Nỗi niềm Công an xã: Chính sách nào cho Công an xã?

Thứ Sáu, 01/01/2016, 17:33
1. Tôi thật sự bất ngờ khi đến trụ sở Công an xã Hạ Giáp, huyện Phù Ninh (Phú Thọ). Gọi là trụ sở cho... sang chứ đó chỉ là một góc hội trường của UBND xã Hạ Giáp. Trong cái trụ sở này chỉ có một bộ bàn ghế cũ kỹ và hai cái tủ sắt đựng tài liệu, ngoài tấm biển gắn ở cửa, có thứ duy nhất để nhận biết đây là trụ sở Công an xã là… cái dùi cui cao su treo trên tường.

Trưởng Công an xã Hạ Giáp Đào Trọng Khoa  kể rằng, trước kia Công an xã được cấp một phòng chung dãy nhà với các tổ chức đoàn thể. Nhưng vì chật chội quá nên khi Quỹ tín dụng về mở phòng giao dịch ở xã, Ủy ban đã cho họ mượn cái phòng ấy, còn Công an xã thì chuyển sang hội trường cho rộng. Phòng làm việc thì như vậy, công cụ hỗ trợ cũng rất sơ sài. Cả Ban Công an xã được cấp mỗi một cái gậy điện, một cái dùi cui cao su.

Mấy năm trước, nhờ "dân vận khéo" nên có một doanh nghiệp trên địa bà xã ủng hộ cho 7,5 triệu đồng mua được khẩu súng bắn đạn hơi cay. Vì có một khẩu súng nên mỗi lần đi tuần đêm, "vũ khí" của anh em Công an xã là mỗi người thủ thêm một… khúc củi, vì nói như ông Trưởng Công an xã là "ở đây rất nhiều doanh nghiệp thu mua gỗ bạch đàn, keo về bóc làm gỗ dán. Để bóc được, họ phải cắt thành đoạn hơn một mét rồi bóc, còn cái lõi to bằng nửa cổ tay thì vứt làm củi. Thỉnh thoảng anh em tôi sang xin một bó về làm gậy dùng dần".

Không phải chỉ Công an xã Hạ Giáp trong tình cảnh như vậy. Theo thống kê của Công an tỉnh Phú Thọ, toàn tỉnh hiện có 259 Ban Công an xã, thị trấn nhưng mới có 8 Ban Công an xã có trụ sở làm việc riêng, còn lại 237 Ban Công an xã được cấp phòng làm việc riêng trong trụ sở UBND xã, và 14 Ban Công an xã phải ngồi chung phòng với các bộ phận khác. Công cụ hỗ trợ cũng rất thiếu bởi hiện kinh phí chi thường xuyên cho một Ban Công an xã chỉ ở mức 3- 7 triệu đồng/ năm.

Nhưng không chỉ Phú Thọ, ngay tại Hà Nội, nơi có nguồn thu ngân sách vào loại nhất nước, cũng chưa đầu tư được trụ sở riêng cho Công an xã. Hôm xuống Công an xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì), ngồi trong phòng làm việc của Ban chỉ  huy Công an xã, tôi cứ có cảm giác rờn rợn khi ngó ra cửa sổ thấy chỉ cách một bức tường rào thấp là những hàng bia mộ. Công an xã Vĩnh Quỳnh được cấp 3 phòng trong dãy nhà cấp bốn nằm phía sau trụ sở UBND xã.

Trụ sở Công an xã Hạ Giáp, huyện Phù Ninh (Phú Thọ).

Dãy nhà này đã xây cách đây mấy chục năm, vì thế dù đã được sửa chữa, quét vôi lại nhưng vẫn không giấu được vẻ cũ kỹ. Do nhà quá cũ nên mái nhà lợp ngói đất dột tứ tung, vì thế người ta phải gia cố thêm một lớp khung bên trên rồi lợp chồng lên một lớp mái tôn, vừa chống dột vừa chống nóng.

