Những chiếc lá đu đủ nuôi hy vọng

Thứ Hai, 25/04/2016, 17:20
Người ta bước sang tuổi 60 thì sống trong ấm êm, hạnh phúc với con cháu đề huề. Nhưng với người đàn bà ngồi thẫn thờ bên miệng cống lối vào Khu B Bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh, bà đón tuổi xế chiều với những kết luận y khoa hãi hùng: Tiểu đường tuýp II, lao phổi, u phổi, ung thư cổ tử cung…

Nghèo mà mắc đủ chứng bệnh nan y, bà có mấy bận trốn viện và định tự sát! không có điều kiện chữa trị, bà nuôi hy vọng bằng những chiếc lá đu đủ. Thế nhưng...

Mới 5h sáng mà Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh đông nghẹt người. Sau cơn ho như muốn xé nát lồng ngực, bệnh nhân Nguyễn Thị Kiêu, năm nay 62 tuổi, ngụ Châu Đốc, An Giang, bần thần nhìn một số bệnh nhân K, người bị đoạn chi, đoạn nhũ với mái đầu trắng hếu gầy guộc, xanh như tàu lá vì tác dụng phụ của hóa chất: “Mấy người như vầy, là họ đã được điều trị rồi. Còn cô, phẫu thuật chưa, hóa xạ trị chưa, mọi chuyện còn ở phía trước”.

Sáng sớm, sau đêm dài trằn trọc và thức trắng vì đau đớn và sợ hãi, bà Kiêu bắt đầu câu chuyện “vì sao tôi bị K” bằng tâm tình não nề như thế. Bà nói, nếu “hồi đó” bà đừng trốn bệnh viện về uống lá đu đủ thì biết đâu giờ đây bà đang sum vầy cùng cháu con? Rồi bà đúc kết chuyện đời mình với nỗi niềm cay đắng: “Cùng đường nên ai chỉ gì làm nấy, càng làm càng cùng đường. Giờ sống không bằng chết!”.

Phải chi má đừng… trốn viện

2 ngày trước thời điểm tôi gặp bà Kiêu tại Bệnh viện Ung bướu, thì là lúc Bộ Y tế tổ chức Hội thảo tiếp cận điều trị ung thư hiệu quả và đáp ứng khả năng chi trả. Tại hội thảo, nhiều con số ai nghe cũng phải rùng mình. Tình trạng người Việt bị ung thư đang gia tăng nhanh chóng với 125.000 ca mắc mới và 95.000 ca tử vong mỗi năm. Tại một số cơ sở điều trị ung bướu tuyến Trung ương, mỗi năm phát hiện 5.000-5.500 bệnh nhân, phần lớn bệnh nhân khám và điều trị ở giai đoạn muộn.

Bà Kiêu là một trong số đó, nghĩa là bà đến Bệnh viện Ung bướu trong giai đoạn muộn với chứng bệnh ung thư cổ tử cung di căn. “Lúc đầu má có vấn đề ở vùng dưới, má cứ ra nước dịch hoài, nhưng má giấu vì má sợ đi bệnh viện tốn tiền. Mấy anh chị em biết được, mỗi người gom góp một ít đưa má lên bệnh viện tỉnh khám, rồi từ đó lên thẳng Bệnh viện Từ Dũ.

Trong thời gian chờ đợi làm  các thủ tục xét nghiệm, má sợ có tìm ra bệnh thì cũng chẳng có tiền mà chữa vì nghe nói tốn kém lắm, vậy là má… trốn viện. Lẽ ra hồi đó má theo điều trị tại Từ Dũ chứ không bỏ về uống thuốc Nam, biết đâu chuyện giờ đã đỡ hơn nhiều rồi. Chung quy cũng tại cái nghèo mà ra” Người con gái bà Kiêu tâm sự.

Bà Kiêu với những kết quả xét nghiệm.

“Đời má nghèo, các con cũng nghèo, nên má sợ làm phiền các con. Vì nghèo, và vì chẳng nghĩ đến lúc đổ bệnh nên má chẳng mua bảo hiểm y tế. Khi bệnh, sợ tốn tiền nên má chịu đựng, chịu không nổi thì mới đến bệnh viện. Đến rồi cũng vì sợ tiền viện phí nên má cứ nằng nặc đòi về uống thuốc Nam… Giờ má bị ung thư di căn vầy, mới biết nếu là ung thư giai đọan đầu thì khả năng chữa trị thành công cao, ít tốn kém”.

Bà Kiêu tên đầy đủ là Nguyễn Thị Kiêu, 62 tuổi, ngụ thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Các phiếu kết quả xét nghiệm của Bệnh viện Nhân dân Gia Định trong các ngày 12 và 14 tháng 4 này ghi rõ bà bị các chứng bệnh: Đái tháo đường tuýp 2, lao phổi, u phổi, ung thư cổ tử cung. “Má còn bị nhiều chứng khác như gai cột sống, thoái hóa khớp gối, rối loạn tiền đình… Má càng lúc càng yếu, đi khoảng chục bước chân đã không đủ sức” – người con gái bà Kiêu, nhìn mẹ, nói trong nước mắt!

