Những cuộc tình lá ngón ở Mù Căng Chải

Thứ Sáu, 10/10/2008, 10:45
Bí ẩn, thâm sâu như những cánh rừng đại ngàn, khêu gợi, hấp dẫn như những đỉnh núi quanh năm mây mù dập dềnh quấn quýt, huyện Mù Cang Chải, dẻo đất xa nhất tỉnh Yên Bái ôm ấp trong lòng mình bao câu chuyện kỳ lạ về cuộc sống của đồng bào Mông...

Như một tập tục hằn sâu trong ý thức hệ dân tộc mình, khi tình yêu gặp phải ngáng trở, hay những lúc bị phụ tình, có thể đơn giản chỉ là phải đối mặt với một vấn đề nào đó khó khăn, người Mông dễ dàng tìm đến cái chết. Ám ảnh từ truyền thuyết, hoặc chính là định mệnh khó giải mã, ở xứ sở này, đã rất nhiều, rất nhiều câu chuyện tình yêu tươi đẹp có kết thúc cay đắng bằng chiếc lá ngón giết người...

1. 19 tuổi, Sùng Thị Dí đẹp như buổi sớm mai vùng cao trong lành. Là con gái út của gia đình họ Sùng nổi tiếng ở xã Lao Chải, Dí được cha mẹ, anh trai và các chị gái hết mực yêu chiều. Nhưng, một ngày oan nghiệt, người ta phát hiện Dí vừa ăn lá ngón tự tử. Những người thân tìm tới nơi, Dí đã nằm yên bất động, đôi mắt thanh xuân nhắm nghiền. Gia đình vội vàng đưa đi cấp cứu, nhưng đôi mắt thiếu nữ tuổi 19 vĩnh viễn không bao giờ còn mở lại nữa. Dí ra đi, chỉ để lại vỏn vẹn một lá thư xin lỗi mẹ, cha, xin lỗi vì đã làm những người ruột thịt rầu lòng, đau khổ. Cô không một dòng oán thán, trách móc, trút hận lên ai. Chỉ anh trai Dí là thấm nguyên do nỗi đau khổ tột cùng của em gái.

Dí đã yêu đến cạn kiệt trái tim một anh chàng kiểm lâm từ nơi xa đến phố huyện Mù Cang Chải. Thế rồi, cô phát hiện ra, chàng có vợ. Và cũng có thể, cô cảm nhận được tình yêu của chàng ngày lại ngày thêm nhạt phai, không còn mặn nồng, vẹn nguyên như thuở ban đầu đắm say, hạnh phúc. Trái tim thiếu nữ mong manh khiến Dí không chịu đựng nổi. Lá ngón lại bạt ngàn trong rừng, um tùm trên mọi hốc đá quanh bản... Trong một tích tắc yếu mềm, không làm chủ được số phận, Dí đã bứt vội những chiếc lá ngón, nhai cho đến khi dòng nhựa cực độc làm cô gục ngã.

25 tuổi, Giàng A Vàng đã đủ đầy vợ con, có một gia đình ấm êm ở bản Thào Chua Chải, xã Chế Cu Nha. Cuộc sống yên bình cứ thế nhẩn nha qua đi, chồng làm nương, vợ ở nhà trông con và khâu váy, nếu không có một ngày, Vòng chán cảnh chân lấm tay bùn, đòi đi buôn bán dọc ngang. Vợ giữ không được, đành câm lặng để chồng ngược xuôi bay nhảy. Chuyện cũng không có gì, cho tới khi những bước đẩy đưa của định mệnh dẫn Vòng tới Mộc Châu. Nỗi hoang hoải của người đàn ông xa vợ đã lắng dịu bớt bởi vẻ thanh tân, hồn hậu của cô gái Sơn La 18 tuổi Vừ Thị Sơ. Hai người đã lao vào vòng tay nhau mãnh liệt quên đi thực tại, quên hết cả những ràng buộc, bổn phận với gia đình, làng bản.

Vàng xin phép bố mẹ Sơ đưa cô về bản Thào Chua Chải quê mình để ra mắt họ hàng. Vàng nhất mực đòi vợ cho mình được cưới Sơ. Vợ càng cấm cản, Vàng càng quyết tâm. Tâm hồn Sơ tổn thương nặng nề trước cảnh trái ngang. Cô gái 18 bơ vơ nơi xứ lạ, trở thành người thừa, tự dưng lâm cảnh ngộ trớ trêu, phải chịu cảnh chồng chung. Vàng cố sức thuyết phục vợ bỏ mình, nhưng người vợ vẫn không nghe. Buồn chán, bất lực, một ngày bình thường, đôi tình nhân lên đồi dạo chơi. Không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào, họ thề non hẹn biển rồi cùng nhau bứt lá ngón đưa lên miệng nhai. Vừ Thị Sơ qua đời ngày sau đó. Dân bản tìm được Giàng A Vàng đang thoi thóp bên Sơ, đưa đi cấp cứu. Tỉnh lại từ bệnh viện, trở về nhà, đám tang Sơ đã xong xuôi. Không muốn để người yêu đơn côi ở thế giới bên kia, vài ngày sau, Vàng lại ăn lá ngón. Lần này, không ai cứu được Vàng nữa.