Ban Công an xã có 14 người mà lại chỉ có 3 phòng, một phòng dành làm chỗ nghỉ cho anh em trực đêm, còn hai phòng phải để thông tường làm  phòng làm việc. Vì thế phòng của Trưởng Công an xã cũng là phòng của cả hai đồng chí phó luôn; trong khoảng không gian chật hẹp ấy kê quanh tường là 6 cái tủ sắt đựng hồ sơ, một cái bàn làm nơi đặt dàn máy vi tính và máy in, vì thế mỗi lãnh đạo chỉ có một cái bàn để làm việc, nên hôm nào có khoảng chục người đến xin xác nhận các loại giấy tờ là không còn chỗ mà ngồi. Có hôm cùng lúc bắt tới mấy vụ đánh nhau, đưa về trụ sở không có chỗ ngồi mà ghi lời khai. Nhà cửa thì như vậy, còn công cụ hỗ trợ thì ngoài 2 cái gậy điện, Công an xã được cấp 12 dùi cui cao su, 14 khóa số 8.

Đại tá Đặng Văn Vượng, Trưởng phòng Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an Hà Nội, cho biết toàn thành phố có 391 Ban Công an xã, thị trấn nhưng hiện mới có 9 đơn vị có trụ sở làm việc riêng thì 3 trụ sở đã xuống cấp; 360 Ban Công an xã có phòng làm việc riêng trong trụ sở UBND xã có diện tích 12 - 15m2 và còn tới 22 Ban Công an xã phải ngồi chung với Văn phòng UBND xã. Hiện 338 xã, thị trấn đã quy hoạch đất dành cho xây trụ sở Công an xã với diện tích từ 100 - 3.000m2, tuy nhiên bao giờ mới xây được thì còn tùy thuộc ngân sách các địa phương.

Trong khi Hà Nội và nhiều địa phương còn đang loay hoay với việc tìm tiền để xây trụ sở cho Công an xã thì một tỉnh ngay "sát nách" Hà Nội là Vĩnh Phúc đã cơ bản hoàn thành việc xây trụ sở cho Công an xã.

Thượng tá Nguyễn Văn Sơn, Phó trưởng phòng Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết từ năm 2005, Công an tỉnh đã có đề án xây dựng trụ sở Công an xã trình UBND tỉnh và được  lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đều ủng hộ. Vì thế từ năm 2008 tới nay, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã đầu tư hơn 87 tỉ đồng xây dựng 110 trụ sở Công an xã với quy mô mỗi đơn vị 5 gian nhà cấp bốn nằm bên cạnh trụ sở UBND xã. Các xã còn lại hiện đang chờ quy hoạch đất xong là sẽ xây dựng nốt.

Năm 2010, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp tiếp 9,2 tỉ đồng trang bị công cụ hỗ trợ cho Công an xã, theo đó trang bị cho mỗi xã 2 súng bắn đạn cao su; mỗi đồng chí Công an xã một gậy điện titan, 1 khóa số 8, 1 gậy nhựa. Năm 2012, UBND tỉnh cấp tiếp 3,8 tỉ đồng để trang bị mỗi đơn vị Công an xã 1 bộ máy vi tính, 1 máy in, 1 giá để hồ sơ và các loại biểu mẫu công tác cho Công an xã. UBND các xã thì có trách nhiệm cấp kinh phí đảm bảo hoạt động thường xuyên của Công an xã.

Theo Thượng tá Sơn, năm 2015, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã trình UBND tỉnh đề án trang bị xe máy công cho tất cả 123 Công an xã với tổng kinh phí hơn 3 tỉ đồng và đang chờ tỉnh phê duyệt để triển khai trong năm 2016.

Pháp lệnh Công an xã quy định: Công an xã có trụ sở hoặc nơi làm việc riêng phù hợp với điều kiện và yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở; Công an xã được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, hồ sơ, sổ sách và trang thiết bị, phương tiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Nhưng sau 7 năm triển khai Pháp lệnh, hiện mới có duy nhất  tỉnh Hà Nam là 100% Công an xã có trụ sở làm việc riêng.

