Những “mắt thần” trên đường cao tốc

Thứ Tư, 23/12/2020, 12:50
5 tuyến cao tốc: Nội Bài - Lào Cai; Trung Lương - TP Hồ Chí Minh; Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Long Thành - Dầu Giây; Hà Nội - Hải Phòng và tuyến quốc lộ trọng điểm Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình là những tuyến đường được triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát kiểm soát toàn bộ tình hình giao thông.

Tất cả các vi phạm của tài xế đều được phát hiện, thông báo đến thiết bị cầm tay của cán bộ Cảnh sát giao thông (CSGT) làm nhiệm vụ trên đường để xử lý. Với những “mắt thần” trên, đã giảm được cán bộ CSGT làm việc trên đường, giúp việc xử lý vi phạm minh bạch, khoa học hơn.

Một trường hợp lái xe bị phạt nguội từ sự giám sát qua camera.

Xử lí đúng người, đúng lỗi, đúng quy định

Chỉ cho chúng tôi xem hình ảnh do camera ghi lại tại cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng, Đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 1, Phòng Hướng dẫn tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ, Cục CSGT cho biết, hiện nay trên tuyến cao tốc này có 110 camera giám sát, được lắp đặt tại 87 điểm giám sát trên toàn tuyến. Khi có lái xe vi phạm, thiết bị sẽ chụp ảnh, gửi về thiết bị cầm tay của chúng tôi. Tổ công tác sẽ thông báo vi phạm cho lái xe khi họ đi qua trạm soát vé, thực hiện việc xử phạt.

Zoom cận cảnh hình ảnh phương tiện đang tham gia giao thông trên tuyến, anh Thắng chỉ cho chúng tôi thấy rõ mọi hoạt động của phương tiện từ màu sơn, BKS, tốc độ và hình ảnh lái xe ngồi đang điều khiển phương tiện. Mặc dù trời mưa, tầm nhìn thấp nhưng hình ảnh camera ghi lại rất rõ nét, kể cả việc lái xe có thắt dây an toàn hay không, có sử dụng điện thoại hay không...

Được biết, hệ thống camera trên các tuyến cao tốc và quốc lộ trọng điểm đều được đầu tư đồng bộ, hiện đại, có độ phân giải cao, khả năng giám sát với độ chính xác cao; hình ảnh ghi nhận được qua hệ thống giám sát đảm bảo các yếu tố pháp lý và nghiệp vụ làm căn cứ để xử lý các hành vi vi phạm, đảm bảo công khai minh bạch, góp phần nâng cao hiệu quả công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và có tác dụng phòng ngừa, răn đe người vi phạm, tạo hiệu ứng tích cực trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhất là trong nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông.

Không chỉ thế, hệ thống sẽ phân tích, đánh giá, theo dõi liều lượng phương tiện hoạt động trên tuyến; tích hợp được dữ liệu đăng ký xe, dữ liệu quản lý giấy phép lái xe, dữ liệu đăng kiểm, dữ liệu xe tang vật xe mất cắp; hệ thống giám sẽ tự động phát hiện các xe sử dụng biển số giả; xe gây tai nạn bỏ chạy, xe quá niên hạn sử dụng, xe mất cắp; đồng thời quan sát, ghi nhận các phương tiện trên tuyến tại các điểm phức tạp về trật tự giao thông. Đặc biệt, khi phương tiện có vi phạm, camera sẽ tự động chụp ảnh, gửi vào thiết bị cầm tay của CSGT. Khi phương tiện đi qua trạm soát vé ra khỏi cao tốc, lực lượng chức năng sẽ “đón lõng” để xử lý.

Hình ảnh từ camera giám sát được lắp đặt trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Tại cao tốc Nội Bài - Lào Cai - tuyến đường được vận hành camera giám sát từ tháng 6-2020, trung bình mỗi ngày đã ghi nhận hàng trăm trường hợp vi phạm, chủ yếu ở các lỗi: vi phạm tốc độ, dừng đỗ xe sai quy định, điều khiển xe không đúng phần đường làn đường. Khi bị dừng phương tiện, được xem hình ảnh vi phạm, các lái xe đều “tâm phục khẩu phục” ký biên bản vi phạm mà không hề thắc mắc, cự cãi hay xin xỏ.

