Nỗi niềm ngày đặc xá

Thứ Tư, 07/09/2011, 15:30

Được đặc xá, tức là ngày về đã cận kề. Hầu như, những phạm nhân đã ngồi trò chuyện cùng tôi ở hai trại giam Z30A và Z30D - Bộ Công an đều có chung cảm xúc, họ mất ngủ nhiều ngày để đếm ngược thời khắc họ được ra khỏi cánh cổng trại, được về với gia đình, được đặt bàn chân lên những con đường quen thuộc.

Dẫu rằng, trong khoảng thời gian cách biệt với bên ngoài, họ chỉ tiếp nhận những thông tin đổi thay của đời sống qua lời kể của người thân. Phía bên này, cánh cổng trại giam khép lại, thì phía bên kia, cánh cửa cuộc đời lại mở ra. Khi bài báo này đến tay bạn đọc, họ đã được về với gia đình. Hy vọng, họ sẽ sớm ổn định lại đời sống để có thể chăm lo cho người thân và chính cuộc đời của họ. Vẫn biết, còn quá nhiều khó khăn đang đợi phía trước…

Câu chuyện của Phạmh Mạnh Dũng

Gặp Phạm Mạnh Dũng sau khi anh kết thúc một ngày lao động ở Trại giam Z30A. Dũng dáng người cao, cử chỉ điềm đạm, anh sinh năm 1966, ngụ TP  Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Dũng chịu án do lỗi gây ra tai nạn giao thông. Một vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra ở Phú Yên.

Dũng nói với tôi rằng, có khi sinh nghề là tử nghiệp. Khi anh gây ra tai nạn, chính anh cũng không nghĩ đến lại có đến 5 người chết và 11 người bị thương trong vụ tai nạn ấy. Lý do của vụ tai nạn đơn giản thôi, cái kiếng chiếu hậu của chiếc xe tải chở hàng đông lạnh của anh quệt vào phần kính chạy dọc dài theo thân xe của một chiếc xe buýt chạy ngược chiều ngay TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Nhà anh, vốn dĩ làm nghề xe. Những năm 1982, anh đã theo bố rong ruổi trên khắp tuyến đường Bắc Nam. Trên tuyến đường này, nơi nào có ổ gà, đoạn nào có sống trâu, đoạn nào có khúc cua cong vòng như khủy tay… anh đều nắm chắc.

Có thời điểm, anh chở trứng gia cầm cho Công ty CP Đồng Nai ra Hà Tây. Đây là loại trứng lộn, nên hợp đồng giữa công ty và chủ xe được soạn thảo rất rõ ràng. Khoảng thời gian tối đa cho đoạn đường di chuyển là 60 giờ, tỷ lệ khấu hao là 1,8%... Nếu số trứng lộn vỡ quá 1,8% trên tổng số trứng thì chủ xe phải đền khoảng 4 nghìn đồng/trứng. Vậy mà, có những chuyến hàng, anh không làm vỡ bất cứ trứng nào. Chủ xe rất cưng anh, vẫn thường cho anh thêm tiền bồi dưỡng.

Không chở trứng nữa, anh chuyển sang chạy xe đông lạnh chở hàng thủy sản từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra Móng Cái (Quảng Ninh). Chạy thuê được thời gian dài, khi đã tích lũy được số vốn kha khá, anh vay thêm tiền của ngân hàng để mua chiếc xe tải đông lạnh loại 15 tấn, giá 320 triệu đồng. Chạy chưa được một năm, khi số tiền nợ ngân hàng chưa được trả hết thì xảy ra tai nạn.

"Nhà báo nghĩ coi buồn không, mình chạy xe mướn bao nhiêu năm thì không có vấn đề gì. Vừa ôm xe nhà thì lại xảy ra sự cố. Một sự cố mà không bao giờ tôi có thể nghĩ đến được", anh trầm ngâm.

