Nỗi đau trên sông Hồng

Thứ Hai, 19/03/2018, 13:16
Vụ tai nạn khiến 8 người chết đuối, 1 người còn mất tích trên sông Hồng vào sáng 11-3 ở địa phận Trung Quốc, đối diện với thôn Biên Hòa, xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đã để lại bài học đau xót đối với những người lao động tự do ở khu vực biên giới.

Trở lại hiện trường vụ việc sau 5 ngày xảy ra thảm cảnh, nỗi đau vẫn còn nguyên vẹn. Báo CAND đã chia sẻ nỗi mất mát đối với những gia đình có thân nhân gặp nạn và ủng hộ mỗi gia đình 1 triệu đồng.

Nỗi đau còn đó

Trưa 15-3, cái nắng đầu hè làm khu vực biên giới xã Nậm Chạc nhuộm một màu xanh ngắt. Sông Hồng mùa này nước cạn, chỉ cách một đoạn mặt sông là bên kia Trung Quốc. Dọc dòng sông, các lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục tìm kiếm nạn nhân thứ 9.

Hiện trường nơi xảy ra vụ 9 người chết và mất tích.

Suốt 5 ngày qua, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai đã huy động 177 cán bộ chiến sĩ phối hợp với lực lượng Công an và các lực lượng khác tìm kiếm nạn nhân mất tích.

Có mặt tại hiện trường nơi xảy ra vụ chết đuối vào trưa 15-3, chúng tôi gặp các cán bộ của Phòng Kỹ thuật Hình sự (Công an tỉnh Lào Cai), Viện KSND tỉnh và Công an huyện Bát Xát đang tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi cho nạn nhân Tráng Văn Long, 25 tuổi, trú tại thôn Cốc Mạc, xã Nậm Lư, huyện Mường Khương (Lào Cai).

Thi thể anh Long được tìm thấy lúc 10h30’ ngày 15-3 khi đang trôi trên sông Hồng, cách khu vực hiện trường xảy ra vụ chết đuối khoảng 500m. Một cán bộ của Đồn Biên phòng A Mú Sung cho biết: "Suốt 2 ngày tìm kiếm trên sông, vào lúc 8h20 phút sáng nay thì tàu của chúng tôi phát hiện một nạn nhân mắc vào bãi đá trên sông ở phía Trung Quốc, đã thông báo cho người nhà sang nhận dạng. Đến 10h30’ lại phát hiện xác anh Long nổi trên sông ở địa phận phía Việt Nam. Chúng tôi vừa nhận được tin có một vật thể giống xác đang trôi, dự đoán đây là nạn nhân thứ 9 nhưng khi tới nơi thì không phải".

Khi nhận được điện thoại đến xác nhận thân nhân, anh Tráng Văn Tráng (trú tại thôn Cốc Mạc, xã Nậm Lư, huyện Mường Khương) đang ở cách đó hơn 1 cây số chạy tới. Xác định đúng là em trai, anh Tráng (anh ruột nạn nhân Tráng Văn Long) đã quỵ xuống vì đau đớn. Người đàn ông thắp nén nhang cho em, thất thần ngồi bên mép sông trong suốt quá trình khám nghiệm tử thi.

Em họ anh Tráng là Nghề Thái Hợi (trú tại thôn Văn Leng, xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương) cho biết, suốt 5 ngày qua hai anh em đều ở hiện trường thuê đò đi tìm anh Long. Ban ngày họ ngồi đò tìm dọc dòng sông, đêm đến thuê nhà trọ ngủ, sáng sớm lại dậy tìm. Vừa tìm họ vừa cầu khấn, đến khi gần kiệt sức thì nhận được điện thoại của lực lượng tìm kiếm đến xác nhận thân nhân. Anh Hợi là người đi cùng anh Long trên chiếc thuyền chở hàng vào tối 10-3.

Theo lời kể của anh Hợi thì cả thôn có 8 người đi làm bốc vác ở Cửa khẩu phụ Bản Vược. Tối 10-3 là lần đầu tiên hai anh đi bốc vác hàng thuê ở đây. Cùng đi chuyến này với họ còn có 2 người trong thôn. Khi xảy ra sự việc, anh Hợi thoát chết là do bị rơi vào chỗ nước nông. 30 phút sau khi lên được bờ anh Hợi đi tìm anh Long nhưng không thấy. Tìm kiếm một hồi và kiểm đếm thiếu người, lúc này anh mới hốt hoảng phát hiện anh Long vẫn ở dưới sông.

