Những người trẻ dấn thân của lực lượng Cảnh sát PCCC
- Có một chiến sĩ vừa hy sinh đêm qua6
- Những giọt nước mắt khóc thương Thượng úy Cảnh sát PCCC hy sinh
Đại úy Phạm Phi Long là một minh chứng tiêu biểu cho sự hi sinh cao cả của những người lính cứu hỏa. Họ thực sự là những người hùng khi đã quên sự an toàn của chính cá nhân mình để bảo vệ sinh mạng và tài sản của những công dân khác mà có thể họ chưa bao giờ gặp gỡ.
Ở bài viết này, chúng tôi ghi lại một phần đóng góp, cống hiến của những người lính thuộc thế hệ trẻ đang công tác trong lực lượng PCCC, cứu nạn cứu hộ, những người đã dấn thân khi quyết định chọn cho mình nghề nghiệp mà sự hiểm nguy đến tính mạng luôn kề cận.
Bài 1: Những thương binh tuổi 20
Khi 20 tuổi, bạn ước mơ làm gì và đã làm được gì? Còn họ - những người lính cứu hỏa - đã chọn cho mình công việc vinh quang nhưng vô cùng gian khổ, hiểm nguy. Và có người đã trở thành thương binh khi mới tròn 20 tuổi.
1. Chúng tôi tới Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (CS PCCC) số 7 - Sở CS PCCC Hà Nội khi cả đơn vị đang khẩn trương hoàn tất những buổi tập nước rút chuẩn bị cho Hội thao cứu nạn cứu hộ do Bộ Công an tổ chức. Ngồi trong phòng trực thông tin nhìn đồng đội hăng say tập luyện qua cửa sổ, gương mặt Thượng sỹ Nguyễn Văn Quang buồn rười rượi.
Cánh tay trái của Quang đã không còn lành lặn sau một trận chiến với giặc lửa. Quang trở thành thương binh khi mới tròn 20 - cái tuổi đẹp nhất, sung sức nhất trong cuộc đời! Người thương binh thế hệ 9X ngay giữa thời bình!
Nửa đêm ngày 15-10-2015. Phòng CS PCCC số 7 nhận được thông tin chi viện cho Phòng CS PCCC số 12 cứu chữa một đám cháy lớn tại cụm làng nghề Ninh Sở, Thường Tín, Hà Nội. Nguyễn Văn Quang (SN 1995), lúc đó mới đang là chiến sĩ nghĩa vụ. Với thể hình to khỏe, kỹ thuật chiến đấu tốt, hơn 1 năm sau khi “vào nghề” CS PCCC, Quang luôn đảm nhiệm vị trí chiến sĩ số 1 cầm lăng trực tiếp chiến đấu với giặc lửa. Vị trí chiến đấu đặc biệt quan trọng này, ngoài yếu tố thể lực tốt, còn đòi hỏi sự quả cảm, ý chí và bản lĩnh kiên cường của người cầm lăng bởi đây cũng là vị trí gặp nguy hiểm, rủi ro nhiều nhất.
Khi Quang cùng đồng đội đến nơi, đám cháy đang trong giai đoạn phát triển mạnh nhất, lan sang các xưởng bên cạnh với tổng diện tích hàng nghìn mét vuông. Sau khi phun nước chống cháy lan, giữ an toàn cho các xưởng liền kề, Quang nhận nhiệm vụ quay lại trực tiếp khống chế lửa trong xưởng sản xuất, tái chế nhựa. Phía sau Quang là chiến sĩ nghĩa vụ Triệu Hoàng Duy ở vị trí số 2 đỡ lăng.
Trong đêm tối, ngọn lửa bốc cao dữ dội, mùi nhựa cháy khét lẹt, hơi nóng bốc ra ngùn ngụt buộc Quang phải chuyển sang tư thế quỳ để tránh lửa táp vào mặt. Phun nước chữa cháy khoảng 10 phút, trong ánh lửa đỏ rực, một dòng nước màu đen thẫm từ trong xưởng chảy ra ngoài.
