Nỗi đau "rổ rá cạp lại"

Thứ Tư, 30/11/2011, 11:00
Họ, từ quê lên phố. Họ, tha hương mà tìm đến nhau. Họ, đã từng trải qua một lần đổ vỡ trong đời sống hôn nhân hay đơn giản chỉ là cần một người nương tựa ở chốn phồn hoa. Họ, mưu sinh bằng những nghề lặt vặt tại Sài Gòn, họ chăn vịt thuê, bán hàng rong, mua bán phế liệu, làm công nhân trong xưởng may gia đình… Họ, cứ tưởng đã tìm được nơi bình yên cuối cùng của một phận người. Nhưng, rồi bi kịch đã xảy đến. Đã "rổ rá cạp lại", đã "đò nát đụng nhau" tại sao vẫn đành lòng tạo ra những cảnh đớn đau.

1. Gã không còn trẻ nữa, đã gần 50 tuổi. Trước đây, gã từng đi làm công nhân ở xí nghiệp Ba Son, sau nghỉ ở nhà giúp người phụ nữ ấy bán cơm bụi vỉa hè. Trước khi về nhà góp gạo thổi cơm chung với gã, người phụ nữ ấy đã một lần nếm trải sự buồn bã của hôn nhân, có một người con riêng.

Gã khốn khó, người phụ nữ ấy cũng không giàu có. Mưu sinh lang bạt như cái duyên kéo gã và chị tìm đến nhau. Họ cùng thuê căn phòng trọ nhỏ ở quận Tân Bình chung sống từ năm 2004. Những tháng ngày bình lặng trôi qua, gã lẫn chị hạnh phúc với mái ấm được làm lại từ những đổ vỡ.

Rồi không hiểu từ đâu, gã lại có suy nghĩ chị sắp bỏ rơi gã để về với người tình cũ. Người mà trước khi đến với gã, chị đã có thời gian mặn nồng. Gã biến thành con người khác, ý nghĩ chị chuẩn bị về với người xưa luôn ám ảnh trong đầu gã. Có lẽ lúc nào gã cũng lo sợ chuyện mái ấm cuối đời của mình bị đổ vỡ, gã luôn lo chuyện hạnh phúc ấp ủ bấy lâu tan biến như bọt xà phòng… Gã càng cuống cuồng tìm cách giữ chị, chị lại càng cảm thấy ngột ngạt. Chị ngột ngạt, chị phản ứng. Chị càng phản ứng, gã lại càng cho rằng suy đoán của mình là hoàn toàn chính xác. Ngay cả trong giấc mơ, gã cũng hốt hoảng sợ chị rời xa gã.  Có mấy ai sống trong trạng thái bị nghi ngờ mà cảm thấy thoải mái đâu.

Mà chị, ngày cắm mặt ở quán cơm bụi vỉa hè. Đêm về, lại lục đục chuẩn bị các thứ nguyên vật liệu để cho suất bán ngày mai. Hơn nữa, một lần tan vỡ trong hôn nhân, chị đã biết cách trân trọng hạnh phúc cho riêng mình. Chị có gã, có cái phòng trọ nho nhỏ ăm ắp tiếng cười khi đêm về, chị có mơ mộng chuyện gì nữa đâu. Tiếc là, gã đã không nghĩ đến điều đó trước khi hành động nhằm thỏa mãn cơn ghen tuông của chính mình.

Một trưa, gã chất hai thùng đầy xăng, loại thùng đựng sơn, mỗi thùng chứa khoảng 10 lít xăng, lên chiếc xe ba gác, chở đến quán cơm bụi của chị. Chiếc ba gác mà hằng ngày, gã vẫn dùng để chở bàn ghế đến địa điểm bán cơm để bày biện đón khách. Lúc này, chị đang đứng sắp xếp đồ ăn.

Gã dừng xe ba gác, không nói không rằng, tốc tấm vải bạt, tay lăm lăm hai thùng xăng tạt vào người chị. Tôi nghĩ rằng, chắc gã chỉ muốn dọa chị. Nhưng, cơn ghen đã như màn sương che mắt gã. Gã không nhận biết rằng, khi gã tạt xăng vào người chị, chị đang đứng cạnh bếp than tổ ong đỏ rực để giữ nhiệt cho nồi cơm.

