Nông dân 3 tỉnh, thành khởi kiện Vedan

Thứ Tư, 28/07/2010, 10:30
Sự kiện Công ty Cổ phần Hữu hạn Vedan (gọi tắt Công ty Vedan) đang chuẩn bị đối diện với vụ kiện của người dân ở TP HCM, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu đang "hâm nóng" dư luận trong thời gian gần đây. Dù đại diện TP HCM đã "mở đường" để Công ty Vedan tự giác nhận trách nhiệm về việc hủy hoại môi trường gây thiệt hại đến môi trường sống của người dân, thế nhưng, Vedan lại một mực tỏ rõ thái độ "mặc cả" với hành vi của mình.

Công ty Vedan “mặc cả” số tiền “hỗ trợ”

Trong 14 năm qua, Vedan xả thải trực tiếp xuống dòng sông Thị Vải gây ô nhiễm môi trường trầm trọng cho người dân ở TP HCM, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngần ấy thời gian đã khiến cho cuộc sống người dân trở nên điêu đứng: cá chết hàng loạt, môi trường sinh thái bị phá hủy nặng nề. Sức khỏe của người dân đang từng ngày bị đe dọa. Vậy mà, Công ty Vedan vẫn ngang nhiên "mặc cả" cho hành vi của mình.

Ông Trần Văn Làm, Ủy viên Ban thường vụ Hội Nông dân Việt Nam, phụ trách khu vực phía Nam bức xúc: "Đạo đức kinh doanh của Công ty Vedan là chưa có và không thể chấp nhận được cách cư xử thiếu tình người của một doanh nghiệp như vậy". Chắc chắn rằng, Vedan biết việc xả thải trực tiếp xuống môi trường nước sẽ gây nguy hại cho môi trường sống và sinh hoạt của người dân nhưng vẫn cố tình thực hiện.

Chuyện thương lượng giữa đại diện quyền lợi người nông dân với Công ty Vedan là thể hiện một hành động có tình có nghĩa và tạo điều kiện cho Vedan tiếp tục hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Vậy mà trong các cuộc họp, người ta vẫn thường thấy đại diện Công ty Vedan đưa ra các lý lẽ để bảo vệ việc phá hoại môi trường. Các mức "hỗ trợ" lần lượt được Vedan công bố.

Theo nội dung Văn bản của Công ty Vedan Việt Nam, trong đó Vedan có đề cập đến việc chịu trách nhiệm gây thiệt hại về kinh tế cho nông dân Cần Giờ là 1,7 tỉ đồng (?). Nhưng theo Vedan, để giữ mối quan hệ thân thiện với nông dân thành phố nên sẽ "hỗ trợ" 7 tỉ đồng như cam kết đưa ra trước đây.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch Hội Nông dân TP HCM cho rằng: "Phía Vedan cố tình kéo dài thời gian, thiếu thiện chí thương lượng. Lý do được Hội Nông dân đưa ra là vùng bị ảnh hưởng khác với diện tích nuôi trồng thủy hải sản và cách tính thiệt hại trong ngành đánh bắt của Vedan là bất hợp lý".

Nếu như trước đây, phía Vedan đưa ra mức trần là 7,4 tỉ đồng thì dần được nâng lên là 17,9 tỉ đồng và 20 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau khi "cân, đong, đo, đếm", Vedan đưa ra con số cuối cùng là 16 tỉ đồng.

Ông Đoàn Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết: "Nếu tính theo cách của Vedan đưa ra thì người dân mỗi tháng chỉ làm ra 2kg cá. Còn nếu tính theo thống kê trong 4 năm gần đây, trung bình sản lượng đánh bắt đến 4.000 tấn cá". Còn về phần giá bán, phía Vedan đề nghị 1ký cá giá 21 ngàn đồng, tuy nhiên, giá thực tế phải cao gấp đôi.

"Giá của Vedan đưa ra chỉ bằng một nửa so với giá thị trường là không thể chấp nhận được", ông Sơn cho biết thêm. Tiếp lời, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó trưởng phòng Quản lý Tài nguyên, Viện Môi trường Tài nguyên nhấn mạnh: "Thật ra, nếu Viện Môi trường Tài nguyên áp dụng cách tính thiệt hại của các nước trên thế giới thì mới công bằng hơn. Cách tính này là lấy chi phí đầu tư hệ thống xử lý nước thải tương đối hoàn thiện của Vedan là 31 triệu USD nhân với chi phí vận hành trong 14 năm. Lúc này, Vedan sẽ phải bồi thường cao gấp hàng chục lần so với mức đề ra như hiện nay".

Có lẽ, Công ty Vedan cũng hiểu rằng trách nhiệm của Vedan đối với người dân là có thực. Song, số tiền bao nhiêu đối với người dân không mang nhiều ý nghĩa. Hơn hết, đó là cách nhận tiền của phía đại diện người dân là như thế nào? Công ty Vedan luôn lập luận số tiền trên chỉ là "hỗ trợ" người dân trước việc làm phi pháp. Còn phía đại diện quyền lợi cho người dân khẳng định số tiền trên là "bồi thường".

