Nỗi niềm shipper

Thứ Tư, 27/02/2019, 11:16
Internet, mạng viễn thông cùng với hạ tầng công nghệ ngày càng phát triển, khiến thương mại điện tử đi sâu vào đời sống, làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người Việt. Và “shipper” (người giao hàng) đã trở thành cầu nối giữa người bán với người mua, giúp dòng hàng hóa lưu thông trôi chảy và xuyên suốt.

Một nghề mới đang thịnh, cho thu nhập khá nhưng cũng ẩn chứa trong đó đầy rủi ro, bất trắc, thậm chí là cả máu và nước mắt...

Cầu nối tiền - hàng

“Anh ơi ra nhận hàng hộ em cái!”. Sau cuộc điện thoại vài phút, trước mặt tôi là cậu shipper còn rất trẻ, mặt mũi nhễ nhại trong cái nắng đầu xuân. Chiếc xe máy cà tàng chở đằng sau thùng hàng to tướng, trên khung xe treo lủng lẳng thêm mấy túi đồ. Anh chàng thoăn thoắt lấy đồ trong thùng ra, đối chiếu hóa đơn rồi đưa cho tôi.

Sau khi bóc hàng kiểm tra, tôi trả số tiền ghi trên hóa đơn. Giao dịch chỉ chừng 2 phút và tôi đã có trong tay món đồ yêu thích đã đặt mua trên mạng trước đó. Cậu shipper chào lễ phép rồi quay xe tiếp tục cuộc hành trình mang những món đồ đến với người mua.

Giá như mươi năm về trước, nói đến từ ship (giao) hàng, hẳn nhiều người còn ngơ ngác. Còn hiện nay, đó lại là từ được dùng hằng ngày, chỉ hoạt động vận chuyển hàng hóa từ người bán đến tay người tiêu dùng. Sự bùng nổ về công nghệ đang làm đời sống thay đổi từng ngày. Chợ và các cửa hàng truyền thống đang phải cạnh tranh khốc liệt với những cái chợ ảo trên Facebook, Zalo.

Shipper trên phố.

Trước đây muốn mua gì đó, tôi phải ra chợ hay lọ mọ tìm kiếm ở các cửa hàng trên phố, còn nay chỉ cần gõ Google hay Cốc Cốc, trong tích tắc thứ cần tìm đã hiện ra với đủ thông tin, hình ảnh, giá tiền cũng như cách thức thanh toán. Cảm thấy ưng ý thì điền thông tin đặt lệnh mua hàng. Người bán hàng online sẽ check (kiểm tra) thông tin đơn hàng qua điện thoại, rồi chuyển hàng tới địa chỉ của khách qua các shipper.

Xu hướng mua sắm trực tuyến ngày càng trở nên tất yếu. Một bộ phận dân cư, nhất là giới trẻ là tín đồ của mua sắm online, tất cả là vì sự tiện lợi, đơn giản, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian. Sự lên ngôi của hoạt động mua bán online, đã “khai sinh” ra một nghề mới. Các shipper là kênh kết nối cung - cầu không thể thiếu trong hoạt động này. Họ nhận sản phẩm từ người bán, giao cho khách và nhận tiền. 

Anh Lê Khắc Tuấn, một shipper có thâm niên hơn 5 năm ở quận Long Biên chia sẻ: “Tôi đến với nghề này cũng tình cờ thôi, trong một lần giúp bạn chuyển hàng cho khách. Sau thấy cũng dễ kiếm sống nên theo luôn. Phí dịch vụ ship được tính trên cơ sở khối lượng hàng, số km của chặng đường vận chuyển và thời gian giao hàng. Chẳng hạn, trong địa bàn TP Hà Nội, mức phí dịch vụ bình quân từ 15 đến 30 nghìn đồng cho quãng đường từ 0 đến 20 km.

Nếu mua đồ hộ sẽ cộng thêm từ 5 đến 10 nghìn đồng cho mỗi đơn hàng. Ship ngoại tỉnh thì giá thỏa thuận với bên mua. Ship đêm giá dịch vụ cao hơn ban ngày. Tính bình quân mỗi ngày tôi nhận ship khoảng 60 đến 90 đơn hàng, cho thu nhập từ 5-7 triệu đồng/tháng, sau khi đã trừ chi phí xăng xe, điện thoại. Thu nhập như vậy cũng có thể nói là dễ thở với những người không có chuyên môn như tôi”.

Vẫn theo anh Tuấn, hiện nay đội quân giao hàng tại Hà Nội có tới vài nghìn, thành phần đa dạng nhưng chủ yếu là nam giới, trong đó có nhiều sinh viên đi làm thêm. Nghề này không đòi hỏi gì nhiều, chỉ cần 1 xe máy, chiếc điện thoại, cộng với chút vốn liếng và thông thuộc đường sá là thành shipper. Shipper ở Hà Nội hiện nay có thể hoạt động độc lập, không thuộc biên chế của công ty vận chuyển hàng hóa nào. Họ phải tự bắt mối với các chủ cửa hàng kinh doanh online nhỏ lẻ để nhận việc, hoặc đăng tin trên mạng nhận chuyển hàng để người có nhu cầu liên hệ.