Ngọn lửa oan nghiệt bùng lên phủ kín người chị, mặc dù đã được người dân sinh sống gần đó hỗ trợ dập tắt lửa và nhanh chóng đưa chị đến bệnh viện để cấp cứu. Nhưng, chị tử vong tại bệnh viện do bị bỏng quá nặng. Gã cũng bị bỏng nhẹ.

Khi ngọn lửa bén vào người chị, cũng là khi mặt mày gã xám ngoét, cắt không còn giọt máu trước những gì mình vừa gây ra, gã quẳng lại xe, cuống cuồng rời khỏi hiện trường, bỏ trốn. Mà gã biết đi đâu sau khi gây ra vụ việc kinh hoàng ấy, gã chỉ biết vạ vật ở những địa điểm quen, ngay ngày hôm sau, gã bị lực lượng Công an bắt giữ.

Nguyễn Ngọc Trãi và bản án chung thân.

Tháng 8/2010, trong phiên tòa lưu động, Tòa án Nhân dân Tp HCM đã tuyên phạt gã hình phạt tử hình cho tội danh "Giết người".

Tháng rồi, trong phiên Tòa phúc thẩm của Tòa án Nhân dân tối cao tại Tp HCM, Chủ tọa phiên tòa xét đến lời khẩn cầu của mẹ nạn nhân, có thể gọi người phụ nữ này là mẹ vợ của gã. Gã được giảm xuống mức án chung thân.

Mẹ vợ gã nói, nỗi đau mất con với bà là đã quá lớn. Bà không muốn tiếp tục chứng kiến thêm một bi kịch khác. Có thể, bà thương gã như con trong nhà, dẫu rằng, chính gã đã tước đoạt đi mạng sống của con gái bà.

Gã ra tòa với khuôn mặt nhiều cảm xúc. Nhìn gã, nhận ra ngay nét chân chất của một anh nhà quê lên phố thời gian đầu.

Gã có tên là Nguyễn Ngọc Trãi. Thời điểm tòa giảm án từ tử hình xuống chung thân, gã đã 49 tuổi. Gã, tóc lâm râm điểm bạc trên đầu, khuôn mặt hằn lên những vết nhăn của thời gian và bản án chung thân. Ngày về đối với gã, có lẽ không còn nữa. Bi kịch do chính gã tạo ra đương nhiên là gã phải nhận lãnh. Tội ác do gã gây ra, gã phải trả giá… Chỉ thương cho cái gia đình rổ rá mà gã cùng chị từng đắp xây, mãi mãi đã trôi vào miền quá vãng.

Một trường hợp khác. Chị, thời điểm bị sát hại đã 38 tuổi. Chị lên Sài Gòn làm công nhân cho một xưởng may nhỏ ở quận Gò Vấp. Chị lên phố, bỏ lại ở quê nhà người chồng cũ và 3 đứa con nhỏ. Chị đi xa, như một cách để tìm quên.

Ở phố, chị quen và yêu gã đàn ông nhỏ hơn chị 3 tuổi, có tên là Trương Văn Tài. Để đến với chị, Tài cũng đã bỏ vợ con. Hai người sống chung với nhau trong căn phòng trọ gần nơi chị làm việc.

Rồi cái chuỗi bi kịch luẩn quẩn lại đến. Tài ghen với chị, Tài cho rằng chị muốn bỏ Tài để đến với người đàn ông khác. Ghen tuông thì đâu cần bằng chứng, chị càng chối, Tài càng tin rằng chị có ý định bỏ Tài. Đỉnh điểm của cơn ghen, là khi Tài dùng tay bóp chặt cổ chị cho đến khi chị ngất hẳn và không còn thở nữa. Sau khi gây án, Tài bỏ thi thể chị vào thùng xốp, rồi dùng xe gắn máy chở thùng xốp ra khỏi nhà trọ, quẳng ở một con hẻm vắng tại quận 12.

