Những người “nắn cây cong” ở ngôi trường đặc biệt

Thứ Ba, 27/11/2018, 15:09
Gọi là ngôi trường đặc biệt bởi học sinh cũng là những người đặc biệt - người chưa thành niên vi phạm pháp luật được đưa vào đây giáo dục. Thầy cô giáo ở ngôi trường này, ngoài truyền đạt kiến thức văn hóa, họ còn uốn nắn, dạy dỗ, giáo dục những học sinh ngỗ nghịch đi vào nề nếp, kỷ cương, trở thành người lương thiện, để khi hết thời hạn về với gia đình, các em trở thành người có ích cho xã hội.

Đánh đổi bằng mồ hôi và nước mắt

Trường Giáo dưỡng số 2 (Ninh Bình) hiện lên khang trang dưới ánh nắng rực rỡ của một ngày cuối thu. Trên sân trường, hơn 200 học sinh đang được trải nghiệm các trò chơi do nhà trường phối hợp với Trung tâm Thanh thiếu niên tỉnh Ninh Bình tổ chức chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Những gương mặt học trò nói cười vui vẻ này từng có quá khứ bất hảo. Có em từng là “đại ca”, là dân “anh chị” trong giang hồ. Giáo dục, dạy dỗ học sinh “đặc biệt” thành người là khổ công của những người thầy ở đây. Họ phải đánh đổi mồ hôi, nước mắt mới hướng thiện được một con người lạc đường đi đúng hướng.

Kể lại những ngày đầu  bước chân về làm thầy giáo ở Trường Giáo dưỡng số 2, Đại úy Trần Bá Hà, Phó Đội trưởng Đội Giáo viên chủ nhiệm vẫn còn nhớ như in cảm giác “choáng” khi thấy học sinh cao lớn hơn thầy, quậy phá, nghiện ma túy, lên “cơn vật” giữa sân trường. Khi đó anh Hà là một thầy giáo trẻ, vừa tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm Hà Nam, dạy tiểu học tại huyện Bình Lục được một năm thì chuyển về Trường Giáo dưỡng số 2.

Thời ấy (năm 1999), học sinh nghiện ma túy vào trường khá nhiều, có khi đang giảng bài, học sinh trong lớp lên cơn “vật” là chuyện thường tình. Gặp tình huống đó, anh khá lúng túng nhưng lâu dần anh đã có kinh nghiệm, thấy biểu hiện lạ của học sinh là anh đưa xuống bệnh xá để cắt cơn ngay.

Đại úy - thầy giáo Trần Bá Hà luôn động viên, giáo dục các em hướng thiện.

Sau 12 năm làm giáo viên văn hóa, anh Hà chuyển sang làm giáo viên chủ nhiệm. Khác với giáo viên văn hóa, làm giáo viên chủ nhiệm là phải quản lý, giáo dục và hướng nghiệp cho học sinh. Để quản lý được tốt, phòng ở của thầy giáo được bố trí ngay cạnh phòng của học sinh để có thời gian gần gũi, dạy bảo và quản lý các em 24/24h. Đội 15 do anh Hà làm giáo viên chủ nhiệm có 16 học sinh từ 14 đến 17 tuổi, khi mới vào đây đều ngỗ nghịch, khó bảo.

Có em lúc vào trường không biết cầm cái chổi nhưng qua sự dạy bảo của thầy, các em đã biết làm nhiều việc thành thạo. Trong đám học sinh đang chơi ở sân trường, anh Hà chỉ vào một cậu bé có gương mặt bướng bỉnh nói rằng, đó là học sinh cá biệt khiến anh nhiều lần “đau đầu”.

Trước khi vào đây, Vũ Ngọc Long (16 tuổi, quê ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) bỏ học sớm, theo bạn bè đi trộm cắp. Tuy đã vào đây nhưng “tật xấu” của Long vẫn không bỏ được. Vì hay trộm đồ của bạn nên Long bị chuyển đội. Trong 16 học sinh thì Long là đối tượng khiến anh phải mất nhiều công sức và thời gian nhất để gần gũi, giáo dục.