Ông Trần Văn Làm cho rằng: "Vedan không chấp nhận dùng từ "bồi thường" vì nó liên quan đến pháp lý. Ở đây phía Vedan muốn nói đến việc bị bắt quả tang và khi bị người dân kiện mới sử dụng từ... bồi thường".

 Người dân TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu hàng chục năm qua luôn khốn khổ trước cảnh tôm cá chết hàng loạt, nay nếu nhận được tiền "hỗ trợ" từ Vedan nghe có vẻ nực cười. Cái cách "bắt" nhận tiền từ phía Vedan cũng làm cho người ta phải suy nghĩ. Hoặc là đưa hai tay để nhận lấy tiền "hỗ trợ" từ phía Vedan hay là bắt Vedan phải mang tiền đến cho người dân để khắc phục hậu quả".

Cần nhắc lại, trước đó vào tháng 9/2008, Công ty Vedan liên tục bị Cục Cảnh sát Môi trường - Bộ Công an phát hiện nhiều đường ống xả thẳng xuống dòng sông Thị Vải. Còn nhớ, ngày 12/9/2008, Đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện Công ty Vedan Việt Nam đang xả hàng ngàn khối nước thải không qua xử lý xuống sông Thị Vải. Sau khi phát hiện sự việc, phía Đoàn kiểm tra liên hệ làm việc thì lãnh đạo Công ty Vedan tỏ rõ thái độ bất hợp tác. Trước sự kiên quyết của Đoàn kiểm tra, Công ty Vedan đành miễn cưỡng thực hiện và sự thật đã bị phơi bày.

Sông Thị Vải bị ô nhiễm nặng.

Không có cơ sở pháp lý để bắt Vedan bồi thường?

Liên tục các buổi họp trong thời gian gần đây nhằm mở đường cho việc đi đến một quyết định chính thức là có đưa Vedan ra tòa án hay không. Đây cũng chính là điều mà ngay cả phía Vedan và đại diện người dân huyện Cần Giờ không muốn xảy ra. Chính vì thế, buổi thương lượng này, giữa các bên đã đưa ra các lý lẽ để bảo vệ quyền lợi hợp pháp từ hai phía trong vấn đề xác định mức độ người bị thiệt hại và người gây thiệt hại.

Luật sư Trần Văn Khanh, đại diện bảo vệ quyền lợi của Công ty Vedan từng khẳng định: "Vedan không phải là "thủ phạm" chính gây ô nhiễm dòng sông Thị Vải. Xung quanh dòng sông, có đến hàng trăm doanh nghiệp và hàng ngàn người dân cùng xả thải".--PageBreak--

Luật sư Khanh còn cho rằng, người dân cần phải chứng minh được chính xác mức thiệt hại một cách cụ thể. Do không có cơ sở pháp lý để bồi thường nên đại diện phía người nông dân mới có những buổi thương lượng như vừa qua. Riêng số tiền 45,7 tỉ đồng người dân huyện Cần Giờ yêu cầu Vedan phải bồi thường chỉ là suy đoán và không căn cứ.

Đối với Luật sư Nguyễn Văn Hậu, đại diện bảo vệ quyền lợi của người dân Cần Giờ cho biết: "Nếu như sai phạm của Vedan ở các nước khác thì doanh nghiệp cư xử có tình người và không cần phải chứng minh thiệt hại". Bởi, căn cứ theo Luật Môi trường nếu bắt quả tang Vedan xả thải xuống dòng sông thì phải bồi thường. Để làm được điều này, phải dựa trên các biên bản làm việc của Cục Cảnh sát Môi trường, Bộ Y tế... để khẳng định người dân bị thiệt hại.

Trước đông đảo báo giới, ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch Hội Nông dân TP HCM dẫn chứng thái độ xem thường sức khỏe, cuộc sống và môi trường sống của Vedan đối với người dân Cần Giờ nói riêng và của cả 3 tỉnh, thành lân cận nói chung. Ông Phụng còn cho hay, chỉ tính từ đầu năm đến nay, phía Hội Nông dân đã hai lần gửi thư mời Vedan tham gia khảo sát thiệt hại, tuy nhiên, ông Tổng Giám đốc Vedan đều gửi văn bản phản hồi: "Không thể tham dự". Chỉ đến ngày phía Hội Nông dân TP HCM chuẩn bị khởi kiện thì Công ty Vedan mới chịu gặp và đưa ra quyết định "hỗ trợ" cho người dân.

Vào chiều ngày 15/7, UBND TP HCM và các cơ quan ban ngành trực thuộc cùng ngồi lại với nhau nhằm tháo gỡ khó khăn để tiến hành khởi kiện Vedan trong thời gian tới. Ở buổi họp này, bỗng dưng xuất hiện một đoàn khách không mời mà đến. Đó không ai khác chính là Công ty Vedan. Dẫn đầu phái đoàn này là ông Yan Kun Hsiang, Tổng giám đốc Công ty Vedan Việt Nam. Điều này cũng làm ông Nguyễn Trung Tín, Phó chủ tịch UBND TP HCM hết sức bất ngờ. Bất đắc dĩ, cuộc họp vẫn được tiến hành trước sự có mặt của đoàn khách "lạ".