“Khi phun nước vào đám cháy thì hiện tượng nước chảy ngược ra là bình thường nên em cũng không chú ý. Hơn nữa lúc đó đám cháy xảy ra vào đêm, bên ngoài trời tối mịt, em chỉ nghĩ đó là nước chữa cháy tràn ra...” - Thượng sỹ Nguyễn Văn Quang nhớ lại.
Nhưng ngay cả Quang và những người lính chữa cháy hôm đó cũng không thể nào ngờ được, “dòng nước đen” ấy chính là nhựa trong xưởng bị nóng chảy tràn ra. Đến khi Quang cảm nhận được có thứ gì bỏng rát ở dưới chân thì dòng nhựa đặc quánh như nham thạch núi lửa đã lan rộng, bao vây xung quanh người lính cứu hỏa. Quang ngã xuống khi tay vẫn ôm lăng chữa cháy.
Nhận ra sự nguy hiểm, chiến sĩ số 2 Triệu Hoàng Duy nhanh chóng kéo Quang ra khỏi vũng nhựa nóng chảy. Lúc đó, Quang bảo chỉ thấy nóng rát và buốt kinh khủng. Đồng đội vội xúm vào đỡ, tháo bỏ bộ quần áo chữa cháy dính đầy nhựa. Cởi đến đâu, da tuột đến đấy. Da chân, da đùi, da lưng. Nặng nhất là cánh tay trái chống đỡ xuống đất. Da tuột, móng tay cũng tuột ra theo. Quang đau đớn ngất lịm đi...
Gần 2 năm trôi qua với biết bao cuộc phẫu thuật, cấy ghép da, trên cơ thể của chàng trai cao to đẹp đẽ ngày nào giờ nhằng nhịt sẹo. Chỗ da nào lành lặn thì bóc tách để cấy ghép cho chỗ bị bỏng. Thương nhất là cánh tay trái từng cầm lăng chiến đấu giờ thành tàn phế. Những ngón tay bị co rút lại, không duỗi thẳng ra được. Lúc nào Quang cũng phải đeo găng tay áp lực để bảo vệ và tái tạo da, tránh nhiễm trùng. Cả bàn tay giống như chân vịt, bị màng co không phân biệt được các ngón tay.
Nhớ lại những ngày bị thương nằm trong Viện bỏng Quốc gia, nước mắt chàng trai trẻ cứ trực trào ra. Bạn bè cùng trang lứa phơi phới bên ngoài, còn Quang thì nằm đây, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ người khác. Đến miếng ăn hằng ngày cũng không tự ăn được, cái cúc áo cũng không tự cài được.
Thời gian đầu, Quang không tránh được trạng thái chán chường và suy sụp, song, được xoa dịu bởi tình cảm của gia đình và đồng đội. Bố mẹ Quang bỏ hết cả đồng ruộng để chăm con. Lãnh đạo Phòng CS PCCC số 7 giao nhiệm vụ thường xuyên có 2 chiến sĩ trong đơn vị túc trực để chăm sóc cho đến khi Quang xuất viện.
Một cánh tay của Thượng sỹ Nguyễn Văn Quang đã không còn nguyên vẹn sau trận chiến với giặc lửa. |
Tháng 8-2016, Nguyễn Văn Quang được công nhận thương binh loại A với tỷ lệ thương tật 28%. Với sức khỏe hiện tại, Quang được đơn vị bố trí làm nhiệm vụ trực thông tin. Sau 4 lần phẫu thuật tách ngón, đến nay cánh tay trái bị thương mới tạm thành hình 1 bàn tay với 5 ngón co quắp, teo tóp. Để có thể hồi phục dần chức năng, buộc phải tập luyện, vận động các ngón tay liên tục bởi chỉ cần nghỉ 5 phút là cả bàn tay sẽ rơi vào trạng thái cứng đơ như đóng băng.