Khổ tận cam lai

Bị ung thư tử cung, lại mang trong mình căn bệnh lao phổi, u phổi mà phải ngủ trên nền đất lạnh giá đúng cái cảnh màn trời chiếu đất, nên tình trạng sức khỏe của bà Kiêu vốn đã thảm thương, càng thêm thê thảm. Cứ vài phút, bà lại ôm ngực ho sù sụ, tiếng bà ho, tiếng bà lấy hơi để thở nghe rin rít như con tàu đang lao nhanh về phía trước bị thắng gấp: “Cô là bệnh nhân được điều trị ngoại trú, nên không có chỉ tiêu nằm trong các khoa phòng. Thời gian chờ đợi làm xét nghiệm rồi tiến hành phẫu thuật, hóa xạ trị rất lâu, mỗi lần về thì mệt mỏi, tốn kém nên…”.

Trong hơi thở nặng nhọc, bà Kiêu trò chuyện với đôi mắt đỏ hoe. Bà nói, nếu có tiền, mẹ con bà đã đi thuê phòng trọ đặng được ngủ an lành hơn, đảm bảo sức khỏe hơn. Bà trải lòng: “Trên này, cựa là tốn tiền, tiết kiệm được đồng nào hay đồng nấy”.

Nếu thuê giường trong các khu nhà trọ quanh Bệnh viện Ung bướu, một đêm 2 mẹ con bà Kiêu phải tốn 30.000 đồng mỗi người. Thương mẹ đã đau bệnh còn phải nằm trên nền đất lạnh, người con gái nằng nặc đòi nhường suất giường phòng trọ cho mẹ, để tiết kiệm 30.000 đồng. Chị nhẩm tính: Một ngày ba chục, mười ngày ba trăm, tính ra một tháng cũng tiết kiệm được gần một triệu”.

Với rất nhiều người, 1 triệu đồng chỉ là bạc lẻ, lắm khi chẳng đủ cho một bữa ăn ngon, nhưng với mẹ con bà Kiêu, chỉ 30.000 đồng thôi, vậy mà cả hai mẹ con tính toán đến mệt mỏi. Tính đi tính lại, cuối cùng, bà Kiêu quyết định nằm lại bệnh viện với con, trước tiết kiệm được tiền, sau bà sợ cái cảnh lẻ loi đêm hôm một mình ở nơi xa lạ...

Một góc Bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh.

Lúc trò chuyện, bà Kiêu vịn con đứng dậy thì vô tình quơ tay vào vách tường khiến chiếc vòng đeo tay bằng cẩm thạch có khảm vàng va vào tường, may mà không gãy. Sau cú đó, nhìn bà mừng, rồi nghe bà nói về lai lịch chiếc vòng, chợt thấy đau đớn, xót xa. Bà Kiêu cho biết, chiếc vòng đeo tay kia là kỷ vật của bà ngoại sau khi mất truyền cho mẹ của bà, mẹ bà trước khi lâm chung để lại cho bà và nếu không có chuyện đổ bệnh xảy ra, bà sẽ để lại cho 1 trong 4 người con: “Nhưng cô bệnh vầy, nghe nói mổ xẻ chữa ung thư tốn kém lắm. Nên không chỉ vay người ta 3 triệu đồng, cô mang theo cái vòng này, cần tiền thì... bán!”.

Với tiền vay 3 triệu đồng, mỗi ngày, bà Kiêu phải trả cho người ta “30.000 đồng tiền lãi”.  Bà giải thích tiết kiệm tiền ngủ giường trọ 1 đêm, là để dành trả tiền lãi cho người ta. Chuyện bà vay tiền, có nguy cơ bán chiếc vòng kỷ vật trải 5 đời lấy tiền chữa bệnh, ai biết chuyện cũng chạnh lòng. Điều này, gợi cho tôi nhớ đến con số “22% bệnh nhân ung thư phải bán tài sản” được công bố tại Hội thảo tiếp cận điều trị ung thư hiệu quả và đáp ứng khả năng chi trả.

Theo đó, kết quả nghiên cứu tại 3 cơ sở điều trị ung thư lớn nhất nước gồm Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K và Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh, cho thấy rào cản lớn nhất trong tiếp cận thuốc với bệnh nhân ung thư là chi phí điều trị quá tốn kém: Chi phí cho lần nhập viện đầu tiên từ 7 đến 35 triệu đồng, sau 12 tháng điều trị, 24% bệnh nhân tử vong. Số bệnh nhân còn lại, có gần 67% phải đi vay tiền chữa bệnh, 38% người bệnh không thể mua thuốc, 22% bệnh nhân phải bán tài sản...

Nuôi hy vọng và… lá đu đủ

Trở lại hành trình phát bệnh và rời An Giang lên Sài Gòn điều trị bệnh của bà Kiêu. Bà cho biết, khoảng tháng 8-2015, sau khi tình trạng vùng kín cứ ra dịch trắng, khi được đưa đến Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh), nghe nói phải làm một loạt các biện pháp xét nghiệm, sinh thiết mất rất nhiều thời gian và tốn kém, thấy sức mình không kham nổi, bà Kiêu trốn bệnh viện về quê.

