Nóng bỏng trận tuyến chống xuất, nhập cảnh trái phép

Thứ Ba, 27/04/2021, 10:54
Mặc dù rất bận rộn với công tác chỉ huy điều tra mở rộng các vụ án nhưng Thượng tá Triều vẫn dành cho chúng tôi nửa buổi sáng để trao đổi về sự phức tạp của tình hình tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép trên địa bàn tỉnh biên giới Lạng Sơn...


“Năm 2020, lượng án đơn vị thụ lý hơn 5 năm trước cộng lại, còn số lượng bị can bằng 7 năm trước đó. Bước sang năm 2021, tính riêng quý 1 đã xảy ra 55 vụ, 160 bị can, gần bằng số liệu cả năm 2020. Sự gia tăng đột biến đó chủ yếu liên quan đến hành vi nhập cảnh trái phép đang rất nóng bỏng tại biên giới phía Bắc hiện nay. Từ những vụ dẫn người vượt biên nhỏ lẻ được các lực lượng biên phòng, cảnh sát giao thông (CSGT) phát hiện và chuyển giao để điều tra theo thẩm quyền, chúng tôi đã tập trung đấu tranh, tiếp tục mở rộng vụ án để bắt tiếp nhiều đối tượng đồng phạm khác” - Thượng tá Hoàng Văn Triều (Trưởng Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Lạng Sơn) đã mở đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi bằng những con số “biết nói” ấy.

Thủ đoạn đưa dẫn

Mặc dù rất bận rộn với công tác chỉ huy điều tra mở rộng các vụ án nhưng Thượng tá Triều vẫn dành cho chúng tôi nửa buổi sáng để trao đổi về sự phức tạp của tình hình tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép trên địa bàn tỉnh biên giới Lạng Sơn.

Ở vị chỉ huy trẻ này, ngoài chất “máu lửa”, mưu lược thường có của “dân” điều tra tội phạm, tôi thấy anh còn mang dáng dấp của một người nghiên cứu khoa học, khi các vấn đề liên quan được anh phân tích logic, khúc chiết. Chứng tỏ sự đau đáu suy tư vì công việc luôn thường trực trong anh, với tâm nguyện không còn người dân Việt nào bị trừng phạt bởi hành vi dẫn đường, làm thuê cho những kẻ chủ mưu từ bên ngoài lãnh thổ.

Lực lượng CSGT bắt giữ các đối tượng đưa dẫn cùng nhóm người Trung Quốc nhập cảnh trái phép tại Lạng Sơn.

Thượng tá Triều kể, bắt đầu từ năm 2020, khi Trung Quốc bùng phát dịch bệnh, xuất hiện một làn sóng người dân nước này lén lút “đổ bộ” vào nước ta để quá cảnh sang nước thứ ba trốn dịch và kiếm sống.

Từ các vụ án do Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Lạng Sơn thụ lý, Thượng tá Triều rút ra quy luật, phương thức thủ đoạn phạm tội phổ biến như sau: Đối tượng có nhu cầu thuê lao động là người Trung Quốc, thường lại chính là những ông chủ là công dân nước này đang vận hành sòng bạc (casino), nhà hàng hay đồn điền... ở Lào, Campuchia, Myanmar. Khi có nhu cầu người làm thuê tại cơ sở kinh doanh của mình, họ liên lạc về quê, chuyển tiền cho các đầu nậu nhờ tuyển nhân sự rồi tổ chức đưa người sang. Thông thường, chúng trả cho nhóm người Việt khoảng 2,5 vạn tệ (100 triệu đồng) cho 1 người qua trót lọt. 

Người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam để quá cảnh sang nước thứ ba, chủ yếu là dân tỉnh nghèo, đời sống khó khăn. Khi dịch bệnh hoành hành ở Trung Quốc, nước này thực hiện cách ly, giãn cách xã hội, một bộ phận dân chúng tìm cách trốn dịch và kiếm sống ở nơi an toàn. Khi được các nhóm đầu nậu tuyển dụng đi làm thuê với mức tiền công hấp dẫn từ 8-10 nghìn tệ/tháng, họ sẵn sàng lên đường bất chấp nguy hiểm khi nhập cảnh trái phép lãnh thổ nước khác. Ngoài ra, cũng có đối tượng trốn truy nã hoặc tội phạm sử dụng công nghệ cao muốn vượt biên trái phép theo cách này. Mọi chi phí đi lại do bọn đầu nậu trang trải.

