Những đứa trẻ lớn lên trong mái ấm biên phòng

Chủ Nhật, 31/01/2021, 15:03
Khi nói đến việc cưu mang những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ, không nơi nương tựa, chúng ta thường nghĩ đến nhà chùa hay các trung tâm bảo trợ xã hội. Nhưng, có một nơi ít ai ngờ cũng đang âm thầm thực hiện công việc hết sức nhân văn, đầy tình người này.


Chuyện của 3 đứa trẻ mồ côi

"Em chẳng nhớ từ bao giờ gặp mẹ/ Chỉ biết mình là đứa trẻ ngây thơ/ Được lớn lên trong câu hát ầu ơ/ Say giấc ngủ những buổi trưa tháng sáu". Mấy câu thơ được viết cẩn thận bằng mực tím, tít phía trên viết hoa, tô đậm rất nắn nót đề một chữ “Mẹ”.

Tôi vô tình đọc được ở cuốn vở học sinh trên bàn học của Thò Thị Dính, chị cả trong số 3 chị em ruột bố chết, mẹ bỏ đi lấy chồng bên Trung Quốc ở xã Ma Lé, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang được những người lính của Đồn Biên phòng Lũng Cú nhận về làm con nuôi. Hôm chúng tôi đến là buổi trưa nên các cháu không đến trường. Căn phòng nhỏ nhắn, ngăn nắp với 3 giá sách và 3 bàn học nhưng chỉ có hai cháu Thò Thị Dính và Thò Thị Dúa ở nhà.

Bộ đội Biên phòng kèm hai con học ở Đồn Lũng Cú.

Thượng úy Nguyễn Việt Đức, người được phân công phụ trách các cháu cho biết, cháu trai thứ hai Thò Mí Và bị sỏi thận. Đồn đã đến gia đình để đặt vấn đề đưa cháu đi viện và được gia đình tin tưởng tuyệt đối. Hiện tại cháu đang nằm ở Bệnh viện tỉnh Hà Giang để làm các xét nghiệm, nếu như có thể uống thuốc, tán sỏi bằng laser được thì dùng, còn không sẽ mổ để lấy sỏi ra cho cháu. “Nếu như đồn không đón về đây mà cháu ở gia đình thì sẽ chữa bằng gì?”, tôi hỏi. “Thường thì gia đình sẽ mời thầy mo đến chữa và kết hợp với dùng lá anh ạ”, anh trả lời.

Các cháu về ở với các “bố Biên phòng” từ năm 2016, khi ấy Dúa 11 tuổi, Và lên 8, còn Xúa mới 4 tuổi. “Hồi đầu mấy chị em ở đồn, nhớ nhà cứ khóc suốt, Xúa nhỉ!”. Cô bé có dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn với mái tóc hơi vàng vì cháy nắng mím môi lại cười, má chợt hồng lên e thẹn khẽ gật đầu.

"Thế Xúa có nhớ và lo cho anh Và không?", tôi tiếp câu chuyện với Xúa. Đôi mắt trong veo thoáng nét âu lo liếc nhanh người hỏi rồi cúi xuống, các ngón tay xoắn lấy nhau, khẽ gật đầu lí nhí trả lời “có ạ”. “Thế Xúa có giận mẹ không?”. Cô bé cúi nhìn xuống mũi dép đang di di trên đất khẽ lắc đầu. Xúa không giận mà vẫn nhớ mẹ.

Trong giấc mơ của Xúa, thi thoảng mẹ vẫn về, mang áo mới cho 3 chị em rồi dẫn đi chơi. Giấc mơ của Xúa cũng thường xuyên có bà và ngôi nhà trên bản của mình... Xúa mơ thấy mình đang giúp mẹ, giúp bà làm những công việc quanh nhà, lên nương lấy củi... Ở lớp, Xúa chơi thân với bạn Dó. Tuy ngồi bàn trên bàn dưới nhưng vì hợp tính nên chơi. Chỉ nghỉ hè hoặc tết, Xúa mới được về với bà nhưng sáng Thứ bảy nào mấy chị em cũng được bà ở trên bản xuống dắt đi chợ phiên. Vì thế, Thứ bảy là ngày Xúa mong nhất... Cả 3 chị em đều thích đọc truyện cổ tích. Riêng Xúa thích truyện “Max và gấu bông”.

Để hiểu gia cảnh, chúng tôi tìm đến căn nhà lụp xụp, ẩm thấp khoảng hơn chục mét vuông, mái lợp bằng proximang cũ kĩ, phía trước căng một tấm bạt đã sờn, bạc, ở xã biên giới Ma Lé, nơi các cháu ở trước khi được những người lính biên phòng đón về đồn Lũng Cú. Ánh mắt mệt mỏi trên gương mặt nhăn nheo của bà nội các cháu ánh lên chút khí sắc tươi vui khi thấy bóng áo xanh của những người lính biên phòng bước vào. Vì bà không nói được tiếng Kinh nên câu chuyện do người bác trai của các cháu kể lại.

Người bác kể, ngày ấy, bố các cháu uống rượu về rồi nằm bệt trên giường. Mấy ngày sau thì chết. Khoảng một năm sau, mẹ các cháu bỏ đi. Mọi người đoán mẹ các cháu bỏ đi lấy chồng Trung Quốc. Suốt từ ngày đó đến giờ mẹ các cháu bặt vô âm tín.