Anh Nguyễn Mạnh Hưng, quê ở Lào Cai bị CSGT xử phạt hành vi chạy quá tốc độ cho biết: “Tôi cũng nghe mọi người nói trên cao tốc này có camera giám sát nhưng nghĩ chỗ nào cột đèn nhiều mới lắp được camera chứ nhiều chỗ toàn “đồng không mông quạnh” thì lắp camera ở đâu. Vì thế, khi đi qua những chỗ vắng người, không có cột đèn, tôi mới chạy nhanh. Không biết camera gắn ở đâu mà chụp rõ thế”. Anh Hưng vui vẻ nộp phạt và cho rằng, đây cũng là một trải nghiệm của mình để biết rằng, có chỗ không nhìn thấy camera nhưng mọi hành vi của lái xe trên đường vẫn bị giám sát.

Còn chị Nguyễn Thị Hải Hạnh ở Trương Định, Hà Nội - người bị phạt vì chạy xe trong điều kiện sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn không bật đèn chiếu sáng cho biết, do chị ít lái xe nên mặc dù trời mưa, rất tối và mù nhưng chị cũng không bật đèn mà đi “dò dẫm” trên đường. Chị cho biết: “Bị phạt thế này cũng là một lần học lại luật. Đây cũng là bài học kinh nghiệm của tôi trong lái xe”.

Tại cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, sáng 16-12, tài xế xe Phạm Xuân Trường (39 tuổi, quê Hà Nam) chạy quá điểm xuống nên lùi xe khoảng 100m camera ghi lại và bị xử phạt. Anh Trường cho biết, anh lái xe đầu kéo chở theo 8 ô tô từ Cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh) để giao cho đại lý ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Khi đến nút giao quốc lộ 51 thay vì rẽ phải như lộ trình, do không nắm rõ đường nên đã chạy quá hơn 100m lên cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Lẽ ra phải đi đến điểm giao tiếp mới được quay xe, anh Trường đã lùi lại để tiết kiệm thời gian. Với hành vi trên, lái xe bị phạt 17 triệu đồng, tước bằng lái 6 tháng theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP vì lỗi lùi xe trên đường cao tốc.

Trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, lái xe ô tô BKS 29H - 30.939 đã dừng đỗ xe sai quy định tại làn 3, Km23 hướng Hải Phòng - Hà Nội. Đơn vị quản lý khai thác đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã lưu video và hình ảnh xe vi phạm phối hợp với Đội Tuần tra kiểm soát đường bộ cao tốc số 2 xử lý theo quy định. Sau khi được mời đến làm việc, lái xe Nguyễn Mạnh N cho biết, nguyên nhân anh dừng xe là để đi vệ sinh, không ngờ, hình ảnh của anh đã bị camera giám sát ghi lại. “Tôi thấy rất ngại, không ngờ, mọi hành vi của mình đã bị camera phát hiện. Không bao giờ tôi dám có hành vi này nữa” - anh N cho biết.

Được biết, với hành vi dừng đỗ xe sai quy định, anh N bị phạt 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 3 tháng. Trung tá Nguyễn Trường Sơn, Đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát đường bộ cao tốc số 2 cho biết, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã xây dựng 2 trạm dịch vụ tại Km53 2 chiều xe chạy và 4 trạm dừng nghỉ tại Km24, Km77 cả hai chiều xe chạy. Trong khi camera giám sát không có “góc chết” nên tất cả các vi phạm đều được phát hiện, xử lý. Chính vì vậy, khi có các nhu cầu dừng nghỉ, vệ sinh, các lái xe nên vào các trạm để giải quyết.

Trung tá Nguyễn Trường Sơn còn cho biết thêm, tất cả vi phạm trên cao tốc đều được đơn vị quản lý thông báo cho CSGT, phối hợp khóa thẻ để dừng phương tiện tại các điểm ra - vào cao tốc để xử lý. Trường hợp thẻ lỗi hoặc chưa dừng được phương tiện, chúng tôi sẽ gửi giấy đến địa chỉ chủ phương tiện để thực hiện xử phạt nguội.

Giảm bớt sức người trong giám sát giao thông

Việc trang bị hệ thống giám sát trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, các tuyến cao tốc đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong xử phạt vi phạm hành chính và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của người dân. Được biết, các hệ thống camera giám sát hoạt động 24/24, không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố thời tiết. Nên không chỉ phát huy hiệu quả trong công tác xử lý vi phạm mà còn góp phần giám sát, giúp lực lượng cảnh sát giao thông nắm bắt các tình huống phát sinh trên tuyến.

Không chỉ giám sát trên các tuyến cao tốc, các quốc lộ trọng điểm mà tại các đô thị lớn, hệ thống giám sát đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Có mặt tại Đội Chỉ huy giao thông và Điều khiển đèn tín hiệu giao thông, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, chúng tôi ghi nhận nhiều người đang làm thủ tục nộp phạt nguội vi phạm giao thông.