Quang cho biết, bác sĩ nói rằng với thương tích như vậy, Quang sẽ còn phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật nữa. Nhưng dù sao, niềm vui đã dần trở lại với chàng trai trẻ khi Quang đã có thể tự cầm nắm được những vật nhẹ, tự nhấc được điện thoại mỗi khi đổ chuông mà không cần sự trợ giúp của đồng đội.
22 tuổi, còn trẻ lắm với cuộc đời một con người. Dẫu tương lai phía trước còn rộng dài, nhưng tôi vẫn không tránh khỏi cảm giác rưng rưng khi nghe Quang tâm sự: “Buồn nhất là làm con trai lớn trong nhà nhưng giờ em không giúp được bố mẹ việc nặng nữa. Giờ em chỉ có nguyện vọng được tạo điều kiện đi học để tiếp tục cống hiến, phục vụ trong lực lượng CS PCCC”.
Lính cứu hỏa - nghề nguy hiểm nhất trên thế giới. |
2. Trước khi gặp Thượng úy Hoàng Văn Đông (SN 1984), tôi đã được anh em trong đơn vị nhắc nhỏ rằng, nói chuyện với Đông phải hết sức chậm rãi, nhẹ nhàng và kiên trì. “Đông bị chấn thương sọ não rất nặng, tưởng không qua khỏi. Cậu ấy được như ngày hôm nay cũng là một điều kỳ diệu rồi”.
Dẫu biết trước rằng những thương binh bị chấn thương sọ não như Hoàng Văn Đông, sẽ không thể như những người bình thường được. Nhưng đến khi ngồi nói chuyện với Đông, lại càng thương cái sự “không bình thường” ấy của Đông vô cùng.
Đông mở cặp, lấy ra một đống giấy tờ, sổ sách đưa cho tôi xem rồi giải thích: “Chị thông cảm nhé, đầu óc em cứ nhớ nhớ quên quên. Lúc nào nhớ ra việc gì là em phải ghi chép lại ngay. Đây, tất cả giấy tờ cá nhân của em đây, lúc nào em cũng phải mang theo người để có ai hỏi thì có ngay, chứ tự nhiên hỏi thì em không nhớ gì đâu... Chị hỏi con em à? Em có hai cháu rồi, một trai một gái. Cháu lớn 4 tuổi, à không 5 tuổi thì phải. Cháu sinh năm nào à? Em lại không nhớ rồi. Thôi để em mở ảnh các cháu cho chị xem nhé” - Đông cười rồi lật đật mở chiếc điện thoại đã cũ cho tôi xem ảnh 2 đứa con được cài làm hình nền. Nụ cười hồn hậu, chân chất của Đông khiến tôi nghẹn lòng.
Ký ức đối với thương binh Hoàng Văn Đông giờ chỉ nằm trong những cuốn sổ ghi chép. |
Trong những cuốn sổ tay của Đông, tôi đọc thấy rất nhiều thông tin. Nào số điện thoại, số CMND của những người thân trong gia đình, của các thủ trưởng trong đơn vị, rồi tiền lương, thưởng các ngày lễ tết, các bài hát yêu thích, lịch những việc cần làm... Đông bảo lúc tỉnh táo, anh phải ghi chép ngay những điều cần nhớ, những dự định để phòng lúc quên, mở ra đọc như người nhắc việc.
Hoàng Văn Đông là thương binh đầu tiên thuộc thế hệ trẻ của lực lượng CS PCCC Thủ đô. Đó là thời điểm cuối năm 2006, Phòng CS PCCC Công an TP Hà Nội là một trong những đơn vị tham gia tổng diễn tập phương án chống khủng bố tại Cung Văn hóa Hữu nghị do Bộ Công an tổ chức trước thềm Hội nghị cấp cao APEC 14.
Theo kịch bản, lực lượng chống khủng bố sẽ giải cứu 1.000 con tin bị khống chế trong nhà hát. Sau khi lệnh tấn công được phát ra, các lực lượng đặc nhiệm đột kích vào rạp hát theo nhiều ngả, tung lựu đạn cay để đánh lạc hướng và cản tầm nhìn của đối tượng. Mọi tình huống đều diễn ra như thật. Lực lượng CS PCCC là mũi thứ 3 được phân công tiếp cận rạp hát, vừa chữa cháy, vừa tổ chức cứu người và đóng vai các nạn nhân bị bắt cóc trốn thoát ra ngoài qua đường xe thang, đường bộ và đệm hơi.