Ngoài cho Long viết cam kết, kiểm điểm, cho một số bạn giám sát, lúc nào rảnh là anh lại gặp riêng để phân tích, giảng giải. Biết Long rất thương bố nên anh đã thông qua người cha để tác động vào tình cảm của học sinh này. Mưa dầm thấm lâu, từ một học sinh ngỗ ngược, Long đã tiến bộ rất nhiều. Cậu tự giác lao động, nghe lời thầy, chấp hành nội quy và còn năng nổ tham gia các hoạt động tập thể. Rèn giũa được một học sinh cá biệt tiến bộ, đối với người làm thầy đó chính là thành công. 

7 năm làm giáo viên chủ nhiệm, Đại úy Trần Bá Hà đã quản lý trên 100 học sinh tới ngày các em được ra trường, trong số đó nhiều em trở thành người lương thiện, thành đạt. Anh không giấu được niềm tự hào khi nhắc tới học trò Nguyễn Văn Hợi (ở Tiên Yên, Quảng Ninh). Bố mẹ Hợi mất từ khi cậu còn nhỏ, cuộc sống không người thân khiến cậu bị cuốn vào con đường phạm tội.

Trong một lần Hợi theo chúng bạn đi trộm cắp lấy tiền chơi game, bị bắt và được đưa vào đây. Những ngày đầu cậu luôn cô độc, lẩn tránh, lầm lì, không thực hiện nội quy, thầy bảo không nghe. Nhìn cậu học trò gầy gò, ghẻ lở đầy người, anh Hà không khỏi xót xa. Anh mua thuốc trị ghẻ cho Hợi, dành nhiều thời gian để nói chuyện với cậu. Thỉnh thoảng anh lại mua cho Hợi gói mì tôm, gói bánh, bộ quần áo.

Tòng Văn Thắng được cô giáo Nguyễn Thị Thủy dạy bảng chữ cái.

Tình cảm ấm áp của người thầy đã khiến Hợi dần bớt đi vẻ cô độc, trên gương mặt đã xuất hiện nụ cười ấm áp. Hợi giao tiếp với các bạn nhiều hơn. Cậu tìm điểm tựa từ thầy giáo và bắt đầu tâm sự chuyện gia đình, chuyện vì sao mình bị bắt. Cởi mở được nút thắt trong lòng, Hợi trở nên hoạt bát, hòa đồng với các bạn, chấp hành nội quy của khu nội trú, luôn là thành viên tích cực đấu tranh với việc làm sai trái của các bạn. Ngày ra trường, Hợi đã khóc khi chia tay thầy.

“Đến giờ em vẫn liên lạc với tôi, tôi thực sự mừng vì em đã trưởng thành. Sau khi về quê, Hợi làm nghề lấy nhựa thông để có tiền bốc mộ cho bố mẹ. Một thời gian sau em học nghề may và đi làm thuê. Bây giờ Hợi mới học xong quản lý phần mềm máy tính ở Hà Nội và đã đi làm cho một doanh nghiệp nước ngoài ở Hưng Yên” - anh Hà vui vẻ kể về học trò của mình.

Trong số học trò của anh Hà, câu chuyện cảm động nhất là chàng trai Nguyễn Văn Quang (quê Đức Thọ, Hà Tĩnh) từ một học sinh nghiện game, bỏ học, trộm cắp giờ đã trở thành sinh viên năm thứ 3 đại học. Quang là học sinh cá biệt, ngổ ngáo, ngang ngạnh. Để đưa cậu đi con đường đúng hướng là cả một quá trình vất vả của thầy Hà.

Anh đã động viên và khích lệ được sự hiếu học của cậu học trò này. Quang nhờ bố mua sách lớp 9 gửi vào cho cậu tự học, thời gian rảnh cậu còn dạy các em nhỏ tuổi hơn. Ra trường, Quang tiếp tục học bổ túc và cậu đã thi đỗ đại học ngay năm đầu tiên. 