Theo thống kê của Bộ Công an, trong số 9.327 Ban Công an xã cả nước, hiện mới có 1.411 Ban Công an xã có trụ sở làm việc riêng; 7.282 Ban Công an xã có phòng làm việc riêng trong trụ sở UBND xã và đang còn tới 912 đơn vị đang phải ngồi chung phòng với các tổ chức đoàn thể hoặc Văn phòng UBND xã. Về công cụ hỗ trợ cũng vậy, do phụ thuộc kinh phí của tỉnh nên trong khi có nơi đầu tư rất mạnh  thì có tỉnh trang bị nghèo nàn tới mức cả tỉnh có tới gần 200 xã nhưng chỉ có... 1 dùi cui điện.

Làm Công an, dù là bán chuyên trách như Công an xã thì công việc hàng ngày cũng thường xuyên phải đối mặt với mặt trái của xã hội và đủ loại tội phạm. Thực tế hiện nay ở nhiều vùng nông thôn xuất hiện đủ các loại tội phạm với tính chất ngày càng côn đồ, sẵn sàng dùng vũ khi chống trả khi bị xử lý, vây bắt thì với những chiếc gậy nhựa, dùi cui cao su trong tay, Công an xã sẽ rất khó có thể trấn áp được, thậm chí bị đối tượng tấn công.

Thực tế 7 năm qua đã có tới hơn 500 trưởng, phó và công an viên bị thương, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Mới đây nhất, ngày 19-12, do trong lúc uống rượu với anh rể thì bị vợ gọi điện thoại khuyên không nên uống rượu nhiều, Hà Văn Toàn (20 tuổi), trú tại thôn Canh, xã Khánh Thượng (Ba Vì) lập tức chửi bới vợ qua điện thoại và dọa nếu vợ bỏ đi anh ta sẽ đốt nhà... Hoảng sợ, chị này bế con bỏ vào rừng.

Chiều cùng ngày, sau cuộc nhậu trở về, Toàn phát hiện vợ và con không có ở nhà, anh ta đi xe máy tìm kiếm khắp nơi nhưng cũng không thấy. Trong cơn say, Toàn lấy củi, xăng đốt nhà. Nhận được tin báo, đồng chí Nguyễn Văn Hải, công an viên xã Khánh Thượng đến tìm hiểu vụ việc. Vừa thấy Công an xã đến, Toàn lao đến đâm anh Hải tử vong.

2. Trong khi công việc thường xuyên phải đối mặt với nguy hiểm thì thực tế hiện nay việc công nhận thương binh, liệt sĩ với hàng trăm anh em Công an xã bị thương, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ rất khó khăn do sự cứng nhắc của cơ quan làm chính sách khi cho rằng trong hồ sơ không có câu "có hành vi dũng cảm".     

Như trường hợp của anh Lê Duy Hưng, công an viên xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh (Phú Thọ), ngày 8-12-2001, trong khi bắt giữ đối tượng trộm cắp anh Hưng đã bị đối tượng dùng dao đâm chết. Tuy nhiên, tháng 3-2003, Cục Người có công (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã trả lời trường hợp của anh Hưng "chưa thể hiện tinh thần dũng cảm".

Hay như trường hợp của anh Nguyễn Quang Khoa, Trưởng Công an xã Vĩnh Quỳnh. Đêm 5-1-2010, sau khi nhận được tin báo về một vụ đánh nhau tại khu tập thể Quỳnh Lân, tổ công tác của Công an xã Vĩnh Quỳnh do anh Khoa chỉ huy đến hiện trường giải quyết. Khi đến nơi, tổ công tác bị đối tượng Trần Văn Hiền, 35 tuổi, tạm trú tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội dùng xô nhựa chứa 2,5 lít axít hắt vào người đồng chí Khoa và Thạnh (công an viên). Sau khi bắt được đối tượng, anh Khoa và anh Thạnh được đưa vào bệnh viện điều trị vết thương.

Anh Khoa mất 3 tháng liền điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia; Trung tâm Pháp y, Sở Y tế Hà Nội kết luận giám định tổn hại sức khỏe của anh Nguyễn Văn Khoa là 38%. Tuy nhiên cho tới lúc này anh Khoa cũng không được hưởng chế độ thương binh chỉ vì trong hồ sơ của anh, cụ thể là cả kết luận điều tra và bản án của Tòa án huyện Thanh Trì đều không thể hiện được từ "dũng cảm" theo quy định.

