Những ngôi nhà sáng cả đồi nương

Thứ Sáu, 25/06/2021, 11:16
Suốt quãng đường hơn 200 cây số từ thành phố Điện Biên Phủ vào công tác tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, dù tôi háo hức và dõi mắt kiếm tìm hai bên đường nhưng tịnh không thấy bóng dáng của những ngôi nhà tường vàng mái đỏ. Chỉ khi cất công vào sâu trong xã, len xuống tận bản xa xôi, phía sau những ngọn núi điệp trùng, trong mây mù và giữa nắng gió vùng biên, những ngôi nhà ấy mới hiện ra san sát...


Nhà xã hội hóa kiểu... người Mông

Vào sâu trong các xã Chung Chải, Mường Toong, Sín Thầu, Nậm Vì,... không khó để nhận ra những ngôi nhà mái đỏ tường vàng với khung cột chắc chắn, mái lợp tôn lạnh, vách thưng 3 lớp tôn - xốp - tôn cách nhiệt, cách âm có gắn tấm biển đỏ in dòng chữ “Nhà tình nghĩa - Chương trình xã hội hóa do Bộ Công an và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động”. Đặc biệt, 1.149 căn nhà ở Mường Nhé được thiết kế theo tục lệ làm nhà của người Mông với 3 gian, 2 cửa sổ, 1 cửa chính và 1 cửa ngách, chống chịu tốt dưới thời tiết khắc nghiệt miền biên viễn.

Chiếc xe bán tải gầm gừ dưới nắng trưa oi nồng đưa chúng tôi vào xã Nậm Vì, trong xe ngoài xe nóng như nhau. “Tay lái lụa” - Thiếu tá Pờ Pờ Sơn, Phó trưởng Công an huyện Mường Nhé liên tục vào cua, đổ đèo rất thiện nghệ. Có lẽ chúng tôi là những vị khách đầu tiên được đi trên con đường bê-tông mới tinh vào xã Nậm Vì vừa hoàn thành vài ngày trước.

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trao nhà cho hộ nghèo tại bản Co Lót, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé. Ảnh: Liên Hương.

Thiếu tá Sơn bảo, thời điểm tháng 4 năm ngoái, khi công cuộc hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo trên toàn huyện Mường Nhé do Bộ Công an phát động đang ở giai đoạn nước rút, cũng trên con đường này nhưng là đường cấp phối lầy lội, xe tải chở xi-măng, cát, sỏi khung sắt phải bò từng mét vào điểm tập kết. Huổi Cấu là bản xa nhất, cách trung tâm xã Nậm Vì cả chục cây số, lại là đường đất nên xe ôtô đành chịu thua. Ôtô dừng thì có xe máy thay phiên chở vật liệu từ điểm tập kết đến từng điểm làm nhà. Đoạn đường nào mà xe máy cũng phải “đầu hàng” thì anh em công an xã, công an huyện khiêng bộ. Trời mưa tầm tã, đường nhão nhoét, đi người không đã khó đừng nói là khiêng nặng.

Dỡ nhà cũ, đào móng nhà mới, san nền, dựng nhà,... tiến độ thi công gấp rút, mưa nắng đều phải làm. Ở Huổi Cấu nguồn nước khó khăn, anh em phải vác từng bình nước về để trộn vữa. Điện chưa vào đến bản, người dân ở rải rác nên mỗi cuộc di chuyển từ nhà này sang nhà kia với lỉnh kỉnh máy phát điện, vật tư cũng thật gian nan. Trong những ngày làm việc không biết mệt mỏi ấy, anh em chỉ có suy nghĩ phải làm nhà thật nhanh, thật chắc chắn cho bà con đỡ khổ. Giờ tất cả đã thành kỉ niệm khắc sâu.