“Em thành người rồi!”

Đến lớp học đặc biệt của cô giáo - Thiếu tá Nguyễn Thị Thủy, chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi 8 học sinh lớp 1 của cô đều lớn “lộc ngộc” đang ê a đánh vần. Đây là lớp học đặc biệt nhất ở trường bởi tuy là lớp 1 nhưng các em lại có nhiều độ tuổi (từ 15 đến 18), nhiều thành phần dân tộc và đều chưa biết chữ.

Cô Thủy phải dạy các em cách cầm bút, học bảng chữ cái, làm phép tính đơn giản. Nhưng, không phải cứ lớn tuổi là tiếp thu nhanh. Phần lớn học sinh lớp 1 của cô Thủy đều tiếp thu chậm, việc học với các em chẳng khác nào đi “đánh vật”.

Cầm quyển sách Tiếng Việt lớp 1, Tòng Văn Thắng (16 tuổi, ở Điện Biên) vật vã với bảng chữ cái. Thấy tôi hỏi, Thắng khoe “con biết đọc rồi”. Thật ra, cậu học trước quên sau, nhưng cô Thủy luôn phải động viên khích lệ để cậu ham học. Cậu ngượng ngùng gãi đầu khi nhìn vào chữ H mà nhớ mãi không ra.

Cô giáo kiên nhẫn dùng hình tượng để cậu liên tưởng nhưng cậu vẫn không nhớ. Theo cô Thủy thì sau 3 tháng bước vào năm học mới, Thắng chỉ nhận biết được vài chữ cái, em học trước quên sau nên giáo viên vô cùng vất vả.

Chứng kiến những học sinh “đặc biệt” ở lớp 1 của cô giáo Thủy, tôi thấy rất cảm phục cô bởi nếu không có sự kiên nhẫn, không có tình yêu nghề cháy bỏng, không có lòng bao dung thì khó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ngoài dạy văn hóa, cô giáo còn phải dạy các em nền nếp, uốn nắn các em chấp hành nội quy. Vì đều là học sinh cá biệt nên cô giáo vừa quay lên bảng, bên dưới các em đã đánh nhau, hoặc ném sách để phản đối việc học. Để khuyên được các em từ cầm bút đến thích học là cả một sự kỳ công.

Giờ đọc báo của các học sinh Đội 15 do Đại úy Trần Bá Hà làm giáo viên chủ nhiệm.

Cô Thủy tâm sự rằng, có nhiều em là người dân tộc, vào đây không biết tiếng Kinh, đến giờ học là ném sách vở nhưng sau những tháng ngày kỳ công của cô giáo và thầy chủ nhiệm, cộng với sự khổ luyện, các em đã biết đọc, biết viết. Và Mý Lử (dân tộc Mông ở Lai Châu) là một điển hình. Không chỉ ném sách vở, Lử còn lầm lì, ít giao tiếp, thầy chủ nhiệm phải phân công một bạn biết tiếng Kinh kèm cặp. Sau khi Lử biết chữ thì cậu thích học vô cùng, ngày đêm miệt mài chăm chỉ, liên tục giơ tay phát biểu. Nhắc tới đây, trong mắt của cô Thủy ánh lên niềm hạnh phúc.

Phạm Văn Nhặt (17 tuổi, ở Sơn La) khi vào lớp chưa biết chữ, mỗi buổi học chỉ dạy 2 âm “a, b” nhưng buổi sau kiểm tra em lại quên. “Học sinh này chúng tôi vất vả cả năm trời mới biết đọc. Thành quả này là có phần công lao lớn của thầy chủ nhiệm. Thầy kèm cặp Nhặt bất cứ lúc nào. Ngày ra trường, ông ngoại Nhặt đến đón cháu đã khóc vì xúc động. Ông nói, cả nhà không ai biết chữ, giờ Nhặt vào ngôi trường này lại biết đọc, biết viết” - cô giáo Thủy chia sẻ.