Ký vào biên bản nộp phạt với mức tiền lên tới 14 triệu đồng vì lỗi đi sai làn đường, ông Đặng Hồng K. (ở phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) than thở, ông thường đi ô tô trên lộ trình đường Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ... nơi có làn đường dành riêng cho buýt nhanh BRT. Buổi sáng, đường đông, lại vội đi làm, nên ông cũng không nhớ mình lấn sang làn BRT lúc nào. Phát hiện bị phạt nguội khi đi đăng kiểm, chị Nguyễn Tú A, Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, chị thường đi làm sớm và về muộn nên đường vắng, vượt đèn đỏ và không ngờ bị camera ghi lại.

“Đầu tháng 11, khi xe đến hạn đăng kiểm, tôi đi đăng kiểm mới biết mình chưa nộp tiền vi phạm giao thông. Để thực hiện thủ tục nộp phạt, tôi phải lên Phòng CSGT Hà Nội hỏi và được giới thiệu đến Đội lấy thông báo, biên bản xử phạt; rồi đi ra ngân hàng nộp hơn 4 triệu đồng tiền phạt, quay về lấy quyết định tạm giữ bằng lái 1 tháng”, chị Tú A. nói.

Thiếu tá Lý Thị Thu Trang, Phó Đội trưởng Đội Chỉ huy giao thông và Điều khiển đèn tín hiệu giao thông Hà Nội thông tin, có trường hợp vi phạm đến 28 lần vẫn một hành vi vi phạm, việc tái vi phạm này sẽ bị tăng nặng mức phạt. “Như vi phạm làn đường lần đầu sẽ bị phạt tiền 4 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2 tháng và vi phạm lần kế tiếp sẽ bị phạt 5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 3 tháng. Còn vi phạm đỗ dừng sẽ bị phạt 500 nghìn đồng lần đầu, vi phạm lần kế tiếp bị 600 nghìn đồng”, Thiếu tá Trang giải thích.

Theo đại diện Phòng CSGT Hà Nội, hiện có 200 camera giám sát, xử lý vi phạm lắp đặt trên các tuyến đường, nút giao trung tâm Thủ đô; hàng ngày tự động nhận diện và phát hiện lỗi. Trong năm 2020 hệ thống camera phát hiện trên 16.000 vi phạm với các lỗi chủ yếu là vượt đèn đỏ, sai làn, dừng đỗ. Tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và nhiều đô thị lớn, hệ thống camera giam sát đã phát huy tác dụng đảm bảo ATGT, nâng cao ý thức người tham gia giao thông.

Mọi vi phạm giao thông đều được ghi và thống kê lại chính xác.

Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, hệ thống camera giám sát đã đạt được 5 mục tiêu đảm bảo TTATGT. Thứ nhất là thay đổi phương thức tuần tra kiểm soát của lực lượng CSGT trên tuyến, giảm bớt sự có mặt của lực lượng CSGT nhưng vẫn kiểm soát được tình hình. Thứ hai, thông qua hệ thống camera sẽ giám sát được toàn bộ hoạt động ATGT trên tuyến, về thời tiết, lưu lượng phương tiện, vụ việc phức tạp trên tuyến... Thứ ba, thông qua hệ thống camera giám sát sẽ tích hợp cơ sở dữ liệu dùng chung, ví dụ phát hiện xe mất cắp, xe hết niên hạn sử dụng và những phương tiện tội phạm sử dụng trên tuyến giao thông để phục vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Bên cạnh đó, việc giám sát còn tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia để xử phạt vi phạm hành chính qua mạng. Thông qua hệ thống giám sát sẽ phát hiện các hành vi vi phạm, thông báo cho lực lượng CSGT xử lý và phục vụ công tác nghiệp vụ của CSGT.

Thiếu tướng Lê Xuân Đức cho biết thêm, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong đảm bảo ATGT sẽ giảm sự có mặt của CSGT trên đường để phục vụ công tác nghiệp vụ CSGT, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Việc triển khai hệ thống giám sát còn nằm trong mục tiêu tiếp tục công khai, minh bạch trong công tác nhằm mục đích nâng cao hiệu quả, cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho nhân dân, tiết kiệm chi phí cho Nhà nước và người dân, phòng ngừa sai phạm, tiêu cực của một số cán bộ thực thi pháp luật, nâng cao trình độ cán bộ chiến sĩ CSGT, tạo hình ảnh đẹp, chuẩn bị nguồn nhân lực, nâng cao trình độ cán bộ chiến sĩ am hiểu khoa học, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân.

Phương Thủy
.
.