Niềm vui ở lớp học của những đứa trẻ khuyết tật

Thứ Bảy, 29/10/2016, 19:05
Với những đứa trẻ sinh ra đã phải mang trong mình nhiều thiệt thòi và bất hạnh, điều bình thường như được đến trường, được có bạn bè, thầy cô cũng trở nên quá xa xôi. Thế nhưng, hơn 4 năm qua, giấc mơ ấy đã trở thành hiện thực với trẻ em khuyết tật nghi nhiễm chất độc da cam tại xã Cát Trinh (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định).

Lớp học ước mơ

Sáng chủ nhật, chúng tôi theo một hội từ thiện đến Trường Tiểu học số 2 Cát Trinh phát quà cho trẻ em khuyết tật nghi nhiễm chất độc da cam. Thấy có người lạ vào lớp, các em liền vội vã chào hỏi. 24 học trò, mỗi trò mang trong mình một khiếm khuyết riêng: câm điếc, khuyết tật vận động, thiểu năng trí tuệ… nên cách chào cũng thật đặc biệt.

Có cô bé giọng ngọng líu ngọng lô, bắt chuyện: “On ào ú!” (Con chào chú!). Một trẻ câm điếc khác thì nắm chặt lấy tay, tay còn lại khua loạn xạ, môi mấp máy ra vẻ rất hào hứng. Điểm chung của các em là nụ cười trong trẻo, dễ khiến người khác xao lòng.

Trước những hình ảnh ấy, cô giáo Nguyễn Thị Hiền, Phó Hiệu trưởng trường, trực tiếp theo dõi và quản lý chương trình cho lớp, mỉm cười hài lòng: “Không khí những ngày đầu tiên của lớp học ước mơ không được đầm ấm, dễ thương như vầy đâu. Có em hét la, chạy trốn, thậm chí cào cấu thầy cô. Em khác lại im thin thít, nhất quyết không nghe, không mở lời. Hầu hết các em đều gặp vấn đề về nhận thức”.

Niềm vui của trẻ em khuyết tật khi được các cô chú đến thăm.

Nói rồi, cô Hiền tâm sự: “Hoàn toàn không có chuyên môn, nghiệp vụ về giảng dạy cho trẻ khuyết tật đặc biệt, tôi và đồng nghiệp vô cùng bối rối. Nhưng cứ lấy cái tâm, sự dịu dàng ra mà sẻ chia, thuyết phục theo kiểu mưa dầm thấm lâu”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, lớp học này có tên là lớp học ước mơ. Lớp mở cửa một lần mỗi tuần, từ 8 đến 10 giờ sáng chủ nhật. Chúng tôi như lọt thỏm giữa một thế giới xôn xao, náo hoạt. Ngồi chưa ấm chỗ, bạn bè còn đỏ mặt tía tai ghi từng nét chữ, tô từng mảng màu trên tập giấy A4, trong âm thanh những bài hát thiếu nhi rộn ràng, trong trẻo, thì bé gái Nguyễn Thị Thu Hằng (11 tuổi) đã bận bịu mấy cuốn tập với mớ bút chì màu.

Cô bé ngồi lặng lẽ mà quyết liệt trong ý thức để hoàn thành những nét vẽ của mình. Thế nhưng, công việc hóa ra chẳng dễ chút nào. Những chiếc bút nhỏ nhắn xinh xinh như cố tình trêu ngươi, thách thức. Bé Hằng bặm môi, trán lấm tấm mồ hôi, cuống quýt nhao theo.

Thấy vậy, cô giáo Nông Thị Thúy Nga bước lại, đặt bàn tay lên vai em, dỗ dành: “Khoan đã nào… còn chưa ăn bánh, uống sữa kia mà”. Thế là cô bé đỡ căng thẳng và nghe theo lời cô Nga. Cô Nga nhìn chúng tôi cười bảo: “Phải nhẹ nhàng như thế mới dạy được học sinh của lớp này”.

