Những vụ bắt truy nã hy hữu ở Miền Tây

Thứ Ba, 09/08/2011, 14:15

Trong hơn một năm qua, kể từ ngày công an các tỉnh miền Tây Nam Bộ thành lập Phòng Truy nã, công tác bắt truy nã đã có những chuyển biến rõ nét. Tại Bạc Liêu, công tác truy nã nổi bật ở những vụ truy nã không có tiếng súng, chỉ có tình người và sự khoan hồng của pháp luật.

Thông điệp "nghe chó sủa, chân run"

Tội phạm truy nã Tôn Tấn Luật, 29 tuổi, ngụ tại huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu hiện đang thi hành án tù tại tỉnh này. Cuộc tầm nã anh ta xảy ra hồi cuối tháng 2/2011, ly kỳ và… "êm" như tiểu thuyết tình cảm. Đại tá Bùi Thanh Hòa kể: "Để Tôn Tấn Luật quay về thụ án, tôi mất ngủ mấy đêm liền. Đó là một cuộc đấu trí, không tốn một viên đạn, một lít xăng nào".

Chuyện bắt đầu từ một ngày cuối tháng 2/2011. Tối đó, máy điện thoại di động của Đại tá Bùi Thanh Hòa reo bởi một số điện thoại khuyến mại không quen. Đại tá bắt máy, nhưng không nghe tiếng người, chỉ có tiếng côn trùng kêu xa xa. Linh cảm cho biết một cuộc điện thoại rất quan trọng cho công việc của mình, Đại tá Hòa kiên trì độc thoại: "Tôi, Đại tá Bùi Thanh Hòa, Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Bạc Liêu. Anh, chị có việc gì cứ nói, tôi sẵn sàng lắng nghe".

Có tiếng đằng hắng và sau đó, Tôn Tấn Luật lên tiếng. Luật xưng tên, họ, tình trạng bị truy nã của mình và hỏi thẳng rằng "anh… có biết tôi đang ở đâu không?". Đại tá Hòa nhớ lại: "Nghe anh ta hỏi câu đó, mặt tôi nóng bừng bừng. Anh ta là tội phạm bị truy nã mà cả gan dò la ngược lại công an. Nhưng tôi kiên trì nói chuyện với anh ta, bởi nghĩ rằng, đã dám hỏi vậy tức là người thẳng tính. Tôi quyết tâm thuyết phục anh ta  bằng  được".

Khi đó, Đại tá Hòa thẳng thắn bảo rằng không hề biết Luật đang ở đâu, và khẳng định Công an đang quyết liệt truy tìm. Đại tá kêu gọi Luật hãy quay về đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật. Như một người thân thuộc, Đại tá Hòa nói rõ: "Nếu chú em về đầu thú, chú em sẽ được 15 ngày tự do để sắp xếp chuyện gia đình trước khi vào thụ án và được xem xét giảm án. Còn nếu chú em bị bắt lại thì không được hưởng gì cả, án tù sẽ tăng thêm".

Nghe nói đến chuyện được khoan hồng, giảm án, Luật tỏ ra quan tâm hơn. Đại tá Hòa lý giải cặn kẽ về chính sách khoan hồng của pháp luật và kết thúc câu chuyện bằng một lời khẳng định: "Cảm ơn chú em đã chủ động gọi điện cho anh. Anh hứa với chú là sẵn sàng nghe điện thoại của chú bất cứ lúc nào, với tư cách một người anh lớn tuổi nói chuyện với em. À, chú nên gọi điện thăm ông già, ông ấy bệnh mấy ngày qua!".

Luật tắt máy điện thoại khoảng 1 tuần, trước khi có cuộc gọi thứ 2 cho Đại tá Hòa. Khi nghe Luật trải lòng rằng mình đang rất buồn và nhớ nhà, nhưng không dám về vì sợ bị nạn nhân trả thù, Đại tá Hòa lập tức bỏ dở bữa cơm tối, bước ra khoảng sân rộng trước nhà. Đại tá quyết định sẽ đánh gục đối tượng bằng cuộc điện thoại này. Đại tá Hòa kể lại cuộc đàm thoại đặc biệt đó:

- Về mối ân oán, anh có thể giúp chú em giải quyết được. Nhưng điều kiện của anh là chú em phải về đầu thú.

- Không được. Nếu em ở tù, gia đình em sẽ rất khổ.

