Những chiến sĩ Công an trong bộ blouse trắng

Thứ Sáu, 14/08/2020, 20:01
Sau một thời gian vắng bóng trong cộng đồng, “cơn bão” COVID-19 lại tràn về. Sự lo lắng thường trực trên khuôn mặt nhiều người. Nhiều gia đình chỉ sau một đêm đã phải “tạm trú” tại khu cách ly tập trung vì nguy cơ lây, nhiễm bệnh cận kề khi người thân mắc bệnh. Dịch COVID-19 không chừa một ai.

Cùng với các ngành, các cấp, lực lượng CAND trong thời gian qua luôn nỗ lực “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Các nhân viên y tế Bệnh viện Công an TP Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm cho người cách ly tập trung.

Đêm ở khu cách ly

Bệnh viện Công an thành phố Hà Nội nằm bên con phố nhỏ trong Khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông (Hà Nội). Đây là một trong những điểm cách ly tập trung các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc COVID-19 hoặc trở về từ vùng dịch. Có đến đây - vào thời điểm khi lực lượng Công an nói chung và ngành y tế CAND nói riêng đang căng mình cùng các đơn vị chức năng phòng, chống dịch COVID-19 - mới cảm nhận được sự khẩn trương, vất vả của đội ngũ điều dưỡng, bác sĩ, những cán bộ chiến sĩ CAND khoác trên mình chiếc áo blouse trắng.

19h ngày 8-8, chiếc xe chuyên dụng chở các trường hợp F1 đi cách ly tập trung có mặt trước cổng bệnh viện. Nhân viên bảo vệ của bệnh viện vận đồ bảo hộ y tế tận tình hướng dẫn đoàn đi cách ly vào khu tiếp nhận theo quy định nghiêm ngặt về phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế. Chưa đầy 5 phút sau, chiếc xe cùng toàn bộ tư trang, hành lý của "các vị khách đặc biệt” được nhân viên bệnh viện phun khử trùng.

“Các anh yên tâm, thuốc khử trùng sẽ không làm ảnh hưởng đến các thiết bị, máy tính bên trong ba lô các anh đâu!”, anh nhân viên vừa phun khử trùng vừa trấn an người đi cách ly.

Không khí trò chuyện cởi mở bất giác khiến tâm trạng lo lắng của các trường hợp F1 lần đầu được đưa vào cách ly nơi đây tan biến. Khu cách ly tập trung của Bệnh viện Công an thành phố Hà Nội là một ngôi nhà cao tầng, được thiết kế chuyên biệt, với nhiều hệ thống vách ngăn biệt lập với khu điều trị các bệnh nhận thông thường. Tầng 4, 5 và 6 của tòa nhà Bệnh viện - khu cách ly thoảng mùi thuốc khử trùng, khử khuẩn. Chúng tôi có cảm giác bình an.

Dù đã được nghe nhiều về công tác chuẩn bị, tiếp nhận các trường hợp cách ly liên quan đến tiếp xúc gần với ca bệnh COVID-19 từ đợt dịch đầu năm ở đây, song khi đặt chân lên đây, anh N.X cùng đồng nghiệp thuộc diện F1 khá ngạc nhiên trước việc bố trí lối đi riêng, hệ thống phòng ngủ sạch sẽ, thoáng mát với đầy đủ tiện nghi, dụng cụ cá nhân, công trình phụ khép kín - nơi sẽ theo dõi sức khỏe cho chúng tôi trong những ngày tới.

Người cách ly tập trung nhận đồ từ người nhà gửi vào.

20h30 phút, Đại úy Dương Thanh Loan - điều dưỡng Khoa Nội tổng hợp cùng nhân viên bộ phận hậu cần phụ trách khu cách ly lục tục đem khẩu phần ăn tối gồm mỳ ăn liền và sữa gửi tới các trường hợp mới đến. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Giám đốc Bệnh viện về việc chủ động đón, tiếp nhận các trường hợp cách ly tập trung liên quan đến dịch COVID-19, bất luận vào thời điểm nào, hễ có trường hợp vào cách ly tập trung, các kíp trực luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, với tinh thần “tất cả vì công tác phòng, chống dịch COVID-19”.