Từ đó 3 cháu ở với bà nội, 4 bà cháu đùm dúm nuôi nhau cho đến khi được những người lính Đồn Biên phòng Lũng Cú đón về nuôi. Như hiểu được câu chuyện của chúng tôi, bà nội cháu ngồi trên giường nở nụ cười rạng rỡ, gật gật đầu, tay chỉ vào những người lính biên phòng hàm ý biết ơn. Nói về việc chữa trị cho Thò Mí Và, người bác bảo cả gia đình đều tin tưởng, biết ơn và giao phó các cháu cho các chú biên phòng.

Phóng viên cùng “bố Biên phòng”, bà nội và bác của 3 con nuôi Đồn Lũng Cú.

Chỉ huy Đồn Biên phòng Lũng Cú chia sẻ, để nuôi các con, kinh phí cơ bản trông vào sự đóng góp của anh em trong đơn vị, ngoài ra cũng có một phần của các nhà hảo tâm mà đồn vận động ủng hộ.

Hiện cháu Dính đang học lớp 9, Xúa học lớp 2 ở xã Ma Lé, còn Và đang học lớp 6 trường nội trú của huyện. Kèm cặp các cháu có một tổ nuôi dưỡng do đồng chí Chính trị viên phó làm tổ trưởng, trong đó giao một người chuyên trách để lo từ họp phụ huynh, liên hệ với nhà trường, địa phương, cho đến kèm các cháu học và ăn ngủ. Ngoài nuôi 3 chị em, Đồn Biên phòng Lũng Cú còn hỗ trợ 9 cháu khác có hoàn cảnh gia đình khó khăn trên địa bàn.

Khi lính biên phòng vừa làm thầy vừa làm cha

Từ Lũng Cú, chúng tôi qua đồn Đồng Văn để gặp một cậu bé con nuôi khác. Chiều cuối năm se lạnh. Màu tím phớt của những vạt hoa tam giác mạch bên lối đi vào đồn tương phản với màu trời đã chuyển sang xám chì chuẩn bị cho đợt rét mới vào ngày mai. Sự tương phản ấy cũng hiển hiện ở cậu bé mặc chiếc áo thun dài tay có cổ màu xanh nước biển đang tha thẩn chơi ở sân đồn. Dù nhìn gương mặt cậu khá sáng sủa nhưng đâu đó vẫn phảng phất chút buồn ngơ ngác.

Cậu bé ấy tên Dinh Mí Sò, là con nuôi của Đồn Biên phòng Đồng Văn. Tôi hỏi về một vài địa danh mình đã khám phá ở Hà Giang và nhận được sự hào hứng trong câu trả lời của cậu. Sò đã từng đi thi học sinh giỏi môn Địa lý và được giải khuyến khích cấp huyện năm lớp 7. Sò cũng rất thích học toán và đứng thứ 2 trong lớp môn này.

Cậu bé Dinh Mí Sò và “bố Biên phòng” Đồn Đồng Văn trong giờ học tại nhà.

Nhà cậu ở xóm Lũng Táo, xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn, trước khi về đồn sống với các “bố Biên phòng”, Sò ở với ông nội Dinh Súa Mua. Nhà cậu nghèo, nhà ông càng nghèo hơn nên ngoài thời gian lên lớp, cậu vẫn phải đi nương, làm lụng giúp ông rất nhiều.

Bố Sò mất, mẹ bỏ đi lấy chồng mới ở tận Quảng Ninh. Mỗi năm mẹ chỉ về thăm cháu 1-2 lần. Lần nào gặp cũng ôm cháu khóc. Gia đình mới của mẹ cũng nghèo lắm. Từ khi bố mất, mẹ đi lấy chồng, cháu hay mơ thấy mẹ vất vả làm lụng... Cháu bảo mình rất thương mẹ, chỉ mong người ta đối xử tử tế với mẹ cho mẹ đỡ khổ.

Chia sẻ với tôi về Dinh Mí Sò, người được giao phụ trách kèm cặp cháu, Thiếu tá chuyên nghiệp Nguyễn Văn Thanh - nhân viên đội vận động quần chúng cho biết: Sò sinh năm 2007, đang học lớp 8 ở trường thị trấn, môn Toán cháu luôn đứng thứ nhất lớp. Sò sống nội tâm, khá tình cảm và sáng dạ, thích đọc sách, truyện. Cuốn mà cháu đọc đi đọc lại là “Truyện cổ tích loài người”.

Trung tá Nguyễn Việt Phương, Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng Hà Giang cho biết, mô hình “con nuôi biên phòng” được phát triển tiếp từ “nâng bước em tới trường” - một mô hình giúp đỡ về vật chất cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng triển khai.

Các đồn biên phòng sẽ đăng kí đón các cháu mồ côi không nơi nương tựa, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn khu vực biên giới về nuôi tại đồn, rèn cho các cháu tính tự lập, kèm cặp các cháu học hành. Toàn bộ chi phí ăn học, quần áo, sách vở cho đến khi các cháu học xong phổ thông trung học sẽ do cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh và các đồn đóng góp.

Với các cháu nào có khả năng, sẽ tạo điều kiện vật chất để cháu thi và học đại học cho đến khi ra trường có thể tự lập bằng chính trí tuệ và sức lực của mình. Mô hình này được Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang triển khai từ cuối tháng 7-2019, đến nay đã có 12/12 Đồn Biên phòng trên địa bàn tỉnh nhận 26 cháu nhỏ đưa về đồn làm con nuôi.

Ở mảnh đất phên dậu của Tổ quốc này, có những người lính ngoài nhiệm vụ bảo vệ bờ cõi, đã và đang làm được những điều vượt qua khuôn khổ đặc thù công việc của mình để hướng tới sự nhân văn cao cả mang tính toàn xã hội.

Nguyễn Mạnh Hùng
.
.