Gia cảnh anh Long rất khó khăn, vợ chồng anh sống bằng nghề làm nương, lần đầu tiên đi bốc vác hàng kiếm thêm thu nhập thì mất mạng. Người thân của anh cho biết, sau sự việc xảy ra, chủ đội bốc vác bồi thường cho gia đình 30 triệu và thuê xe đưa xác về an táng. Anh Long có 2 con, đứa lớn năm nay 3 tuổi, đứa nhỏ mới được mấy tháng.

Vợ anh Long không biết đi xe nên gia đình cắt cử anh Tráng đi tìm em. Chờ khám nghiệm tử thi xong, anh Tráng làm các thủ tục nhận thi thể. Mặc quần áo, gói ghém cho em giữa trưa nắng bên sông, anh Tráng lặng lẽ đưa em lên xe về quê. Nhận được sự chia sẻ và hỗ trợ của Báo CAND, anh Tráng không nói được gì, chỉ nghẹn ngào.

Giữa trưa 15-3, công tác khám nghiệm tử thi lại tiếp tục sau khi xác định nạn nhân tử vong mắc trên bãi đá là anh Vàng Dùng Thắng, 36 tuổi, trú tại thôn Văn Leng, xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương. Em trai anh Thắng là Vàng Dùng Thành cho biết, gia đình tìm kiếm anh Thắng suốt những ngày qua nhưng không thấy. Sáng nay nhận được tin, gia đình đã đến nhận dạng tử thi thì đúng là anh Thắng. Sau 5 ngày nằm dưới lòng sông, thi thể anh Thắng đã nổi lên và mắc cạn vào bãi đá cách hiện trường 7km, đối diện với thôn Tân Tiến, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát. Chiều 15-3, cả hai nạn nhân đã được gia đình đưa về quê mai táng.

Theo Công an huyện Bát Xát thì 9 nạn nhân đều là những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, đi làm cửu vạn bốc vác hàng ở cửa khẩu. Trong cuộc vật lộn mưu sinh đó họ không lường hết được những rủi ro.

Mẹ và vợ anh Dế trước nỗi đau mất đi người thân.

Nằm sâu trong thôn Sơn Hà, xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát, ngôi nhà của anh Châu A Dế ( SN 1972, nạn nhân đầu tiên được tìm thấy) chưa quét sơn. Anh Lý Ngọc Thắng, Trưởng Công an xã Cốc Mỳ cho biết, gia đình anh Dế là hộ nghèo. Đây là căn nhà tình thương do Tập đoàn VinGroup và Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lào Cai xây tặng cho gia đình vào năm 2016. Khi chúng tôi đến, mẹ đẻ và vợ anh Dế ngồi bên bậu cửa, gương mặt buồn thiu.

Dù không nói được tiếng Kinh nhưng qua con dâu, biết chúng tôi đến thăm hỏi và động viên gia đình, bà rơm rớm nước mắt. Chị Sồng Thị Dơ (vợ anh Dế) cho biết, suốt mấy ngày hôm nay bà chỉ khóc, cơm cũng không buồn ăn.

Thường ngày bà ở với người con trai út, nhưng từ hôm anh Dế mất, bà đã sang đây ở. Bà sinh được 6 người con trai, anh Dế là con thứ 4. Cách đây 4 năm người con trai thứ 3 của bà mất vì đột quỵ, nay lại mất thêm đứa nữa khiến người mẹ già không còn nước mắt để khóc con.

Đại diện Báo CAND thăm hỏi, chia sẻ mất mát với gia đình anh Châu A Dế.

Chị Dơ cho biết, tối 10-3 vợ chồng chị đi làm nương về, em trai anh Dế sang cho 2 cây măng mới đào được. Cơm nước xong, khoảng 20h, anh Dơ có điện thoại, nghe xong dặn chị "lát hai vợ chồng ra cửa khẩu để đi bốc vác".

"Anh ấy bỏ bốc vác lâu rồi, lần này mới nhận lời đi. Tôi đang chuẩn bị đi cùng thì cậu em bế con sang nhờ trông hộ. Cháu nó bị sốt nên tôi ở nhà trông. Nếu cùng đi chuyến đó thì không biết giờ thế nào" - chị Dơ nói.

Chị Dơ kể lại, nửa đêm nằm mơ thấy máu, khi tỉnh dậy thì sốt ruột không ngủ được, thức đến sáng. Giấc mơ như báo điềm không lành, vừa sáng ra con gái chị chạy sang gọi "bố bơi từ bên kia về không khỏe rồi, mẹ mau ra chỗ bố đi".

