Bài 1:

Những người mẹ “siêu” dũng cảm

Thứ Ba, 11/07/2017, 22:49
Gọi các chị là những bà mẹ anh hùng có lẽ không phải là quá. Bởi các chị đều đã “đặt cược” sinh mệnh của bản thân mình, chỉ với hy vọng mong manh sẽ cứu được sinh linh đang mang trong bụng. Điều khiến chúng tôi và cả những người trong cuộc cảm thấy vui, hạnh phúc khi mà cuối cùng tình mẫu tử vẫn giành chiến thắng.

1. Chúng tôi có mặt tại thôn Đông Lao (Đông La, Hoài Đức) vào một buổi sáng mùa hè trời xanh trong vắt, không một gợn mây. Hỏi đường vào nhà chị Yên không khó, vì chị đã khá “nổi tiếng” rồi. Nơi mà chị đang cùng chồng, con hiện đang tá túc là căn nhà của bố đẻ. Ngôi nhà nhỏ với những đồ đạc cũ, giản dị song gọn gàng, ngăn nắp.

Lúc chúng tôi đến chị Yên đang giặt quần áo. Nghe bố gọi một lúc chị mới mò mẫm bước ra. Khác với suy nghĩ của chúng tôi - dù đã bị hỏng hai mắt, và vẫn phải chiến đấu với căn bệnh ung thư vòm họng quái ác - thì chị Yên vẫn luôn tỏ ra lạc quan. Chị kể lại hành trình chữa bệnh và sinh con đầy trắc trở, đớn đau mà khuôn mặt, đôi mắt gần như không hiện nét bi lụy.

Lập gia đình vào đầu năm 2013, ít lâu sau thì chị Yên có tin vui. Nhưng cùng lúc đó là một tai họa giáng xuống gia đình chị. Vốn mấy năm trước chị Yên đã mắc chứng viêm xoang mãn tính. Khi chị có bầu thì càng ngày bệnh càng nặng hơn, mà gần như vô phương cứu chữa.

“Tôi thấy người mình mắc xoang rất nhiều, nghĩ là bình thường nên chỉ mua thuốc uống qua loa. Đến khi có em bé thì không dám uống thuốc nữa. Nhưng rồi cứ thường xuyên bị chảy máu cam nên chồng đưa đến Bệnh viện Quân y 103 khám. Khám đi khám lại mấy lần, rồi tôi thấy cả gia đình tụ họp. Tôi cảm thấy có sự không bình thường nên mới hỏi chồng rằng em bị làm sao, thì anh ấy nói là “không sao đâu, em bị nhẹ chỉ điều trị ít bữa là khỏi”. Nhưng nhìn vào mắt anh ấy, tôi biết mình đã mắc bệnh nan y” - chị Yên tâm sự.

Thế rồi chị Yên cũng biết được mình đã mắc bệnh ung thư vòm họng, giai đoạn cuối. Khi đó chị Yên phải đứng trước hai lựa chọn. Mà lựa chọn nào cũng quá đau đớn với chị. Các bác sỹ cho biết để giữ tính mạng cho chị thì sẽ phải dùng liệu pháp xạ trị và truyền hóa chất. Và nếu như vậy thì sẽ ảnh hưởng đến em bé, nên tốt nhất là không nên giữ cái thai nữa. Lựa chọn thứ hai xấu hơn, nếu như chị không chịu điều trị theo phác đồ, thì khả năng sống sót là rất ít.

Chị Yên kể lại những tháng ngày phải đối mặt với lựa chọn đau đớn.

“Nghe bác sỹ nói vậy, tôi òa khóc ngay tại phòng khám. Gia đình, bạn bè khuyên bảo, dỗ dành mấy cũng không nguôi ngoai được đau đớn, nước mắt cứ trào ra. Rồi tôi hỏi lại bác sỹ: “thế nếu không chữa bệnh để giữ lấy em bé, thì khả năng là bao nhiêu?” Nghe chị Yên hỏi dồn, người bác sỹ trả lời mà mắt ông đỏ hoe: “Theo kinh nghiệm của tôi, thì 99% là không thể đảm bảo tính mạng của cả hai mẹ con”.

Nghe thế có lẽ sẽ nhiều người tuyệt vọng, nhưng chị Yên thì không. Chị bảo, như vậy nghĩa là vẫn còn 1% hy vọng. “Chỉ cần một tia hy vọng nhỏ nhất thì tôi vẫn quyết không thể bỏ con”. Thấy vợ cương quyết như vậy, chồng chị vì lo cho tính mạng của vợ nên mới khuyên rằng: “Mình hãy bỏ đứa con này đi để trị bệnh. Khi em khỏi bệnh rồi thì em muốn có bao nhiêu con cũng được”.

