Những ngôi sao không tắt

Thứ Sáu, 12/04/2019, 09:41
Những ngày đầu tháng 4-2019, nhiều người thân, bạn bè, bệnh nhân ung thư... đều tỏ lòng thương tiếc trước sự ra đi của cô gái “thắp lửa” Phạm Thị Huế. Trong suốt 7 năm kiên cường chiến đấu với bệnh ung thư, em đã thực sự sống trọn từng khoảnh khắc và thắp lên ngọn lửa về nghị lực sống. không chỉ riêng Huế, chúng tôi đã được gặp nhiều “ngôi sao không tắt” như em...

1. Hơn hai năm đã trôi qua, tôi vẫn còn nhớ như in lần gặp đầu tiên với Phạm Thị Huế (sinh năm 1996, trú tại Quỳnh Phụ, Thái Bình). Đó là vào một buổi chiều nắng như hắt lửa, tôi hẹn Huế và đứng đợi em tại ngõ Cửu Việt 1 (thị trấn Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội). Khoảng 15 phút sau, có một cô bé nhìn dáng vẻ như học sinh THCS đạp xe phóng vụt qua.

Không nghĩ là Huế nên tôi không gọi. Một lúc sau thì cô bé này quay lại, tôi ngờ ngợ nên hỏi: “Em có phải là Huế không?”. Huế mỉm cười xác nhận và dẫn tôi vào một căn phòng trọ xa tít, mãi rìa làng.

Bước chân vào căn phòng, tôi rất bất ngờ khi thấy căn phòng gần như... trống không. Khi đó Huế đang là sinh viên năm cuối mà căn phòng chỉ có một chiếc giường tầng và một chiếc tủ con con. Không thấy ti vi, tủ lạnh, máy tính hay điều hòa nhiệt độ như những căn phòng thường thấy của cánh sinh viên hiện đại. Huế phải lục tìm mới có được một chiếc cốc để rót nước cho tôi. Rồi em kể bằng cái giọng thật lạc quan, đôi mắt luôn ngời sáng. Và chẳng ai tin được em đã phải chiến đấu với căn bệnh ung thư gan hơn 5 năm trời...

Huế sinh ra và lớn lên tại một gia đình nông dân nghèo ở thôn An Phú, xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ). Như chúng bạn, cô bé có rất nhiều mơ ước: làm bác sỹ, làm giáo viên... Vậy nhưng, những ước mơ của Huế như vỡ vụn khi một tai họa ập đến. Cuối năm lớp 10, sau đợt đau bụng dài ngày, bác sỹ phát hiện một khối u ở gan của em và chỉ định mổ. Huế được phẫu thuật tại Bệnh viện Việt - Đức, lấy đi khối u 4x5cm. Khoảng một tháng sau đi khám lại, gia đình bàng hoàng khi nhận được hung tin tại vị trí mổ đã xuất hiện những tế bào ung thư. Huế phải nhập viện K để điều trị.

Câu lạc bộ Nụ cười do Chử Đức Liêm sáng lập đã và đang giúp cho bệnh nhi ung thư cùng gia đình có những giây phút vui vẻ, hạnh phúc.

Phác đồ điều trị của Huế cũng giống với phần lớn các bệnh nhân ung thư khác. Huế được truyền hóa chất ở Bệnh viện K2 (Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội). Thời gian đầu truyền hóa chất, Huế như muốn chết đi được. Em cảm thấy cơ thể như không còn sức sống nữa, chỉ là một thân xác khô héo. Rồi Huế nghĩ đến những bài học, những ước mơ còn dang dở nên lại càng buồn bã. Nhưng rồi Huế được đọc những tấm gương vượt lên bệnh tật, được bạn bè, người thân động viên điều trị để sau này tiếp tục đi học. Và bên trong cô gái bé bỏng này bùng lên một ngọn lửa. Ngọn lửa quyết tâm chiến thắng bệnh tật.

