Những đứa trẻ làng bè Suối Tượng

Thứ Năm, 11/08/2016, 15:20
Những ngày hè, với trẻ em là mùa vui chơi thỏa thích cùng bố mẹ trong những chuyến du lịch hay dã ngoại... Nhưng mùa hè với trẻ em làng bè Suối Tượng (ấp 4, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) là những ngày tháng vật lộn với cuộc mưu sinh trên sông nước. Hằng ngày, các cháu phải theo thuyền, ghe của bố mẹ ra khơi đánh bắt cá hoặc phụ giúp việc nhà với mong muốn có đủ tiền mua sách vở, đồng phục cho năm học mới.

Vất vả cuộc mưu sinh

Theo chân ông Nguyễn Văn Thu (Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp 4, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) chúng tôi đến thăm làng bè Suối Tượng.

Làng bè nằm ẩn mình trong khúc eo của lòng hồ Trị An vào buổi sáng trông khá yên bình, hiền hòa. Ông Thu cho biết, người dân làng bè thường vắng nhà vào buổi sáng sớm vì lúc này họ đang thả lưới đánh bắt tận ngoài khơi của lòng hồ Trị An. Đến khoảng 10 giờ trưa bà con bắt đầu trở về nhà ăn uống, nghỉ ngơi để chuẩn bị cho một ngày làm việc cực nhọc.

Ông Nguyễn Văn Thu dẫn phóng viên đi thăm làng bè.

Hơn 10 giờ trưa, những đứa trẻ làng bè Suối Tượng tập trung tại bến bãi đầu làng bè để vui đùa. Đứa không đội nón, đứa để lưng trần đen sạm cùng nhau háo hức tham gia trò chơi tạt dép (đặt vật nhỏ ở giữa vòng tròn, người chơi cầm chiếc dép đứng từ xa ném, ai ném trúng vật đó văng ra ngoài là người chiến thắng, gần giống như trò ném ống bơ của trẻ con vùng Đồng bằng Bắc bộ).

Thấy ông Thu đi tới, tụi nhỏ lễ phép chắp tay chào rất ngoan. Ông Thu hỏi: “Sao giờ này các con không ở nhà phụ giúp việc cho bố mẹ mà ra đây chơi?”. Một cậu bé, sau này chúng tôi mới biết tên là Lê Văn Kiệt, nhanh miệng trả lời: “Chúng con làm việc xong rồi mới ra đây, vừa chơi được một chút là ông Năm (tên thân mật mà bọn trẻ làng bè dành cho ông Thu - NV) đến đấy ạ”.

Nhìn những đứa trẻ chơi đùa hồn nhiên, ông Thu thổ lộ với chúng tôi: “Trẻ em làng bè ngoan và giỏi lắm, mới 3, 4 tuổi đã biết bơi, đến 5, 6 tuổi đã theo bố mẹ ra khơi thả lưới đánh bắt cá. Nhiều cháu học giỏi nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên phải nghỉ học nửa chừng. Còn không gian chơi đùa của các cháu là tại bến bãi này, tranh thủ thời gian rảnh rỗi các cháu thường ra đây chơi các trò chơi như: bắn bi, tạt dép, nô đùa”.

Cháu Lê Văn Kiệt (10 tuổi, học sinh lớp 4, Phân hiệu Trường Tiểu học Suối Tượng) cho biết, cháu biết làm việc nhà phụ giúp bố mẹ từ 3 năm nay. Những ngày nghỉ hè, Kiệt theo ghe bố mẹ vượt sóng gió ra khơi tìm luồng cá để đánh bắt. 10 giờ tối, trong khi những đứa trẻ thành thị khác đã chìm trong giấc ngủ thì Kiệt đã phải thức để đi ghe với bố mẹ ra lòng hồ Trị An ủi dồn đánh bắt cá cơm, cá kìm.

“Tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, nhiệm vụ của cháu là bắt cá bỏ vào thau, sau đó lựa cá lớn, cá nhỏ bỏ riêng. Cá nhỏ dùng làm thức ăn cho cá nuôi lồng (gia đình Kiệt có nuôi cá lóc, cá lăng để kiếm thêm thu nhập); còn cá lớn đem ra chợ bán kiếm tiền trang trải cuộc sống. “Thời gian đầu con cũng buồn ngủ lắm vì chưa quen với cảnh thức khuya. Nhưng rồi làm riết cũng phải quen. Nhờ con siêng năng làm việc nên năm học mới nào cũng được bố mẹ cho tiền mua sắm áo quần mới, thích lắm...”, Kiệt thủ thỉ.

