Niềm vui sau những bài báo

Chủ Nhật, 21/08/2016, 09:00
Tròn 10 năm công tác tại Chuyên đề An ninh Thế giới, Báo CAND, tôi đã có nhiều dịp đi, gặp gỡ, tiếp xúc những thân phận kỳ lạ, những hoàn cảnh éo le trong cuộc sống để rồi gửi gắm vào những trang viết. Cũng không ít lần sau khi bài viết được đăng tải, đã có nhiều tổ chức, cá nhân liên hệ với chúng tôi đề nghị xin địa chỉ của nhân vật trong bài để chia sẻ tình cảm gửi tiền, quà ủng hộ. Đối với những người làm báo, đó thực sự là những niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất trong nghề.

1. Cuối năm 2008, chúng tôi có chuyến công tác tại xã Khánh Yên Trung  (Văn Bàn, Lào Cai). Dịp đó, chúng tôi đã được gặp chị Lê Thúy Hà (là giáo viên trường tiểu học Khánh Yên Trung) và biết được câu chuyện hết sức đáng thương của 4 học sinh trong trường.

Bốn đứa trẻ gồm Lương Văn Trường (SN 1996), Lương Văn Hậu (SN 1997), Lương Văn Thu (SN 1999) và Lương Thị Thiêm (SN 2000) (đều trú tại thôn Én 2, xã Khánh Yên Trung, Văn Bàn, Lào Cai) là con của anh Lương Văn Tường và chị Hoàng Thị Thương.

Thời điểm đó, chị Thương đã mất cùng với bé út vì băng huyết sau khi sinh. Anh Tường bị sốc, cứ đi lang thang khắp nơi, không chăm sóc con, không làm lụng mà chỉ tìm nơi có rượu uống để giải sầu. Ngày qua ngày, tháng qua tháng, anh vật vờ như cái bóng, để mặc lũ con thơ dại trong ngôi nhà trống hoang hoải.

Theo chân cô Hà đến thăm ngôi nhà này, chúng tôi thực sự lo sợ thay cho các cháu. Ngôi nhà rộng chừng 60m2, theo đúng kiểu nhà sàn của người Tày. Nhà lợp mái lá, vách gỗ, sàn là những ống nứa đập giập. Tuy nhiên có lẽ do được dựng đã lâu, nên những kèo cột đều bị mối xông hết, có cột được kê bằng những viên đá hộc ngả nghiêng, xiêu vẹo chả biết sập lúc nào.

Mái lá thì thủng khắp nơi, ánh nắng mặt trời tha hồ rọi vào nhà, nếu mưa thì cũng dột khắp nơi. Lại còn sàn nhà nữa, nhiều chỗ gióng nứa gãy nếu người đi không cẩn thận có thể rơi tọt xuống dưới ngay chứ chả chơi.

Ngôi nhà mới của gia đình cháu Lương Văn Trường được xây dựng từ tiền quyên góp của bạn đọc.

Cháu Lương Văn Trường thời điểm đó vừa từ lớp 5 lên lớp 6, người bé như một cây kẹo mà phải cáng đáng cả một gia đình. Ngoài giờ đi học, Trường phải đi kiếm củi để đổi lấy gạo. Rồi về nấu cơm cho các em. Bé Hậu được giao nhiệm vụ lên rừng hái rau dại, đồng thời câu cá, bẫy chuột… làm đồ ăn. Nhiều hôm trời mưa không đi kiếm được củi, cả bốn anh em phải ôm bụng nhịn đói.

Vì không có người lớn quan tâm, nên mái nhà thủng mưa dột cũng phải chịu, sàn nứa bị gãy cũng không ai sửa cho. Lắm khi ngủ mê, mấy đứa trẻ lăn tòm xuống đất lại tự lồm cồm bò dậy trèo lên mà thôi. Bé Thiêm nhiều đêm đang ngủ cứ giật mình mếu máo: “Bố ơi, mẹ ơi...”, khiến thằng Trường phải ngồi dậy dỗ em suốt đêm.

Chị Hà kể: “Có những ngày đông rét cắt da cắt thịt chị gặp lũ trẻ đi đứng liêu xiêu, da dẻ tím tái hết cả. Do thiếu ăn, quần áo không đủ mặc, chăn chiếu cũng chả đủ ấm, thế nên cả bốn đứa, đứa nào đứa nấy gầy giơ xương, bé tẻo bé teo như cây kẹo.

