Những chuyến bắt truy nã xuyên quốc gia của Cảnh sát trại giam

Thứ Sáu, 27/02/2015, 20:45
Họ là các cán bộ, chiến sĩ Phòng Công tác truy nã và khai thác phạm nhân, trại viên, Cục Quản lý Phạm nhân, trại viên (Tổng cục Thi hành án Hình sự và Hỗ trợ tư pháp - THAHS và HTTP). Năm năm qua, họ đã bắt hơn 200 phạm nhân bỏ trốn khỏi nơi giam giữ, trong số ấy nhiều kẻ thuộc loại đặc biệt nguy hiểm.…

1. Bây giờ, đã 5 tháng sau chuyến lặn lội sang Lào bắt giữ đối tượng Chư A Sùng, ngồi nói chuyện với chúng tôi trong một buổi chiều đầu năm, Thiếu tá Cao Ngọc Diện, quyền Trưởng phòng Công tác truy nã và khai thác phạm nhân, trại viên, bảo rằng đó là một chuyên án đáng nhớ trong 5 năm làm "nghề" bắt nã của anh, bởi các anh đã phải mất gần một tháng trời trong rừng Lào mới bắt được kẻ trốn trại.

Đầu tháng 7/2014, Cục Quản lý phạm nhân, trại viên giao nhiệm vụ cho tổ công tác gồm Thiếu tá Cao Ngọc Diện và Thượng úy Nguyễn Hồng Giang lên Điện Biên phối hợp với Ban chuyên án của trại giam Nà Tấu truy bắt phạm nhân Chư A Sùng, kẻ trước đó hơn 4 tháng đã bỏ trốn khi đi lao động.

Chư A Sùng sinh năm 1970 tại bản Xa Vua A, xã Phình Giàng, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, bị bắt ngày 25/4/2013 vì tội mua bán trái phép chất ma túy, án phạt 15 năm tù, nhập trại ngày 2/10/2013. Khoảng 7 giờ 30 phút ngày 10/3/2014, Chư A Sùng được cán bộ Đội phạm nhân số 31 Trại giam Nà Tấu cử đi lao động cùng 10 phạm nhân khác ở khu chăn nuôi nằm dưới khe núi có nhiều bụi cây rậm rạp che khuất tầm quan sát. Lợi dụng sự chủ quan, mất cảnh giác của cán bộ, không giám sát chặt chẽ, Sùng đã chạy trốn vào rừng trong khi đang lao động. 

Sau khi việc truy bắt nóng theo phương án không đạt kết quả, Trại giam Nà Tấu lập chuyên án truy bắt. Nhưng, sau khi trốn thoát, Sùng rất cảnh giác, xảo quyệt, lại được gia đình bao che, giúp đỡ nên lực lượng ban chuyên án nhiều lần vây bắt đều không đạt kết quả.

Lên Điện Biên, tổ công tác tiến hành nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, các mối quan hệ gia đình, xã hội của Sùng và các đối tượng liên quan; phân tích, đánh giá tỉ mỉ kết quả xác minh, truy bắt của Ban chuyên án thu thập được, qua đó xác định cuối tháng 5/2014, Sùng đã trốn sang Lào và vẫn giữ liên lạc với người thân ở Việt Nam. Việc thu thập thông tin, truy bắt đối tượng tại Lào sẽ gặp rất nhiều khó khăn, vì vậy để công tác truy bắt đạt hiệu quả, tổ công tác đã đề xuất với lãnh đạo cùng với thu thập thông tin số người thân tên Sùng ở bản Xa Vua A để xác định được nơi tên Sùng lẩn trốn tại Lào, các đối tượng bao che, giúp đỡ Sùng và đề ra phương án bắt giữ.

Giữa tháng 8/2014, khi đã lần ra tung tích của Sùng, tổ công tác đề nghị Tổng cục THAHS và HTTP lập đoàn công tác gồm 5 đồng chí trực tiếp sang tỉnh Undomxay, Lào để truy bắt đối tượng. Ngày 26/8/2014, Đoàn công tác đến tỉnh Undomxay gặp, làm việc với đại diện Bộ Công an Việt Nam tại Lào, sau đó làm việc với Bộ Chỉ huy An ninh tỉnh Undomxay và đề nghị phối hợp lực lượng, hỗ trợ Đoàn công tác truy bắt đối tượng Chư A Sùng. Bộ Chỉ huy An ninh tỉnh Undomxay đã cử 9 đồng chí phối hợp với Đoàn công tác của Công an Việt Nam truy bắt phạm nhân Chư A Sùng.