Nhóm trẻ con làng bè Suối Tượng đang chơi đùa trên bến bãi.

Cháu Nguyễn Hữu Luân (13 tuổi, học sinh lớp 6 Trường THCS Mã Đà) cũng có nhiều thành tích trong “học giỏi - sống tốt”. Suốt 5 năm liền cháu đều đạt học sinh khá, giỏi. Vì Luân sinh ra và lớn lên tại làng bè nên cháu biết bơi từ khi 4 tuổi. Đến năm 7 tuổi, cháu đã biết đi chợ bán cá phụ giúp gia đình. 4 giờ sáng, khi ông mặt trời chưa ló dạng thì Luân đã thức dậy và đạp xe vượt chặng đường 3km đến chợ bán khô cá kìm, chả cá. Hôm nào đông người mua thì bán đến 6 giờ là hết hàng. Còn hôm nào bán chậm thì đến 7 giờ mới xong. Mỗi ngày Luân cũng kiếm được 100 - 200 ngàn đồng từ tiền bán cá.

Trở về nhà, Luân còn làm được nhiều việc khác nữa, như: phụ mẹ đánh vảy cá tươi, rửa cá cho sạch rồi đem phơi khô; phụ em gái xay chả cá. Ngoài ra, cháu còn biết nấu cơm, rửa chén, giặt đồ. Anh Nguyễn Văn Đờn (40 tuổi, bố Luân) bộc bạch: “Thấy Luân còn nhỏ tuổi nên gia đình không ép cháu phải làm việc nặng. Do vậy, hôm nào cháu khỏe, không vướng bận chuyện học hành thì gia đình mới cho cháu làm những việc vừa sức”.

Tương lai mịt mù

Khi hỏi về những ước muốn sau này, cháu Nguyễn Hữu Luân thành thật tâm sự: “Thấy bố mẹ làm nghề chài lưới cực khổ mà cuộc sống vẫn không thoát khỏi cảnh nghèo khó cho nên, con sẽ cố gắng học thật giỏi, sau này tìm kiếm một cái nghề có thu nhập ổn định để chăm sóc bố mẹ. Vì lúc đó, bố mẹ già rồi không làm nổi nữa”.

Anh Nguyễn Văn Đờn thì giãi bày rất thật: “Thấy con ham học nên gia đình cũng mừng lắm. Nhưng nghề chài lưới của chúng tôi nay đây mai đó, cuộc sống bấp bênh, thu nhập không ổn định. Do vậy, chúng tôi cũng sẽ cố gắng lo cho cháu ăn học đến đâu hay đến đó chứ không thể nói trước được”.

Chị Nguyễn Thị Niên, 32 tuổi, mẹ của 3 cháu: Liêu Thị Kiều (13 tuổi), Liêu Thị Oanh (11 tuổi) và Liêu Quốc Việt (6 tuổi) thì cho hay: Năm học tới, vợ chồng chị dự định cho cháu Oanh nghỉ học vì gia đình không đủ khả năng lo cùng một lúc cho 3 con ăn học.

Gia đình cháu Nguyễn Hữu Luân.

“Đoạn đường từ nhà đến trường và ngược lại có tổng chiều dài khoảng 50km, chỉ tính riêng tiền xe cho 2 đứa con gái thì mỗi ngày gia đình tôi phải chi gần 50.000 đồng. Đó là chưa tính chi phí cho các con ăn, uống và các khoản khác. Năm nay, cháu Việt đã đủ tuổi vào lớp 1, lại phát sinh thêm chi phí nữa. Như vậy, mỗi ngày gia đình phải chi hơn 100.000 đồng cho 3 con đến lớp. Trong khi đó, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn thì lấy đâu ra tiền để lo cho con”, chị Niên giải thích.

Khi nghe mẹ nói vậy, cháu Liêu Thị Oanh đã buồn tủi và khóc, vì mong muốn của cháu là tiếp tục đến trường cùng chúng bạn. Ông Thu đến ngồi cạnh cháu Oanh dỗ dành: “Ông Năm thương các con lắm nên ông không để các con phải nghỉ học đâu. Ông Năm sẽ tìm cách lo cho con tiếp tục đi học. Vì vậy, con đừng khóc nữa nhe”.