Trước hiên nhà mới, chị Giàng Thị Chừ ở bản Huổi Chạn 1, xã Nậm Vì đang ngồi băm sắn cho gà. 3 đứa con nhỏ của chị lăng xăng chạy cửa trước luồn cửa sau, rúc rích chơi trốn tìm. Trước đây, nhà chị lợp gianh, bé xíu, ngày nắng đã khổ, ngày mưa thì dột tứ tung. Mùa trước, chị để dành được mấy bao thóc nhưng nước mưa dột xuống nên thóc mọc mầm hết. Các con kêu đói, thèm cơm, chị Chừ chỉ biết khóc mà không biết bấu víu vào đâu. May nhờ có các anh Công an xã đi kiểm tra, rà soát và hướng dẫn chị làm thủ tục xin được làm nhà mới trong chương trình hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo do Bộ Công an chủ trì.

Một năm qua ở ngôi nhà mới, nắng mưa đều dừng lại ngoài cánh cửa, chị yên tâm vì mùa này thóc không bị mốc hỏng nữa. Có nhà rồi, chị chăm chỉ nuôi gà lấy trứng để mang xuống chợ bán. Gương mặt sạm đen của người phụ nữ Mông 24 tuổi đã có những nụ cười vui.

Lãnh đạo Công an huyện Mường Nhé thăm người dân sau một năm nhận nhà xã hội hóa do Bộ Công an phát động.

Khi chúng tôi đến, ông bà Giàng Páo Lử, 70 tuổi ở bản Huổi Ban, xã Mường Nhé đang ăn cơm trưa ngoài hiên nhà. Ông Lử run rẩy đưa thìa cơm lên miệng, phải rất lâu ông mới ăn hết một miếng cơm. “Ông ấy sức khỏe vốn đã yếu, sau lần bị tai biến lại càng yếu thêm, chẳng thể làm được việc gì”, bà Vừ Thị Dợ nhìn chồng và kể. Rồi bà mở cửa ngôi nhà mới và mời chúng tôi vào nhà, phấn khởi khoe: “Nhà mới lát đá hoa, mát lắm, sạch lắm, tôi phải đóng cửa để ngăn con ruồi, con muỗi. Phải bảo vệ cái nhà để nhà đẹp mãi thế này”.

Rồi bà chỉ tay về phía sườn đồi, ngày trước căn nhà cũ dựng chênh vênh ở đó, ông bà cùng vợ chồng anh con trai và 5 đứa cháu ngày ngày chui ra chui vào, chật chội và tối tăm. Bà làm nương để nuôi ông, con đi làm thuê để nuôi đàn cháu, cuộc sống thiếu thốn trăm bề, giấc mơ có được căn nhà kiên cố, rộng rãi tưởng sẽ mãi xa vời. Đến tận giờ, khi đã được ở nhà mới rồi mà bà Dợ vẫn ngỡ là mơ. Chính ngôi nhà đã níu chân con trai bà ở lại định cư, không còn ý định đưa vợ con nay đây mai đó theo mỗi mùa nương rẫy nữa. Các cháu của bà vì thế được đến lớp học cái chữ, lòng bà vơi bớt những phấp phỏng, lo âu...

Để bên trong nhà không còn trống hoác trống huơ...

“Nhà báo ngồi chắc chưa, mũ bảo hiểm cài chặt chưa, không là bay đấy”, Thiếu tá Vàng Văn Hoan - Trưởng Công an xã Mường Toong hỏi kĩ trước khi đưa tôi lên bản Huổi Đanh thăm bà con. Anh Hoan nổ máy, cài số thấp, chiếc xe Wave chạy gằn, cáu kỉnh giữa trời nắng chang chang và ì ạch leo dốc. Gió Lào thổi ù ù nóng rát mặt, ngột ngạt và khó thở. Đường lên Huổi Đanh dốc liền dốc, một bên là vực sâu hõm, một bên là núi cao ngất. Giữa đường, chúng tôi có thêm trưởng bản Giàng A Lứ đi cùng. Trưởng bản Lứ sinh năm 1998, người nhỏ nhắn và nhanh như một con sóc, phóng xe máy vèo vèo phía trước.