2. Lá ngón vào mùa trổ hoa rực rỡ, những cánh hoa mọc thành chùm giống loài mẫu đơn, nhưng có màu vàng. Ở Mù Cang Chải, nơi có 98% người dân tộc Mông cư ngụ, ẩn chứa bao la những câu chuyện tình yêu lá ngón. Thiếu tá Giàng A Sàng, Đội trưởng Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Công an huyện Mù Cang Chải dẫn chúng tôi leo lên một sườn dốc ngay kề thị trấn để tìm lá ngón. Xòe ra một cành khô xum xuê lá mà anh vừa lôi xuống từ vách núi, Thiếu tá Sàng nói: “Lá ngón đấy”.

Những chiếc lá mịn màng, ướt rượi hơi sương, trông dịu dàng mảnh dẻ, không ai ngờ lại ẩn chứa sức mạnh chết người. Nhiều chàng trai cô gái Mù Cang Chải, trong lúc thất tình, tìm đến cái chết như một chớp mắt. Trai, gái Mông phải lòng nhau từ rất sớm. Nạn tảo hôn ở đây vẫn còn phổ biến. Trai bản Mông ở Mù Cang Chải 15 tuổi nhiều người đã  đi “cướp vợ”. Nhiều cô gái chưa kịp lớn, 18 tuổi đã con bồng con bế nheo nhóc. Bất kỳ lý do nào cũng có thể khiến con người ta, trong giây phút bốc đồng, vào rừng tìm lá ngón.

Bố mẹ mắng, ăn lá ngón. Bị ngăn cản tình duyên, tìm tới lá ngón. Một đôi vợ chồng cãi nhau, lời qua tiếng lại thế thôi mà cũng buồn, cũng manh động đến mức người vợ bỏ  vào rừng ăn lá ngón. Người vợ còn mang theo một đồng bạc trắng, chôn dưới gốc cây sẽ bứt lá. Đó là cách người Mông trả công cho cây lá ngón đã giúp mình về cõi chết. Giả sử lá ngón không nhiều như thế, không bạt ngàn như thế để mắt người khó lòng nhìn đến, đôi chân người phải vất vả mới tìm đến được, thì bi kịch, chắc đã không xảy ra như từng có. Thống khổ vì mất người thân, căm thù cây lá ngón, nhiều người đã mang dao vào rừng chặt phá. Nhưng sức người hữu hạn, cây rừng thì vô cùng, hủy được góc này, chẳng mấy chốc, góc kia lại trồi lên, um tùm, xanh tốt.

Ở trường dân tộc nội trú của huyện, hai học sinh lớp 8 phải lòng nhau. Còn ít tuổi, gia đình đôi bên đương nhiên không cho cưới. Hai cô cậu học trò rủ nhau vào rừng, ăn lá ngón. Giáo viên trong trường phát hiện ra, kịp cứu được bé gái. Cậu trai 15 tuổi đã ra đi để mối tình của mình thành vĩnh cửu. Trở về từ bệnh viện, bé gái bỏ học. Và giờ này, cô cũng đã lấy chồng. Sùng A Sào, anh trai của cô gái mệnh yểu Sùng Thị Dí buồn rầu: Người Mông mà đã nhất tâm tìm đến cái chết thì khó lòng thay đổi lắm. Được sống rồi, người còn lại tiếp tục lấy lá ngón làm “giấy thông hành” về với bạn tình. Có người muốn chết nhanh, không dành cho bất kỳ ai cơ hội cứu mình, bỏ lá ngón vào ống đốt dưới lửa, chiết xuất vài giọt nước để uống. Đến mức này thì không cách gì cứu nổi.

3. Đại úy Nguyễn Tất Thành, Đội phó trong đội của Giàng A Sàng, tốt nghiệp Học viện An ninh, rời quê nhà ở thành phố Yên Bái lên gắn bó với phố núi vùng cao từ gần chục năm nay, đã từng tham gia khám nghiệm tử thi nhiều người qua đời vì lá ngón. Theo anh, mỗi năm, riêng Mù Cang Chải, có hàng chục trường hợp tự tử vì lá ngón. Riêng những tháng đầu năm 2008, con số oan nghiệt đã tăng hơn nhiều. Vậy mà, còn nhiều trường hợp, người dân lặng lẽ làm ma, không thông báo với cơ quan chức năng.

Những chiến sĩ công an Mù Cang Chải, đi bộ cả ngày đường, lặn lội vào từng bản người Mông cheo leo vách núi cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con, giúp họ biết cách nguôi ngoai những ý nghĩ tiêu cực. Bao cuộc vận động, bao lời cảnh tỉnh của các cán bộ xã, bản để người dân tránh xa lá ngón, hướng về những điều tích cực trong cuộc sống, nhưng dường như hiệu quả chưa đáng là bao.

Theo chúng tôi, cần nhiều hơn nữa những cuộc vận động, giáo dục nâng cao nhận thức cho bà con bằng những việc làm thiết thực và hiệu quả của các cấp, các ngành ở cơ sở để làm sao xóa bỏ được những cái chết vì thứ lá cây giết người này

Hương Sen - Thanh Huyền
.
.