Trong các buổi họp, các buổi thương lượng, phía Công ty Vedan luôn đưa ra những lý lẽ và mức "hỗ trợ" để được "mặc cả" về số tiền thiệt hại cho người dân. Vedan đề nghị lấy mức trung bình theo đánh giá của cả hai bên để làm cơ sở tính toán "hỗ trợ" thiệt hại. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Phụng, không đồng tình với cách tính toán như vậy là đề nghị giữ nguyên các tỉ lệ gây ô nhiễm do Viện Môi trường và Tài nguyên đánh giá.

Theo kết quả đánh giá của Viện Môi trường và Tài nguyên, bằng cách sử dụng phần mềm MIKE 21 của Viện Thủy lợi Đan Mạch, cho thấy tỉ lệ gây ô nhiễm của Công ty Vedan phải chịu trách nhiệm đối với khu vực bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng (H) là 89%. Kế tiếp, khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng (M) là 30,3% và khu vực bị ô nhiễm (L) là 10%. Trong khi đó Vedan đưa ra mức đánh giá tỉ lệ gây ô nhiễm tương ứng là 65%, 23% và 74%.

Phần mềm này đã được chấp nhận rộng rãi trên thế giới và được thương mại hóa. Các tỉ lệ này cũng làm ranh giới cho các khu vực ô nhiễm phân vùng (H, M, L). Kết quả thẩm tra, xác minh thiệt hại thực tế của địa phương là căn cứ để các bên tính toán giá trị thiệt hại mà Vedan phải có trách nhiệm bồi thường, hoặc hỗ trợ cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm của sông Thị Vải.

Đại diện Hội Nông dân TP HCM cũng đồng tình với cách tính của Viện Môi trường Tài nguyên là có cơ sở khoa học rõ ràng. UBND huyện Cần Giờ xác định diện tích nuôi trồng là chính xác. Cách tính và viện dẫn của Vedan là không chính xác và thiếu thực tế.

Ông Yan Kun Hsiang, Tổng Giám đốc Công ty Vedan Việt Nam đang "trả giá" cho số tiền "hỗ trợ" người dân TP HCM.

Các sở, ngành và Viện Môi trường Tài nguyên đều không đồng tình cách tính của Công ty Vedan cũng như mức hỗ trợ trên. Nhiều ý kiến cho rằng, Hội Nông dân TP HCM phải đại diện cho 839 hộ nông dân huyện Cần Giờ tiến hành lập thủ tục khởi kiện Vedan Việt Nam trong tháng 7/2010 nhằm bảo vệ quyền lợi cho nông dân. Mức bồi thường theo đánh giá thiệt hại kinh tế của Viện Môi trường Tài nguyên đưa ra là 45,748 tỉ đồng. Và đây cũng là mức thiệt hại được chốt lại sau thời gian phúc tra, đánh giá trên địa bàn TP HCM.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, một khi tiến hành khởi kiện, người nông dân viết đơn khởi kiện và ủy quyền cho Hội Nông dân huyện Cần Giờ nộp hồ sơ khởi kiện tại Tòa án nhân dân huyện Cần Giờ hoặc Tòa án nhân dân huyện Long Thành.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, nhấn mạnh: "Cần phải có những biện pháp chế tài với những công ty gây tác hại đến môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến đời sống của người dân như Vedan. Nếu vụ việc Vedan không được xử lý một cách triệt để và rốt ráo sẽ tạo tiền lệ xấu cho các doanh khách tiếp tục thải chất bẩn giết các con sông, mà điển hình là chính Vedan đã làm ô nhiễm dòng sông Thị Vải".

Trong một diễn biến khác tại tỉnh Đồng Nai, theo ông Trần Văn Làm, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nông dân Việt Nam, phụ trách khu vực phía Nam cho biết: "Hiện tại, quá trình hoàn tất các thủ tục để giúp người dân huyện Long Thành tiến hành khởi kiện Vedan ra tòa đang có chuyển biến tích cực".

Những ngày gần đây, Hội Nông dân Việt Nam đã cắt cử ông Nguyễn Duy Lượng, Phó chủ tịch Trung ương Hội Nông dân xuống tận xã Phước Thái (huyện Long Thành) và làm việc trực tiếp với Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai. Ngay sau đợt công tác này, Hội Nông dân Việt Nam sẽ làm việc và báo cáo lên Ban Bí thư về quá trình làm việc tại tỉnh Đồng Nai.

Trong khi đó, tại Bà Rịa - Vũng Tàu, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành cùng Hội Nông dân tỉnh theo sát người dân để đưa ra các chứng cứ trong việc khởi kiện Công ty Vedan ra tòa. Được biết, mọi công việc đang hoàn tất và sẽ tiến hành khởi kiện Vedan trong thời gian tới. 

Đỗ Hưng
.
.