Nỗi niềm Công an xã: Xây dựng Luật Công an xã để khắc phục những bất cập?
- Nỗi niềm Công an xã: Chính sách nào cho Công an xã? 5
- Nỗi niềm Công an xã: Chuyện thường ngày ở xã
- Nỗi niềm Công an xã: Nước mắt góa phụ 3
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì xây dựng dự án Luật Công an xã. Hiện Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật Công an xã đã được thành lập do Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an làm Trưởng Ban soạn thảo; Thượng tướng Bùi Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, là Phó trưởng Ban soạn thảo. Điều mà lực lượng Công an xã cả nước trông đợi là những vướng mắc, bất cập về chế độ chính sách sẽ được khắc phục thế nào?
Chúng tôi có cuộc trao đổi với Đại tá Bùi Quang Chi, Phó cục trưởng Cục Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc - Bộ Công an, thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự thảo Luật Công an xã, xung quanh vấn đề này.
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí Đại tá, Cục Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là cơ quan thường trực của Bộ Công an trong việc thực hiện tổng kết 7 năm triển khai Pháp lệnh Công an xã, là người trực tiếp tham gia công tác tổng kết, xin đồng chí đánh giá khái quát kết quả 7 năm thực hiện Pháp lệnh Công an xã?
- Lực lượng Công an xã ngày càng được củng cố, kiện toàn, việc tuyển chọn, bố trí sử dụng Công an xã được thực hiện theo đúng tiêu chuẩn, quy trình; công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ được thực hiện thống nhất về chương trình, nội dung, phù hợp với thực tiễn; việc bảo đảm các điều kiện hoạt động của Công an xã, như trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện làm việc, bố trí nơi làm việc, chế độ, chính sách... được quan tâm hơn. Do vậy, trình độ, năng lực chuyên môn, ý thức trách nhiệm của lực lượng Công an xã ngày càng được nâng lên, đáp ứng tốt yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở.
Lực lượng Công an xã đã làm tốt công tác nắm tình hình, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền cấp xã các chủ trương, kế hoạch và biện pháp bảo vệ an ninh, trật tự; phát huy vai trò nòng cốt trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; làm tốt chức năng quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, phối hợp tham gia giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, góp phần kiềm chế gia tăng tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm tốt an ninh, trật tự, phục vụ thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.
Đại tá Bùi Quang Chi. |
Tuy nhiên, sau 7 năm triển khai Pháp lệnh Công an xã, chúng tôi thấy vẫn còn những tồn tại, hạn chế sau:
Thứ nhất, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện Pháp lệnh Công an xã và các văn bản hướng dẫn thi hành ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức; cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò tầm quan trọng của Công an xã trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, cho đây là trách nhiệm của lực lượng Công an.
Thứ hai, lực lượng Công an xã còn thiếu so với quy định về khung, số lượng được quy định tại Nghị định số 73/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã; thiếu tính ổn định do cấp ủy, chính quyền địa phương bổ nhiệm, điều động đảm nhiệm công việc khác.
Thứ ba, về kinh phí, phương tiện đảm bảo cho hoạt động của lực lượng Công an xã chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Chế độ, chính sách đối với Công an xã đã được quy định cụ thể trong Pháp lệnh Công an xã và Nghị định số 73/2009/NĐ-CP của Chính phủ, nhưng chưa được hướng dẫn và thực hiện đầy đủ, như việc thực hiện Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế; trợ cấp và chế độ, chính sách khác đối với Công an xã; lương và phụ cấp còn thấp, chưa tương xứng với khối lượng, tính chất công việc, yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự của Công an xã.
Thứ tư, việc bố trí Công an xã theo Nghị định số 73/2009/NĐ-CP của Chính phủ gặp khó khăn do mâu thuẫn với quy định về khung số lượng cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ.
Thứ năm, Công an xã thuộc hệ thống tổ chức CAND, nhưng việc tuyển chọn, sử dụng, điều động, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chế độ, chính sách đối với Công an xã thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân, vì vậy việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước của Lực lượng Công an nhân dân đối với Công an xã còn gặp khó khăn, bất cập, nhất là trong việc tuyển chọn, bổ nhiệm, xử lý kỷ luật.
PV: Vừa qua, chúng tôi đã đi thực tế tại nhiều địa phương. Anh em ở cơ sở, nhất là phó Công an xã và công an viên đều rất tâm tư vì phụ cấp hiện quá thấp so với mặt bằng chung; không những thế phần lớn hiện không được hưởng Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm xã hội (BHXH). Vậy sắp tới sẽ có giải pháp gì để giải quyết vấn đề này, thưa đồng chí?
- Để giải quyết những khó khăn, bất cập việc thực hiện BHYT, BHXH, lương, phụ cấp cho Công an xã, thời gian tới, trong khi đang xây dựng Luật Công an xã, Bộ Công an sẽ đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, quyết định về chế độ phụ cấp đặc thù, trợ cấp ngày công lao động thêm giờ, ngày công lao động vào ban đêm cho Công an xã, đặc biệt là chế độ phụ cấp trách nhiệm quản lý, trợ cấp công tác phí, hỗ trợ BHXH, chế độ phụ cấp thâm niên cho phó trưởng Công an xã như đối với lực lượng Dân quân tự vệ được quy định tại Nghị định số 58/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Dân quân, Tự vệ.
PV: Ghi nhận từ thực tế tại nhiều địa phương, chúng tôi thấy rằng do tính chất đặc thù của mỗi địa bàn cơ sở khác nhau, vì vậy có ý kiến đề xuất cần xác định số lượng phó trưởng Công an xã và công an viên theo từng địa bàn chứ không nên quy định cứng như hiện nay. Sắp tới Bộ Công an có thay đổi quy định này không, thưa đồng chí?
