Những nạn nhân của du học… lừa!

Thứ Ba, 18/11/2008, 17:00
Trở về được gần nửa tháng, nhưng dấu ấn của những tháng ngày nhọc nhằn, thậm chí cả tù tội nơi đất khách quê người vẫn hằn rõ trên nét mặt thất thần của 9 trong số 13 học sinh ở Hải Dương bị Công ty TNHH Tư vấn du học và xây dựng ở 22 ngõ 117 Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, lừa đảo đi du học ở Singapore. Mục đích của việc đi du học của họ, không gì khác ngoài khát vọng thoát khỏi cuộc sống lam lũ ở quê nhà.

Những cảnh “Du... khổ”

Theo như Công ty TNHH Tư vấn du học và xây dựng (SACC) quảng cáo thì chỉ cần tốt nghiệp lớp 12 và nộp 6.500 USD tiền học phí (hơn 100 triệu đồng Việt Nam), học sinh có thể tham gia chương trình vừa học vừa làm tại Singapore. Không những thế, khi du học, học sinh còn được hưởng 800 USD/ tháng.

Vậy là, để được suất du học ấy, 13 hộ nông dân ở tỉnh Hải Dương đã đôn đáo khắp mọi nơi để vay tiền nộp học phí cho con. Nhưng, oái oăm thay, vừa mới đặt chân sang xứ người, các em đã cay đắng nhận ra những lời quảng cáo của SACC hóa ra chỉ là lừa đảo. Đã nghèo lại càng nghèo, gia đình của 13 du học sinh ở Hải Dương đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất...

Trong số những học sinh du học, có thể nói Phạm Văn Dũng là người có hoàn cảnh éo le nhất. Sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo ở thôn Kim Trang Tây, xã Lam Sơn, huyện Thanh Miện, ngày đầu tiên xách cặp đến trường, cũng là ngày Dũng phải chứng kiến cảnh đau lòng: bố bỏ mẹ và hai anh em Dũng đi theo người đàn bà khác.

Đến tận bây giờ sau 18 năm xảy ra việc ấy, nó vẫn như một nỗi ám ảnh khôn nguôi đối với Dũng. Kể từ ngày bố bỏ đi, Dũng trở thành trụ cột trong gia đình. Mặc dù tuổi còn nhỏ, nhưng Dũng đã thạo việc ruộng, vườn chẳng khác gì mẹ. Sau những buổi học ở trường, Dũng trở về lao vào cấy hái trên 3 sào ruộng nuôi thân và cả gia đình. Nói đến tiền, thực tế chưa bao giờ mẹ con Dũng cầm đồng tiền một cách trọn vẹn. Vì rau màu chưa đến kỳ thu hoạch, mẹ con Dũng đã phải trừ hết vào tiền nợ mua phân bón, thuốc trừ sâu...

Sau khi tốt nghiệp lớp 12, Dũng thi đỗ vào Trường cao đẳng Cơ khí luyện kim. Khó khăn lại chồng chất khó khăn khi Dũng “nhập” trường này. Vì ngoài việc lo đủ thứ phí phục vụ học tập, ăn uống... Dũng còn phải nuôi cậu em ăn học.  Đã vậy, mẹ Dũng, sau một lần cao huyết áp bị tai biến mạch máu não đã dẫn đến mất hoàn toàn khả năng lao động. Dũng phải lo cả thuốc thang cho mẹ.

Dũng kể: “Để chăm mẹ, nuôi em, ngoài giờ học, em làm thuê bất kể việc gì, từ phụ hồ, bê gạch, đá đến cấy hái thuê... Ai thuê làm việc gì em làm việc nấy miễn sao có tiền để trang trải cho gia đình”.

Gánh nặng cuộc sống cứ đè lên vai Dũng như vậy trong miên man ngày tháng. Nó chỉ bớt đi khi Dũng tốt nghiệp Trường cao đẳng Cơ khí luyện kim và được vào làm công nhân ở Hãng Honda. Với mức lương 1,2 triệu đồng mỗi tháng, Dũng dành dụm 400 nghìn đồng gửi về cho mẹ và em. Số tiền còn lại, Dũng để dành gói ghém cho cuộc sống. Vật giá leo thang, trong khi gia đình còn bao thứ chi tiêu ngoài cái ăn, thế là khi có quảng cáo vừa học vừa làm ở Singapore của Công ty SACC, Dũng tính toán kỹ rồi quyết định “đầu tư” cho chuyến du học này để hy vọng cải thiện cuộc sống.