- Anh biết chú mầy trốn cũng vì gia cảnh khó khăn, muốn đi kiếm tiền về lo cho cha mẹ. Nhưng đó không phải là cách. Gia đình chú em là gia đình chính sách, Nhà nước và cộng đồng sẽ không bỏ mặc.

- Cảm ơn anh, nhưng em không về được. Hiện tại, nếu không có khoản tiền lương 1 triệu rưỡi của em, thì nhà em sẽ không có đủ gạo ăn.

- Anh không ép chú em, vì anh đã hứa là nói chuyện với chú bằng tư cách một người anh lớn tuổi hơn em. Nhưng anh hỏi chú thế này. Có bao giờ chú nằm đêm suy nghĩ về cuộc đời của mình chưa, về tương lai? Anh cũng thông báo cho chú em biết, tụi anh vừa bắt 2 tên tội phạm truy nã, một người trốn 25 năm, một người trốn 30 năm.  Chú em có biết khi bị bắt, họ nói với anh điều gì không?

Ngưng một lúc, phía Tôn Tấn Luật vẫn lắng nghe, Đại tá Hòa nói tiếp:

- Thôi, bây giờ như vầy. Chú em làm giúp anh một việc. Tối nay, chú em cân nhắc xem: Một cuộc đời toàn những ngày lẩn trốn, nghe tiếng chó sủa đã run chân và một cuộc đời tự do, thoải mái, tất nhiên là phải trả giá bằng mấy năm tù, chú em sẽ chọn cuộc đời nào? Anh sẽ chờ câu trả lời của chú em vào tối mai, giờ này!

Mớm cho Tôn Tấn Luật một đòn cân não, mục  đích buộc anh ta phải suy nghĩ nhưng đêm đó, chính Đại tá Hòa lại khó chợp mắt. Anh đã nghĩ tới một việc làm nhằm dành cho Luật một ân huệ với pháp luật, để anh ta quay về con đường sáng.

Sáng sớm hôm sau, Đại tá Hòa cùng hai cán bộ Phòng đến tận gia đình của Tôn Tấn Luật, ở ấp Vĩnh Hội, xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. Và những chiến sĩ lẽ ra chỉ có nhiệm vụ truy bắt tội phạm truy nã đã không khỏi cám cảnh trước hoàn cảnh của gia đình Luật. Gia đình Luật là gia đình liệt sĩ, cha Luật là thương binh, mẹ và em gái của Luật đi mua trấu từ các nhà máy xay xát chở đi bán lại cho dân làm chất đốt, thu nhập vài chục ngàn đồng/ngày. "Đến cái mùng cũng không lành, tội quá!" - Đại tá Hòa nhớ lại. Cuối cùng, tổ công tác đã xuất quỹ đồng đội tặng gia đình Luật một bao gạo 50kg, một cái mùng, một cái mền cùng 100.000 đồng.

Có lẽ động thái này đã khiến Luật cảm động và hiểu ra mình cần phải làm gì.

Tôn Tấn Luật đã quay về nẻo sáng của cuộc đời.

Tối đó, Đại tá Hòa nằm xem tivi, nhưng lòng cứ mong tiếng chuông điện thoại. Đến 20h, rồi 20h30’, từng phút trôi đi chậm chạp. Nhưng rồi nó cũng reo, Luật nói với Đại tá Hòa: "Em biết hôm nay các anh đã đến nhà em. Em cảm ơn! Em hứa với anh sẽ về đến trụ sở của anh vào ngày 28/3/2011, sau khi em… lãnh lương". Lúc này, Luật mới tiết lộ mình đang giữ vườn cao su mướn tại tỉnh Lâm Đồng.

Một tuần trước khi đến ngày Luật hẹn quay về là khoảng thời gian dài đằng đẵng với Đại tá Hòa và Ban lãnh đạo Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Bạc Liêu. Các anh nôn nao như những thí sinh đang chờ kết quả của kỳ thi đại học. Nhưng rồi Tôn Tấn Luật đã xuất hiện, đúng vào sáng 28/3/2011, kết thúc một câu chuyện có hậu về kêu gọi đầu thú. Công an đã giữ lời hứa hóa giải ân oán giữa  Luật với nạn nhân, một thanh niên trong xóm bị Luật chém trước đây, phải nằm viện cả tuần. Về phía Luật, sau khi về nhà được một tuần, đã đến gặp Đại tá Hòa xin được thụ án, sớm hơn cả yêu cầu!

