Những bao gạo biết kể chuyện

Thứ Sáu, 01/05/2020, 12:53
Những con người bần hàn, cơ cực, những con người yếu thế trong xã hội, họ sống bằng sự bảo trợ của xã hội, nay đứng trước dịch bệnh càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng về kinh tế. Sự nghèo khổ khiến cho những hộ gia đình tưởng như lâm vào bước đường cùng.


Bệnh tật hoành hành, đói ăn, thiếu mặc nhưng bên cạnh khó khăn tưởng chừng như khó có thể đứng vững được thì họ được an ủi bởi những trái tim ấm áp, yêu thương. Hàng nghìn gia đình, hàng nghìn số phận, họ như được đón những giọt nước mát lành từ suối nguồn yêu thương của cộng đồng, làng xã - đó là vẻ đẹp của tình người Việt Nam với tinh thần: “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”.

Qua cầu Nhật Tân, tạm xa trung tâm thành phố lộng lẫy với những tòa nhà cao tầng và những cửa hiệu thời thượng để đến với huyện Sóc Sơn nằm giáp phía Bắc của thành phố Hà Nội. Thời tiết năm nay vào những ngày cuối tháng 4, trời đổ mưa bất chợt, cơn giông ập đến bất ngờ. Từ tết đến giờ đã hơn 100 ngày trôi qua mà đường phố vắng lặng kì lạ, ai cũng biết đó là do đại dịch  COVID-19 đang bung ra khắp toàn cầu, đã cướp đi sinh mạng của hơn 200.000 người trên thế giới và con số này vẫn đang tăng lên mỗi ngày.

Sư thầy Thích Trí Thuần và lãnh đạo xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn.

Để đảm bảo an toàn sinh mạng cho toàn dân trước dịch bệnh, Chính phủ Việt Nam đã có lệnh giãn cách xã hội và hạn chế tụ tập đông người, điều đó đồng nghĩa với việc nhiều người lâm vào hoàn cảnh thất nghiệp, cuộc sống của người nông dân nghèo vốn dĩ đã thiếu thốn lại càng trở nên chật vật hơn bao giờ hết. Nhưng, thật may, trong “đêm tối” vẫn lóe lên những tia sáng. Chẳng phải đâu xa, vô tình đi trên con phố của Thủ đô, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những điểm phát gạo cho người nghèo. Và những nghĩa cử cao đẹp ấy đang được nhân lên ở khắp nơi trong cả nước.

8 giờ sáng UBND xã Minh Phú huyện Sóc Sơn đã thấy bà con đội nón mê, xách làn cói ngồi đợi ngoài tiền sảnh, gần ngay đấy là 1 tấn gạo đã được xếp ngay ngắn và 1 thùng khẩu trang để phát cho các hộ nghèo. Một người phụ nữ nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn đang trò chuyện cùng Đại đức Thích Trí Thuần (trụ trì chùa Đức Hậu, xã Đức Hòa, huyện Sóc Sơn - người đứng ra kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp cho 24 xã ở huyện Sóc Sơn, mỗi xã 1 tấn gạo và nhiều thùng khẩu trang), bà Vũ Thị Điệp - Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Sóc Sơn cho biết: “Trong huyện có rất nhiều gia đình nghèo và cận nghèo. Để xét hộ nghèo thì phải lấy danh sách từ dưới thôn đưa lên xã, rồi xã cử người đi thực tế đến từng hộ sau đó danh sách đấy mới đưa lên huyện. Những đợt phát quà cho hộ nghèo như thế này bao giờ cũng phải chọn những hộ có hoàn cảnh khó khăn hơn cả”.

Anh Nguyễn Văn Phong (một mình nuôi hai con nhỏ) đến nhận gạo.

Bà Phó Chủ tịch Mặt trận cho biết, có rất nhiều tiêu chí để xét hộ nghèo: Ví dụ như tổng thu nhập của gia đình có mức dưới một triệu rưỡi/tháng là xếp vào hộ nghèo. Hoặc gia đình thiếu phương tiện nghe nhìn (đài, ti vi) hoặc thiếu về nhà vệ sinh, hay thiếu phương tiện đi lại... Cộng tất cả những thiếu thốn ấy lại để tính điểm rồi các cán bộ xã, huyện xét cẩn thận. Có những hộ cận nghèo cũng được nhận quà.