Bà nói: “Phải chi có bảo hiểm y tế thì còn đỡ. Đằng này, cô cũng thuộc dạng nghèo khó, nhưng không có sổ hộ nghèo, thành ra đâu có được miễn giảm gì? Mà tiền xe đi lên đi xuống còn phải gom góp mỗi người thân một ít, lấy đâu ra chi phí mà chữa trị bây giờ. Nghĩ vậy, nên cô về uống thuốc Nam”.

Bài thuốc Nam mà bà Kiêu nghe ở những người bệnh khác là uống... lá đu đủ. Một số người bệnh cũng có hoàn cảnh tương tự, biết khó theo nổi bệnh viện, nên quyết định về uống lá đu đủ. Có lúc bà uống lá tươi, lúc uống lá khô. Ban đầu uống vô có kết quả. Không ra dịch trắng nữa… Kéo dài được 5 tháng, ngưng, thì sau đó, nó ra máu…

Thấy mẹ ngày càng suy kiệt và hay ra máu, các con bà Kiêu vội vã gom góp vay mượn đưa bà lên thẳng Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh. Tại đây, bác sĩ điều trị cho bà tiến hành làm các xét nghiệm thì nói như mẹ con bà, “lòi ra một đống bệnh, toàn bệnh nan y, ác tính”...

Nhân thể nói về chuyện dùng lá đu đủ chữa bệnh ung thư của bà Kiêu và nhiều người. Cần nói rõ rằng lâu nay, dư luận râm ran chuyện lá đu đủ chữa được ung thư, vậy thực hư chuyện này như thế nào?

Thầy thuốc Nguyễn Trọng Bá, tỉnh Đồng Nai cho biết, công dụng của cây đủ đủ rất phong phú, đa dạng. Quả chín là món ăn bổ dưỡng, giúp tiêu hóa các chất thịt, albumin. Quả xanh được dùng trong những trường hợp bệnh lý liên quan đến dạ dày, tuyến tụy, viêm dạ dày mạn tính, viêm dạ dày ruột non ở trẻ em. Hạt đu đủ dùng làm thuốc trị giun, rễ dùng trị sốt rét và làm thuốc lợi tiểu.

Về tác dụng chữa ung thu của lá đu đủ, đến nay, vẫn chưa có công trình nghiên cứu chính thống của ngành y tế, để đưa ra khuyến cáo cho người bệnh nên hay không nên dùng. Và nếu dùng thì dùng lá tươi hay khô, liều lượng bao nhiêu, dùng bao lâu để có kết quả?

Lá đu đủ Được đề cập trong Từ điển cây thuốc Việt Nam.

Từ điển Cây thuốc Việt Nam (NXB Y học - Võ Văn Chi), phần Đơn thuốc có ghi rõ công thức chữa ung thư, ung thư vú, của đu đủ. Nguyên văn như sau: “Chữa ung thư, ung thư vú: hái lá lẫn cuống đu đủ để tươi, cho vào nồi, thêm nước nấu sôi, để nguội, chiết nước đặc uống, cũng có thể nấu thành nước cô lại. Uống 3 lần mỗi ngày, mỗi lần 1 chén to (300ml). Ngoài ra uống thêm 3 muỗng cà phê mật mía trong ngày, mỗi lần 1 muỗng… Tuy nước lá đu đủ đắng, nhưng cần uống liên tục 15-20 ngày mới có kết quả”.

Từ cơ sở trên cho thấy, phủ nhận việc dùng lá đu đủ chữa ung thư, đặc biệt là chứng ung thư vú ngay lập tức e là hơi vội vàng. Tuy nhiên, lá đu đủ không phải là thuốc tiên có thể chữa mọi chứng ung thư như nhiều người loan truyền, hoặc lầm nghĩ. Và cũng cần lưu ý rằng, với tình trạng bệnh nhân suy kiệt, nhiều trường hợp người bệnh sau khi uống lá đu đủ vẫn tử vong, vì chúng ta chỉ biết một số rất ít trường hợp được cho là hết ung thư sau khi dùng lá đu đủ, nhưng nhiều người chết sau khi cũng dùng lá đu đủ thì không mấy ai nhắc đến.

Cuộc chiến chống các chứng bệnh nan y của bà Kiêu đang còn ở phía trước. Hiện tại, do bà mắc thêm chứng lao phổi, nên bà được bác sĩ điều trị cho xuất viện về quê điều trị lao theo chương trình Phòng chống lao quốc gia: “Sau 1 tháng, má mới tới bệnh viện tái khám, nếu sức khỏe má tốt, bác sĩ sẽ phẫu thuật rồi cho vô hóa chất… Nghe viện phí khiếp quá nên má lo, má tính đến chuyện bỏ bệnh viện, ở nhà tiếp tục uống lá đu đủ” - người con gái của bà Kiêu, trò chuyện với nỗi buồn vô hạn!

N.T.D.
.
.