Khoảng 6 giờ sáng một ngày cuối tháng 8 cách đây vài năm, khi anh điều khiển xe đến TP Phú Yên, như thường lệ, anh giảm tốc độ, đánh tay lái vào quán cơm quen để ăn sáng, nghỉ ngơi trước khi tiếp tục cuộc hành trình. Thông thường, chủ quán cơm sẽ chạy ra đon đả đón khách quen, không hiểu sao, hôm ấy chủ quán cơm lại đứng ngay trên con đường để xe vào quán. Không chỉ có vậy, chủ quán cũng chẳng vẫy tay hoặc chào đón gì khách cả.

Chần chừ vài giây, anh quyết định cho xe chạy thẳng không rẽ vào quán cơm nữa. Theo như anh tính thì chạy thêm khoảng 30km, sẽ dừng lại nghỉ ngơi. Vậy mà…

Vừa chạy khỏi quán cơm quen được chưa đầy 100m, do tránh một chiếc xe máy chạy ngược chiều, cái kính chiếu hậu của xe anh quệt phải dãy kiếng xe của chiếc xe buýt đang chở đầy hành khách lưu thông theo chiều ngược lại.

"Nếu như cái kính xe bằng nhựa dẻo  thì đã không sao rồi, anh ạ. Nhưng mà là xe của mình, nên mình quý lắm. Mình thay bằng loại kính inox cho vừa cứng, lại vừa đẹp", anh nói.

Sau cú va quệt tưởng chừng vô hại ấy, anh tấp xe vào vệ đường, chạy lại xem người trên xe buýt có sao không, thì phát hiện rất nhiều hành khách nằm gục trên xe, đầu họ bị mảnh kính vỡ cắm vào.

Tất cả số hành khách bị nạn được chuyển đi bệnh viện cấp cứu, còn anh bị tạm giữ tại Cơ quan Công an TP Tuy Hòa. Hôm sau, anh nhận được tin, có tổng cộng 5 hành khách thiệt mạng và 11 người khác bị thương trong vụ tai nạn đó.

Chuyện có dẫu không ngờ thì cũng đã đến… Những ngày vào trại giam chờ tòa phân xử, anh gần như chỉ nghĩ về thời khắc hai xe va quệt nhau. Bo cơm cầm trên tay, anh dùng muỗng múc nhưng không thể đút được cơm vào miệng.

"Mình chán nản, sợ hãi… Mình nghĩ đến 4 đứa con cùng vợ đang ở nhà. Mình là lao động chính, giờ lại bị vậy, không biết họ sẽ ra sao", giọng anh buồn hiu.

Để khắc phục hậu quả tai nạn, người thân của anh đã phải bán xe, bán nhà. Cậu con trai lớn đang học lớp 10 phải bỏ học... Thương vợ, thương con sau vài tuần quị ngã, anh buộc phải đứng lên để nhìn vào thực tế. "Chỉ có học tập tốt trong trại, thì ngày về mới trở nên gần lại", anh nghĩ. Từ đó, Dũng luôn nằm trong nhóm các phạm nhân được quản giáo đánh giá cao về thái độ hướng thiện.

Cắt tóc cho ngày được ra trại.

Trước khi chia tay nhau, tôi có nói với anh, vào trại những ngày cận kề đặc xá, là lúc mà những người làm báo chúng tôi cảm thấy vui nhất. Vì trước đây, ngồi với phạm nhân, chỉ toàn nói với nhau về ngày về xa lắc. Còn giờ, được nghe về những dự định sau thời gian đã thụ án nhờ được giảm án do chấp hành tốt việc học tập, thì không vui sao được. Anh bắt tay tôi rất chặt, nói cái hạn mình đã qua, mình sẽ bắt tay làm lại từ đầu…

Ngày về không gặp người thân

Phân trại III, Trại giam Z30A, ngày cuối tháng 8 trời nắng rất gắt ngay từ sáng sớm. Phạm nhân Nguyễn Tiến Dũng nói với tôi bằng giọng hắt hiu "Nghe người cháu xa cho biết, ba tôi đã mất. Mẹ tôi giờ bệnh nặng, đang được cưu mang ở một ngôi chùa tại quận 8. Vài ngày nữa ra trại, về trình diện ở địa phương xong, tôi sẽ đi thắp nhang cho bố và sang bên đó kiếm mẹ. Chắc không có ai đón tôi ngày ra trại đâu, tự mình đón xe đò về lại Sài Gòn thôi".

