Những phận đời mưu sinh nơi cửa biển
Quanh năm “mót” cá
3 năm qua, cứ khoảng 4 giờ sáng, bà Hồ Thị Loan (SN 1945, xã Diễn Ngọc, Diễn Châu, Nghệ An) lại dậy chuẩn bị đồ nghề ra cảng mót cá. Ngày nhiều thì bà kiếm được 50.000 đồng, ngày ít chỉ vài ba chục. Nhưng, với bà thì đó lại là một khoản thu nhập đáng kể. Chí ít nó cũng giúp vợ chồng bà sống qua ngày. Mấy năm nay chồng bà đau ốm liên miên nên không làm được việc gì. Mọi sinh hoạt trong gia đình đều do một tay bà lo liệu.
“Vợ chồng tôi có tới 5 người con, 2 gái, 3 trai nhưng chúng nó đều đã có gia đình riêng rồi, cũng phải lo cho vợ, chồng con cái. Giờ mình còn sức thì phải cố mà làm chứ dựa dẫm vào các con không đành”, bà Loan chia sẻ.
Để mót cá, những người già ở đây phải dậy từ 4 giờ sáng. |
Tại cảng Diễn Ngọc, cá được chuyển từ các khoang lên bờ, sau đó thương lái sẽ đến tận nơi để mua hàng. Trong quá trình vận chuyển, việc rơi rớt là điều khó tránh khỏi. Những lúc ấy, “đội quân” trạc tuổi như bà Loan có mặt để mót cá. Đấy cũng là nguồn thu nhập chính của những người như bà.
Giống như bà Loan, bà Vũ Thị Lai (SN 1947) nhiều năm nay mưu sinh nhờ việc mót cá tại cảng Diễn Ngọc. Bàn tay nhăn nheo, bợt nước của bà Lai liên tục khoắng trong chiếc rổ ngâm trong nước để đãi cá. Khoắng tay theo hình trôn ốc, những con cá chết và rác rưởi nổi lên mặt nước. Bà Lai nhanh tay vứt rác lên bờ rồi nhặt những con cá sống vào chiếc chậu để kế bên. Những con cá chết, bà để vào một chiếc túi nilon. Bà hài hước nói với chúng tôi: “Có giống đãi cát tìm vàng không?”. Cá sống, bà Lai sẽ mang đi bán, còn cá chết bà mang về nhà nấu cám lợn.
Bà Loan cười tươi vì hôm nay mót được nhiều cá. |
Bà Lai chia sẻ, vợ chồng bà sinh được 5 người con gái. Các con đều đã lấy chồng và cuộc sống cũng không mấy khá giả nên vợ chồng bà không thể trông chờ vào các con. Những năm trước chồng bà còn khỏe thì hai vợ chồng cùng ra cảng Diễn Ngọc mót cá. Vài năm trở lại đây, chồng bà bị mắc chứng lao phổi, một tháng vào viện tới 15 ngày. Bệnh viện chẳng khác nào nhà, cứ đi ra đi vô như cơm bữa.
Bà bảo: “Hai ông bà rau cháo nuôi nhau, kiếm ngày 2 bữa cơm phụ con cháu. Trời đang cho sức khỏe, chưa phải nằm một chỗ thì phải làm thôi”. Đang nói, chợt nhìn thấy chiếc tàu cá khác cập bến, bà Lai lập bập chạy tới nơi người ta đổ cá để chờ mót. Bà cười, cho biết: “Nói là mót chứ nhiều khi cá vụn, cá ươn là chủ tàu thương nên cho luôn, chỉ việc bốc vào chậu thôi. Cứ mỗi thuyền cho độ một nắm thì một ngày cũng kiếm được 4-5 kg. Có hôm chủ tàu xông xênh cho nhiều hơn thì tôi được “tươm” hơn”. Nhưng, đó là những ngày may mắn chứ nhiều hôm sóng to, gió lớn, biển động thì những người như bà Lai, bà Loan lại thất nghiệp.
Chồng mất cách đây đã 30 năm, bà Nguyễn Thị Minh (76 tuổi) giờ đây vẫn phải vất vả mưu sinh nuôi người con tâm thần. Con trai bà năm nay hơn 50 tuổi nhưng không biết làm việc gì, cả ngày chỉ đi lang thang khắp nơi. Nhiều khi từ cảng trở về nhà, tối mịt không thấy con về, bà Minh lại tất tả đi tìm. Có những lúc bà nghe người quen mách gặp con trai bà đang lững thững đi bộ cách nhà tới 5 cây số. Những lúc như thế bà lại phải nhờ anh em, họ hàng chở xe máy đi tìm con.
Nhiều người quanh năm gắn bó với nghề mót cá. |
Hằng ngày, bà Minh ra khỏi nhà từ khi trời còn chưa sáng. Bà phải vội vàng đến cảng để đón những chuyến tàu sớm may ra mới có thứ gì đó cho bà mót. Biết hoàn cảnh nên có chủ tàu lúc nào cũng dành riêng một phần cá để cho bà. Bà bảo: “Nếu mót theo đúng nghĩa thì không được mấy đâu vì cá người ta làm rơi cũng chẳng có nhiều. Đa số các chủ tàu thấy chúng tôi già cả mà vẫn phải vất vả mưu sinh nên tạo điều kiện”.
