Những ngày “đội lửa” của CSGT Công an Hà Nội

Chủ Nhật, 28/06/2009, 16:30
Hết mưa rồi thì lại nắng. Nắng nóng rát mặt, khói xăng quện với bụi đường khiến người đeo khẩu trang còn cảm thấy ngột ngạt. Vậy mà CSGT vẫn phải đứng đấy, để đảm bảo giao thông, để giải quyết công việc. Cụ Nguyễn Bính bảo nắng mưa là bệnh của trời. Bệnh của trời nhưng có khi người phải gánh chịu nhiều nhất căn bệnh ấy, lại có lẽ là CSGT!

1. Sáng thứ hai đầu tuần, ai nấy đều hối hả ngược xuôi cho một tuần làm việc mới. Từ sáng sớm, nút giao thông Kim Liên - Ô Chợ Dừa đã ùn ùn từng đoàn người. Đây gần như là trục xuyên tâm có lưu lượng xe cộ qua lại đông nhất trên địa bàn thủ đô, từ hướng phía tây thành phố.

Cũng mới sáng sớm mà trời đã oi nồng, hệ quả của hơn một tuần liên tiếp nắng nóng, tàn dư cơn bão số 2 chưa hề suy giảm. Để tránh nắng nóng, khói bụi, hầu hết người tham gia giao thông đều tự trang bị cho mình những chiếc khẩu trang với than hoạt tính và kính râm bảo vệ mắt.

Ai cũng muốn thoát thân thật nhanh qua khu vực "nguy hiểm" ấy mà hầu như chẳng mấy ai để ý rằng ngay bên cạnh họ, cũng nắng, cũng khói bụi ấy là các chiến sĩ Cảnh sát giao thông (CSGT), cán bộ Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) vẫn đang phơi mình đảm bảo luồng lạch mà chẳng có cái khẩu trang bảo hộ hay kính che mắt nào. Họ thậm chí còn không được phép sử dụng những phương tiện bảo hộ đơn giản ấy khi làm nhiệm vụ.

Thấy tôi quan sát và ghi hình quang cảnh dòng người nườm nượp một cách chăm chú, Trung tá Nguyễn Trọng Nghĩa gật đầu chào và tiến về phía tôi. "Anh Ngọc vừa ở đây! Còn tối qua, anh Hùng 10 giờ rưỡi vẫn còn kiểm tra chốt này. Suốt từ hôm bắt đầu triển khai "cái" 275, các anh ấy qua các nút này như cơm bữa", Trung tá Nghĩa nói.

Anh Ngọc - tức Thượng tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, đơn vị chủ đạo của Công an thành phố trong đợt ra quân thực hiện kế hoạch tái phân luồng giao thông vừa qua. Còn anh Hùng là đồng chí Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội. "Cái" 275 tức là Kế hoạch 275, liên ngành giữa Công an và GTVT trong đó có nội dung chính là bố trí lại hợp lý các nút giao thông để giảm thiểu ùn tắc.

Nút giao thông hầm chui Đại Cồ Việt - Giải Phóng lúc sắp hoàn thành.

Như lời Trung tá Nghĩa, nếu là trước đây, khi chưa tái phân luồng giao thông, chưa phân tách xung đột giữa các luồng qua lại thì các anh cũng chẳng có thời gian mà trao đổi với phóng viên chúng tôi giữa giờ cao điểm như thế này. Nhưng nay thì tình hình đúng là có khác đi nhiều. Tuy sự ùn chưa thể hết ngay, nhưng tắc thì đã gần như giảm hẳn.

Đang câu chuyện, khi biết tôi vừa đi xuôi hướng Ngã Tư Sở - Ô Chợ Dừa đến, Trung tá Nghĩa đã hỏi ngay rằng phía ấy có ùn đến Bệnh viện Đống Đa, gần ngã ba rẽ vào Nam Đồng hay không? Tôi trả lời anh và rồi chợt nghĩ, một khi ý thức công việc tồn tại ngay cả trong những tình huống giản đơn như vậy, từ những con người đảm đương trách nhiệm thường xuyên như thế, thì giao thông Hà Nội chắc chắn sẽ tốt lên.

Nút giao thông Kim Liên - Ô Chợ Dừa - Đê La Thành cũng là một trong số gần 40 điểm ùn tắc đã có những thay đổi tích cực khi triển khai Kế hoạch 275 của liên ngành Công an - GTVT thành phố.

Mới hôm rồi, trong một buổi đánh giá sơ kết quá trình 3 tháng, Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã thừa nhận một kết quả khả quan của kế hoạch này. "Chính xác là 37 điểm đã được giải quyết trên tổng số 124 điểm, nút giao thông thường xuyên xảy ra ùn tắc trên địa bàn thủ đô sau 3 tháng ra quân. Đó là một kết quả tốt!".