Nhiều hôm lên lớp, các cô giáo thấy mấy đứa trẻ mặt mũi xanh xao như bị ốm. Cô mới dỗ dành, gọi hỏi thì được biết đã mấy hôm nay chúng không có hạt cơm nào vào bụng. Thế là các cô chạy ngay ra chợ mua cho mỗi đứa vài cái bánh. Trông chúng ăn ngấu nghiến, ai cũng thương...”- chị Hà kể mà mắt đỏ hoe.

Sau chuyến đi ấy, tôi đã có một phóng sự dự thi và đoạt giải. Cũng không ngờ là chỉ một tuần sau khi bài báo được in, đã có rất nhiều cá nhân, tổ chức gọi điện đến tòa soạn bày tỏ nguyện vọng được giúp đỡ cho các cháu. Tôi nhớ có một cán bộ thuộc Công an tỉnh Quảng Ninh đã quyên góp được khá nhiều quần áo, đồ dùng học tập để tặng cho không chỉ 4 cháu nhỏ mồ côi mà còn cho nhiều cháu khác ở Trường Tiểu học Khánh Yên Trung. Và đặc biệt số tiền các cá nhân, tổ chức quyên góp được vừa đủ để dựng cho các cháu một căn nhà khác, ấm áp và vững chãi hơn.

Tháng 4-2009, chúng tôi đã có mặt tại Khánh Yên Trung để nghiệm thu ngôi nhà. Ngôi nhà có diện tích hơn 35m2, xây bằng gạch vồ, quét vôi xanh, mái lợp phibrôximăng. Vậy là các cháu đã có một chốn nương thân.

2. Tháng 5-2010, tôi được một số người dân tại phố Trần Phú (quận Hà Đông, TP Hà Nội) kể về nghị lực của một sinh viên khuyết tật đang theo học tại Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam. Em là Ngô Văn Định (SN 1990, trú tại Vĩnh Lộc, Thanh Hóa).

Định có cơ thể khá dị thường. Em cao có hơn 1m, nặng chừng 30kg. Đôi chân của Định rất ngắn, lại cong hình trăng lưỡi liềm. Cánh tay cũng thế, bàn tay to bè, các ngón tay như quả chuối mắn. Đặc biệt, đầu em to một cách dị thường. Duy có đôi mắt rất sáng và nụ cười đặc biệt dễ thương. Bệnh tật đã khiến cho cuộc sống của Định vất vả gấp bội phần những bạn bè đồng lứa.

Cũng chính vì đôi chân ngắn mà năm 2009, khi Định cùng bố ra Hà Nội dự thi vào Trường đại học Nông nghiệp I và Học viện Y Dược học cổ truyền đã gặp những tình huống dở khóc dở cười. Số là khi giám thị đọc số báo danh vào phòng thi, Định có mặt từ lâu mà người giám thị cứ mải ngó quanh quất, một lúc sau mới nhìn thấy cậu bé lũn cũn đang chìa giấy báo thi cho mình.

Thế rồi khi ngồi lên ghế trong phòng thì mặt Định cũng chạm mặt bàn, thành ra em không thể ngồi viết nổi. Chẳng còn cách nào khác, Định cứ vừa đứng vừa làm bài suốt ba tiếng đồng hồ. Định thi hai trường, tổng cộng sáu buổi cậu cứ trong tình trạng như vậy. Nhiều giám thị thương lắm nhưng cũng chả biết làm cách nào.

Có mặt tại phòng trọ của em thời điểm ấy, chúng tôi thực sự cảm thấy rất xúc động, xót xa. Căn phòng nhỏ chừng gần 20m2 song lại đang chứa những hai gia đình sống chung mà không hề có vách ngăn. Mỗi góc phòng kê một chiếc giường cho một gia đình, còn phần không gian giữa là nơi đặt chạn bát, nồi niêu, xoong chảo...

Chúng tôi cũng được ông Ngô Văn Thành (bố của Định) kể về đoạn trường nuôi nấng, chăm sóc cho đứa con trai tật nguyền của ông.