Nhưng chị không nghe. Chị khóc và nói với chồng rằng: “Con là kết quả tình yêu giữa anh và em. Nó cũng là máu mủ của chúng mình nên dù có phải chết em cũng không bỏ con đâu. Hơn nữa, nếu em bỏ con, sau này đằng nào em cũng chết, khi em xuống dưới đó nếu gặp con thì em biết nói thế nào với con đây. Lúc đó nó sẽ trách em là độc ác thì em phải làm sao?”.

Vậy là chị Yên bảo gia đình cho xuất viện, về nhà để cố gắng chăm chút cho bào nhi trong bụng.

2. Nhớ lại thời gian ấy, chị Yên ứa nước mắt: “Dù đã xác định chịu trăm ngàn đau đớn để giữ bằng được đứa con, song cũng đôi lúc tôi cảm thấy tuyệt vọng. Đó là thời điểm căn bệnh nó “phá”, khiến cho cả vùng mặt đau đớn không thể tả nổi. Đặc biệt khi ăn uống, chỉ cần há miệng ra là cảm thấy như bị trăm ngàn mũi chích... Rồi đôi mắt cứ mờ dần”. Chị Yên đã khóc rất nhiều.

Lo cho vợ, chồng chị Yên bảo: “Nếu em quyết tâm sinh con thì tinh thần em phải phấn chấn vui vẻ lên để không ảnh hưởng đến con. Còn nếu em mà suốt ngày ủ rũ, khóc lóc thì sau này con sinh ra cũng sẽ buồn và khổ”. Nghe chồng nói vậy, chị dù đau đớn đến mấy nhưng vẫn cố giữ cho mình một tinh thần tốt vì con.

Mỗi bữa chị Yên cố húp 1-2 bát cháo, những mong truyền được chất dinh dưỡng cho con. Nhưng ăn được bao nhiêu thì cũng… nôn ra chừng ấy. Kể cả các loại sữa bột, sữa tươi chị Yên cũng không uống được. Chỉ cần ngửi thấy mùi là chị đã buồn nôn.

Bé gái đáng yêu này đã được sinh ra bằng trái tim dũng cảm của người mẹ.

“Khi thai được 26 tuần, tôi đi siêu âm thì thấy cháu được 1 kg. Nhưng đến lúc 32 tuần, tôi đi siêu âm lại thì thấy lên được có 1,2 kg. Như vậy nghĩa là gần 2 tháng mà cháu hầu như không lên được mấy. Tôi hoảng quá, mỗi bữa đều cố ăn nhiều lên một chút, dù hễ há to miệng một chút là đau đến trào nước mắt. Ăn xong rồi thì cắn răng quyết không nôn ra, để còn có dưỡng chất mà nuôi con” - chị Yên nhớ lại.

Không dùng bất cứ một loại thuốc nào nên bệnh tình của chị Yên vì thế mà ngày càng nặng hơn. Đôi mắt chị cứ mờ dần. Ngồi trong mâm cơm chị đã không thể tự gắp thức ăn, muốn xỏ đôi dép để đi cũng khó. Và đến khoảng tháng thứ 7 của thai kỳ thì bên mắt trái của chị đã không còn có thể nhìn gì nữa. Dù vậy nhưng chị Yên vẫn nhất định không khóc. Chị nghĩ mình đã chấp nhận hy sinh cả mạng sống của mình thì những thứ mất mát như thế không đáng gì. Con chị khi sinh ra nó nhất định phải là một đứa trẻ vui vẻ như bao đứa trẻ khác.

Nghị lực kiên cường của bà mẹ này cuối cùng cũng đã được đền đáp…

Ngày 5-11-2013, người nhà thấy sức khỏe của chị Yên có biến chuyển xấu, lúc đó thai nhi cũng đã được khoảng 34 tuần nên đã đưa chị đến bệnh viện. Sau khi khám, các bác sỹ quyết định phải mổ gấp để cứu cả hai mẹ con. Thật kỳ diệu, vài giờ sau cháu Lê Hoàng Cẩm Tú đã khóc oe oe trên tay bác sỹ. Cháu được 2,1kg. Nghe tin ấy, chị Yên không giấu nổi những giọt nước mắt hạnh phúc.

Vì không dùng thuốc nên khi vào bàn mổ chị Yên chẳng còn nhìn thấy gì nữa. Lúc sinh con ra, chị đã xin bác sĩ cho được sờ mặt con gái. “Lúc đó em hỏi bác sĩ là con em trông thế nào, bác sĩ bảo con bé xinh lắm làm em hạnh phúc đến nghẹt thở. Em nghĩ nếu em có phải chết ngay lúc đó em cũng nhẹ lòng” - chị Yên nhớ lại.