Dũng chịu án 13 năm, tội danh "Buôn bán và tổ chức sử dụng ma túy trái phép". Dũng sinh năm 1969, ngụ quận 11, TP HCM. Anh là người con độc nhất trong gia đình. Sinh thời, bố mẹ anh đều công tác tại UBND phường 3, quận 11. Chính Dũng, cũng từng có thời gian hoạt động Đoàn hội tại phường này. Mọi thứ chỉ thay đổi khi anh đi xuất khẩu lao động từ Hàn Quốc về.

Năm 1994, anh được UBND phường 3 tạo điều kiện để đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Công việc chính của anh tại Hàn Quốc là làm công nhân cơ khí chế tạo máy. Anh ở Seoul, Hàn Quốc tổng cộng 4 năm rồi về lại Việt Nam.

Số tiền Dũng mang về nước làm vốn liếng không nhiều, vì theo lời anh kể thì do gia đình khó khăn, nên lúc làm việc bên đó anh đã thường xuyên gửi tiền về. Về nước, anh sang lại quán cà phê ở quận 6. Từ sáng đến tối ở bên đó coi quán, đóng cửa quán lại về quận 11 chăm sóc bố mẹ.

Anh nói, ở quận 6 thời điểm này còn là điểm nóng về ma túy. Các con nghiện trong vai thực khách thường xuyên chọn quán cà phê của anh làm bãi đáp để sử dụng ma túy. Ban đầu, anh cũng từ chối. Nhưng về sau, thì sợ mất khách, nên anh im lặng. Căn nguyên của vết trượt dài mà Dũng đặt chân vào cũng bắt đầu từ đây…

Dũng tự nhận mình bất hiếu, khi là con trai độc nhất lại không kiếm nổi một cô vợ, để cho bố mẹ có cháu ẵm bồng. Khi chưa phạm tội, anh đã nghĩ đến chuyện sẽ lấy vợ, sinh con… nhưng đời sống nhiều trúc trắc, nghĩ là một chuyện, có lấy được hay không lại là chuyện khác.

Vào trại được khoảng 2 năm, thì nhận được tin bố anh mất. Mẹ anh sức khỏe yếu, không cho phép bà lên trại thăm con. Chỉ có cô cháu họ gọi anh bằng cậu, thi thoảng vào thăm kể cho anh nghe chuyện này, chuyện kia… Căn nhà nhỏ ở quận 11 đã được bán đi để lo thuốc thang cho bố anh khi ông lâm bệnh.

Nguyễn Tiến Dũng sẽ đón mẹ về để săn sóc.
Vũ Thế Anh: “Giá như 10 năm trước tôi có được suy nghĩ như bây giờ”.

Tôi hỏi anh sau khi ra trại, anh sẽ làm gì. Anh trả lời, chắc anh xin vào nhà xưởng nào đó để làm thợ cơ khí điện máy lại, vì anh cũng có tay nghề. Còn không, thì làm gì cũng được miễn đừng phạm pháp, anh muốn làm người lương thiện để lo cho mẹ mình. "Tôi  đã khóc cạn nước mắt tại nơi này vì hối hận. Chắc chắn, chẳng bao giờ tôi làm điều gì sai quấy để phải trở lại đây nữa. Tôi thề với chính mình như vậy. Mấy hôm nay không ngủ được, chỉ mong ngóng đến cuối tháng để được về", anh nói.

Chuyện vợ con với anh, giờ là chuyện xa vời. Dẫu khi nào, anh cũng nuôi giấc mơ về một gia đình nhỏ.

Sau cuộc trò chuyện với anh Dũng, tôi xin quản giáo cho phép gặp phạm nhân Vũ Thế Anh. Vũ Thế Anh phạm tội khi 17 tuổi, tội danh "Giết người", mức án 15 năm… Trong khoảng thời gian Anh nhập trại, bố mẹ Anh lần lượt mất đi vì bệnh.