Vĩnh Phúc hiện là một trong những địa phương đầu tư mạnh cho Công an xã.

3. Một bất cập rất lớn hiện nay trong chính sách với Công an xã là chế độ phụ cấp cho phó Công an xã và công an viên quá thấp. Theo Nghị định 92/NĐ-CP năm 2009 và Nghị định 29/NĐ-CP năm 2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 92 hiện các địa phương chi trả phụ cấp cho phó Công an xã bằng 1,0 mức lương tối thiểu; Công  an viên từ 0,3 mức lương tối thiểu trở lên. Tùy từng địa phương mà chi trả này ở các địa phương khác nhau, như ở Phú Thọ, phó Công an xã hưởng hệ số 1,0, công an viên thường trực hưởng hệ số 0,7; tại Hà Nội hiện có 640/694 phó Công an xã được hưởng phụ cấp hệ số 1,86, 872, Công an viên được hưởng phụ cấp hệ số 1,2...  

Theo quy định tại Nghị định 73/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã, việc thực hiện BHYT, BHXH đối với Công an xã do ngân sách địa phương chi trả. Tuy nhiên, ngoài trưởng Công an xã là công chức thì được hưởng chế độ BHYT, BHXH và phụ cấp thâm niên khi có thời gian công tác liên tục 60 tháng trở lên, hiện phó Công an xã và công an viên không được hưởng những chế độ này, đồng thời cũng không được hưởng trợ cấp khi nghỉ việc vì lý do chính đáng khi có thời gian công tác liên tục từ đủ 15 năm trở lên.

Chính vì những lý do này mà hiện tại nhiều địa phương không tuyển được người, nhất là những thanh niên trẻ, khỏe, có trình độ vào Công an xã. Nhiều người đã tham gia một thời gian cũng bỏ việc hoặc xin thôi việc, bởi ở nhiều nơi với người có sức khỏe thì việc kiếm một tháng được vài triệu đồng cũng không phải quá khó, lại không phải chịu vất vả, nguy hiểm như làm Công an xã.

Để giải quyết một loạt những bất cập này, mới đây nhiều địa phương sau khi tổng kết 7 năm triển khai Pháp lệnh Công an xã đã đề xuất Bộ Công an tham mưu cho Chính phủ xây dựng Luật Công an xã. Theo đề xuất của các địa phương, Luật Công an xã cần quy định chế độ, chính sách của lực lượng Công an xã tương xứng với lực lượng dân quân tự vệ.

Cụ thể là đề nghị Chính phủ xem xét quyết định về chế độ phụ cấp đặc thù, phụ cấp làm đêm, làm thêm giờ cho Công an xã; quy định chế độ phụ cấp trách nhiệm quản lý, trợ cấp công tác phí, phụ cấp thâm niên, hỗ trợ đóng BHXH cho phó Công an xã; nâng mức phụ cấp và thống nhất mức phụ cấp trong toàn quốc cho công an viên tối thiểu bằng hệ 1,0 so với mức lương tối thiểu chung; Phó Công an xã được hưởng chế độ, chính sách như công chức cấp xã.

Các địa phương cũng đề nghị luật hóa việc trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ cho Công an xã. Đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách thương binh, liệt sĩ với Công an xã bị thương, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.

Quốc hội đã đưa dự án Luật Công an xã vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016. Ngày 7-8-2015, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định giao Bộ Công an chủ trì xây dựng dự án Luật Công an xã. Dự kiến đầu tháng 7-2016, Ban soạn thảo sẽ trình Chính phủ Dự thảo luật này.

(Còn nữa)

Cả nước hiện còn thiếu 217 trưởng Công an xã, 865 phó Công an xã và 7.894 công an viên. Để giữ người, hiện một số địa phương như Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La, Long An... đã vận dụng chức danh phó Công an xã kiêm hộ tịch - tư pháp.

(Nguồn: Cục Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc - Bộ Công an)

Nguyễn Thiêm
.
.