Sống nhờ nghề đập trôn ốc
Trước đây, bà Cao Thị Dậu (65 tuổi, xóm Đông Lộc, Diễn Ngọc) cũng mưu sinh bằng nghề mót cá nơi cửa biển nhưng 2 năm trở lại đây, do chân đau nên bà đã chuyển sang nghề đập trôn ốc thuê. Mỗi ngày, nếu chăm chỉ làm việc, bà Dậu sẽ kiếm được khoảng 40.000 đồng. Số tiền này chẳng đáng gì so với nhiều người nhưng với một người đơn thân như bà thì cũng đủ duy trì cuộc sống.
Để có được 40.000 đồng, bà Dậu phải chặt 2 yến trôn ốc. |
Sáng nào cũng vậy, bà Dậu một tay cầm chiếc ghế, một tay cầm búa đinh ra cảng để đập trôn ốc thuê. Bà cho biết, số ốc mình và những người khác đập sẽ được chủ các tàu cá bán cho các nhà hàng, quán nhậu để chế biến thành nhiều món đặc sản của vùng đất này. Đôi bàn tay chai sần chằng chịt những vết sẹo. Đó là “dấu tích” của những tháng ngày đập trôn ốc mưu sinh của bà Dậu.
Mỗi cân ốc sau khi đập trôn, bà Dậu sẽ được người ta trả cho 2.000 đồng. Như vậy, để có thu nhập 40.000 đồng thì bà phải đập được 20kg ốc. Ốc nhỏ thì dễ đập hơn nhưng đồng nghĩa với việc sẽ phải đập nhiều lượt. Hôm nào có mẻ ốc to, một cân sẽ ít con hơn nhưng bà Dậu lại phải gắng sức mới đập vỡ được trôn. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm. Phần trôn ốc bị loại bỏ không được quá ít vì nếu thế, khi chế biến, gia vị khó ngấm vào thịt ốc. Nhưng, nếu quá tay, phần ruột ốc bị nát, thịt có thể bị rơi ra ngoài khi làm sạch và chế biến. Nhát búa trên tay bà Dậu chuẩn xác và nhanh gọn giáng xuống đúng 1/3 thân dưới của con ốc vặn. Đống ốc bên cạnh cứ vơi dần theo từng nhát búa.
Đồ nghề của bà Dậu chỉ là chiếc ghế và chiếc búa đinh. |
Cả ngày ngồi một chỗ, lưng tê dại, đầu gối đau nhức, cánh tay cầm búa mỏi nhừ nhưng bà Dậu không dám nghỉ lấy một ngày, trừ những hôm không có người thuê. Bà kể: “Trước tôi cũng thức khuya dậy sớm ra cảng này để lấy cá mang về chợ bán. Buôn bán thì đương nhiên thu nhập sẽ khá hơn. Nhưng, mấy năm nay chân tay tôi hay bị đau nhức nên đi lại không còn được nhanh nhẹn, thành ra phải chuyển qua nghề này làm túc tắc thôi”.
Những con ốc vặn dài 4-5cm, được các nhà hàng, quán nhậu thu mua để chế biến món ăn, đồ nhắm. Từ năm ngoái, để giảm bớt nhân công cho khâu chế biến, một số chủ nhà hàng hoặc lái buôn thuê người đập trôn ốc ngay ở cảng trước khi vận chuyển đi tiêu thụ. Công việc đập trôn ốc có từ đó.
Công việc không quá nặng nhọc nhưng đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại. Cũng bởi thu nhập thấp nên chỉ những phụ nữ lớn tuổi mới chọn công việc này. Họ tận dụng luôn mặt bàn đã được lát đá ở cảng để làm việc. Chẳng cần đến găng tay, bàn tay chai sần của họ cứ thế bốc từng nắm ốc đặt lên mặt bàn, dùng búa với một lực vừa đủ và chính xác để loại bỏ phần trôn ốc.
Việc bà Dậu và những đồng nghiệp của mình bị vỏ ốc cứa chảy máu tay vẫn thường xuyên diễn ra. Có người da độc nên bị nhiễm trùng phải nghỉ làm cả tháng trời. Trong quá trình làm, họ thường phải hết sức cẩn thận, tránh những tổn thương không đáng có. Bởi với dân lao động tự do thì nghỉ việc ngày nào là nhịn đói ngày đó.
Bà Dậu tâm sự: “Chăm chỉ thì cũng không lo đói. Với lại tôi một thân một mình, không có nhu cầu chi tiêu gì nhiều. Thu nhập dù thấp nhưng mình sống bằng chính sức lực của mình, không phiền hà hay mang gánh nặng cho ai. Chỉ mong trời thương, đủ sức mà làm việc thôi”. Ngồi lâu, lưng mỏi nhừ nên thỉnh thoảng bà Dậu lại dừng tay đấm bùm bụp vào phần thắt lưng. Công việc được bà ví von là như nhặt bạc lẻ nhưng với những phụ nữ ở độ tuổi như bà, thật khó để có sự lựa chọn tốt hơn.