Muốn nhận được hàng đi giao, họ phải ứng tiền của mình ra trước để trả cho người bán theo giá sản phẩm rồi thu của khách sau khi giao hàng. Bên cạnh đó cũng có khá nhiều người làm việc cho các công ty dịch vụ chuyển phát hàng hóa. Làm ở đó thì yên tâm là đều việc, có chế độ hay bảo hiểm, có điều phải mất chi phí quản lý nên thu nhập không tốt bằng tự làm. Công việc hằng ngày của shipper bắt đầu từ 7h sáng cho đến khi trả hết hàng. Nhiều khi có các đơn đột xuất vào chiều tối, hay ban đêm, họ vẫn phải lên đường theo yêu cầu của khách hay chủ cửa hàng.

Khi có nhiều đơn, các shipper cũng phải giúp người bán phân loại hàng hóa, tự tay đóng gói từng món đồ. Thế nên, dù là lao động phổ thông nhưng họ cũng cần có một số kỹ năng, kinh nghiệm, như phải thạo cách đóng gói nhiều loại hàng hóa, thông thạo đường phố, giao tiếp tốt... Sau khi đóng gói, shipper phải tính toán lộ trình giao hàng cho khoa học, để tiết kiệm thời gian, xăng xe đi lại...

Đối tượng Lý Thế Long, thủ phạm vụ cướp shipper trên đường Lê Văn Thuyết, Quận Lê Chân, Hải Phòng, ngày 14-9-2016.

Hiện nay tại Hà Nội, có những nhóm ship khá đắt khách trên các trang bán hàng trực tuyến. Với cả chục thành viên, mỗi ngày nhóm nhận giao 150 - 200 đơn hàng khắp thành phố, trung bình mỗi tháng các thành viên có thu nhập từ 5-8 triệu đồng.

Chị Đào Kim Hoa, chủ một cửa hàng tạp hóa bán sỉ khá lớn tại quận Hoàng Mai cho biết: “Mỗi ngày tôi có tới vài nghìn đơn hàng cần chuyển cho khách nên phải thuê cả chục shipper chuyên nghiệp để giao hết hàng ngay trong ngày. Tâm lý người mua  thường muốn nhận hàng ngay. Chúng tôi cố gắng chiều lòng khách nên ít khi để hàng quá 6 giờ tính từ lúc khách đặt lệnh bỏ hàng vào giỏ. Ngoài ra, để tăng tính cạnh tranh, chúng tôi còn phải có ưu đãi về phí ship nữa”. 

Nhọc nhằn nghề ship

Shipper dễ mở lời nhất về cuộc sống, công việc của mình, nếu anh là khách hàng của họ - một người bạn đã tư vấn như vậy khi biết tôi có ý định làm bài phóng sự về chủ đề này. Quả vậy, chúng tôi lại tìm mua đồ trên mạng, để gặp được người giao hàng. Lê Huy Quốc, một sinh viên Đại học Bách khoa làm “ship parttime” (giao hàng bán thời gian) cũng đã 3 năm, rất cởi mở khi chia sẻ về cái nghề đã giúp em sống khỏe trong mấy năm đi học xa nhà tại Hà Nội.

Quốc bộc bạch: “Kể ra thì cũng kiếm được nhưng vất lắm anh ơi. Làm ship là phải bất chấp mưa nắng, đêm ngày. Chỉ cần có hàng là phải lên đường vận chuyển, không thể thoái thác vì nếu bị đánh giá là lười, sẽ mất mối làm ăn, sau có việc người ta không gọi. Rồi thì rong ruổi trên đường cả ngày, gánh trên xe bao nhiêu là hàng hóa, cùng với áp lực giao hàng đúng giờ, việc xảy ra tai nạn, sự cố giao thông hay ốm đau là khó tránh khỏi. Khi gặp khách cũng có khối chuyện khó đỡ xảy ra, chẳng hạn như bị khách “củ hành”, xem hàng xong chê bai không nhận, không trả tiền và phí ship.

Chuyện bị khách “bỏ bom” cũng thường xảy ra, trước lúc xuất phát dù đã gọi hẹn gặp, nhưng đến nơi máy lại “thuê bao” hay gọi không bắt máy, đành ngậm ngùi quay về với hàng nguyên vẹn trên xe. Lỡ giao hàng chậm, khách đổi ý không nhận, lại phải đem hàng về thì không chỉ chạy không công mà còn mất uy tín. Với shipper mới vào nghề, việc kiếm đơn hàng không dễ vì rất ít khách hàng yên tâm giao đồ của mình cho một người chưa hề quen biết. Đơn ít, lại tốn tiền xăng chạy đi chạy về, khiến nhiều người nản chí vì lợi nhuận chẳng được bao nhiêu”.