Hành trình đưa dẫn người Trung Quốc nhập cảnh và xuất cảnh trái phép được chia thành nhiều chặng, với nhiều cách thức di chuyển khác nhau. Sau khi người lao động Trung Quốc được đầu nậu tập kết tại khu vực biên giới, những tên cầm đầu người Việt tiếp tục thuê người dân bản địa chọn thời điểm thích hợp để đón dẫn khách Trung Quốc đi bộ vượt biên giới. Với đặc điểm đường biên giới tiếp giáp Trung Quốc của tỉnh Lạng Sơn rất dài, có nhiều đường mòn, lối mở, lực lượng canh gác biên giới không thể đủ để trải kín... nên việc phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ nhập cảnh trái phép là rất khó khăn.

Một nguyên nhân khác là cư dân biên giới chủ yếu là người thiểu số, với trình độ dân trí còn hạn chế, lạc hậu, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn nên khi được thuê mướn trả công với mức 5-10 triệu/khách, một đêm đưa trót lọt hàng chục người, họ chia nhau từ vài chục đến cả trăm triệu, khiến nhiều người bất chấp nguy hiểm và trở thành mắt xích trong các đường dây tội phạm.

Bộ đội biên phòng Lạng Sơn phát hiện, bắt giữ các nhóm người nhập cảnh trái phép.

Có gia đình cả hai vợ chồng cùng đi đưa dẫn khách, sau đó cùng bị bắt. Khi khách vượt biên trót lọt vào Lạng Sơn, sẽ có đối tượng khác trong đường dây dùng ô tô lên đón, chở về tập kết ở các tỉnh sâu trong nội địa, như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, đợi đủ chuyến sẽ tiếp tục di chuyển vào các tỉnh phía Nam. Phương thức di chuyển phổ biến bằng xe khách hạng sang (limousine), xe ghép (taxi dù, xe ghép vào các hãng vận tải), xe 16 chỗ chạy hợp đồng...

Quá trình phạm tội, việc liên lạc để điều hành, phối hợp giữa các khâu, công đoạn của các đối tượng chủ yếu qua ứng dụng Zalo, Wechat, sử dụng sim rác. Giao dịch xong, các đối tượng xóa dấu vết, gây khó khăn rất lớn trong việc truy tìm kẻ cầm đầu.

Theo quy luật, nếu như vào những tháng đầu năm tình hình nhập cảnh trái phép nóng lên thì vào thời điểm chuẩn bị tết Nguyên đán cuối năm, dân Trung Quốc lại từ những nơi đó nhập cảnh vào Việt Nam để rồi lại xuất cảnh trái phép qua đường biên Lạng Sơn, Cao Bằng... về quê ăn tết. Vẫn do bọn “đầu nậu” điều phối và thuê cư dân biên giới dẫn đường. Do vậy quanh năm tình hình tội phạm này không khi nào hạ nhiệt.

Cuộc chiến gian nan

Theo Thiếu tá, Đội trưởng Nguyễn Hoàng Minh, tại Lạng Sơn một số lượng lớn các vụ đưa dẫn người nước ngoài nhập cảnh trái phép được phát hiện trong quá trình tuần tra biên giới, kiểm soát giao thông trên đường, kiểm tra các cơ sở lưu trú... của các lực lượng công khai như Bộ đội Biên phòng, CSGT, cảnh sát quản lí hành chính.

Tuy nhiên, đó thường là những nhóm nhỏ lẻ, với một vài đối tượng dẫn đường. Sau khi tiếp nhận bàn giao để điều tra theo thẩm quyền, Phòng An ninh điều tra tổ chức đấu tranh quyết liệt với các đối tượng đã bắt, khai thác thông tin liên quan để mở rộng điều tra vụ án. Có vụ từ 1 đối tượng đưa dẫn 5 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, đơn vị đã điều tra mở rộng, bắt tiếp và khởi tố 9 người Việt khác trong đường dây.

Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với các Phòng An ninh đối ngoại, Kỹ thuật nghiệp vụ xác lập nhiều chuyên án trinh sát, triệt phá thành công nhiều băng, ổ nhóm khác. Chẳng hạn, cuối năm 2020 các đơn vị đã phối hợp phá án, khởi tố 21 bị can là người Việt Nam đưa 20 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép. Trong một chuyên án khác, các đơn vị này đã bắt được 1 người Trung Quốc nhập cảnh hợp pháp và lưu trú ở Bắc Ninh, để tổ chức đường dây đưa người từ Trung Quốc sang. Đầu năm 2021, các đơn vị tiếp tục khám phá chuyên án, bắt 12 đối tượng người Việt đưa dẫn 7 người Trung Quốc vào Việt Nam.