Theo cô Nga, chính sở thích, hứng thú, đôi khi là bất chợt, dễ nghiêng ngả, lung lay mới là yếu tố gợi ý cho đường hướng dạy dỗ, bảo ban. Không nghiệp vụ đặc thù, không giáo án sổ thẳng ngang ngay theo kiểu trường quy mô phạm, dạy học ở đây là nương theo điều kiện tâm thần, nhu cầu và dấu hiệu khả năng le lói của từng cá thể để khẽ khàng gầy dựng, gieo trồng, uốn nắn.

Trong khi đó, cô học trò Phạm Thị Bình (18 tuổi), trước đây là người bị tổn thương não, khuyết tật vận động, năng lực tiếp nhận, thực hành ngôn ngữ hạn chế. Nhưng bây giờ Bình là “cánh chim đầu đàn” của lớp học. Cô Nga tự hào khoe: “Bình viết được chữ, nhớ bài, cộng trừ nhân chia 1 chữ số thông thạo. Giờ em đang làm quen các phép tính 2 con số; biết chải chuốt làm duyên, biết soi gương, cắt móng tay, kẹp tóc. Chẳng bù hồi mới vô, bữa nào cũng chù ụ, im re”.

Nhìn những học trò khuyết tật của mình, cô Hiền tâm sự: “Không em nào giống em nào. Có em được dạy kiến thức, nhưng có em chỉ cần hướng dẫn, bồi đắp thói quen hành vi cơ bản. Điều quan trọng là thầy cô phải tận tụy, hết mình trong vai trò kết nối, hình thành bầu không khí thân thiện xung quanh. Nói vậy chứ tụi nhỏ hay lắm, chúng biết sợ người thầy nghiêm nghị nhưng cũng rất ngoan, chịu nghe lời những nữ giáo viên dịu dàng, biết cách… ăn mặc đẹp”.

Niềm vui của bậc sinh thành

Những nỗ lực của cô Nga và 6 giáo viên khác đã được đền đáp. Tất cả các em dần dần đều thích đến lớp; mạnh dạn hơn trong giao tiếp, thể hiện tình cảm; nhiều em đã thuộc mặt chữ, viết được tên của mình; biết hát, biết phân biệt màu sắc và vẽ theo mẫu.

Cô Nga phấn khởi khi kể về sự tiến bộ của từng học trò trong quá trình hòa nhập cộng đồng: “Em Dương Văn Thương ngày trước thường la hét, quậy phá, nay đã biết vâng lời. Em Nguyễn Thị Hồng Liêm đã tự sinh hoạt cá nhân, đến lớp còn chủ động kêu gọi các em khác cùng nhặt rác, quét lớp”.

Phạm Thị Bình (thứ 3 từ trái qua) giờ đã là “cánh chim đầu đàn” của lớp.

Trong lớp học ấy, chúng tôi còn bắt gặp nụ cười của những người làm cha làm mẹ. Nhìn cái cách họ dõi theo con, cách họ nâng niu, trìu mến với con khi đón con về, mới hiểu những mòn mỏi vì phải chứng kiến những đau đớn, quằn quại của con. Mặc cảm sinh ra những đứa con không lành lặn đã vơi đi phần nào.

Chị Nguyễn Thị Hòa (62 tuổi, ở thôn Phú Nhơn, xã Cát Trinh) chia sẻ: “Con gái tôi là Phạm Thị Bình, bị tổn thương não, hạn chế về ngôn ngữ. Từ nhỏ đến lớn, nó chưa một ngày dám ra khỏi nhà, ngại giao tiếp, luôn luôn sống trong cảm giác sợ hãi. Lúc được vận động đưa con đến lớp, tôi cũng từng ngần ngại. Vậy mà sau vài tháng, Bình đã thay đổi hẳn. Bây giờ con gái tôi có thể tự đi học với bạn, rất vui vẻ”.