Thiếu tá Hoan bảo với tôi, năm 2021 này, dân bản Huổi Đanh có 2 niềm vui lớn. Sau bao năm trông ngóng thì điện lưới quốc gia đã về đến bản và có đến 16 gia đình được Bộ Công an hỗ trợ xây nhà mới, 2 hộ được hỗ trợ xi-măng và gạch hoa để sửa nhà. Một cụm nhà tường vàng mái đỏ quây quần ngay đầu bản. Đang phơi ngô, thấy chúng tôi đến, vợ chồng anh Giàng A Nhè tất tả chạy xuống bếp lấy mấy chiếc ghế gỗ con con, rồi bê chồng bát vào rót nước mời khách.

Công an huyện Mường Nhé “vượt nắng, thắng mưa” giúp dân dựng nhà.

Phải có trưởng bản Lứ phiên dịch tiếng Mông, tôi mới hiểu được những lời tâm sự của người đàn ông 26 tuổi này. Năm ngoái, vợ chồng anh Nhè tách ra ở riêng, dựng tạm căn nhà vách gỗ lợp gianh, tài sản chả có gì ngoài 3 đứa con lóc nhóc. Năm nay thì cuộc sống đỡ hơn, vì được cấp nhà mới vững chắc, lại được chính quyền cho phép sinh hoạt tôn giáo lành mạnh, anh Nhè đi đâu cũng muốn quay về nhà mình, quyết không nghe theo kẻ xấu xúi giục. Chị Sồng Thị Dợ ngồi bên cạnh nghe chồng nói thì nhoẻn miệng cười. Mùa đông vừa rồi, nhà mới không còn bị gió lùa nên các con chị ngủ tròn giấc hơn. Khoảng đất bằng rộng rãi trước nhà, chị đang nuôi một đàn gà. Tháng 9 này, con lớn của anh Nhè vào lớp 1, anh sẽ đóng cho con cái bàn, cái ghế ở gần cửa sổ để con ngồi học bài. Những dự định giờ đây đã rất gần, không còn xa xôi như trước nữa.

Nhìn một lượt căn nhà trống hoác, chỉ có dây quần áo và một đống ngô, Thiếu tá Hoan bảo: “Dưới trụ sở công an xã có một chiếc giường vẫn còn dùng tốt. Nhà chú Nhè không có giường nên chúng tôi sẽ tặng vợ chồng chú. Không để các cháu nằm đất, sẽ ốm đấy”. Mừng rỡ, vợ chồng anh Nhè chỉ còn biết gật đầu. Anh Nhè dẫn tôi ra sân, chỉ cho tôi một tổ chim ở đầu nhà và bảo, nhận nhà mới chưa lâu nhưng đã có chim đến ở cùng, vậy là đất lành rồi. Thiếu tá Hoan vỗ vai anh Nhè động viên: “Có nhà ở kiên cố rồi, chú Nhè cố gắng làm ăn để ổn định cuộc sống. Mình là người dân lương thiện, không buôn bán lớn, phải năng nhặt chặt bị rồi đời sống sẽ khá hơn”...

Đại tá Lò Văn Khụt - Phó Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên:

“1.149 căn nhà xã hội hóa hỗ trợ bà con nghèo Mường Nhé được Bộ trưởng Bộ Công an, Ban Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên chỉ đạo thi công và hoàn thành đồng loạt, khẩn trương, tạo chuyển biến mạnh mẽ, làm sáng lên diện mạo huyện giáp biên. Cho đến nay, không chỉ Mường Nhé mà đã có thêm hơn 600 căn nhà mới ở huyện Nậm Pồ trao cho người dân để họ yên tâm lao động sản xuất. Dựng nhà cho bà con cũng đồng nghĩa với việc dựng thành trì chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội ở vùng đất này, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, củng cố phên giậu biên cương Tổ quốc.

Chương trình làm nhà cho người nghèo mới chỉ là cơ sở ban đầu, đời sống bà con còn nhiều khó khăn, cần sự vào cuộc của các cấp ủy chính quyền sở tại. Từng hộ gia đình cần được giao đất giao rừng tới tận tay để họ quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi rừng, tạo sinh kế lâu dài và ổn định cho người dân”.

Huyền Châm
.
.