Những người lính quả cảm cứu rừng

Thứ Tư, 03/07/2019, 15:36
Biển lửa rực trời và cái nắng trên 40 độ của mùa hè xứ Nghệ càng làm “cộng hưởng” thêm độ nóng đến cháy da cháy thịt. Và, cũng chính trong gian nan ấy đã làm đẹp hơn hình ảnh những người lính Công an Hà Tĩnh Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ. Họ đã vượt nắng, vượt lửa, trắng đêm căng mình cứu rừng, cứu nhân dân.

Dấn thân trong biển lửa

Đôi mắt trũng sâu sau mấy đêm liền thức trắng, làn da đen sạm vì nắng, vì lửa rừng nhưng Thượng tá Nguyễn Quang Thành - Trưởng Công an huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, luôn xông xáo đến những địa bàn xung yếu để chỉ đạo công tác chữa cháy rừng. Mặc dù địa bàn rộng, địa hình phức tạp nhưng anh cùng tập thể Ban chỉ huy Công an huyện, phối hợp Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) linh hoạt trong công tác chữa cháy, cố gắng hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra, sớm triển khai phương án di dời dân, đảm bảo an toàn cho những hộ dân lân cận do ảnh hưởng của cháy rừng.

Từ 12h00 ngày 28-6,  sau khi nhận được tin báo xảy ra vụ cháy tại khu vực rừng phòng hộ thuộc núi Truông (ở thôn 7, xã Xuân Hồng) lan rộng ra đến núi Hồng Lĩnh (thuộc địa phận tổ dân phố 1, thị trấn Xuân An), Công an huyện Nghi Xuân đã huy động 100% cán bộ, chiến sĩ phối hợp cùng Phòng Cảnh sát PCCC và CHCN Công an tỉnh, các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn, cấp ủy chính quyền địa phương và quần chúng nhân dân tích cực chữa cháy.

Đại tá Võ Trọng Hải, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh báo cáo công tác chữa cháy với đồng chí Phạm Minh Chính, trưởng ban Tổ chức Trung ương.

Để đề phòng tình trạng vụ cháy lan sang khu vực người dân sinh sống ở dưới chân núi Hồng Lĩnh, Công an huyện Nghi Xuân đã huy động lực lượng, phương tiện giúp 80 hộ dân ở đây di dời tài sản đến nơi an toàn. Sau gần 11 giờ đồng hồ chữa cháy liên tục, đến 23h ngày 28-6, lửa ở khu vực núi Truông cơ bản đã được khống chế, dập tắt. Các lực lượng tiếp tục khoanh vùng, tạo “đường băng” và triển khai nhiều biện pháp để kiểm soát, khống chế vụ cháy tại núi Hồng Lĩnh.

Tối 28-6, Ngày Gia đình Việt Nam, họ - những chiến sĩ công an - không được sum họp bên gia đình nhưng “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, khi mệnh lệnh trái tim đặt lên trên hết, những chiến sĩ công an trắng đêm, căng mình để “canh” lửa, giữ rừng, giữ màu xanh cho quê hương. Với bánh mì, lương khô, nước lọc qua ngày, họ bám trụ địa bàn.

Thượng tá Thành kể, trong tàn tro, lửa vẫn âm ỉ cháy. Khi ngọn gió đêm thổi mạnh, đến 3h ngày 29-6, đám cháy bùng phát trở lại tại núi Hồng Lĩnh, lực lượng cảnh sát PCCC và CHCN Công an Hà Tĩnh, Công an huyện Nghi Xuân đang ứng trực tại hiện trường đã phối hợp cùng các lực lượng vũ trang khác tập trung triển khai nhiều biện pháp để chữa cháy nhưng do thời tiết gió mạnh, ngọn lửa bùng phát ở nhiều vị trí khác nhau nên đám cháy đã lan rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực người dân sinh sống ở dưới chân núi.

Với nhiều kinh nghiệm trong công tác chữa cháy rừng, Đại tá Nguyễn Đình Thừa - Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo huy động lực lượng để tạo “đường băng” ngăn lửa. Công an huyện Nghi Xuân, Phòng Cảnh sát PCCC và CHCN Công an tỉnh và các đơn vị chức năng đã tập trung tiến hành nhiều biện pháp chữa cháy, phun nước giảm nhiệt, dập tắt từng “vành đai lửa” và các khu vực cháy âm ỉ, tàn tro, hạn chế tình trạng ngọn lửa bùng phát trở lại ở những khu vực đã được dập tắt. Sau gần 9 giờ đồng hồ, đến 11h30 cùng ngày, đám cháy cơ bản được khống chế.