Dứt đợt truyền hóa chất, Huế quay về trường học tiếp. Các bạn ở lớp cũng hơi tò mò khi thấy mái tóc của Huế có phần khác trước (Huế đội tóc giả và cũng không kể với ai về bệnh tình của mình). Một thời gian sau, Huế lại cảm thấy cơ thể “biểu tình”. Vào bệnh viện, các bác sỹ cho biết khối u mới đã mọc tại chỗ cũ và chỉ định phẫu thuật. Tiếp tục những ngày đau đớn trong bệnh viện, cùng chuỗi thời gian truyền hóa chất.

Dù mất nhiều thời gian điều trị bệnh, song Huế vẫn tranh thủ những lúc tỉnh táo mượn sách vở của bạn bè, thầy cô để tự học. Khi lên lớp 12, được cô giáo giảng bài về căn bệnh ung thư, Huế mới biết là mình mắc phải bệnh nan y. Huế sốc và khóc tu tu như đứa trẻ.

Tuy nhiên, khi ngẫm lại thì Huế thấy nhiều người mắc bệnh này thường “đi” rất nhanh, chỉ trong vòng 1 đến 6 tháng. Còn bản thân đã phẫu thuật 2 năm rồi mà vẫn bình thường thì Huế không sợ nữa. Huế nghĩ sẽ có một phép màu nào đó giúp em khỏi bệnh. Huế vững tâm tiếp tục học hành. Dù thời gian đi học thất thường,  song Huế luôn là người học giỏi nhất lớp. Kỳ thi tuyển sinh đại học, em đã đỗ vào Học viện Nông nghiệp với điểm số cao. Trong thời gian là sinh viên, Huế tiếp tục chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo này.

Bằng những nỗ lực phi thường, năm 2018 Huế tốt nghiệp đại học. Khi cầm tấm bằng kỹ sư trong tay, cũng là thời điểm mà Huế biết rằng cuộc sống của em không còn được kéo dài. Huế tự nhủ những giờ phút cuối của mình sẽ phải thật ý nghĩa, có ích cho xã hội.

Huế vẫn vừa học, vừa yêu và tham gia nhiều hoạt động xã hội động viên những người đồng cảnh ngộ. Cuối năm 2018 Huế có mặt tại Lâm Đồng để tham gia dự án cộng đồng “Hành trình Memento Mori, đi qua cái chết để nghĩ về sự sống” do tiến sĩ Đặng Hoàng Giang và đạo diễn Macus Mạnh Cường Vũ thực hiện. Trong suốt thời gian đó, dù luôn bị những cơn đau hành hạ, song Huế đã cắn răng chịu đựng để hoàn thành tốt dự án.

Cách đây 2 tháng, khi cảm thấy cuộc sống chỉ tính được bằng ngày, Huế đã đăng ký hiến tạng. Gửi lại giác mạc sau khi qua đời, đó là phần cơ thể duy nhất mà một người đã trải qua những đợt hóa trị có thể gửi lại.

Tiến sỹ Đặng Hoàng Giang chia sẻ, ông ngưỡng mộ Huế vì em không trốn chạy cái chết. “Không ít người trong cảnh ngộ như em thường không dám đối mặt, thường sợ hãi và bi quan. Huế nhìn thẳng vào cái chết nhưng vẫn có sự bình tĩnh, thanh thản chứ không buồn bã. Càng cảm phục hơn khi em đã chấp nhận hành trình đặc biệt của mình và còn tìm mọi cách để mang niềm vui cho mọi người, giúp nhiều người tìm được cảm hứng cho những ngày sống còn lại” - tiến sỹ Giang chia sẻ.

Một người bạn đã viết trên Facebook của Huế rằng, 24 năm có lẽ ngắn cho một kiếp người nhưng với em nó vừa trọn bởi ngày nào trong 7 năm qua em cũng đã trải đủ trăm năm đời người. Em sống không có gì hối tiếc và khi em ra đi đã kịp ươm mầm sống trong lòng những con người đang sống nhưng trái tim cằn khô sỏi đá...

2. Khi viết những dòng về Huế, tôi lại chợt nhớ đến cậu bé “Hoa hướng dương” Chử Đức Liêm. Giống như Huế, Liêm cũng chỉ có hơn 20 năm sống trên dương gian, song những gì Liêm để lại cho thật đáng cảm phục.