Nhưng chị Yên chỉ được ở với con vài phút, vì sức khỏe chị không tốt, lại cũng chẳng có sữa cho con bú nên cháu được đưa về ngoại nuôi dưỡng, chăm sóc. Còn chị Yên tiếp tục ở lại bệnh viện để chiến đấu với bệnh ung thư.

“Sinh con ra mà lại không được tự tay chăm bẵm, nuôi nấng, chứng kiến sự lớn lên từng ngày của bé - đó thật sự là một nỗi đau mà không phải ai cũng hiểu được. Nhưng thân mang trọng bệnh, tôi đành phải cố cắn răng nuốt nước mắt vào trong, tập trung điều trị mong đến ngày được ra viện, được đoàn tụ với chồng, con”.

Nhờ số tiền mà người thân, bạn bè, đồng nghiệp quyên góp chị Yên đã điều trị đúng theo phác đồ của các bác sỹ đề ra.

3. Có lẽ chị Yên được trời thương, khi mà việc xạ trị, truyền hóa chất đã có những tiến triển nhất định. Mặc dù đôi mắt của chị không còn nhìn thấy được gì, song sức khỏe thì được cải thiện lên khá nhiều. Cứ sau mỗi đợt truyền hóa chất, chị Yên lại được về nhà nghỉ một thời gian. Vậy là chị có thời gian để chăm bẵm cô con gái bé bỏng.

“Tôi may mắn có người chị gái chưa lập gia đình đã nhận nuôi bé Cẩm Tú từ ngày mới lọt lòng. Nhưng bé không có sữa mẹ nên sức đề kháng rất kém. Ốm đau quặt quẹo suốt. Tranh thủ thời gian giữa hai đợt điều trị, tôi cố gắng tập cách đun nước, rồi luộc bình, pha sữa cho bé uống. Cũng đôi lần bị bỏng, nhưng chẳng là gì so với niềm vui được bên con anh ạ” - chị Yên tâm sự.

Được biết chị Hoàng Thị Yên sinh ra trong một gia đình nông dân, có đông anh chị em. Vì hoàn cảnh khó khăn, chị chỉ được học hết lớp 9 rồi phải đi chạy chợ phụ giúp bố mẹ. Gia đình có mấy sào đất, tập trung trồng các loại rau. Sáng nào chị Yên cũng dậy sớm, bó rau vào chiếc xe đạp rồi đem bán ở nhiều chợ.

Tính chị vốn độc lập, không muốn dựa dẫm vào ai nên ít năm sau chị xin đi làm công nhân may. Nhiều năm chị còn vào làm việc ở tận trong TP HCM. Khoảng năm 2012 thì chị trở ra Hà Nội, xin vào làm một công ty may ở Hà Đông. Sau đó chị gặp rồi lấy chồng. Chồng chị làm tài xế taxi. Hai vợ chồng thuê một căn phòng bé tí hin ở Mễ Trì (Nam Từ Liêm, Hà Nội) ở tạm.

Dù bị mù cả hai mắt, song chị Yên vẫn tập luyện để có thể đun nước, pha sữa cho con.

Khi mắc trọng bệnh chị Yên cùng chồng xin về nương nhờ ông bà ngoại. Ở đây một thời gian thấy chật chội, chị Yên may mắn được một bà thím cho ở nhờ nhà kho cách đó không xa. Ban ngày chị ăn uống sinh hoạt tại ngôi nhà của bố mẹ. Buổi tối chị chống gậy sờ lần ra căn nhà kho, ở với chồng. Bé Cẩm Tú vì ở với bác từ nhỏ, nên lúc nào cũng quấn lấy bác. Chỉ ở với bố mẹ một lúc là lại đòi ra với bác.

Khi quyết định giữ lại giọt máu của mình, các bác sĩ đều tiên lượng sự sống của chị chỉ kéo dài nhiều nhất cũng chỉ được hai đến ba tháng mà thôi. Bởi nhiều người khỏe mạnh bình thường mà khi mắc bệnh cũng “đi” rất nhanh. Vậy mà giờ đây bé Cẩm Tú đã được gần 4 tuổi.

Không chỉ bác sĩ, gia đình và người thân mà ngay đến cả bản thân chị Yên cũng không tin được là mình lại có thể sống đến ngày hôm nay. Chị cười tươi lý giải: “Chắc có lẽ do tình yêu của em với con nó mạnh mẽ quá. Đó chính là động lực cũng là sức mạnh để em vượt lên bệnh tật”.

Minh Tiến
.
.