Các đối tượng nhập cảnh trái phép và đưa dẫn người bị bắt giữ.

Làm loại án này vô cùng vất vả vì liên quan đến nhiều địa bàn, đối tượng trong khắp cả nước. Đối tượng đấu tranh có nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm xóa dấu vết, gây khó khăn cho hoạt động điều tra, trong điều kiện kinh phí khó khăn, quân số đơn vị khá “mỏng”... thì việc giải quyết được lượng án lớn như vậy là những nỗ lực, cố gắng vượt bậc của tập thể cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.

Theo Thiếu tá Minh, hiện nay, hoạt động tổ chức cho người nước ngoài xuất nhập cảnh trái phép vẫn rất nóng bỏng, nhức nhối, tiềm ẩn nguy cơ làm tái bùng phát dịch bệnh COVID-19. Để đảm bảo ANTT, phục vụ có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, đơn vị đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh và Bộ đội Biên phòng tỉnh đẩy mạnh hoạt động đấu tranh với loại tội phạm này.

Công tác bắt, giam giữ, khởi tố, điều tra, xử lý tội phạm đảm bảo khách quan, đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật. Tỷ lệ án kết thúc điều tra, chuyển Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đề nghị truy tố đạt 100% số vụ, số bị can; không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm; không có vụ án trả hồ sơ điều tra lại hoặc điều tra bổ sung, không có đơn thư khiếu nại, tố cáo trong hoạt động điều tra.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Triều nói bên cạnh niềm vui hoàn thành khối lượng lớn công việc, các anh vẫn đau đáu nỗi niềm khi nhiều người dân vì hám lợi mà vướng vòng lao lý. Tại một hội nghị giao ban, Thượng tá Triều từng phát biểu rằng cư dân biên giới có thể bị “bắt vãn” về hành vi đưa dẫn người nước ngoài xuất, nhập cảnh trái phép, nếu tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nếu như các lực lượng chức năng ở các tỉnh nội địa không “bọc lót”, hỗ trợ tối đa cho biên giới thông qua việc tăng cường kiểm soát lưu trú, kiểm soát giao thông, kiểm soát biên giới.

Thượng tá Triều cho rằng, muốn ngăn chặn có hiệu quả loại tội phạm này thì không chỉ các lực lượng ở biên giới phía Bắc phải nỗ lực hơn nữa, mà cần có sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng ở các tỉnh nội địa. Đặc biệt tại khu vực cửa khẩu tiếp giáp các nước đích đến. Trên các tuyến giao thông, lực lượng CSGT các tỉnh phải gia tăng tuần tra, kiểm soát.

Khi phát hiện phương tiện chở người Trung Quốc mà không có giấy tờ nhập cảnh thì cần giữ lại ngay, chuyển cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Lực lượng cảnh sát quản lí hành chính và công an cơ sở cần tăng cường kiểm tra các cơ sở lưu trú, nhà nghỉ, khách sạn, nhà cho thuê, nhà trọ, chú ý kiểm tra phát hiện khách nước ngoài lưu trú bất hợp pháp.

Người dân cũng cần nâng cao ý thức cảnh giác, phát hiện và báo tin cho Cơ quan công an gần nhất những nơi chứa chấp người nước ngoài có biểu hiện nghi vấn. Bên cạnh đó, cần tính toán việc xử lý hình sự đối với người xuất, nhập cảnh trái phép, hoặc phải xử phạt hành chính tăng nặng hơn. Hiện nay, đối tượng vi phạm chỉ phải bị cách ly phòng dịch rồi trục xuất khỏi Việt Nam nên tính răn đe không cao.

Cuối cùng, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đấu tranh với loại tội phạm này thông qua việc trao đổi với cơ quan hữu quan của Trung Quốc, Campuchia... để xây dựng cơ chế phối hợp trong xác minh, truy bắt những kẻ cầm đầu thường nằm ngoài lãnh thổ nước ta. Có thế mới ngăn chặn, xóa bỏ tận gốc tình hình tội phạm này, vì hiện nay chúng ta mới chủ yếu bắt được người thực hành là công dân Việt Nam.
Đào Trung Hiếu
.
.