Việc tái cơ cấu luồng đường giao thông diễn ra trên cơ sở hạ tầng sẵn có, vốn đã không được hiệu quả cho lắm, nên sự khác biệt lại càng dễ nhận ra. Nói như thế, nhưng không phải người dân ai cũng hiểu được những việc làm tâm huyết, đem lại nhiều lợi ích cho xã hội này. Chính mắt tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp, chỉ vì quyền lợi cá nhân, phải đi vòng thêm vài chục mét thay vì đâm ngang bất chấp luồng đường như trước đây, mà lên giọng mắng mỏ những con người đang ngày đêm hứng nắng chịu mưa vì lợi ích cộng đồng ấy. Lại có nhiều người tỏ thái độ hoài nghi, rằng liệu có được mấy ngày?

Đứng trên quan điểm lực lượng chuyên trách, Thượng tá Nguyễn Duy Ngọc cho rằng việc tái cơ cấu các luồng đường, giảm va chạm xung đột giao thông tại các ngã tư, ngã năm cao điểm là một chủ trương đúng.

Phân luồng tạo hiệu quả rõ rệt tại nút giao thông Ô Chợ Dừa.

Và cũng vì chỉ là tổ chức lại trên cơ sở hạ tầng giao thông sẵn có, nên sự thay đổi sẽ còn tiếp diễn, "thay đổi cho tới khi nào thật ổn mới thôi", đồng chí Trưởng phòng CSGT khẳng định. Tất cả vẫn còn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Có thể hôm nay người qua đường thấy phân luồng kiểu này, nhưng mai lại thấy khác đi. Và nếu ai đó có thấy sự thay đổi, rằng dải phân cách cứng kéo dài hơn thì nên hiểu rằng đó là những người tổ chức giao thông muốn sự phân làn giữa những người tham gia giao thông được mạch lạc hơn, chứ không phải vì muốn gây khó dễ, bắt họ phải đi vòng vèo hơn. Ý thức công dân, đôi khi cần thể hiện từ những việc đơn giản nhất.

2. Những ngày qua, Hà Nội nóng quá. Nhiệt độ ngoài trời có lúc lên tới hơn 400C, nóng hầm hập, nóng rát mặt. Nắng chiếu xuống đường nhựa, hắt vào tường bêtông rồi phả vào mặt người. Giữa cái nắng như thiêu như đốt ấy, người có việc phải ra đường còn ngại, chứ đừng nói đến những lực lượng như CSGT, phải thường xuyên túc trực. Thôi thì đủ cả nắng, mưa, gió, bụi.

Nghề nào cũng là nghề, nghề nào cũng có cái vất vả của nó, nhưng làm CSGT thì cường độ hứng chịu những cái khắc nghiệt do thời tiết, do con người gây ra (khói xe, ý thức tham gia giao thông) lại càng nhiều hơn nữa.

Nắng khổ đằng nắng, mưa nhọc đằng mưa. Người Hà Nội vẫn còn chưa quên hình ảnh những CSGT trên khoác áo mưa, dưới nước ngập ngang bụng vẫn bì bõm chỉ dẫn người dân tránh những cung đường ngập nước, cứu hộ giao thông...

Và hết mưa rồi thì lại nắng. Nắng nóng rát mặt, khói xăng quện với bụi đường khiến người đeo khẩu trang còn cảm thấy ngột ngạt. Vậy mà CSGT vẫn phải đứng đấy, để đảm bảo giao thông, để giải quyết công việc. Đành rằng nghề nào cũng có vất vả, nhưng cái sự vất vả của nghề CSGT, nó ảnh hưởng trực tiếp tới con người ta. Cụ Nguyễn Bính bảo nắng mưa là bệnh của trời. Bệnh của trời nhưng có khi người phải gánh chịu nhiều nhất căn bệnh ấy, lại có lẽ là CSGT!--PageBreak--

Nói không có sức khỏe, không làm được CSGT quả không ngoa.

Trong những điều kiện hoàn cảnh như thế, lực lượng CSGT Công an Hà Nội vẫn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ. Như đợt cuối tháng 5 vừa rồi, diễn ra Hội nghị ASEM 9 với sự tham gia của đại diện đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ khắp châu Á, châu Âu.

Rồi đến Hội nghị Bộ trưởng Nông lâm ASEAN và cả kỳ họp Quốc hội vừa rồi nữa. Đa phần các hoạt động diễn ra trên địa bàn thành phố, giờ tan tầm của các đại biểu Quốc hội cũng trùng vào giờ của các hoạt động ngoại giao song phương, đa phương, các buổi chiêu đãi ngoại giao lớn, nhỏ.

Vậy mà gần như người dân thủ đô không cảm thấy sự phiền hà của các hoạt động cấm đường, dẫn đoàn gây ra. Những việc làm ấy, tuy tưởng là nhỏ, nhưng lại thể hiện một ý thức trách nhiệm, tinh thần làm việc rất cố gắng của toàn thể cán bộ, chiến sĩ (CBCS) trong lực lượng CSGT thủ đô.