Sau khi được nhận bao gạo trắng, chị Quách Thị Tâm (xã Minh Phú) rơm rớm nước mắt. Chị năm nay 35 tuổi, cuộc sống cơ hàn khiến chị già hơn tuổi thực rất nhiều. Bàn tay chai sạn, gân guốc vì lam lũ vất vả. Chị người trong xã, cũng như bao cô gái khác đến tuổi lấy chồng hi vọng được một tương lai tốt đẹp. Nào ngờ, sau khi kết hôn chị mới biết chồng chị là người nghiện rượu và vũ phu. Hằng ngày anh ta lên cơn say và mỗi lần say là anh ta lại chửi bới, gào thét, đánh đập chị không thương tiếc. Nhiều lần anh ta đánh chị đến nỗi thâm tím mặt mày, khiến chị ốm mất mấy ngày.

Vết đòn này chưa kịp khô thì tiếp vết đòn khác giáng xuống, cuộc sống địa ngục ấy cứ mãi kéo dài ngay cả khi chị sinh cho chồng hai bé gái. Một đứa sinh năm 2005 và một đứa 2007. Đòn roi mãi đến độ không chịu được, chị ra tòa li dị. Cuộc li hôn đó chị không có của nả gì ngoài tài sản là hai đứa con nhỏ. Chị dắt hai con quay trở về nhà bố mẹ đẻ.

Nhưng, căn nhà của bố mẹ đẻ bé quá, chỉ đủ để hai ông bà và vợ chồng người anh. Chị ôm hai con nước mắt như mưa, không biết nương nhờ vào đâu, đầu óc chị quay cuồng, bấn loạn. Người hàng xóm thương tình cho mượn cái chòi nhỏ lụp xụp để ba mẹ con tá túc qua ngày. Để có tiền sinh sống cho cả ba mẹ con, chị không nề hà bất cứ công việc gì từ đồng nát, phụ hồ, thợ xây...

Thu nhập thất thường chẳng đáng là bao khiến cuộc sống chật vật lại thêm đại dịch COVID-19 khiến gia cảnh của ba mẹ con càng túng quẫn. May thay, nhờ chính sách nhân đạo của Nhà nước và sự tài trợ của các nhà hảo tâm, ba mẹ con chị mới có gạo để ăn trong lúc này.

Chị Dương Thị Phương Lan (40 tuổi, ở xã Minh Phú) chống nạng đến xã để kí nhận gạo, lát sẽ có người của thôn trở gạo về cho chị. Sau vụ tai nạn giao thông khủng khiếp cách đây nhiều năm, chị vĩnh viễn không còn thể đi lại bình thường được nữa, chị thành người khuyết tật.

Chồng chị, khi thấy vợ mình không còn sức khỏe để lao động, anh ta ra đi không một lời từ biệt, để lại cho chị một con nhỏ. Từ đó, chị sống với đôi nạng là vật bất li thân và phải nuôi con. Với người lao động thuần túy, lành lặn chân tay, để kiếm miếng ăn cho qua ngày đã khó nay với người khuyết tật như chị lại càng khó khăn hơn gấp bội. 

Gạo được chia tận tay người nghèo ở xã Nam Sơn.

Gần đấy có một người đàn ông gầy gò, khắc khổ, anh là Nguyễn Văn Phong ở thôn Thanh Sơn, xã Minh Phú. Hai vợ chồng sống với nhau không tìm được tiếng nói chung, cuộc sống cơ hàn khiến cho những xung đột ngày càng nhiều. Cách đây hơn một năm, vợ anh bỏ tất cả quần áo của chị vào túi rồi ra đi, để lại cho anh hai đứa con. Anh gà trống nuôi con nhưng vốn không có, lại chẳng tinh thông một nghề gì nên chỉ làm thuê làm mướn. Nhưng, hiềm nỗi anh sức khỏe yếu nên cứ trái nắng trở trời lại ốm.

Đi khám, bác sĩ kết luận anh bị suy giảm hệ thần kinh trung ương. Sức khỏe như vậy sao làm được việc nặng mà việc nhẹ thì cũng chẳng việc nào kiếm ra tiền. Đã nghèo lại thêm bệnh khiến gia đình ba bố con lâm vào cảnh đói ăn, thiếu mặc. Những chuyến từ thiện ấm áp tình người này như ngọn lửa nhỏ sưởi ấm trái tim của những người dân quê như anh.

Đúng là cuộc sống bần hàn, cơ cực của những người dân quê không chừa một ai, Nguyễn Văn Thuận sinh năm 1991 lấy vợ bằng tuổi cùng xã. Sau khi sống với nhau, hai vợ chồng sinh một cậu bé trai bụ bẫm vào năm 2013. Chồng thợ xây, vợ phụ hồ, cuộc sống chẳng khấm khá gì nhưng cả hai đều đồng lòng, đồng sức. Bữa cơm gia đình chỉ bát canh rau mồng tơi trồng ở vườn và quả cà muối, họ vẫn hạnh phúc mỗi khi thấy con thơ vui cười.