Thượng úy Nguyễn Hồng Giang kể rằng sau khi thống nhất phương pháp, biện pháp xác minh, truy bắt Sùng, ngày 28-8, anh cùng hai cán bộ an ninh tỉnh Undomxay bắt đầu hành trình cuốc bộ gần một ngày trời vào bản Huổi Nhăm, huyện Mường Xay để xác minh. Huổi Nhăm đa phần là người dân tộc Mông sinh sống, là một trong những điểm nóng về tội phạm ma túy của tỉnh Undomxay, nhiều đối tượng tàng trữ vũ khí nóng, sẵn sàng chống trả khi thấy nguy hiểm.

Cán bộ Phòng Truy nã nhận bàn giao phạm nhân Chư A Sùng từ các cán bộ An ninh Lào.

Nhưng tại đây, anh nhận được thông tin rất giá trị, đó là cuối tháng 5/2014, Chư A Sùng trốn từ Việt Nam sang Lào và được Chư A Chơ, là người Mông từ Việt Nam sang cư trú trái phép tại bản Huổi Nhăm giúp đỡ. Quá trình đấu tranh, Chơ khai cuối tháng 6/2014, sợ bị phát hiện, Sùng tiếp tục đến bản Xảng Xay, huyện Namor, tỉnh Udomxay lẩn trốn và nhờ số người Mông (Việt Nam) đang cư trú tại đây cưu mang, giúp đỡ.

Xác minh, kiểm tra thông tin tên Sùng đang lẩn trốn tại bản Xảng Xay là chính xác, tổ công tác cùng với Ban chỉ đạo truy bắt của An ninh tỉnh Undomxay lập tức họp bàn, xây dựng phương án, cử lực lượng vào bản Xảng Xay để bắt Sùng.

Bản Xảng Xay nằm cách trung tâm tỉnh Undomxay khoảng 70km, cách Đồn Công an cụm bản Xảng Xay gần 30km; bản nằm tách biệt sâu trong rừng núi, không có đường xe chạy vì phải qua rất nhiều suối, muốn vào bản chỉ có một cách là đi bộ. 5 giờ chiều ngày 3/9/2014, trời đổ mưa tầm tã nhưng lực lượng truy bắt vẫn quyết định lên đường vì sẽ đảm bảo được yếu tố bí mật, bất ngờ.

Sau 8 giờ hết lội suối lại leo núi, đến 0 giờ 30 phút ngày 4/9/2014, tổ công tác 12 người mới dừng chân ở một lán nương trên núi, cách bản Xảng Xay gần 1 giờ đi bộ chờ gần sáng sẽ phá án vì đây là thời điểm bất ngờ nhất. 4 giờ sáng ngày 4/9, khi rừng núi vẫn còn tối mù mịt, cả bản Xảng Xay vẫn chìm trong giấc ngủ, lực lượng truy bắt chia thành 2 tốp, bao vây ngôi nhà Sùng đang ẩn náu.

5 giờ sáng, vòng vây khép chặt, một đồng chí cán bộ an ninh Lào giả làm người quen của Sùng vào gọi cửa. Là kẻ ranh ma nên Sùng cảnh giác chỉ mở hé cửa để quan sát. Cánh cửa vừa hé mở thì Thượng úy Nguyễn Hồng Giang cùng 3 trinh sát xông vào, Sùng rút dao chống trả quyết liệt nhưng bị lực lượng truy bắt nhanh chóng khống chế, bắt giữ và dẫn giải về Đồn Công an cụm bản Xảng Xay.

Sáng ngày 5/9/2014, Bộ Chỉ huy An ninh tỉnh Undomxay cho lực lượng dẫn giải đối tượng Sùng về đến cửa khẩu Tây Trang để làm thủ tục bàn giao đối tượng theo đúng thủ tục pháp lý giữa hai nước Việt Nam - Lào. Trại giam Nà Tấu tiếp nhận và dẫn giải đối tượng Chư A Sùng về trại an toàn.

2. Nhưng, đây vẫn chưa phải là vụ mà anh em mất nhiều công sức nhất. Mới đây nhất, ngày 3/1/2015, phòng đã bắt được phạm nhân Nguyễn Tam Bảo sau gần 1 năm trốn khỏi Trại giam Ninh Khánh.