Hôm sau, một người phụ nữ trên đường đi làm phát hiện ra thi thể của chị, tin tức được trình báo đến Cơ quan điều tra. Khi mà các trinh sát đang tích cực truy tìm thì gã đến Cơ quan Công an đầu thú.

Phiên Tòa sơ thẩm tuyên Tài mức án tử hình. Tài có đơn kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt. Nhưng, xét thấy không có tình tiết nào có thể giảm nhẹ, nên phiên Tòa phúc thẩm vừa diễn ra, Chủ tọa đã y án.

Tài, đã không còn bất cứ một cơ hội nào để tồn tại.

2. Chuyện buồn của tuần vừa rồi. Trong căn nhà rách mem, không có số nhà ở con hẻm 79, đường số 12, phường Tam Bình, quận Thủ Đức  đã xảy ra một vụ án mạng với diễn tiến gần tương tự với hai vụ việc tôi vừa nêu.

Kẻ thủ ác có tên là Vòng Kim Bình, 35 tuổi, quê quán Trà Vinh. Bình lên Sài Gòn, mưu sinh bằng nghề chăn vịt mướn. Bình làm việc chăm chỉ, nên chủ thương tình, dựng cho cái chòi lá để lưu trú phục vụ cho công việc, cái chòi mà tôi gọi tạm là căn nhà phần trên.

Bình không biết chữ, dáng mạnh khỏe, da đen nhẻm. Lên Sài Gòn được vài năm thì Bình đột nhiên có "vợ". Người phụ nữ của Bình quê gốc ở Bình Định vào Sài Gòn để kiếm sống bằng nghề buôn bán phế liệu. Chị lớn hơn Bình 7 tuổi.

Dẫn giải Vòng Kim Bình (dấu X) về trại giam.

Sài Gòn, có nhiều người phụ nữ đứng tuổi mưu sinh bằng cái nghề giống chị. Họ đi xe đạp hoặc quang gánh trên vai đi bộ, tìm đến những căn nhà trong hẻm, ngoài mặt tiền… mua lại những thứ phế phẩm, như sách báo cũ, lon bia, nước ngọt đã qua sử dụng, chai lọ, sắt vụn, nhôm… Họ tính toán giá cả từng chút một với người bán phế liệu để sao cho mình có thể thu được một món lời lớn khi bán những thứ mua được cho đại lý thu mua phế liệu. Nói là món lời lớn vậy thôi, chứ có khi, mỗi ngày họ kiếm không được quá 100 nghìn. Ngoài việc thu mua phế phẩm, họ kiếm thêm thu nhập bằng cách nhặt nhạnh những vật thừa trong bao nilon chứa rác.

Chị rời quê hương Bình Định, sau khi đã chia tay người đầu gối tay ấp nhiều năm liền. Chị mang cô con gái bé xíu theo mình, cô con gái là tất cả của nả chị để dành được. Vài năm trước, khi về ở với Bình trong căn chòi lá ấy, chị cũng mang con theo.

Bình, làm mỗi tháng lương được gần 2 triệu, thu nhập của chị cũng chừng ấy. Tiếc rằng, cuộc sống khốn khó, hạnh phúc chắt chiu đã không bình yên.

Hàng xóm nói, Bình tính tình hiền lành mỗi khi không có rượu. Mà, những người như Bình thì một năm có được mấy ngày là không uống rượu đâu. Rượu vào, Bình kiếm cớ mắng chị hết lần này đến lần khác. Xen kẽ giữa những câu chửi mắng là cái bợp tai, xô đẩy… Chị câm lặng đến nhẫn nhịn chịu đựng.

Trước đây hơn tháng, chị báo với Bình rằng mình đã có thai. Không biết Bình buồn hay vui khi đón nhận thông tin này, nhưng từ thời điểm ấy, Bình ít hục hặc với chị hơn.