Nhưng đến 14h chiều, gió phơn Tây Nam thổi mạnh, ngọn lửa bùng phát ở nhiều điểm, lực lượng công an cùng các lực lượng được huy động đã nỗ lực khống chế ngọn lửa, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Đại tá Nguyễn Đình Thừa cho biết: Đến sáng 30-6, lực lượng công an đã triển khai có hiệu quả các phương án chữa cháy, lửa cơ bản đã được dập tắt, Công an Hà Tĩnh đã di dời và đảm bảo an toàn cho 300 hộ dân sinh sống trên địa bàn huyện Nghi Xuân”.

Công an tỉnh Hà Tĩnh triển khai phương án chữa cháy.

Leo núi, vượt hào để chữa cháy

Có tận mắt chứng kiến lực lượng công an, bộ đội, dân quân tự vệ, PCCC và người dân... giáp mặt, gồng mình với ngọn lửa rừng rực, bỏng rát, chúng tôi mới hiểu hết những nguy hiểm và cực nhọc nơi đây. Khói, bụi, gió Lào bỏng rát dường như không thể cản bước chân và quyết tâm ngăn lửa, cứu rừng của những con người mưu trí, quả cảm. Bởi địa hình chữa cháy rừng khá đặc biệt, nơi thì cao chót vót, nơi thì cách xa chỗ tiếp nước. Dường như, trong khó khăn ấy, lại ló sáng những cách chữa cháy hiệu quả.

Kho than Gia Lách thuộc Công ty Than Nghệ Tĩnh với trữ lượng hơn 200 tấn và số lượng gỗ khá lớn chờ chế biến của chi nhánh sản xuất thương mại và làng nghề Công ty Gỗ thương mại và dịch vụ, thuộc Công ty Chế biến gỗ Thanh Thanh Đạt (tại khối 1, thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân) sát với rừng.

Khi phát hiện những điểm cháy bùng phát trở lại, có nguy cơ lây lan, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thượng tá Hoàng Văn Long, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CHCN Công an tỉnh, anh em đã nhanh chóng tìm vị trí tiếp cận gần nhất với điểm có lửa để dập tắt. Có điểm những chiến sĩ PCCC phải leo độ cao hơn 500m. Nếu không có những tháng ngày rèn luyện vất vả trên thao trường thì chắc hẳn, nhiệm vụ đánh thẳng vào “giặc” lửa lúc này chắc chắn sẽ khó thực hiện

Ngay từ khi nhận tin có cháy lớn xảy ra, Thượng tá Hoàng Văn Long cùng hơn 80 chiến sĩ khẩn cấp di chuyển đến khu vực cháy, 10 xe chữa cháy và 4 máy bơm công suất lớn. Khi phát hiện ngọn lửa bùng cháy trở lại, anh em lại khẩn trương triển khai ngay các phương án chữa cháy.

Những người lính chữa cháy nỗ lực cứu rừng.

"Hơn 2 ngày đêm, dù vất vả nhưng cán bộ, chiến sĩ làm việc thống nhất trong ê-kíp chữa cháy, bản lĩnh, thể lực luôn được giữ vững và nắm rõ chiến thuật nên mọi công việc và mệnh lệnh được giao đều tổ chức thực hiện nghiêm, đạt kết quả tốt”, Thượng tá Hoàng Văn Long cho biết thêm.

Tranh thủ uống ngụm nước do đồng đội mang đến, Thượng úy Lê Anh Hùng - Đội phó Đội chữa cháy trung tâm, Phòng Cảnh sát PCCC và CHCN chia sẻ: “Đã có lúc anh em gần như kiệt sức vì nắng, lửa bỏng rát nhưng chúng tôi vẫn căng mình ra khống chế và ngăn chặn đám cháy lan xuống khu dân cư. Gần 3 ngày trôi qua, mỗi anh em chiến sĩ chỉ ngủ chưa đầy 2 tiếng đồng hồ, gần như không còn thời gian nghỉ ngơi nhưng ai nấy đều dốc sức, dốc lực, dốc tâm, dốc trí để chữa cháy”.

