Những bác sĩ Công an trên tuyến đầu chống dịch COVID-19

Thứ Ba, 02/03/2021, 09:25
Hơn 1 năm qua, cùng với các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) ở các đơn vị nghiệp vụ, các y, bác sĩ tại các cơ sở y tế CAND cũng đã trực tiếp tham gia cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19.


Chống dịch xuyên Tết

Kể từ khi ca bệnh COVID-19 đầu tiên của đợt dịch thứ 3 bùng phát tại Hải Dương ghi nhận vào ngày 27-1, tới nay đã tròn 1 tháng, 100% CBCS Công an tỉnh Hải Dương làm việc xuyên tết và phần lớn chưa được về nhà. Đợt dịch thứ 3 đến với Hải Dương có tốc độ lây nhiễm mạnh nhất do chủng virus mới tại Anh, dịch xảy ra trong nhà máy, nơi có hơn 2.340 công nhân làm việc, nguy cơ lây nhiễm rất lớn. Lượng F0, F1 phải truy vết của Hải Dương là con số khổng lồ, lớn hơn nhiều so với đợt dịch ở Đà Nẵng, Công an tỉnh Hải Dương đã dốc toàn lực để truy vết, các chiến sĩ đã làm việc xuyên đêm để thực hiện đúng như chỉ đạo của Thủ tướng là phải thần tốc.

Trung tá Nguyễn Thị Hương, Phó trưởng Phòng Hậu cần, Công an tỉnh Hải Dương cho biết: Bệnh xá Công an tỉnh có 18 cán bộ, nhân viên thì có 4 nam, còn lại là nữ, trong đó có 2 đồng chí đang mang thai, 1 đồng chí nghỉ sinh con, còn lại đều có con nhỏ từ 2-3 tuổi. Suốt 1 tháng qua, có gia đình cả hai vợ chồng cùng công tác trong ngành Công an đã gửi con cho ông bà nội, ngoại chăm sóc, gác lại hạnh phúc riêng tư để hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều đồng chí làm việc xuyên tết, 24/24h ứng trực mà chưa được về nhà.

Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Bộ Công an kiểm tra khu cách ly tại Bệnh viện 198.

Ngoài nhiệm vụ cấp phát trang thiết bị, vật tư chống dịch phục vụ lực lượng công an toàn tỉnh tại 30 chốt chống dịch, với hơn 300 CBCS, mỗi sáng, CBCS y tế tổ chức phun khử khuẩn tại cổng trụ sở công an tỉnh và doanh trại; đo thân nhiệt, hướng dẫn CBCS thực hiện “Thông điệp 5K”. Đồng thời phối hợp với CDC Hải Dương và Trung tâm Y tế TP Hải Dương lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Đến nay, đã phối hợp lấy được 2.000 lượt mẫu; tham mưu cho Ban Giám đốc thiết lập khu cách ly tập trung cho CBCS tại Công an tỉnh và 12 huyện, thành phố.

Khu ký túc xá của Trung tâm Huấn luyện thể thao và khu huấn luyện chiến sĩ nghĩa vụ với hơn 600 chô nghỉ được Công an tỉnh trưng dụng làm khu cách ly cho các CBCS đi làm nhiệm vụ ở các chốt kiểm soát về. Đội ngũ y tế tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ khu làm việc và doanh trại khi CBCS đi làm việc từ nơi có nguy cơ cao về. Ca có biểu hiện ho, sốt được tổ chức cách ly tại Bệnh xá Công an tỉnh và Bệnh viện Truyền nhiễm Hải Dương.

Theo Trung tá Hương, điều mừng nhất là cho đến nay, dù ở tuyến đầu chống dịch, song CBCS Công an tỉnh Hải Dương chưa ai bị lây nhiễm COVID-19. Việc chăm sóc, đảm bảo sức khỏe cho CBCS đi làm nhiệm vụ được Bệnh xá Công an tỉnh đặc biệt quan tâm, vì vậy, chưa đồng chí nào có vấn đề nặng nề về sức khỏe trong suốt quá trình tham gia chống dịch.

Lực lượng Công an căng mình chống dịch.