Đêm ngày 10/11, như thói quen thường diễn ra, Bình bày cuộc nhậu với vài người bạn tại nhà. Chị ngồi một bên chờ đến lúc người bạn cuối cùng của Bình rời nhà để nói với Bình câu chuyện không may, khi đó đã gần khuya. Chị bảo, chị đã bị sẩy thai.

Chị vừa dứt lời, Bình gầm lên rồi vớ lấy cây chổi lau nhà, vụt vào đầu chị tới tấp cho đến khi chị nằm lịm dưới nền nhà. Bình bỏ lên giường ngủ, mặc chị rên rỉ vì đau đớn, cô con gái nhỏ ôm chị khóc thét. Nửa khuya, gã tỉnh dậy bế chị lên giường ngủ. Lúc này, hơi thở của chị đã rất yếu.

Sáng ngày 11/11, người hàng xóm ở cạnh nhà đêm nghe tiếng quát tháo, nên sáng sang xem chuyện gì đã xảy ra. Thấy chị nằm trên giường trùm chăn khắp người, người hàng xóm cất giọng hỏi Bình "Chị bị sao vậy chú Bình?": "Vợ tôi bệnh thôi, không có gì. Chị về đi", gã đáp.

Thấy thái độ của Bình khác lạ, người hàng xóm lẳng lặng đi trình báo Công an. Về phần mình, Bình thừa biết chị đã tắt thở. Nên khi người hàng xóm vừa bỏ đi, gã vội vã khép cửa, lẩn mình vào khu rừng tràm phía sau nhà.

Khi Công an đến nhà, thì phát hiện chị đã tử vong, khả năng là do chấn thương sọ não. Căn nhà trống hoác, chỉ còn tiếng khóc của cô con gái chị là buồn đến xé lòng.

Bình, sau 3 ngày lẩn trốn đã mò về nhà ông chủ, nơi đang giữ vịt thuê. Gã đói, gã mò về để xin cơm ăn trước khi đến Cơ quan Công an đầu thú. Tại Cơ quan Công an, gã khai nhận toàn bộ hành vi sát hại chị. Đồng thời, gã cũng cho biết những ngày lẩn trốn trong bụi tràm, gã cầm hơi bằng những trái dừa nước ít vị.

Vụ án có thể khép lại tại đó, tội ác của Bình sẽ được pháp luật phân xử, chỉ còn tương lai của cô con gái riêng 5 tuổi của chị, cô bé theo chị từ Bình Định vào Sài Gòn không biết sẽ ra sao(?!).

3. “Rổ rá cạp lại”, khi mà người ta đã hiểu thế nào là sự gãy đổ, khi người ta tìm về chỉ cầu mong sự bình yên còn sót lại. Vậy mà, cũng không được phẳng lặng như người ta đã từng mơ ước.

Đời sống hôn nhân bao giờ cũng ẩn chứa bên trong nhiều trúc trắc, chỉ có người trong cuộc mới hiểu hết những gì mình đang có, những ngày mình đã trải qua. Thế nhưng, đò nát đụng nhau rồi, sao vẫn không thể nương tựa nhau là bến đỗ cuối cùng.

Duyên kiếp ba sinh, cái nghĩa vợ chồng. Sau mỗi lần tan vỡ, là một lần khốn khó. Sau mỗi lần tạo dựng, là một nỗi hy vọng lớn lao. Buồn thay, chuyện không chờ cứ thản nhiên xuất hiện. Vụ án khép lại, là nỗi đau lại dài thêm ra. Thương cho những phận người khốn khó, tiếc cho cả những phận đời gán ghép đã không đủ sức để giữ trọn một giấc mơ về mái ấm, về tình nghĩa dẫu không thể gọi là nghĩa trăm năm.

Nói là nói vậy, chứ vợ chồng ở một ngày là tình, sống hai ngày đã là nghĩa, sống đến hơn ba ngày thì đã là không thể phôi phai ân tình. Biết đổ thừa cho cái cớ gì hợp lý, nhằm tìm một mảng sáng trong những câu chuyện chỉ toàn mảng đen.

Không níu giữ được hạnh phúc sau cùng, họ còn biết bấu víu vào đâu…

Ngô Nguyệt Hữu
.
.