Một buổi giao ban công tác hằng tuần của Công an xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. |
- Hiện nay khung số lượng Công an xã được quy định tại Khoản 2, Điều 3, Nghị định số 73/2009/NĐ-CP ngày 7/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã. Tuy vậy, do yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở, một số địa phương như Nam Định, Long An, Tiền Giang… đã bố trí số lượng công an viên Thường trực nhiều hơn so với quy định bằng cách vận dụng bố trí công an viên thường trực ở xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự từ 5 đến 9 đồng chí. Qua tổng kết 7 năm thực hiện Pháp lệnh Công an xã, một số địa phương kiến nghị không nên quy định cụ thể số lượng phó trưởng Công an xã và công an viên thường trực như hiện nay. Về việc này Bộ Công an đang tập hợp và nghiên cứu đưa vào dự thảo Luật Công an xã để điều chỉnh.
PV: Một thực tế khiến cho anh em ở cơ sở rất tâm tư, đó là đang còn hơn 500 đồng chí Công an xã hy sinh, bị thương trong khi làm nhiệm vụ nhưng không được công nhận là thương binh, liệt sĩ. Việc công nhận thương binh, liệt sĩ hiện thuộc thẩm quyền Bộ LĐ-TB&XH. Vậy Bộ Công an sẽ đề xuất gì với Chính phủ giải quyết tồn tại này, giúp anh em yên tâm công tác?
- Hiện nay đối với các trường hợp Công an xã bị thương hoặc hy sinh trong khi thi hành nhiệm vụ nếu đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng thì được công nhận là thương binh hoặc liệt sĩ. Để thực hiện tốt nội dung trên, thời gian tới Bộ Công an đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH có hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách thương binh, liệt sĩ đối với lực lượng Công an xã bị thương hoặc hy sinh trong khi làm nhiệm vụ và các chế độ, chính sách ưu đãi khác theo quy định của pháp luật đối với Công an xã.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí.
* Ngày 23-12-2015, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký Chỉ thị số 10/CT-BCA-V28 về tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Công an xã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới. Để tăng cường công tác quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Công an xã, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn xã, lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm. Một trong 8 nhiệm vụ đó là tiếp tục tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, kiện toàn tổ chức Công an xã theo quy định của Pháp lệnh Công an xã. Có kế hoạch tuyển chọn, bố trí, sử dụng Công an xã, bảo đảm ổn định lâu dài, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở; ưu tiên tuyển chọn công dân phục vụ có thời hạn trong CAND, Quân đội nhân dân đã hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương tham gia Công an xã. Thực hiện đầy đủ các quy định về lương, nâng mức phụ cấp cho Công an xã, đồng thời có chính sách hỗ trợ chế độ BHXH, BHYT đối với phó trưởng Công an xã và công an viên; chế độ đãi ngộ khác, như trợ cấp ngày công lao động thêm giờ, ngày công lao động vào ban đêm… Kịp thời giải quyết các chính sách công nhận thương binh, liệt sĩ đối với những trường hợp Công an xã bị thương, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ, chính sách, cũng như những vấn đề khác có liên quan đến Công an xã và các quy định về bảo đảm an ninh trật tự ở khu vực nông thôn để đề xuất bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện nhằm tạo điều kiện cho Công an xã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ… * "Trước mắt đề nghị Bộ Công an phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH ban hành hướng dẫn liên tịch về thủ tục thực hiện chế độ BHXH, chế độ suy giảm khả năng lao động do bị tai nạn của Công an xã. Hướng dẫn cụ thể việc thực hiện quy định chế độ BHYT, chế độ khám, chữa bệnh và một số chế độ chính sách khác đối với Công an xã được quy định tại Điều 7 Nghị định số 73/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã. Đề nghị bổ sung số lượng một chức danh phó trưởng Công an xã là công chức cấp xã không kiêm nhiệm và được tuyển dụng qua thủ tục xét tuyển như với chức danh trưởng Công an xã. Chính phủ quy định rõ chế độ đặc thù vũ trang bán chuyên trách để áp dụng chi hỗ trợ cho Công an xã, trong đó có Công an viên thường trực và Công an viên ở thôn”. (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Chúc). * “Kiến nghị Bộ Công an quan tâm đầu tư thỏa đáng hơn nữa về kinh phí, ngân sách, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ và bố trí, huy động các nguồn lực bảo đảm các điều kiện cho hoạt động của Công an xã phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; bảo đảm chế độ, chính sách với Công an xã, nhất là những địa bàn vùng sâu, vùng xa, địa bàn chiến lược, trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự”. (Đại tá Lê Như Lập, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa). * “Cho tới trước lúc qua đời, bố mẹ chồng tôi chỉ day dứt một điều vì sao chồng tôi hy sinh vì làm nhiệm vụ mà lại không được công nhận liệt sĩ. Bố chồng tôi là cựu chiến binh từ thời chống Pháp vì thế ông bảo việc công nhận liệt sĩ không phải để được hưởng chế độ mà đó là danh dự của một con người. Tôi đã vài lần về tỉnh để hỏi, nhưng người ta trả lời chồng tôi không được công nhận liệt sĩ vì không có hành động dũng cảm. Tôi cũng muốn về Hà Nội để hỏi nhưng không biết phải gặp ai. Tôi chỉ mong các cơ quan chức năng xem xét lại để công nhận chồng tôi là liệt sĩ, để các con tôi thấy việc hy sinh của bố chúng nó không vô nghĩa”. (Chị Nguyễn Thị Việt, vợ anh Đỗ Ngọc Thao, nguyên Trưởng Công an xã Hạ Giáp, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ). |