Hơn 5 năm trước, tôi có mặt trong đoàn thiện nguyện của Báo Công an nhân dân đến thăm và tặng quà cho các bệnh nhi ung thư tại Bệnh viện K cơ sở 2 (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội). Tình cờ tôi gặp Chử Đức Liêm mà cứ ngỡ em là một “hot boy” nào đó. Khi đó Liêm khoảng 20 tuổi, da trắng, khuôn mặt chữ điền, đầu cắt “3 phân”, đôi môi mọng cùng hàm răng đều tăm tắp. Em đang vui đùa với các em thiếu nhi với vẻ thân thiện lạ lùng.

Trò chuyện với các bác sỹ, tôi mới biết Liêm cũng là một trong những bệnh nhân đang điều trị tại đây. Dù vậy, Liêm không nhắc nhiều về hoàn cảnh của mình mà chủ yếu chia sẻ những tâm sự, day dứt khi phải chứng kiến các em thiếu nhi còn rất nhỏ tuổi mà đã phải chiến đấu với căn bệnh nan y. Liêm khao khát có một sức mạnh thần kỳ nào đó có thể chữa lành bệnh cho các em.

Một thời gian sau, Liêm bày tỏ với tôi ý định sẽ thành lập một câu lạc bộ nhằm kết nối những tấm lòng hảo tâm để chung tay giúp đỡ trẻ em đang điều trị tại Bệnh viện K2. Liêm hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ từ truyền thông cũng như các cá nhân tổ chức và cả cộng đồng.

Vậy là tôi đã có mặt tại nhà của Liêm ở xóm Đề (Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) và thấu hiểu hơn về hoàn cảnh, về cuộc sống của Liêm. Liêm đã có một tuổi thơ đẹp, với những ngày đi học ở ngôi trường xanh rợp lá. Những buổi đi câu cá, tắm sông, trộm quả xanh... cùng bạn bè. Nhưng, căn bệnh ung thư quái ác bất ngờ ập đến khiến cho bao ước mơ của chàng trai trẻ này phải tạm dừng.

Phạm Thị Huế thời điểm phóng viên gặp tháng 5-2017.

Khoảng đầu năm 2008 khi Liêm đang học dở lớp 10A5 Trường THPT Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội) thì đột nhiên thấy đau ở các khớp xương. Đoán chừng chỉ bị đau do căng cơ, Liêm mua cao về dán. Và những cơn đau cũng dịu bớt.

Vài tháng sau, những cơn đau đột ngột bùng lên dữ dội. Bố mẹ đưa Liêm đến Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Trì khám, rồi chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai. Ban đầu Liêm được chẩn đoán là do cơ xương đang trong giai đoạn phát triển mạnh nên được ra về với một túi thuốc để điều trị.

Cho đến khoảng tháng 6-2008, lần này những cơn đau còn dữ dội hơn và Liêm được đưa đi chụp cắt lớp, rồi đưa đi sinh thiết... Kết quả chẩn đoán như một gáo nước lạnh dội vào cậu bí thư chi đoàn lớp 10A5. Liêm buộc phải tạm biệt bạn bè, thầy cô để làm quen với những đợt truyền hóa chất liên miên. “Thời điểm ấy, liên tục những cơn đau buốt từ tận xương tủy cứ dội lên, lắm lúc em phải nghiến răng để chặn những tiếng nấc. Cả đêm em không thể chợp mắt lấy một phút. Sau đó thì các cơn đau giảm dần, tóc em bắt đầu rụng từng mảng” - Liêm kể.

Sau vài đợt xạ trị, các bác sĩ tiến hành khám lại. Liêm có thể nhận ra cái cau mày, lắc đầu của vị bác sĩ trưởng khoa. Ông gọi Liêm ra một chỗ rồi lựa lời khuyên giải: “Bác rất buồn phải thông báo với cháu rằng, một bên chân trái của cháu đã bị khối u lan sang. Và để duy trì sự sống, cần phải cắt bỏ nó đi”.