Trò chuyện với các bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Công an thành phố Hà Nội, chúng tôi được biết, với các trường hợp mới vào cách ly tập trung, Bệnh viện sẽ hướng dẫn cụ thể các biện pháp cách ly, theo dõi sức khỏe nhằm phòng, chống lây lan bệnh dịch như: thường xuyên vệ sinh cá nhân, sát khuẩn tay, súc miệng nước muối, không ra khỏi khu cách ly, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang... theo hướng dẫn của bác sĩ, điều dưỡng v.v... Có lẽ chính bởi sự hướng dẫn tỉ mỉ của các chiến sĩ công an khoác áo blouse trắng nơi đây, mà các trường hợp vào đây cách ly đều thấy an tâm hơn.

Những shipper tận tình

Ghi nhận ở nơi cách ly tập trung của Bệnh viện Công an thành phố Hà Nội mới thấy được phần nào khó khăn, vất vả và cả những tình cảm chân thành của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng nơi đây - những người luôn làm việc với cường độ cao, túc trực 24/24h trong môi trường tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm.

Do không có cầu thang máy nên hằng ngày, các kíp trực tại khu cách ly đều lên, xuống tầng 4,5,6 tòa nhà bằng cầu thang bộ vài chục lượt. Chị Võ Thị Minh Nga, nhân viên tổ hậu cầu tại khu cách ly tập trung - người đã gắn bó với công việc khử khuẩn, chăm sóc, theo dõi các trường hợp cách ly từ thời điểm dịch COVID-19 mới bùng phát ở nước ta chia sẻ, bản thân chị và các đồng nghiệp trong thời gian qua còn kiêm thêm nghề “shipper” (người vận chuyển).

Theo quy định, người cách ly tập trung không được ra khỏi khu vực cách ly, tiếp xúc với người bên ngoài, thậm chí cả thành viên tổ bếp cũng không được tiếp xúc với người cách ly. Hằng ngày, vào các khung giờ cố định, chị Nga cùng các thành viên trong tổ hậu cần thay phiên nhau vận chuyển hàng trăm suất cơm (3 bữa) cùng các vật dụng, đồ ăn thức uống của người nhà gửi cho những trường hợp đang cách ly tập trung tại đây. Và tất nhiên, con đường vận chuyển duy nhất của các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế nơi đây không gì khác là cầu thang bộ.

“Dẫu có vất vả nhưng sau mỗi lần đón nhận những lời cảm ơn chân thành từ các trường hợp cách ly, mình cũng như anh chị em trong kíp trực đều thấy vui!", chị Võ Thị Minh Nga bảo vậy.

Công việc hằng ngày của các nhân viên y tế trong khu cách ly.

Anh N.X đang cách ly ở đây tâm sự: “Mở cửa ra thấy chị An (chị Nguyễn Thu An - thành viên tổ hậu cần) bê thùng đựng vật dụng, trái cây do người nhà gửi cho, thấy chị không những không tỏ vẻ mệt mỏi mà còn hồ hởi thăm hỏi sức khỏe mình và anh bạn cùng phòng. Mình thấy xúc động!”.

Không riêng gì anh N.X, khi được hỏi về thái độ phục vụ của các y, bác sĩ, những shipper bất đắc dĩ nơi đây, những người hiện đang được cách ly tập trung ở bệnh viện đều bày tỏ sự cảm động. Tình người, tình đồng chí thăng hoa, lấn át cảm giác lo lắng khi nguy cơ lây lan đại dịch COVID-19 luôn hiện hữu.

Đại úy Dương Thanh Loan bảo rằng, sau thời điểm Bệnh viện Công an thành phố được chọn làm điểm cách ly y tế tập trung, công việc của mỗi bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên trong đơn vị có phần vất vả hơn thường ngày. Sáng đến sớm, trưa ngủ ít, ca trực tăng thêm. Song, không vì thế mà lơ là nhiệm vụ.

Dẫu không nói ra, song mọi người đến khu cách ly này cũng đều có cảm nhận, những ngày qua, khi dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế nơi đây đã tạm gác việc nhà, hạn chế tiếp xúc gần với người thân, bè bạn trong suốt thời gian tăng cường tham gia phòng, chống dịch. Và đó là sự hy sinh thầm lặng. 