Vụ cháy diễn ra trong thời tiết nắng nóng, gió Lào thổi mạnh, ngọn lửa bén rất nhanh khiến cho việc dập lửa càng trở nên khó khăn. Thượng tá Võ Đăng Khoa, Trung tá Nguyễn Văn Lộc, Trung tá Nguyễn Thanh Hà, Trung tá Đậu Đình Hòa, Thượng úy Nguyễn Văn Nhứt và những cái tên thân thuộc khác của Phòng Cảnh sát PCCC và CHCN luôn có mặt tại những nơi khó khăn nhất của công tác chữa cháy. Quần áo ướt đẫm mồ hôi, chân tay đen sạm vì nắng, khói và bụi than nhưng họ luôn dành cho nhau những nụ cười, ánh mắt thân thiện, những câu chuyện hài trong khoảnh khắc hiếm hoi khi nghỉ ngơi, canh lửa.

Khác với chữa cháy rừng ở thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, cán bộ, chiến sĩ cảnh sát PCCC phải leo cao với độ dốc của núi đá thì công tác chữa cháy rừng ở thôn Sơn Thủy (xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn) có nhiều điểm khác. Tuy địa hình khá bằng phẳng nhưng cách khá xa điểm tiếp nước. Khảo sát được vị trí thuận tiện, có nguồn nước đủ cho công tác chữa cháy rừng tại điểm bùng phát ở thôn Sơn Thủy, Công an huyện Hương Sơn và những người lính chữa cháy Công an tỉnh phải bơi qua bờ mương khá rộng. Họ di chuyển nhanh đến điểm cháy.

Những người lính chữa cháy nỗ lực cứu rừng.

Vòi dài, dưới sức căng của nước, họ nối nhau giữ vững vòi nước, đánh thẳng vào ngọn lửa đang to dần lên bởi gió phơn Tây Nam thổi mạnh. Cùng với lực lượng Quân khu 4 và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, sự đoàn kết, hiệp đồng cao độ, sau thời gian ngắn vật lộn, họ đã dập tắt được ngọn lửa.

Trung tá Đậu Đình Hòa, đội trưởng, Phòng Cảnh sát PCCC và CHCN chia sẻ: “Công việc chữa cháy đòi hỏi sự hiệp đồng chặt chẽ của những người lính tham gia chữa cháy. Khó khăn, vất vả, hiểm nguy nhưng chúng tôi hiểu và chia sẻ cho nhau trong từng khoảnh khắc gian nan nhất”.

Sáng sớm hay đêm khuya, một cái bánh quy nhỏ, một cái bánh mì, chai nước lọc là những thực phẩm của người lính chữa cháy rừng. Có thời điểm, 2 người chia nhau 1 suất cơm hay cái bánh mỳ khô lẫn mùi khói và mồ hôi mặn chát. Nhưng, dường như điều đó không làm nhụt chí những người lính chữa cháy quả cảm. Giữa cái nắng như thiêu như đốt, khói bụi mù mịt, các lực lượng vẫn kề vai sát cánh, cùng nhau khống chế "giặc lửa", trở thành hình ảnh đẹp đẽ trong lòng nhân dân.

Và, trên khuôn mặt lấm lem, bàn tay khô ráp đó là những nụ cười họ trao cho nhau, xóa tan mệt mỏi, trở thành động lực để những người lính Công an nhân dân tiếp tục chiến đấu ngăn lửa, giữ rừng, bảo vệ tài sản của nhân dân...

Bắt giam đối tượng gây cháy rừng Hà Tĩnh

Ngày 1-7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nghi Xuân đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Phan Đình Thành (sinh năm 1973, trú tại thôn 7, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân) về tội “Vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy" theo Điều 313 Bộ luật Hình sự.

Cháy rừng ở nhiều tỉnh miền Trung

Sau Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế cũng xảy ra cháy rừng. Đến chiều 1-7 tất cả các điểm cháy rừng tại Nghệ An và Hà Tĩnh đã được dập tắt hoàn toàn. Tại Thừa Thiên - Huế đã xảy ra 3 vụ cháy tại 4 phường, xã của thị xã Hương Thủy và Hương Trà với thiệt hại khoảng 82 ha rừng.

Tại Quảng Nam xảy ra 3 vụ cháy rừng keo của người dân. Tại xã Nam Kim, huyện Nam Đàn, Nghệ An, lửa cháy rừng lan sang từ huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh khiến một người dân tử vong. Lực lượng tham gia chữa cháy rừng được huy động lên tới hàng nghìn người.

Hoàng Xuân Lý
.
.