Năm Vũ Thế Anh học lớp 12 thì nghỉ học, ở nhà phụ gia đình làm nghề mộc, quê Thế Anh ở Đồng Nai. Một ngày của năm 2001, Thế Anh cùng người anh ruột của mình đi uống rượu ở quán vỉa hè cạnh nhà. ở bàn nhậu phía kia, có người từng gây mâu thuẫn với anh của Thế Anh. Thế nên, vừa thấy hai anh em Thế Anh, người ấy lập tức nhào sang tấn công.

Thế Anh vơ được con dao của chủ quán, chống trả… Nạn nhân chết ngay tại chỗ, Thế Anh bỏ trốn khỏi quán. Chiều hôm sau, nghe tin người bị mình đâm đã chết, Thế Anh đến Cơ quan Công an đầu thú.

Những ngày đầu nhập trại, Anh không ngủ được. Nỗi hối hận cứ xâm chiếm lấy căn phòng giam, nói theo kiểu của Thế Anh thì tòa án lương tâm bao giờ cũng nghiêm khắc hơn phán quyết của tòa. Bởi, khi ra tòa, Thế Anh mới biết người bị mình đâm chết là lao động chính trong nhà, nhà người ta cũng nghèo xơ xác. Người ấy chết đi, để lại vợ và hai đứa con nhỏ. Chỉ trong một khoảnh khắc tích tắc của sự nóng giận, số phận của họ đã hoàn toàn bị thay đổi.

Tôi hỏi đùa, Thế Anh có người yêu chưa? Anh thật thà bảo, trước khi gây án, có quen cô bé hàng xóm. Nhưng giờ, nghe người thân kể cô ấy đã có chồng và sinh được hai con.

Thế có giận người ta không?, tôi hỏi tiếp. "Dạ, giận gì đâu anh. Khi cô ấy lên đây thăm em lần đầu tiên, em đã nói với cô ấy là đừng đợi em nữa. Về nhà lấy chồng đi… Tội con gái người ta, em ở trong này, có lo lắng gì được cho cô ấy đâu. Mà con gái thì có thời thôi", Anh đáp.

Thế Anh bảo, ra khỏi trại, Anh sẽ về căn nhà của bố mẹ, sống cùng với mấy anh chị em. Có lẽ, Anh sẽ mở lại xưởng mộc để mưu sinh. Vấp ngã một lần với Anh đã là quá đủ.

Anh nói thêm, là giả như bây giờ trở lại thời điểm của năm 2001, khi anh em Anh bị người thanh niên kia tấn công, Anh sẽ bỏ chạy chứ không chống trả làm gì. "Hơn mười năm trong này, em đã học được rất nhiều. Nỗi hối hận nhất của em chính là ngày về không gặp được bố mẹ", Anh tâm sự.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Viết Hiển, Phó giám thị Trại giam Z30A, phụ trách Phân trại III, nói:  "Những ngày đặc xá này, cảm giác của tất cả cán bộ chiến sĩ đang công tác tại Z30A luôn rất phấn khởi. Mình cứ nhìn nỗi hân hoan của những phạm nhân học tập tốt, được đủ điều kiện đặc xá nên mãn hạn tù trước thời hạn thì mình vui lây theo nỗi mừng của họ".

"Làm công tác trại giam rất nhiều năm, tiếp xúc nhiều phạm nhân, tội danh đủ cả. Tôi cũng muốn nói thêm rằng, mỗi người trước khi có hành động gì đó hãy suy nghĩ cho kỹ càng. Hãy biết đến điểm dừng, biết đến đâu là giới hạn. Còn giả như, vì lý do nào đấy, không kiềm chế được bản thân mình, thì cũng đừng vội nghĩ, ở tù là chấm hết. Cơ hội làm lại cuộc đời luôn mở ra cho tất cả mọi phạm nhân… Vấn đề chính là, anh sẽ đứng dậy như thế nào sau một lần vấp ngã", Thượng tá Nguyễn Viết Hiển cho biết thêm

Ngô Nguyệt Hữu
.
.