Nhưng chuyện làm shipper ớn nhất phải nói là những cú lừa. Vì phần lớn shipper còn trẻ, làm ship là công việc thời vụ hay làm thêm, vì thấy lợi nhuận trước mắt mà sơ hở, cả tin nên hay bị kẻ gian lừa đảo. Quốc nhớ lại: “Hồi mới vào nghề, còn non kinh nghiệm, đã vài lần em ứng tiền ra trả cho người bán để nhận hàng, đến khi gặp khách mới tá hỏa vì đó là hàng giả, người ta không nhận, quay lại tìm người bán thì đã biến mất cùng với số tiền mình ứng. Hỏi mấy anh đi trước mới biết, thì ra cả người mua kẻ bán đều một giuộc, chúng dàn cảnh để lừa tiền ứng nhận hàng của shipper.

Đối tượng Đặng Văn Trường (SN 2001, quê Văn Yên, Yên Bái), thủ phạm vụ cướp shipper xảy ra tối 2-1-2017 trước số nhà 389 Đê La Thành, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội.

Hiện nay bọn lừa đảo cũng chuyên nghiệp hơn. Có khi chúng lập hẳn một trang bán hàng ảo, mua cả nghìn lượt like, view nhử shipper vào tròng để chiếm đoạt tiền ứng trước. Lại có lần em nhận kiện hàng to đi giao cho khách, giữa đường bị Cảnh sát 141 kiểm tra phát hiện bên trong toàn đồ cấm. Tất nhiên, về sau thì không sao vì mình trong sạch nhưng cũng mất thời gian lắm”. 

Trong nghề này, không chỉ có shipper bị lừa, mà cũng có nhiều phen chính chủ hàng bị shipper hạ đo ván. Về nguyên tắc, để nhận hàng giao cho khách, shipper phải ứng tiền trước nhưng có trường hợp làm việc với nhau vài lần trở nên quen biết, khi nhận hàng shipper gãi đầu gãi tai, lấy cớ quên mang tiền và đề nghị không ứng, nếu chủ hàng đồng ý sẽ bị bùng và mất hàng.

Hiện nay, cuộc chiến giành giật khách hàng giữa các nhóm shipper Hà Nội diễn ra khá gay gắt, những chuyện như mạo danh nhau để cướp khách, đăng tải số hotline vào các trang mạng đen, giả người gửi hàng để lừa đảo lấy tiền thanh toán trước... xảy ra như cơm bữa.

Bí quyết thoát hiểm

Chúng tôi gặp anh Trần Ngọc Hải, một shipper chuyên nghiệp ở quận Nam Từ Liêm, khi mà vụ sát hại nữ sinh giao gà tại tỉnh Điện Biên ngày 30 tết Kỷ Hợi đang là tâm chấn của dư luận. Làm shipper cũng đã 8 năm, đủ trải nghiệm về những rủi ro không thể tính trước của nghề, anh Hải chia sẻ: “Suốt mấy hôm nay chúng tôi theo dõi thông tin vụ án rất sát vì trực tiếp liên quan đến công việc của mình. Nhìn chung là ai cũng lo, chẳng thể biết trước chuyện gì sẽ xảy ra. Đặc thù công việc của chúng tôi là chuyển giao hàng hóa, phải đi đến địa chỉ do khách hàng yêu cầu. Nếu kẻ cướp giả vờ mua hàng để lấy cớ điều shipper đến địa điểm thích hợp rồi ra tay thì rất nguy hiểm, nhiều người không biết phải ứng xử thế nào trong những tình huống như vậy”.

Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ cướp tài sản của các shipper trong cả nước. Đêm 23-12-2018, tại ngõ 120 phố Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội, các đối tượng Lê Quốc Hưng (24 tuổi) và Nguyễn Phi Anh (22 tuổi), đã dàn cảnh để cướp tài sản của anh C - một shipper chuyên chuyển tiền mặt ban đêm.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, anh Hải cho biết thủ đoạn phổ biến của bọn cướp thường là hẹn shipper giao hàng tại một địa điểm có vẻ an toàn để họ không nghi ngờ. Khi gặp rồi, chúng mới lấy cớ để điều họ tới nơi thuận lợi cho việc gây án.

“Tôi cảnh giác lắm, khi nhận được yêu cầu vận chuyển trong đêm hay đến những nơi xa lạ, thường thì tôi không đi, hoặc có đi thì rủ theo người khác, cũng không mang nhiều tài sản theo người. Đến nơi mà khách bảo đi tiếp đến một địa điểm khác không theo thỏa thuận ban đầu và thấy không an toàn thì tôi từ chối ngay. Cũng có lần tôi dùng máy điện thoại chụp ảnh khách, gọi điện cho người nhà, báo địa chỉ và gửi ảnh của khách.

Làm thế để cho đối tượng nếu có ý định cướp sẽ không dám ra tay vì đã có người thứ 3 biết về chúng. Cảnh giác không thừa, còn nếu chẳng may đã bị cướp gí dao, thì theo tôi tốt nhất là ngoan ngoãn giao tài sản, chứ mình chống lại rất nguy hiểm. Nếu bị chúng tấn công, tốt nhất là bỏ xe mà chạy, vừa chạy vừa kêu cứu” - anh Hải chia sẻ. 

Đào Trung Hiếu
.
.