Được biết trong thời gian sắp tới, đối với lực lượng CSGT có nhiều thay đổi. Trước hết là về công việc. Luật sửa đổi một số điều của Luật Giao thông đường bộ, đường sắt thêm những quy định mới, có nghĩa là CSGT sẽ thêm việc, thêm trách nhiệm và thêm cả những... va chạm mới.

Còn theo Thượng tá, Trưởng phòng Nguyễn Duy Ngọc, bộ quân phục xuân hè mới dành riêng cho lực lượng CSGT đã được Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh trình lên Bộ Công an và về cơ bản đã được thông qua.

Theo đó thì bộ quân phục mới của CSGT sẽ được may dài tay, giống như bộ trang phục của hầu hết các lực lượng ngoài trời bây giờ để giảm bớt những tác động có hại của môi trường lên CBCS.

Tổng kết gần 3 tháng phân luồng, 37 điểm ùn tắc giao thông được giải tỏa.

Một bộ quần áo mưa chuyên dụng, có thể là trong suốt, sẽ được thiết kế riêng cho CSGT để đáp ứng công việc trong những ngày mưa lớn, ngập lụt giờ đã xảy ra thường xuyên hơn tại các đô thị lớn. Những chiếc mũ kepi bằng vải mềm không ngăn được mưa, nắng có thể sẽ được thay bằng những chiếc mũ cứng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, tất cả mới chỉ là trong tương lai gần.

Còn hiện tại, trước những đợt nắng nóng sắp tới, người qua đường sẽ lại vẫn thấy những anh CSGT mặt mũi chân tay đen xạm, luôn có mặt tại những "điểm nóng" về giao thông để thực thi nhiệm vụ của mình. Và dù gì, thì họ vẫn đích thực là những con người của đường phố.

3. Ngã 5 Đại Cồ Việt - Kim Liên - Lê Duẩn hơn một tuần qua, tình hình giao thông đã có sự đổi khác. Hầm chui thông xe kỹ thuật, một lượng lớn xe cộ tham gia giao thông chui qua đường hầm khiến cho trục Lê Duẩn - Giải Phóng thoáng hẳn. Nhưng các hạng mục trên mặt đất thì vẫn còn tiếp tục đang được thi công. Bụi. Từ xa, nhìn về phía Ngã 5, một lớp khói bụi do xe cộ quần lên, lại thêm nắng khô nóng bao trùm toàn bộ nút giao thông.

Thiếu tá Lê Trọng Phúc, gần 20 năm trong ngành, khắp người may ra chỉ còn mỗi... hai hàm răng là trắng. Vào những đợt nắng nóng như những ngày qua, CSGT mỗi ngày thay hai bộ quân phục. Thiếu tá Phúc bảo, muốn mặc cố cũng không được, vì mồ hôi ra, quện với bụi trông lem luốc lắm.

Hơn nữa, không giặt ngay, bẩn bết dính vào cùng với khói xăng xe máy để lâu giặt không sạch được. "Vợ con ở nhà chẳng hiểu chuyện gì, chỉ biết tối mắt tối mũi giặt quân phục cho chồng", Thiếu tá Phúc phân trần.

Kíp trực buổi sáng tại Ngã 5 hôm ấy có 3 CSGT. Phía góc đường bên kia, một đồng chí Thiếu úy trẻ măng đang đứng quan sát điều khiển giao thông. Tôi đang định rảo bước về phía ấy để hỏi chuyện, bỗng... roẹt! Chiếc xe gắn máy động cơ 2 thì khói phun khét lẹt, bên trên là 2 "chíp hôi" cười man rợ vọt qua, ném lại đằng sau mấy câu nói tục tĩu nhằm vào đồng chí Thiếu úy trẻ. Khác với sự sững sờ của tôi, thái độ của đồng chí Thiếu úy tương đối điềm tĩnh. Nhưng quãng thời gian trống ấy chẳng kéo dài được lâu.

Ngay lề đường bên trái, một người phụ nữ yếu tay lái va phải chiếc xe đi trước, loạng choạng ngã nhào xuống đường. Cần gạt sang số cong veo, bánh sau của chiếc xe nằm song song với mặt đường, quay tít....

Không một phút chần chừ, đồng chí Thiếu úy trẻ chạy ào ra đỡ người phụ nữ và chiếc xe đưa vào lề đường, cùng xem xét giải quyết hậu quả. Còn tôi tự hỏi: Vậy thì điều gì đã khiến người chiến sĩ trẻ kia vượt qua được những hành vi bỉ ổi đó, để rồi ngay lập tức mở lòng giúp đỡ người khác? Phải chăng vì người chiến sĩ đó đang mang trên mình bộ quân phục Cảnh sát giao thông?

Việt Anh
.
.