Nhờ dì ruột, Dũng vay tiền của một ngân hàng ở Thái Nguyên và của người quen 70 triệu đồng. Hơn 30 triệu đồng còn lại Dũng mang thế chấp sổ đỏ của nhà, của dì ruột tại một ngân hàng ở Hải Dương để vay. Vay ngân hàng Dũng phải trả lãi suất 1,7%/ tháng. Còn vay cá nhân: 2,0%/ tháng. Tổng số tiền Dũng vay là 115 triệu đồng.

Trong đó, 4 triệu đồng, vay theo chính sách dành cho người nghèo, Dũng để lại cho mẹ và em trang trải cuộc sống trong những ngày Dũng du học. Ngày lên đường, háo hức, vui mừng, Dũng hy vọng cuộc sống của mẹ con Dũng sẽ thoát khỏi cảnh đói nghèo từ nay. Nào ngờ, không như dự đoán, đặt chân đến sân bay nước bạn, Dũng đã nhận ra mình bị lừa.

Những ngày ở Singapore là những ngày Dũng sống vật vờ bữa đói, bữa no. Để có cơm ăn, nhà ở, Dũng và các bạn phải thay nhau đi nhặt vỏ lon bia, nước ngọt... Dũng là 1 trong số 3 du học sinh phải đi bán thuốc lá lậu. Và vì đi bán thuốc lá lậu mà Dũng bị bắt giam 1 tháng.

Trở về sau những tháng ngày cực nhọc, vất vưởng ở Singapore, cuộc sống của Dũng giờ đây càng khó khăn hơn khi mỗi ngày bình minh lên cũng là lúc Dũng nhìn thấy khoản nợ hơn 100 triệu đồng treo lơ lửng mà chưa biết bằng cách nào trả được...

Tương tự như Dũng, gia đình em Từ Thị Hợi ở thôn Vũ Xá, xã Thất Hùng, huyện Kinh Môn cũng là gia đình thuần nông nghèo. Bà Nguyễn Thị Sớm, mẹ của Hợi kể, là con gái thứ 5 trong một gia đình có 7 chị em, Hợi là người vất vả nhất trong số đó. Vì kể từ ngày bố bị liệt toàn thân do tai nạn lao động, Hợi phải gánh vác hầu hết công việc chăn nuôi, trồng trọt trong nhà.

Các chị lớn, ai nấy đã có phận nên chỉ đáo qua đáo lại giúp Hợi chứ không thể trông cậy được. Còn mẹ Hợi, vì đau yếu lại phải chăm nom bố Hợi vất vả cả ngày nên cũng chỉ thoảng qua ruộng vườn khi có thể. Tất cả mọi khó khăn vất vả đều dồn lên vai Hợi. Nhà có 6 sào ruộng, 200m2 vườn, Hợi và 2 đứa em nhỏ chia nhau cấy cày, trồng trọt. Sau 2 vụ đông và xuân, nhà Hợi trồng gối vụ thêm màu như hành khô, lạc, đỗ... Tính ra, làm quần quật suốt ngày mà Hợi cũng chỉ được 2.000 đồng/ngày công. Số tiền này chẳng bõ bèn gì so với công sức Hợi bỏ ra.

Đúng lúc đó ở nông thôn rộ lên phong trào đi lao động xuất khẩu ở Malaysia. Nhận thấy có thể đây là “con đường sáng” để làm kinh tế, sau khi bàn kỹ với mẹ, Hợi vay tiền của ngân hàng, cá nhân để đi Malaysia xuất khẩu lao động... 4 năm kết thúc lao động ở Malaysia, trở về trong tay Hợi cả thảy có 20 triệu đồng. Đây là khoản tiền còn lại sau khi đã trừ các loại nợ nần, “đầu tư” khi Hợi đi...  Dẫu không nhiều nhưng cũng là  số tiền nếu chỉ quanh quẩn làm ruộng vườn ở nhà, Hợi khó mà có được. Cho nên, Hợi quyết tâm tìm kiếm cơ hội như vậy một lần nữa.

Cơ hội ấy đã đến khi Công ty SACC thông báo có chương trình vừa học vừa làm tại Singapore với mức lương tính ra tiền Việt Nam là 17 triệu đồng/tháng. Mức lương này quả là không bao giờ Hợi dám nghĩ đến. Nó cao hơn hẳn so với lần Hợi đi lao động Malaysia. Và tất nhiên là thiên đường so với thu nhập từ làm nông nghiệp.