Đánh gục đối tượng bằng cái tâm

Giữa tháng 4/2011, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Bạc Liêu lên kế hoạch tầm nã tên tội phạm Nguyễn Trường Vi, sinh năm 1979, ấp 1, thị trấn Giá Rai, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Đối tượng này mang tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, đã bỏ trốn khoảng một năm. Kế hoạch bắt đầu bằng công tác trinh sát truy tìm tung tích đối tượng.

Sau một tuần làm việc, các trinh sát báo cáo về  đối tượng đã bỏ trốn khỏi địa phương, đến một vùng quê hẻo lánh thuộc xã Phước Long, huyện Phước Long tỉnh Bạc Liêu. Anh ta tá túc tại nhà mẹ vợ, hằng ngày di chuyển khắp nơi với nghề bỏ mối mặt hàng cà phê. Lịch trình đi và về của đối tượng không cố định, khi thì ngủ ở nhà trọ, lúc thì về nhà mẹ vợ và luôn luôn về lúc nửa đêm. Phần ghi chú của báo cáo ghi thêm rằng anh ta có hoàn cảnh rất đặc biệt, vợ sắp sinh, mẹ già bị tâm thần, không người chăm sóc.

Đại tá Bùi Thanh Hòa gọi các trinh sát đến hỏi thêm một số chi tiết về hoàn cảnh đặc biệt của đối tượng. Sau đó, ông triệu tập lãnh đạo Phòng đến họp đột xuất. Đại tá Hòa mạnh mẽ tuyên bố tạm gác kế hoạch vây ráp bắt tên Vi, triển khai kế hoạch B. Đại tá Hòa nhớ lại: "Lúc đó, chúng tôi hoàn toàn có thể bắt Vi, chỉ mất vài đêm phục kích khu vực nhà mẹ vợ anh ta. Nhưng xét thấy đối tượng này có trách nhiệm với vợ và mẹ già, hiện anh ta là người gánh vác chính. Nếu bị bắt thì anh ta không nhận được sự khoan hồng nào, bị tăng án tù, mẹ và vợ anh ta sẽ là những gánh nặng cho xã hội. Chúng tôi quyết cho đối tượng một cơ hội". Kế hoạch vận động đầu thú được triển khai, Trung tá Mai Thanh Trà nhận nhiệm vụ trực tiếp đi truyền thông điệp đầu thú và sự khoan hồng của pháp luật.

Bà Huỳnh Tuyết Huệ, mẹ vợ của đối tượng bị truy nã, ở ấp Phước Thành, xã Phước Long, huyện Phước Long nhớ lại: "Nghe Trung tá Trà lý giải cặn kẽ về chính sách khoan hồng của pháp luật, tôi thấy không có lý do gì mà không đưa con rể ra đầu thú. Tôi chưa hỏi ý kiến nó nhưng tôi quyết thứ hai sẽ đưa con rể tôi ra đầu thú". Bà Huệ cảm kích nói thêm: "Tôi cũng không thể ngờ các anh công an lại hiểu cặn kẽ, hơn cả tôi về hoàn cảnh của con rể tôi. Nghe các anh ấy kể, tôi biết công an đang muốn cho con rể tôi một cơ hội. Đó là một việc làm đầy tình người". Bà Huệ đã nói lại với con gái và con rể về nghĩa cử của công an. Cả nhà nhanh chóng đi đến một thống nhất là Vi phải ra đầu thú.

Ngày hẹn của bà Huệ là thứ hai, tức ngày 16/5/2011. Trước ngày này, Phòng Cảnh sát truy nã Công an tỉnh Bạc Liêu có cuộc họp lãnh đạo. Đại tá Hòa nhớ lại: "Các thành viên lãnh đạo Phòng đều có cùng nhận định đối tượng sẽ giữ lời. Khả năng đó lên đến 90%. Nhưng vẫn còn 10% để hồi hộp, vì tính cách của đối tượng chúng tôi chỉ được nghe trinh sát báo lại, chưa trực tiếp tiếp xúc. Đó là một sự hồi hộp thú vị, như một cuộc trắc nghiệm độ chính xác của nhận định bản thân từng thành viên. Và điều chúng tôi hứng thú là từ ngày thành lập Phòng Cảnh sát truy nã đến nay, khoảng hơn một năm, chưa lần nào chúng tôi nhận định sai".