Chị Dơ thất thần ra đến cửa suối Nậm Chạc thì thấy con rể đưa xác anh Dế về. Con rể của chị là Thào A Mó đi bốc hàng cùng bố vợ nhưng thoát chết. "Nó kể là nhà tôi rơi vào khu vực nước xoáy, nó nhìn thấy bơi lại cứu nhưng anh ấy đã tử vong" - vừa chấm nước mắt chị vừa kể. Vợ chồng anh chị có 4 người con, đứa lớn đã lập gia đình, đứa thứ hai học hết lớp 9 thì ở nhà, còn cô con gái nhỏ năm nay học lớp 6. Cách đây 2 năm đứa con trai thứ hai của chị chết do ăn lá ngón. Trong 4-5 năm cả nhà mất đi 3 người, nỗi đau này quá sức chịu đựng đối với người ở lại.

Bài học về quản lý lao động vùng biên

Cửa khẩu phụ Bản Vược, huyện Bát Xát là nơi diễn ra các hoạt động xuất khẩu hàng hóa, chủ yếu là hàng tạm nhập- tái xuất. Vào mùa mưa, tàu thuyền đi được trên sông Hồng, nhưng mùa khô dòng chảy cạn, những thuyền lớn được đăng ký, đăng kiểm không có khả năng đi vì khê (chạm đáy).

Ngày 11-3 sau vụ tai nạn chết đuối xảy ra, lực lượng Cảnh sát đường thủy phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC và Cứu hộ cứu nạn Công an tỉnh Lào Cai và các lực lượng khác tiến hành công tác tìm kiếm thi thể nạn nhân. Tuy khó khăn, nhưng đến ngày 15-3 đã tìm được 8 nạn nhân.

Suốt 5 ngày qua, công tác khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi cũng như tìm kiếm các nạn nhân đã vô cùng vất vả. Lực lượng Bộ đội biên phòng đi thuyền dọc sông rà soát, phát hiện manh mối đều tổ chức kiểm tra ngay.

Công an huyện Bát Xát phối hợp với Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an tỉnh tổ chức khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xác định nguyên nhân chết và bàn giao về cho gia đình mai táng theo quy định. Theo Công an huyện thì qua khám nghiệm đều xác định nguyên nhân chết của các nạn nhân do ngạt nước và không có tác động của ngoại lực.

Bát Xát có 2 cửa khẩu phụ là Cửa khẩu phụ Bản Vược và Cửa khẩu phụ Y Tý cùng nhiều đường mòn, lối mở. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên tình trạng xuất cảnh trái phép sang nước ngoài làm thuê đã giảm.

Công an huyện đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền cho bà con hiểu rõ tác hại của xuất cảnh trái phép, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân. Không chỉ có cư dân biên giới ở Bát Xát mà còn người dân ở vùng khác về đây mưu sinh làm thuê bốc vác. Cửu vạn bốc vác đa số làm thời vụ, ít có kỹ năng bơi lội, đặc biệt là tìm hiểu về các thiết bị an toàn khi đi trên sông.

Vụ chết đuối với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng này là bài học đau xót. Chính vì vậy mà công tác tuyên truyền pháp luật cho cư dân biên giới cần phải đặc biệt coi trọng và tăng cường triển khai để người dân có thông tin cũng như sự hiểu biết khi đi làm thuê trên sông.

Những kiến thức cần thiết mà các lao động làm thuê cần biết là xem mình có được trang bị đủ bảo hộ an toàn lao động hay không. Đặc biệt là phao cứu sinh để chống trường hợp đuối nước cũng như vấn đề pháp lý khi xảy ra rủi ro.

Qua tiếp xúc với một số thân nhân của người bị nạn trong vụ chết đuối này, chúng tôi được biết, đa số nạn nhân không nhận thức hết rủi ro có thể gặp phải khi làm công việc này. Họ không biết rằng khi đi trên thuyền phải mặc áo phao, phải có phao cứu sinh. Nên khi sự việc xảy ra đã hốt hoảng và dẫn tới đuối nước.

Thậm chí người nhà cũng không biết nạn nhân làm thuê cho ai chỉ đến khi mất người thân thì họ mới biết. Chín người đàn ông khỏe mạnh, là trụ cột chính của gia đình, vì mưu sinh, đã phải bỏ mạng, cuộc sống của vợ con, thân nhân họ sẽ ra sao khi gia đình họ đều nghèo, đều thiếu thốn, lại sống ở nơi vùng sâu, vùng xa.

Thiết nghĩ, công tác quản lý lao động ở khu vực biên giới cần phải tăng cường hơn nữa. Đặc biệt là các địa phương biên giới cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, tránh những tai nạn đau lòng xảy ra.

Trần Hằng
.
.