Tuy nhiên, cái được hơn cả trong chương trình du học tại Singapore này, là Hợi sẽ được học một nghề ổn định. Nghề đó, sau khi trở về quê, sẽ giúp Hợi tìm việc làm để Hợi không phải vất vả, nhọc nhằn với nghề nông nữa. Thế là, Hợi quyết định vay tiền “đặt cược” cho chuyến làm kinh tế và học nghề này.

Hợi đã thế chấp sổ đỏ của nhà và 3 sổ đỏ nữa của người thân mà Hợi đã mượn để vay 100 triệu đồng với lãi suất 1,7%/tháng của Quỹ tín dụng xã Thất Hùng và của một ngân hàng ở Quảng Ninh. Hợi tính chỉ trong 1 năm vừa học vừa làm, Hợi sẽ “hoàn vốn”. Và sau đó, số tiền làm được Hợi sẽ tiết kiệm để giúp bố mẹ cải thiện cuộc sống và để làm vốn riêng của Hợi. Nhưng tiếc thay cũng như Dũng đặt chân xuống sân bay ở Singapore, Hợi đã nhận ra ước mơ của mình chỉ là viển vông vì chương trình du học do SACC quảng cáo là lừa đảo. --PageBreak--

Hiện nay, cùng 3 du học sinh nữa của tỉnh Hải Dương, Hợi vẫn mắc lại ở Singapore. Trong lá thư viết về nhà gần đây nhất, câu đầu tiên Hợi viết: “Mẹ ơi, con đói và khổ lắm”. Và để có tiền sinh hoạt hàng ngày, Hợi phải nhặt rác, lau chùi nhà cửa thuê... Nói chung kiếm được việc gì Hợi làm việc nấy.

Hiện mẹ của Hợi đang sốt ruột không biết làm thế nào để con mình có thể trở về. Gửi tiền sang để Hợi mua vé thì mẹ Hợi không có. Để Hợi sống lang thang đói khổ ở Singapore thì không đành, nhà Hợi cứ rối tung như canh hẹ. Bên cạnh đó lại còn nỗi lo: nợ!!!

Em Dương Văn Lượng ở xã Thái Sơn, Kinh Môn, cũng là một trong 13 học sinh ở Hải Dương du học sang Singapore. Lượng là con trai độc nhất của ông Dương Đình Thư.

Như bao gia đình nông dân khác ở Kinh Môn, Hải Dương, gia đình ông Thư chỉ trông vào hai vụ Đông – Xuân và vụ màu xen canh. Với 6 sào 14 thước ruộng, 7 nhân khẩu trong nhà ông Thư lăn lộn quanh năm ngày tháng mà cũng chỉ đủ ba bữa cơm no chứ không dư dả để có thể sắm sanh những tiện nghi trong nhà.

Ông Thư kể, mỗi lần có việc phải dùng đến tiền, nếu trong nhà không có gì bán được, ông lại chạy vạy khắp nơi để vay tiền. Mà ở quê có nhiều việc phải tiêu đến tiền lắm. Trong khi cơ hội kiếm tiền đối với người nông dân quá hiếm.

Ông thư nói: “bây giờ, Làm thế nào chúng tôi trả được nợ?”.

Để tìm cơ hội kiếm tiền ấy, ông Thư cùng Lượng cứ vào mùa xây dựng, hai bố con ông đi vác gạch, đá thuê. Mùa gặt hái, sau khi thu hoạch xong ở ruộng nhà,  hai bố con ông Thư lại đi làm thuê cho các hộ nông dân khác...

Nói chung, thu nhập từ những lần quần quật làm thuê ấy, như ông Thư nói: “chỉ thêm được món đậu phụ trắng kho trong bữa cơm” chứ chẳng giúp gia đình ông có nhiều tiền hơn.

Vì với mức thù  lao từ 40 – 60 nghìn đồng mỗi ngày, một vụ lại chỉ làm được khoảng 10 ngày như vậy, tổng cộng số tiền thu được chẳng đáng là bao trong khi phải chi tiêu nó cả một năm.

Đang loay hoay với cách kiếm tiền thì ông Thư được giới thiệu về chương trình du học của SACC. Đọc xong, vui quá, ông Thư bèn huy động tất cả những người trong gia đình, họ hàng... cho ông vay lãi được hơn 100 triệu đồng.