Khi Nguyễn Trường Vi trốn lệnh truy nã, bà Lý, mẹ Vi sống rất khổ.

Đúng 8h30’ ngày thứ Hai, 16/5, bà Huệ cùng Nguyễn Trường Vi có mặt tại Phòng Cảnh sát truy nã Công an tỉnh Bạc Liêu. Vi được tiếp xúc với Ban lãnh đạo Phòng trước khi tiến hành các thủ tục về đầu thú. Cuộc tiếp xúc đã khiến Vi ngỡ ngàng và thán phục tấm lòng của những người truy bắt mình. Khi đó, Trung tá Mai Thanh Trà bảo: "Chúng tôi biết anh là người có trách nhiệm với gia đình, cụ thể là với vợ và với mẹ mình, bà Trương Thị Lý. Anh có biết bà ấy mỗi ngày phải leo qua hàng rào lưới B40 mấy bận không? Chúng tôi chứng kiến, mỗi tối, bà ấy đều leo qua hàng rào, đi lang thang như tìm ai đó. Những người hàng xóm ở gần nhà anh cho biết bà ấy nhiều lần giật đồ ăn của người ta đang bày bán. Chỉ vì thiếu thức ăn". Cơ quan Công an cũng thông tin cho Vi biết về hành trình của anh ta, những quán cà phê nào anh ta thường đến bỏ mối cà phê, những nhà trọ anh ta thường tá túc.

Nguyễn Trường Vi khi ấy ngồi như hóa đá. Có lẽ khi đó, anh ta cảm nhận được, với những thông tin chính xác về mình như vậy, công an có thể bắt anh ta bất cứ lúc nào. Cuối cùng, Trung tá Trà nói thêm: "Vợ anh 10 ngày  nữa sinh. Chúng tôi cam đoan cho anh đủ thời gian để lo việc sinh nở của vợ và sắp xếp cuộc sống cho bà Lý". Như giọt nước tràn ly, thông tin chính xác này đã khiến Nguyễn Trường Vi cúi đầu thán phục. Anh ta cố kiềm chế cơn xúc động, nói lời cảm ơn: "Các anh đã dùng cái tâm đối xử với em. Em xin hứa sau 15 ngày nữa sẽ vào trại giam thụ án!".

Nhưng Vi không thể kiềm chế khi tâm sự với mọi người về những ngày trốn chạy đã qua. Vi kể: "Khi lẩn trốn, em lén về nhà mỗi khi mọåi người đã ngủ. Em thấy mẹ già hơn, ngày càng phờ phạc, tay và chân có nhiều vết trầy sước. Nhiều khi em muốn chạy ra trụ sở công an đầu thú. Nhưng em đã không đủ can đảm. May nhờ các anh cho em cơ hội này! Em sẽ cải tạo tốt để sớm ngày tự do, lo cho mẹ, cho vợ!".

Nói về những vụ truy nã bằng cái tâm và tính khoan hồng của pháp luật, Đại tá Bùi Thanh Hòa đúc kết: "Đối với loại tội phạm truy nã không thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, công tác vận động đầu thú tỏ ra rất hiệu quả. Từ ngày thành lập Phòng truy nã chuyên trách đến nay, khoảng hơn một năm, chúng tôi đã vận động đầu thú thành công hơn chục trường hợp. Qua đó, chúng tôi rút ra được rằng, mọi người đều có khuynh hướng thèm cuộc sống tự do, muốn quay trở về nẻo sáng của cuộc đời, chỉ vì chưa có cơ hội và thiếu hiểu biết về chính sách khoan hồng của pháp luật. Một số khác trốn truy nã chỉ vì sợ khi ở tù, không ai gánh vác cuộc sống cho người thân".

Để phát huy phương pháp truy nã trên, Phòng Cảnh sát truy nã Công an tỉnh Bạc Liêu đang xây dựng một mô hình hỗ trợ tội phạm truy nã đầu thú. Theo đó, với những đối tượng truy nã đầu thú và có quá trình cải tạo tốt sẽ được hỗ trợ nhiều mặt để có điều kiện hoàn lương tốt nhất. Nhiều đối tượng và gia đình đối tượng được Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Bạc Liêu hỗ trợ gạo, tiền, cây, con giống… tùy theo từng hoàn cảnh cụ thể của đối tượng

Mỹ Xuyên
.
.