Nghe bác sĩ nói đến đây, tai Liêm ù đi, đất trời chao đảo. Liêm không biết rồi đây mình sẽ sống thế nào, khi chỉ còn một chân. Sẽ chẳng còn những buổi đá bóng, tắm sông, chạy nhảy đùa vui... cùng chúng bạn. Và liệu sau đó Liêm có thể học tiếp, có thể kiếm được công việc tốt để đỡ đần bố mẹ? Những câu hỏi ấy cứ xoáy vào đầu óc còn non nớt của cậu học trò mới lớn... Cuộc phẫu thuật diễn ra nhanh hơn Liêm tưởng. Chân trái của cậu phải tháo khớp đến tận bẹn.

Sau khi bỏ chiếc chân trái, tình trạng sức khỏe của Liêm tiến triển tốt. Đến đầu năm 2009 Liêm được xuất viện và tiếp tục theo học lớp 11, lớp 12. Rồi Liêm thi đỗ vào Khoa Lịch sử trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn... Tháng 6-2012, Liêm đang trong kỳ thi hết môn năm học thứ nhất thì những cơn đau tái phát. Liêm đành phải bảo lưu kết quả học và trở lại bệnh viện...

“Em dự định thành lập câu lạc bộ mang tên “Sáng mãi nụ cười em” đồng thời gây quỹ để xây dựng một chuỗi chương trình văn nghệ nhằm giúp các bệnh nhi có được niềm vui sống, có thể tạm quên đi nỗi đau bệnh tật. Mỗi chương trình, các em sẽ được hát những bài ca, tham gia những trò chơi vui nhộn, phần thưởng là quà bánh, đồ chơi - anh thấy như vậy có được không?” - Liêm rụt rè hỏi tôi, trước khi bắt đầu “khởi động” cho chương trình.

Sau cuộc gặp thứ hai, biết được dự định tốt đẹp và cảm động của Liêm, tôi viết bài đăng trên Chuyên đề An ninh thế giới và chia sẻ cho nhiều người. Sau khi bài viết được đăng tải, nhiều độc giả đã liên hệ đến tòa soạn bày tỏ ý định muốn được chung tay đóng góp cả về vật chất lẫn công sức để chương trình thành công. Liêm cũng liên lạc cho tôi, kể rằng sau khi bài viết được đăng đã có nhiều cá nhân, tổ chức ủng hộ dự định của em.

Và ngày 14-6-2014, số đầu tiên của chuỗi sự kiện “Sáng mãi nụ cười em” đã được tổ chức trong khuôn viên Bệnh viện K2. Ngay sau khi chương trình kết thúc, Liêm nhắn tin cho tôi bày tỏ niềm vui vì chương trình đã thành công tốt đẹp. Và Liêm cũng muốn nhờ tôi nói lời cảm ơn với nhiều nhà hảo tâm đã chuyển tiền ủng hộ chương trình mà không ghi danh. Nối tiếp nhau, hầu như tháng nào các bệnh nhi ở Bệnh viện K2 cũng được hưởng những giây phút ngọt ngào khi tham gia chương trình.

Và cho dù Chử Đức Liêm đã không thắng được căn bệnh hiểm nghèo (Liêm mất ngày 15-8-2015) thì những việc làm, dự định tốt đẹp của Liêm vẫn được người thân, bạn bè tiếp nối. Câu lạc bộ do Liêm thành lập nay được đổi tên thành câu lạc bộ “Nụ cười” và ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ hơn từ cộng đồng. Hiện tại, câu lạc bộ đã hoạt động khá chuyên nghiệp. Hằng tháng, hằng quý, ngoài chương trình “Sáng mãi nụ cười em”, câu lạc bộ còn có những buổi vui tết Thiếu nhi 1-6, vui Trung thu... cho các bệnh nhi.

Những “ngôi sao” như Liêm, như Huế dù phải ra đi nhưng đã truyền lại ngọn lửa của nghị lực, niềm đam mê và tình yêu cuộc sống. Cuộc đời của họ chính là thông điệp ý nghĩa rằng, mỗi giây phút được sống trên cuộc đời này là mỗi giây phút quý giá, cần phải nâng niu, trân trọng.

Yên Chi
.
.