Ông kể, lãi tính theo ngày: 2.000 đồng tiền lãi/ngày/1 triệu đồng đối với món vay 10 triệu đồng; 3.000 đồng/ngày/1 triệu đối với món vay 20 triệu đồng. Cứ như vậy lãi suất tăng lên theo tiền vay. Còn vay ngân hàng, ông Thư chịu lãi suất 1,75%/ tháng theo quy định chung. Như một sự “đầu tư” lâu dài, ông Thư chấp nhận mọi hình thức tính cũng như trả lãi như vậy.

Vì ông cho rằng thu nhập của con ông như quảng cáo gần 1.000 USD/tháng thì nhất định sẽ lãi. Nhưng rồi hy vọng bao nhiêu ông Thư thất vọng bấy nhiêu khi biết con ông đã bị “mang con bỏ chợ” ở Singapore chứ không phải vừa học vừa làm để hưởng gần 1.000 USD/ tháng.

Giờ đây, bên cạnh niềm vui vì con ông đã trở về trọn vẹn với gia đình, song trong lòng ông Thư còn canh cánh một nỗi lo khác: làm thế nào để trả nợ những khoản tiền đã đầu tư nhầm cho con?

Hiện Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã quyết định khởi tố vụ Công ty SACC về tội lừa đảo 13 du học sinh và một số người lao động tại Hải Dương. Nhưng 2 giám đốc của SACC là Trần Văn Ngải và Nguyễn Cường đã bỏ trốn thì việc thu hồi số tiền đã đầu tư cho con của gia đình các nạn nhân càng mong manh hơn.

Làm sao để người dân không còn bị lừa...?

Cũng như gia đình em Dũng, Hợi và ông Thư, đã có bao nhiêu gia đình trở thành nạn nhân của việc lừa đảo du học. Và hiện nay du học đang là vấn đề bức xúc đối với dư luận.

Theo ông Nguyễn Quốc Bảo, Trưởng phòng Giáo dục có yếu tố nước ngoài, Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội, ở Hà Nội có khoảng 80 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du học.

 Theo đúng quy trình, những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, khi thành lập phải được sự đồng ý của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và Sở GD-ĐT Hà Nội. Tuy nhiên, có rất nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực này “đốt cháy giai đoạn” nghĩa là mới có giấy phép của Sở KH&ĐT đã hoạt động mà không cần thông qua cơ quan chuyên ngành.

Đã vậy, Sở KH&ĐT lại không có sự bàn giao sau khi cấp phép cho Sở GD-ĐT để Sở GD-ĐT có thể thực hiện công tác hậu kiểm cũng như quản lý. Vì vậy mới dẫn đến trường hợp đáng lẽ chịu sự quản lý của Sở GD-ĐT Hà Nội nhưng Sở GD-ĐT Hà Nội lại không biết đến sự hiện diện của nhiều công ty tư vấn du học để có thể quản lý. Công ty SACC là một ví dụ.

Và đây chính là kẽ hở để cho nhiều công ty lợi dụng lừa đảo du học. Cũng một nguyên nhân nữa dẫn đến lừa đảo du học là có những trung tâm tư vấn du học do Bộ GD-ĐT cấp phép nhưng nằm trên địa bàn Hà Nội.

Mà nằm trên địa bàn Hà Nội, theo quy định: trực thuộc Sở GD-ĐT Hà Nội quản lý. Song do chưa có sự bàn giao giữa cơ quan Bộ và Sở nên công tác quản lý đối với những doanh nghiệp này cũng rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Theo ông Nguyễn Quốc Bảo, sau khi có Quyết định của UBND TP Hà Nội về “Quản lý hoạt động các tổ chức dịch vụ tư vấn du học tự túc trên địa bàn Hà Nội” thì công tác quản lý diễn ra chặt chẽ hơn.

Cụ thể, theo quy định mới, khi thành lập doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du học cần phải có sự thẩm định không chỉ trên hồ sơ mà còn trên cả thực tế của cả hai cơ quan: Sở KH&ĐT và Sở GD-ĐT Hà Nội.

Đặc biệt, khâu thẩm định, kiểm tra “đối tác”, nơi mà doanh nghiệp sẽ đưa học sinh sang du học được thực hiện cẩn trọng và bài bản hơn. Doanh nghiệp phải có giấy chứng nhận được gọi là “Hợp pháp hóa lãnh sự” về những nơi này.

Tuy nhiên, ông Bảo cũng cho biết, vẫn cần một sự tỉnh táo, hiểu biết của người có nhu cầu du học mặc dù công tác quản lý đã được chấn chỉnh. Nếu không, người dân vẫn có thể mắc lừa trước những thủ đoạn tinh vi trong du học

Tú Anh – Minh Tiến
.
.