Ngày 26/2/2014, Thiếu tá Diện nhận lệnh từ lãnh đạo Cục Quản lý phạm nhân, trại viên cử thêm một cán bộ nữa lên đường vào Trại giam Ninh Khánh (Ninh Bình) phối hợp với lực lượng của trại truy bắt một phạm nhân vừa bỏ trốn khỏi trại vào đêm hôm trước. Nhận lệnh, Thiếu tá Diện và Thượng úy Phan Hồng Giang lập tức lên đường.

Hiện trường vụ trốn trại là một lỗ thủng ở tường buồng giam riêng kích thước 40 x 45cm được che bằng vải. Theo các cán bộ trại giam thì khoảng 5 giờ sáng ngày 26/2, sau khi phát hiện phạm nhân Nguyễn Tam Bảo trốn trại, đơn vị đã tổ chức lực lượng bao vây, chốt chặn, truy xét nóng đối tượng theo phương án tại các ngả đường quanh khu vực phạm nhân trốn nhưng không bắt được Bảo nên trại đã lập chuyên án truy bắt.

Thiếu tá Diện kể rằng khi đọc hồ sơ của kẻ trốn trại mới biết đây là kẻ lưu manh chuyên nghiệp. Nguyễn Tam Bảo sinh năm 1982, tại ấp Hòa Bình, xã An Hòa, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh; can tội: giết người, cướp tài sản, trộm cắp tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản; bị bắt ngày 26/3/2002; án phạt 17 năm.

Trước khi bị chuyển về Trại giam Ninh Khánh, Bảo đã chấp hành án ở 4 trại giam  phía Nam. Cuối năm 2010, do tham gia vụ gây rối tại Trại giam A2, Bảo tiếp tục bị điều chuyển đến Trại giam Ninh Khánh chấp hành án.

Vượt suối băng rừng truy bắt phạm nhân bỏ trốn.

Ngày 9/11/2013, Bảo chủ mưu, cầm đầu một nhóm phạm nhân tại Phân trại số 2 thực hiện hành vi gây rối nên bị xử lý kỷ luật rồi chuyển giam riêng 6 tháng chờ cơ quan chức năng điều tra, xử lý.           

Sẽ phải bắt đầu từ manh mối nào? Dù ban chuyên án đã đấu tranh khai thác số phạm nhân có quan hệ với tên Bảo ở 5 trại giam hắn từng thi hành án, đến các cơ quan điều tra thụ lý các vụ án do phạm nhân Bảo gây ra để thu thập thông tin, rà soát các thông tin liên quan đến Bảo tại nhiều tỉnh, thành từ Bắc vào Nam… nhưng Bảo vẫn lặn mất tăm như thể hắn chưa từng tồn tại trên đời.

Tám tháng, rồi 9 tháng trôi qua, rất nhiều công sức bỏ ra mà vẫn không tìm ra manh mối nào trong khi các thành viên ban chuyên án ai cũng mang tâm trạng ngồi trên lửa.

Cho tới cuối tháng 11/2014, ban chuyên án nhận  được thông tin có thể Bảo đang lẩn trốn tại tỉnh Hòa Bình. Thông tin này lập tức được xác minh, cuối cùng khu vực được khoanh vùng là cụm bản Đà Bắc II, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình giáp ranh với huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, nơi đa phần là đồng bào dân tộc Mường, Tày sinh sống, dễ lẩn trốn và rất khó vây bắt…

Sau khi nghe tổ công tác báo cáo về thông tin của đối tượng, lãnh đạo THAHS và HTTP, lãnh đạo Cục Quản lý phạm nhân, trại viên đã chỉ đạo ban chuyên án tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ khác phân tích, đánh giá thông tin đã thu thập được, xây dựng kế hoạch phá án, bắt giữ đối tượng đảm bảo tuyệt đối an toàn và hiệu quả.

Ngày 2/1/2015, Thiếu tướng, Cục trưởng Phan Xuân Sơn chỉ đạo tổ công tác do Thiếu tá Cao Ngọc Diện chỉ huy cùng Thượng úy Nguyễn Hồng Giang và một số cán bộ của Trại giam Ninh Khánh lên đường phá án. Sau khi phối hợp với Đồn Công an Mường Chiềng, huyện Đà Bắc rà soát đối tượng tại địa bàn các xã Mường Tuổng, Mường Chiềng, Mường Náy, Đồng Chum… lực lượng truy bắt đã dựng được thông tin về đối tượng và các mối quan hệ liên quan, và phát hiện Nguyễn Tam Bảo sau khi lên địa bàn xã Mường Chiềng đã sử dụng một bộ giấy tờ tùy thân giả mang tên Nguyễn Văn Tuấn, quê ở Vĩnh Phúc. Bảo đang sinh sống như vợ chồng với một cô gái Tày tại xóm Kế 2, xã Mường Chiềng.