Vậy mà tai họa bỗng dưng giáng xuống. Đứa bé trai đang khỏe mạnh bỗng dưng đau khắp người. Hai vợ chồng đưa con đi khám, bác sĩ kết luận bị ung thư máu. Việc chữa bệnh cho con khiến hai vợ chồng lâm vào cảnh khánh kiệt. Vợ phải bỏ làm chăm con những ngày dài ở bệnh viện, chồng đi thợ xây cũng không đủ tiền ăn uống, thuốc thang cho con, giờ mùa đại dịch, các công trình lại hoãn nên hai vợ chồng đã trắng tay lại càng tay trắng. Nhiều tháng nay, ngày cũng như đêm, trời nắng cũng như trời mưa, hai vợ chồng tưởng như đã khóc cạn kiệt nước mắt. Và, như hôm nay, một chút sẻ chia, một chút ấm lòng nghĩa tình của những con người trải trái tim yêu thương.

Ấm áp nghĩa tình mùa đại dịch Covid-19.

Một người phụ nữ dùng khăn chống nắng trùm kín đầu, che kín mặt, hở duy nhất hai con mắt. Tuy không nhìn thấy khuôn mặt của chị nhưng qua dáng hình đã thấy ngay đây là người khắc khổ. Dường như nỗi đau nào đó đã khiến cho chị càng thêm kiệt quệ, cơ thể rệu rã như bộ xương khô. Chị Ngô Thị Oanh, cán bộ phòng công tác thương binh - xã hội của xã Minh Phú chia sẻ, người phụ nữ này phải một mình nuôi 3 con, đứa lớn nhất lên 10 tuổi, đứa nhỏ nhất lên 5 tuổi.

Sau khi sinh đứa con thứ ba được chưa đầy một tháng thì người chồng đột ngột qua đời. Người vợ phải gắng gượng nuôi con. Cũng giống như bao người làm thuê khác, công việc phập phù bấp bênh mùa COVID khiến cho gia cảnh vốn đã nghèo nay lại càng thêm cùng kiệt.

Một người đàn ông gầy xác xơ như tàu chuối già sau bão, cơ thể xanh xao vàng vọt khiến người tiếp xúc phải ái ngại. Chị Oanh, người đã đi sâu sát từng hộ gia đình bảo với tôi: Con gái ông 35 tuổi bị suy thận. Để giúp con gái sống được nên cách đây hơn một năm ông vừa phải cắt một quả thận để cho con gái duy trì mạng sống.

Chị Oanh buồn rầu bảo: “Còn nhiều lắm những hoàn cảnh khó khăn trên mảnh đất Sóc Sơn này, một mẹ già mà nuôi một con mắc bệnh thần kinh chậm phát triển thì chẳng bao giờ thoát nghèo được”.

Những người dân nghèo được thông báo sáng nay lên UBND xã để được nhận gạo, họ đã thấp thỏm từ đêm hôm trước, lòng ai nấy đều hồ hởi, phấn chấn.

Ông Đỗ Mạnh Hùng - Bí thư xã Minh Phú nhận định: Trong bối cảnh hiện nay, khắp nơi trên thế giới, cả Việt Nam đều đang gặp khó khăn về nguồn lực tài chính và thật may là chúng ta rất đồng lòng, đồng sức phòng chống dịch COVID-19.  Những khó khăn thì rất nhiều, nhiều người lâm vào cảnh thất nghiệp và đời sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trên tinh thần lá lành đùm lá rách, chia sẻ yêu thương với những hoàn cảnh khó khăn, những chuyến từ thiện như thế này là một chương trình vô cùng thiết thực, ý nghĩa.

Trong hoàn cảnh khó khăn, những món quà này sẽ đem lại sự khích lệ rất lớn, giải quyết được phần nào khó khăn cho người dân địa phương và qua đó cũng thấy được trách nhiệm của cá nhân mỗi người trong công tác phòng, chống bệnh. Đồng chí lãnh đạo xã Minh Phú khẳng định: Những món quà này sẽ đến được đúng những hoàn cảnh thực sự là khó khăn.

Chia tay UBND xã Minh Phú, đoàn từ thiện tặng gạo của sư thầy Thích Trí Thuần tiếp tục rong ruổi hành trình đến các xã khác trong địa bàn huyện Sóc Sơn. Điểm tiếp đến là xã Nam Sơn, cơn mưa giông bất chợt dội xuống, cơn mưa rừng dữ dội tung bọt trắng đường nhưng dường như không ngăn được sự quyết tâm, chung lòng góp sức của những con người mang trái tim ấm áp, yêu thương.

Trần Mỹ Hiền
.
.