Cũng có mặt ở lớp học này, chị Đặng Thị Tuyết (42 tuổi), chốc chốc lại đưa tay dụi mắt. “Sau những tháng nhập học, cháu nhà tôi đã khác hẳn. Trông nó hào hứng hẳn ra nên tôi mừng lắm”, chị Tuyết phân trần về cảm xúc bồng bột của mình.

Bệnh của cháu Nguyễn Công Minh (15 tuổi, con trai chị Tuyết) là tăng động, giảm chú ý, chậm phát triển trí tuệ. Trớ trêu là thằng bé có vẻ ngoài ngời ngời, đẹp đẽ, sáng trưng tựa tên của nó. Hàng chục năm, gia đình chồng bộ đội, vợ giáo viên ấy không biết phải bao phen tất tả, rạc rài, mòn mỏi theo con vào Nam ra Bắc. Hết Bệnh viện Nhi Trung ương tới Bệnh viện Nhi đồng II, bệnh trạng Minh vẫn không thuyên giảm.

Sau đó, chị Tuyết gửi con vào lớp hòa nhập ở Trường Tiểu học số 1 Cát Tân. Tháng 11-2014, đang học lớp 4, nhưng Minh không theo kịp bạn bè. “May mắn sao, lớp học này không chối bỏ con tôi”, chị Tuyết sụt sùi. Với chị Tuyết, nỗi khó nhọc tay xách nách mang, đi về đưa đón mỗi tuần hai lượt không là gì hết so với niềm vui nhen nhóm trước dấu hiệu đổi thay chầm chậm của con mình.

Khi được hỏi, lúc bắt đầu nhận triển khai dự án tại trường, liệu các thầy cô có sợ sẽ là công “dã tràng xe cát”? Cô Hiền cho biết: “Biết là sẽ vất vả hơn nhiều so với dạy dỗ các học sinh bình thường nhưng được giúp những mảnh đời bất hạnh, chúng tôi thấy hạnh phúc. Số học sinh giờ đã lên đến 24 em. Chúng tôi mong sao có thêm sự hỗ trợ để trang bị cơ sở vật chất phù hợp hơn cho các em; đồng thời các giáo viên được học tập phương pháp giáo dục học sinh đặc biệt để hoàn thành tốt hơn mục tiêu đã đặt ra”.

Những nụ cười rạng rỡ của những đứa trẻ không được lành lặn.

Ông Ngô Vĩnh Khương, Phó Chủ tịch Hội chữ thập đỏ tỉnh Bình Định, cho biết: “Những tiến bộ về giao tiếp, ứng xử của trẻ khuyết tật trong quá trình tham gia lớp đã cho thấy hiệu quả tích cực của lớp học. Tỉnh Hội cũng đang cố gắng vận động các nhà hảo tâm để có được những hỗ trợ thường xuyên về vật chất và tinh thần cho lớp, để nhiều trẻ khuyết tật được hòa nhập hơn nữa”.

Đến thăm lớp, chứng kiến những tiến bộ của học sinh, cảm nhận được niềm hy vọng đang lớn lên từng ngày của các phụ huynh, chúng tôi trân trọng những nỗ lực của thầy cô giáo đang dạy dỗ, quản lý lớp. Mong sao các em ngày càng tiến bộ trong học hành.

Ngày 4/9/2012, lớp học dành cho trẻ khuyết tật thuộc Dự án phát triển kĩ năng giao tiếp, ứng xử xã hội và ý thức tự chủ của trẻ khuyết tật nhiễm và nghi nhiễm chất độc da cam tại trường Tiểu học số 2 Cát Trinh bắt đầu hoạt động.

Dự án do Giáo sư Michio Umegaki (Trường đại học Keio, Nhật Bản) phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Định và Hội Chữ thập đỏ huyện Phù Cát tổ chức.

Phan Nhuận Phin
.
.