Sáng 3/1/2014, phát hiện Bảo đang ở nhà cùng 2 chị em gái người xóm Kế 2 và đang chuẩn bị ăn cơm, để đảm bảo cho hai người phụ nữ, đề phòng thấy bị động hắn sẽ chống trả, thậm chí khống chế chính hai người phụ nữ làm con tin, tổ công tác quyết định chờ thời điểm thuận lợi sẽ bắt.

Khoảng 10 giờ 15 phút, khi vòng vây đã khép chặt xung quanh ngôi nhà, thấy chiếc xe máy để ngoài sân, Thượng úy Nguyễn Hồng Giang bước vào nhà hỏi có bán xe máy không. Đang ăn cơm, thấy có người hỏi, Bảo ngẩng mặt lên trả lời: "Ủa, đâu có anh" thì cũng là lúc Thượng úy Giang tuyên bố: "Phạm nhân Bảo, anh đã bị bắt" và áp sát quật ngã, khóa tay đối tượng, đồng thời lực lượng bao vây cùng lúc ập vào hỗ trợ.

Sau khi bị bắt, Bảo khai rằng lợi dụng sự chủ quan, sơ hở của cán bộ quản lý, gã đã lấy được 1 đinh sắt dài 5 cm và bẻ được 2 miếng thép tại ô thoáng cửa sổ trong buồng giam làm dụng cụ khoét tường. Chỉ sau hơn 2 ngày khoét tường, đêm 25 rạng sáng ngày 26/2/2014, Bảo khoét thủng tường buồng giam riêng một lỗ 40 x 45cm chui ra ngoài và dùng vải che lỗ thủng để ngăn ánh sáng hắt vào buồng giam tránh bị cán bộ gác phát hiện. Lợi dụng đêm tối, trời mưa rét và sự sơ hở của cán bộ trong tuần tra, canh gác, Bảo dùng màn tuyn bện thành dây vượt tường rào trốn trại. Gã cũng "tâm sự" với anh em rằng cứ tưởng tìm đến nơi rừng núi, với một cái tên khác là sẽ thoát, vậy mà chưa được một năm đã phải quay trở lại nhà giam.

3. Nhưng, đây chỉ là 2 trong số hàng trăm lần anh em Phòng Truy nã lên đường bắt phạm nhân trốn trại, bởi từ ngày thành lập đến nay, sau 5 năm, Phòng đã bắt hơn 200 phạm nhân trốn trại, đặc biệt trong 2 năm 2013 - 2014 đã bắt lại được toàn bộ số phạm nhân trốn trại, không để làm phát sinh đối tượng truy nã; trong đó, trực tiếp đi phối hợp xác minh, bắt giữ được nhiều đối tượng manh động, liều lĩnh, thuộc loại đặc biệt nguy hiểm. Ngay trong thời gian truy lùng Chư A Sùng, Phòng đã bắt được 2 phạm nhân thuộc loại đặc biệt nguy hiểm ở Trại giam số 5 và Trại giam Xuân Hà chỉ sau một tháng 2 tên này trốn khỏi nơi giam giữ.

Trong câu chuyện với chúng tôi, Thiếu tá Cao Ngọc Diện cho biết  ngoài bắt truy nã, sau khi bắt giữ được phạm nhân, Phòng còn có nhiệm vụ đấu tranh, khai thác làm rõ nguyên nhân, diễn biến, thủ đoạn trốn trại và thủ đoạn đối phó với lực lượng truy bắt từ đó tham mưu cho các cấp lãnh đạo đôn đốc, hướng dẫn và chỉ đạo các trại giam không để phạm nhân, trại viên lợi dụng chống phá; đồng thời thu thập thông tin tố giác tội phạm, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm ngoài xã hội.

Với những thành tích đã đạt được năm 2010, Phòng được Bộ Công an tặng Cờ thi đua; 4 năm liền (từ 2011 đến 2014) Phòng đạt danh hiệu thi đua Đơn vị Quyết thắng; nhiều cán bộ, chiến sĩ được Bộ Công an, Tổng cục THAHS và HTTP, Cục Quản lý phạm nhân, trại viên khen thưởng.

Nguyễn Thiêm
.
.