Từ khi lọt lòng, chân tay Định cứ co lại chứ không bao giờ duỗi thẳng được. Đã thế lại khuềnh khoàng, ngắn cũn. Cái đầu thì to quá khổ. Càng buồn hơn, khi mà 3 tháng Định chưa biết lẫy, 7 tháng chẳng biết bò, đến khi 2-3 tuổi cũng chưa ngồi dậy nổi, đừng nói là biết đi. Ông Bằng đã đưa con đi khám bệnh ở rất nhiều nơi và đều nhận được kết luận là do hệ thống xương của Định có rất nhiều khiếm khuyết nên không phát triển bình thường như người ta.

Ông Bằng xem tivi, thấy nói những người bị liệt có thể luyện tập để cho xương cốt cứng cáp dần, thế là ông không ngại khó, ngại khổ quyết tâm giúp đỡ con. Ban đầu, ông và bà chỉ đỡ con ngồi dậy sao cho vững. Có người đỡ thì không sao, chứ nếu không có bố mẹ ngồi đấy là Định lại nằm quay lơ ra. Hai ông bà cũng chạy vạy khắp nơi, nào thì kiếm trứng gà, các loại hải sản chứa nhiều canxi, rồi các loại bột cóc, bột dinh dưỡng... mua bằng được về bồi bổ cho con.

Ngô Văn Định đang thực tập tiêm cho bố (thời điểm tháng 5-2010).

Tới tuổi đi học, Định cũng được cha mẹ cho đến trường như ai. Và thế là bắt đầu 12 năm dằng dặc ông Bằng làm nhiệm vụ đưa con đi học rồi đón con về. May là trường cũng gần nhà, nên các năm học tiểu học và trung học cơ sở cũng đỡ vất vả. Tới bậc trung học phổ thông thì ông Bằng phải "cải tạo" lại chiếc xe đạp để chở con đi. Ông lấy hai thanh tre, buộc vắt chéo vào gacbaga, giống như để buộc bao gạo để cho Định ngồi vững hơn và hai tay em có chỗ bám.

Ấy thế mà, một lần hai bố con đèo nhau tới cổng trường, ông Bằng dừng xe, đang định gạt chân chống thì bỗng nhiên thấy xe mất thăng bằng dữ dội. Ông càng cố giữ thì càng bị lực ấn mạnh hơn, khiến cả hai cha con ngã chổng kềnh ra đường. Hóa ra, hôm ấy Định cảm thấy hâm hấp sốt, mệt lắm nhưng lại không muốn bỏ mất một buổi học. Thế là Định làm ra vẻ khỏe mạnh, để cho bố đỡ lên xe đưa tới trường. Đi được một lúc thì Định thấy đau đầu chóng mặt, ngồi không vững nữa. Cố hết sức bám lấy hai thanh tre, đến đúng cổng trường thì không chịu nổi, ngã nhào ra.

Dù bị bệnh tật hành hạ, song Ngô Văn Định vẫn rất hiếu học. Và cậu đã thi đỗ cả hai trường là Học viện nông nghiệp và Học viện Y Dược học cổ truyền.

Ngô Văn Định đang hành nghề y tại nhà (thời điểm hiện tại).

Cảm động trước nghị lực của Ngô Văn Định, tôi đã viết bài về cậu. Và cũng rất bất ngờ, sau khi bài báo đăng tải, chính Định đã gọi điện cho tôi thông báo rằng có rất nhiều bạn đọc đến tận nhà để ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần cho hai cha con. Đặc biệt ở trường, các thầy cô cũng biết về hoàn cảnh của Định và luôn quan tâm dìu dắt chỉ dạy cho Định tận tình.

Mới đây, tôi lại nhận được điện thoại của Định thông báo sau nhiều năm miệt mài học tập, Định đã tốt nghiệp ra trường rồi về quê mở phòng khám. Những kiến thức học được ở trường đã thực sự giúp ích cho những người dân nghèo quê Định. Hiện tại phòng khám mở tại nhà cậu ngày nào cũng rất đông bệnh nhân đến bốc thuốc, chữa bệnh. Nhiều người đã được Định chữa khỏi bằng phương pháp đông y.

Đặc biệt, Định còn khoe thêm một niềm vui nữa. Cảm kích tấm lòng của một người con hiếu thảo, một chàng trai đầy nghị lực và một thầy thuốc giỏi, cảm mến tấm chân tình của Định mà chị Vũ Thị Phấn - một người con gái cùng quê đã nên duyên vợ chồng với anh…

Minh Tiến
.
.