Hơn 20 năm làm nghề giáo ở ngôi trường đặc biệt, Thiếu tá Nguyễn Thị Thủy đã trải qua bao lớp thế hệ học trò. Có rất nhiều kỷ niệm mà nhiều năm sau, những học trò được cô dạy dỗ nên người vẫn nhớ mãi không quên công ơn. Đó là cậu học trò từng là người nghiện ma túy, luôn bướng bỉnh cãi lời cô giáo, phá quấy trong giờ học, từng bị kỷ luật đưa vào nhà tu dưỡng.

Nhưng, trong một lần tình cờ trên chuyến xe khách, cô thấy một chàng trai cao lớn bước tới chỗ cô, vui mừng hỏi: “Cô có nhớ em không. Em thành người rồi!”.

Dỗ trước, dạy sau

Đây là kinh nghiệm sau hơn 20 năm làm nghề giáo ở ngôi trường đặc biệt mà Thiếu tá Nguyễn Thị Thủy chia sẻ với chúng tôi. Làm nghề giáo với đối tượng học trò đặc biệt, không chỉ có tấm lòng nhân văn, nhẫn nại mà các thầy cô giáo còn phải là người giàu kinh nghiệm để xử lý tất cả mọi “chiêu trò” của học sinh.

Chia sẻ về chuyện nghề, cô Thủy nhớ lại ngày mới về nhận công tác dạy văn hóa lớp 5 ở trường, nhiều lần cô “tức phát khóc” vì học trò thấy cô giáo trẻ nên trêu chọc. Bằng tấm lòng, bằng sự nhiệt huyết, cô đã cảm hóa, giáo dục nhiều học sinh hư trở thành học sinh ngoan, có thành tích học tập cao.

Trung tá Đinh Quốc Toản, Đội trưởng Đội Giáo vụ - Hồ sơ cho biết, học sinh lúc vào trường tỷ lệ mù chữ nhiều, các em bỏ học lâu năm, tuổi lớn nên đều ngại học, trốn tránh học. Nhà trường phấn đấu khi các em ra trường phải đọc thông, viết thạo. Nhưng làm thế nào để các em thích học là cả một câu chuyện dài. “Dỗ thành công mới dạy được thành công” - đây là mục tiêu của các thầy cô giáo dạy văn hóa trong trường, vì các em có thích học thì mới tiếp thu được.

Quan trọng là các em phải thấy được mục đích của việc học thì mới thích học, mới tiếp thu được. “Tôi thường phải động viên các em bằng cách lấy những tấm gương khuyết tật vượt khó để kích thích tinh thần hiếu học trong các em. Giáo dục bằng những câu chuyện thực tế để các em thấy tối thiểu mình phải biết đọc, biết viết” - Thiếu tá Nguyễn Thị Thủy chia sẻ.

Giáo dục thành công những học sinh từng một thời lầm lỡ, đưa các em về con đường hướng thiện là trọng trách của mỗi thầy cô ở Trường Giáo dưỡng số 2. Mặc dù tỷ lệ học sinh nghiện ma túy vào trường và tính chất vi phạm pháp luật ngày một cao, các tội trước đây ít như hiếp dâm, cướp tài sản, giết người, sử dụng ma túy tổng hợp đều gia tăng. Nhiều em có tư tưởng trốn trường hay luôn chối bỏ sự quan tâm của gia đình, nhưng với những kinh nghiệm dày dạn, các thầy cô đã phân tích, động viên, giáo dục các em đến con đường hướng thiện.

Hướng thiện là con đường để các em sớm hòa nhập với xã hội khi trở về gia đình, đây là mục tiêu nhân văn và cũng là trọng tâm giáo dục của những người thầy tâm huyết.

Trần Hằng - Việt Hà
.
.