tuổi, bố của Phương đã dựng cho hai mẹ con một chiếc nhà tạm nằm ven đường Hồ Chí Minh để ở. Không có ruộng vườn, hai mẹ con Phương bữa đói, bữa no nhưng cũng không thể dựa vào ông bà ngoại mãi vì bố Phương là thương binh nặng, vợ ông là đối tượng diện chính sách và dưới Phương còn 4 em đang tuổi ăn học.

Cháu Hồ Ngọc Bảo (6 tuổi) là kết quả của mối tình giữa cô gái dân tộc Hồ Thị Hạ và Lưu Đình Dũng, công nhân khai thác đá quê ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Theo công trình, Dũng cũng từ miền xuôi lặn lội lên đây làm việc. Khi yêu Hạ, Dũng đã gửi kèm cho gia đình người yêu cả... một bộ hồ sơ, lý lịch trích ngang của mình để làm tin.

Khi Hạ có mang được 3 tháng, Dũng chuyển đi công trình khác và lúc này mới lộ rõ chân tướng họ “Sở”. Anh ta chẳng giấu giếm chuyện đã có vợ và hai con gái ở quê. Việc quan hệ với Hạ là chỉ... để giải sầu khi đi làm xa. Lúc này, Hạ đã nghĩ đến việc ăn lá ngón để quyên sinh nhưng bố mẹ cô khuyên nhủ để cái thai lại ông bà nuôi giúp nên Hạ đã vượt qua được những suy nghĩ nông nổi.

Lúc sinh, được một bé trai kháu khỉnh, Hạ tưởng rằng, Dũng sẽ đến nhận con vì gia đình anh thiếu... cháu đích tôn. Theo hồ sơ, gia đình Hạ đã liên hệ với người nhà của Dũng để lên nhận mặt con.

Tuy nhiên, Dũng không đến mà chỉ “cử” em trai và đồng nghiệp tới thăm Hạ. Em trai Dũng thấy cháu giống bố như đúc đã khóc tu tu. Nhưng rút cục, tình cảm phụ tử cũng chẳng động lòng Dũng. Chính vì vậy, ông ngoại của cháu  đã quyết định cho cháu mang họ Hồ của mình.

Chị Nguyễn Thị Tâm Thuận, Phó chủ tịch thường trực Hội Phụ nữ huyện A Lưới đã nói thay phần nào nỗi khổ của những chị em phụ nữ dân tộc “rơi vào sự đã rồi”. Đó là không có chồng, các chị phải một mình lo việc nương rẫy, chăm sóc và nuôi dạy các con thậm chí phải chịu đựng cả “điều ong, tiếng ve” của những người không biết chia sẻ.

Nhiều chị, phẫn uất trước sự bạc bẽo đã tìm đến lá ngón để tự vẫn, nhiều chị bỏ cả ruộng nương để đi tìm chồng. Cuộc sống của những gia đình thiếu bố không ổn định khiến những đứa trẻ sẽ phải sống trong nghèo khó, bệnh tật và thất học. Chị Tâm Thuận hứa rằng, với số chị em này, Hội Phụ nữ huyện sẽ quan tâm hơn.

 Đặc biệt trong các hoạt động xóa đói - giảm nghèo, hoạt động tín dụng - tiết kiệm để các chị sớm ổn định cuộc sống, yên tâm nuôi dạy con cái. Tuy nhiên, nỗi đau vật chất có thể bù đắp được nhưng nỗi đau tinh thần vẫn... khó hàn gắn được.

Và thế là, trải dài trên con đường xuyên Trường Sơn, vẫn còn đó những "nàng Tô Thị" thời bình cứ mỗi chiều khi mặt trời lặn về bên kia vách núi lại ôm con, ôm hận thẫn thờ mong cha của những đứa trẻ trở về trong vô vọng.

Bóng những người thiếu phụ mòn mỏi ôm con chờ chồng lặng câm và lạnh lùng như đá núi mỗi chiều in dấu vào hoàng hôn rừng già có phải là phác họa của một nỗi đau mà xã hội cần được cảnh báo, nhất là ở những vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa - nơi đang được tiếp nhận những dự án đầu tư, những công trình giao thông - xây dựng mới ngày một nhiều?

Mai Tâm
.
.