Đại tá Phạm Thị Lan Anh, Cục trưởng Cục Y tế, Bộ Công an cho biết, không chỉ Công an tỉnh Hải Dương, mà ở đợt dịch bùng phát thứ 3 này, 100% CBCS công an các tỉnh: Quảng Ninh, Gia Lai, TP Hồ Chí Minh được huy động vào chống dịch, 24/24h thần tốc rà soát, truy vết, ứng trực tại các chốt, cùng ngành y tế, quân đội tổ chức cách ly các F1, khẩn trương khoanh vùng, dập dịch. Khi dịch xảy ra, Cục Y tế đã kịp thời xin chỉ đạo từ lãnh đạo Bộ, xuất kho dự trữ, cấp phát 4 đợt phương tiện cá nhân phòng, chống dịch cho Công an tỉnh Hải Dương, trị giá trên 880 triệu đồng. Đồng thời có chế độ ăn uống, sinh hoạt để CBCS giữ sức khỏe. Bố trí y tế theo ca, đảm bảo quân số ứng trực, khi có đột xuất là đáp ứng yêu cầu.

Lá chắn thép trong phòng, chống dịch

Trong những kết quả về công tác phòng chống dịch COVID-19 của lực lượng CAND, có sự đóng góp không nhỏ của y tế CAND. Đại tá Phạm Thị Lan Anh cho biết, công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong lực lượng y tế CAND đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe, sức chiến đấu của CBCS CAND, giúp CBCS yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.

Lực lượng Công an và Y tế làm nhiệm vụ trước 0h ngày giãn cách xã hội toàn tỉnh Hải Dương

Để thực hiện công tác tiếp nhận, theo dõi các trường hợp nghi mắc COVID-19 khi các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn vượt quá khả năng đáp ứng, Cục Y tế đã tham mưu với lãnh đạo Bộ xây dựng kế hoạch thiết lập các cơ sở cách ly tập trung trên 3 miền Bắc, Trung, Nam với khả năng thu dung khoảng 3.500 trường hợp. Đã hoàn thiện các công tác chuẩn bị sẵn sàng đi vào hoạt động 2 cơ sở cách ly tập trung tại Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I và Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân VI với khả năng thu dung tối đa được 1.090 người.

Nhằm chia sẻ với các địa phương trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhiều cơ sở của lực lượng Công an đã được UBND các tỉnh, TP trưng dụng làm cơ sở cách ly tập trung và trở thành các địa chỉ tin cậy, trong đó có Bệnh viện Công an thành phố Hà Nội đã tiếp nhận được 774 trường hợp, Bệnh viện 199 (Đà Nẵng) đã tiếp nhận được 368 trường hợp thực hiện cách ly, trong đó có nhiều trường hợp là người nước ngoài.

Cán bộ của Bệnh viện Công an TP Hà Nội kiểm soát nghiêm ngặt khu cách ly.
Lãnh đạo Công an tỉnh Hải Dương và Y tế Công an tỉnh kiểm tra công tác phòng dịch tại TP Chí Linh.

Những ngày đầu chống dịch khan hiếm khẩu trang, Cục Y tế đã phối hợp với Cục Trang bị và Kho vận chủ động nghiên cứu, sản xuất và trang bị được trên 2 triệu khẩu trang vải kháng khuẩn, đáp ứng kịp thời yêu cầu bảo vệ sức khỏe cho CBCS. Bên cạnh đó, còn tham mưu với lãnh đạo Bộ trang cấp các trang thiết bị y tế cho khu vực điều trị cách ly bệnh nhân COVID-19 cho Bệnh viện 198, Bệnh viện 199, Bệnh viện 30-4, trang thiết bị y tế kèm theo xe cứu thương phục vụ quá trình cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân.

Bệnh viện 199 trong đợt dịch thứ 2 tại Đà Nẵng đã tiếp nhận điều trị 528 bệnh nhân từ Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Trung tâm Y tế quận Hải Châu, Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ, nhằm giảm tải cho các cơ sở y tế trên địa bàn. Bệnh viện 199 cũng là bệnh viện đầu tiên của Bộ Công an triển khai phòng xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2, đã thực hiện xét nghiệm được 4.875 mẫu xét nghiệm COVID-19, trong đó có 2.829 mẫu của CBCS công an.

Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an phân luồng riêng cho người tới khám có biểu hiện ho, sốt.
Trăn trở với những khó khăn trong thời gian tới, Cục trưởng Cục Y tế chia sẻ, cuộc chiến chống dịch COVID-19 vẫn còn phía trước, nhiệm vụ cao nhất của y tế CAND là chăm sóc sức khỏe để CBCS không mắc bệnh, đảm bảo sức khỏe cho CBCS trong khi thi hành nhiệm vụ, đặc biệt những người ở tâm dịch. Thời gian tới tiếp tục trang bị phương tiện phòng hộ cá nhân, trang phục chống dịch cho CBCS. Đồng thời phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng để chủ động tham mưu với Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an trong phối hợp với các ban, bộ, ngành tham gia công tác phòng, chống dịch của cả nước; các phương án công tác công an ứng phó với các cấp độ dịch bệnh. 
Trần Hằng
.
.