Nỗ lực không để dịch lan rộng  

Khu cách ly tập trung của Bệnh viện Công an thành phố Hà Nội hiện có 44 phòng với đầy đủ tiện nghi. Số trường hợp F1 - có tiểu sử tiếp xúc gần với ca bệnh hoặc trở về từ vùng dịch COVID-19 đang được theo dõi sức khỏe là 107 trường hợp. Với phương châm “Lương y như từ mẫu”, tận tình, vì người dân phục vụ, hằng ngày theo sự phân công của Ban Giám đốc Bệnh viện, các bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên tổ hậu cần phụ trách khu vực cách ly ra vào khu vực cách ly đều đặn làm nhiệm vụ theo dõi sức khỏe, đo nhiệt độ, đưa đồ ăn thức uống, vệ sinh, phun khử khuẩn, vệ sinh phòng ở, hành lang khu cách ly.

Trung úy, bác sĩ Nguyễn Văn Nam - Khoa Nội tổng hợp chia sẻ, từ khi được giao nhiệm vụ theo dõi khu cách ly, công việc của các bác sĩ, điều dưỡng trong Khoa thêm bận rộn hơn. Mỗi ngày 2 lần, tổ chuyên môn đảm nhận công việc theo dõi sức khỏe người cách ly, phòng ngừa lây nhiễm chéo cũng như cập nhật diễn tiến sức khỏe những người cách ly.

Đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường như sốt, ho, khó thở... sẽ được các bác sĩ, điều dưỡng trong đơn vị trực tiếp phối hợp với đơn vị chức năng chuyển đến các cơ sở y tế chuyên sâu xét nghiệm, điều trị bệnh theo đúng quy trình cách ly y tế.

Công việc hằng ngày của các nhân viên y tế trong khu cách ly.

Để đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh, các bác sĩ, điều dưỡng trước khi vào khu vực cách ly đều mặc đồ bảo hộ y tế, đeo mặt nạ phòng khuẩn. Đại úy Dương Thanh Loan cho biết, trong quá trình theo dõi, một số trường hợp cách ly xuất hiện những triệu chứng bệnh đòi hỏi các y, bác sĩ theo dõi thăm khám, kê đơn - mang thuốc đến cho bệnh nhân, thậm chí còn tức tốc đưa người cách ly đi cấp cứu.

“Đợt dịch trước, trong số các trường hợp từ Trung Quốc về nước phải cách ly tập trung, có một bạn đang mang thai 4 tuần. Hôm ấy, bạn đó đau bụng dữ dội, có nhiều biểu hiện bị động thai... Nhờ thăm khám, điều trị kịp thời, bạn ấy cùng thai nhi không bị làm sao; đồng thời được đưa trở lại khu cách ly một cách an toàn...”, Đại úy Dương Thanh Loan nhớ lại.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Công an thành phố Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND, Ban Giám đốc Công an thành phố, Bệnh viện đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, trang phục bảo hộ và đội ngũ nhân lực đáp ứng cho việc tiếp nhận, theo dõi sức khỏe đối với các trường hợp cách ly tập trung theo quy định của Bộ Y tế.

Đáng chú ý, nhằm chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, Bệnh viện đã tập huấn về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới cho đội ngũ điều dưỡng, bác sĩ, nhân viên làm việc tại bệnh viện; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người dân, người đi cách ly không hoang mang, lo lắng quá mức; đồng thời hợp tác đối với đội ngũ cán bộ y tế trong quá trình theo dõi, phòng, chống dịch bệnh.

Các bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Công an TP Hà Nội để lại ấn tượng đẹp cho mọi người sau thời gian cách ly tập trung.

“Chúng tôi luôn nỗ lực, tạo môi trường cách ly thân thiện, giúp người đi cách ly an tâm, qua đó góp phần cùng ngành y tế CAND nói riêng và các cấp, các ngành đẩy lùi đại dịch COVID-19”, Trung tá Nguyễn Thị Thu Hiền chia sẻ.

Ngày 8-8-2020, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Chỉ thị số 04-CT/ĐUCA, theo đó yêu cầu lực lượng Y tế CAND chủ động mọi biện pháp để đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng, có phương án cụ thể, phù hợp trong các tình huống có tác động của dịch bệnh đến các địa bàn, các địa phương, đơn vị và các khu vực đóng quân của lực lượng CAND, làm tốt công tác bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng, nhất là các địa bàn trọng điểm, địa bàn có dịch bệnh v.v...
Trần Em
.
.