Trong các tình huống này, đệm hơi là đáng ngại nhất bởi đòi hỏi kỹ năng cực chuẩn của toàn bộ lực lượng đỡ đệm và người nhảy. Một tình huống khó khăn khác là vì diễn tập như thật nên hiện trường buổi tổng diễn tập chìm trong khói lửa mù mịt. Sau 2 chiến sĩ nhảy đệm hơi tiếp đất an toàn, Hoàng Văn Đông ở lượt nhảy thứ 3.
Chọn đúng điểm rơi giữa đệm, song không may, Đông bị sức căng của đệm hất tung lên lần nữa và văng ra ngoài, đập mạnh vào cầu thang. Hoàng Văn Đông được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu với chẩn đoán chấn thương sọ não, giập não thái dương đỉnh trái, phù não.
Gần 1 năm trời nằm trong bệnh viện với sự sống có lúc vô cùng mong manh, Hoàng Văn Đông may mắn hồi tỉnh và dần bình phục sức khỏe. Trở lại đơn vị, Đông trở thành thương binh với tỷ lệ thương tật 29%. Đơn vị bố trí cho Đông làm công việc nhẹ nhàng phù hợp với sức khỏe. Thương nhất là những hôm trái nắng trở trời, vết thương tái phát, Đông đau đớn vật vã. Nhìn Đông chạy ra giữa trời nắng la hét, đồng đội rớt nước mắt.
Trung tá Nguyễn Xuân Tuấn, Phó Trưởng phòng CS PCCC số 7 tâm sự, để đảm bảo sức khỏe cho Đông, những hôm thời tiết oi nóng, lãnh đạo đơn vị chủ động sắp xếp để Đông được nghỉ ngơi ở nhà, đồng thời luôn nhắc nhở anh em trong đơn vị, nhất là lính trẻ trong ứng xử, không để Đông bị kích động ảnh hưởng tới vết thương.
Số phận cũng mỉm cười với Hoàng Văn Đông khi có một người con gái gần quê nhà đã chia sẻ, đồng cảm với người thương binh khoác áo cứu hỏa để xây dựng mái ấm gia đình. Giữa năm 2016, các đoàn thể của Sở CS PCCC đã phát động phong trào, ủng hộ kinh phí để giúp Đông xây dựng một ngôi nhà tình nghĩa trên mảnh đất của gia đình.
3. Nguyễn Văn Quang, Hoàng Văn Đông là 2 trong số 7 thương binh thế hệ 8X, 9X của lực lượng CS PCCC Thủ đô trong thời bình. Chỉ cần nhìn vào 2 tình huống khiến họ trở thành thương binh để thấy rằng mọi hiểm nguy luôn rình rập người lính cứu hỏa, không chỉ trong chiến đấu mà cả trong tập luyện.
So với các lực lượng chiến đấu khác, việc tập luyện của lính cứu hỏa có phần vất vả hơn bởi đây là yêu cầu bắt buộc, thường xuyên, liên tục với những tình huống đặt ra sát với thực tế. Có luyện tập nhuần nhuyễn các phương án chữa cháy mới giúp người lính PCCC trang bị kiến thức, kỹ năng, thể lực để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân khi có hỏa hoạn xảy ra.
Luyện tập là thế, nhưng khi đến một đám cháy, người lính cứu hỏa không thể biết được có những mối nguy hiểm gì đang chờ đợi mình ở phía trong. Đứng trước lửa, họ không thể có nhiều thời gian để suy nghĩ, cân nhắc thiệt hơn. Biết là sinh nghề tử nghiệp, nhưng họ vẫn lao vào nơi nguy hiểm bởi ở lực lượng này, lửa đã tôi luyện họ thành những con người gan dạ nhất, quả cảm nhất!