Nghe lời ông Thu, cháu Oanh nín khóc. Ông Thu cho biết, gia đình chị Niên thuộc diện hộ nghèo từ nhiều năm nay. Mặc dù, gia đình khó khăn, thiếu thốn nhưng các con của chị luôn ham học và học rất giỏi. Ngoài việc học, các cháu còn biết làm việc phụ giúp bố mẹ, cháu Oanh theo ghe bố mẹ đi thả lưới đánh bắt cá ngoài hồ từ 3 giờ sáng, còn cháu Kiều ở nhà lo chu toàn cơm nước, giặt giũ quần áo. Công việc gì các cháu cũng làm gọn gàng ngăn nắp.

Cũng theo ông Thu, hiện làng bè Suối Tượng có khoảng 90 hộ với hơn 400 nhân khẩu là người Việt kiều Camphuchia. Bà con ở đây sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt cá. Ngoài ra, một số người còn đi làm thuê, làm mướn kiếm thêm thu nhập. Đa số người dân làng bè đều có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn. Từ đó, trẻ em nơi đây đều học nửa chừng rồi nghỉ ở nhà tiếp nối nghề đánh bắt cá của cha mẹ.

Hằng ngày, cháu Nguyễn Hữu Luân phụ bố thả lưới đánh bắt cá.

Lo trẻ em làng bè bị “dốt” chữ, thời gian qua năm nào cũng vậy, trước khi bước vào năm học mới, ông Thu cũng lặn lội đến từng nhà vận động phụ huynh tiếp tục cho con em đến trường học. Đồng thời, ông vận động các nhóm sinh viên, cựu sinh viên, những người thuộc gia đình có điều kiện kinh tế, “những tấm lòng vàng”... hỗ trợ suất học bổng, đóng học phí, quần áo, dụng cụ học tập cho các học sinh nghèo làng bè để các cháu tiếp tục đến trường học con chữ.

Tuy nhiên, ông Thu cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình đi vận động, vì nhiều gia đình sau khi được ông vận động đã đồng ý cho con em đến trường nhưng rồi sau đó tự ý nghỉ lúc nào không hay.

“Số lượng học sinh học lên lớp 6 chiếm tỷ lệ rất thấp. Chẳng hạn có 30 cháu lên lớp 6 thì chỉ có khoảng 10 cháu tiếp tục đi học, trong đó có trường hợp học nửa chừng rồi nghỉ. Nguyên nhân khiến các cháu phải nghỉ học sớm là do gia đình quá khó khăn và đường sá đi lại xa xôi, cách trở. Có những trường hợp biết gia đình nghèo khó nên tôi đi vận động hỗ trợ cho suất học bổng, đóng học phí nguyên năm, áo quần, giày dép, sách tập vở nhưng rồi vẫn nghỉ học vì không đủ khả năng đóng tiền xe. Trong khi, tôi vận động tiền xe có năm được, năm không...”, ông Thu chia sẻ.

Ngồi trên thuyền chông chênh quay về đất liền, ông Thu vẫn hướng mắt nhìn lại làng bè mỗi lúc một xa dần mà trong lòng đượm buồn. Ông cho biết, sẽ tiếp tục nghĩ cách để giúp đỡ lũ trẻ làng bè. “Tôi chỉ mong làm sao trẻ em làng bè đều học hành đàng hoàng và tìm kiếm một công việc ổn định. Có như vậy, người dân làng bè mới thoát nghèo và phát triển lên được”, ông Thu bộc bạch.

Rời làng bè Suối Tượng, cũng như ông Năm Thu, chúng tôi ưu tư khi nghĩ về tương lai và cuộc đời của các em nhỏ nơi đây. Ước mơ được đến trường, được học hành của các em bé luôn chính đáng và tưởng chừng như gần gũi, đơn giản ấy lại trở nên gian khó, xa vời với trẻ em làng bè Suối Tượng! Cảnh vật sông nước thanh bình và khá tươi đẹp của hồ Trị An bỗng nhòa đi trước mắt chúng tôi bởi cay sè khóe mắt khi nghĩ đến sự nhọc nhằn và dang dở của những bước chân nhỏ bé của các em trên con đường bước tới tương lai còn quá vất vả, tạm bợ...

Phạm Huy Văn – Tâm An
.
.