Nữ tướng Võ Nhai

Thứ Năm, 11/02/2010, 09:05
Sau một hồi lòng vòng dọc phố Đội Cấn, tôi đã tìm được "Nữ tướng Võ Nhai". Bà là Trần Thị Minh Châu, nguyên Cục trưởng Cục Xuất bản - báo chí thuộc Bộ Văn hóa Thông tin, đồng thời là phu nhân ông Đào Duy Kỳ - một nhà cách mạng tiền bối xuất sắc của Đảng Cộng sản Việt Nam - Viện trưởng đầu tiên Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

Mùa xuân năm Canh Dần (2010), bà 89 tuổi đời, 70 năm tuổi Đảng. Với giọng nói ấm áp nhẹ nhàng, từng câu chuyện nhỏ cứ theo ký ức lần lượt nối tiếp nhau trở về xen lẫn với hương hoa ngoài ban công tỏa khắp phòng khách nhỏ yên tĩnh.

Ngọc sáng Đồng Xuân

Năm 16 tuổi, cô thanh nữ Trần Thị Nguyệt Lãng (tên khai sinh của bà Trần Thị Minh Châu) đã rời Hải Dương lên Hà Nội hoạt động trong phong trào Thanh niên Dân chủ của Mặt trận Bình dân. Từ thuở ban đầu bán sách báo cách mạng ở chợ Đồng Xuân, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ, "viên ngọc sáng Đồng Xuân" ấy nhanh chóng tỏa rạng nên 2 năm sau, tháng 4/1940 cô đã được đồng chí Hoàng Văn Thụ chính thức kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Ở tuổi 20 cô đã lần lượt làm Bí thư Tỉnh ủy của các tỉnh: Hà Đông, Sơn Tây, Hưng Yên, nơi nào phong trào gặp khó khăn vì bị khủng bố ác liệt là người nữ Bí thư Tỉnh ủy mang các bí danh cô Mai, cô Ba lại có mặt.

Sau khởi nghĩa Bắc Sơn (27/9/1940) lực lượng vũ trang cách mạng có những tổn thất nặng nề. Các đồng chí Phùng Chí Kiên, Lương Văn Tri hy sinh... Tháng 5/1941, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 đã quyết định duy trì Đội du kích Bắc Sơn và thành lập căn cứ địa rộng lớn lấy Bắc Sơn - Võ Nhai làm trung tâm, đồng thời thành lập lực lượng vũ trang lấy tên gọi mới là Cứu Quốc quân (CQQ) do đồng chí Hoàng Quốc Việt và một số đồng chí nữa chỉ huy.

Tháng 2/1944, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng kiêm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ lên chiến khu kiểm tra tình hình và chỉ đạo hoạt động của CQQ. Sau khi nghe báo cáo và kiểm tra thực tế, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã triệu tập một cuộc họp cán bộ tại Khuổi Kịch (Sơn Dương, Tuyên Quang) để truyền đạt nghị quyết của Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng (2/1943) về xây dựng căn cứ địa, củng cố và phát triển lực lượng vũ trang. Cuộc họp đã quyết định thành lập các trung đội CQQ. 

Trung đội Đệ nhị CQQ do đồng chí Trần Thị Minh Châu mang bí danh là Vũ - Xứ ủy viên, Bí thư Ban cán sự  (Bí thư Tỉnh ủy) tỉnh Hưng Yên - làm Chính trị viên. Gánh nặng đặt  trực tiếp lên vai người nữ Bí thư 22 tuổi mưu trí, dũng cảm và xông xáo: xây dựng phong trào ở Võ Nhai - Đình Cả, khôi phục cơ sở Đảng đã bị phá vỡ sau khởi nghĩa Bắc Sơn.

Đến nơi công tác mới, việc đầu tiên được người nữ Chính trị viên bắt tay vào làm là liên hệ với số đảng viên ở địa phương để cùng nhau bàn việc lập ngay chi bộ để làm hạt nhân lãnh đạo và xây dựng phong trào. Sau đó đồng chí Vũ (Trần Thị Minh Châu) phân công các đồng chí khác đi tuyên truyền tổ chức hội viên mới, bắt mối liên lạc với bà con đã được giác ngộ trước đây. Vì vậy, chỉ trong một thời gian sau đó, Ban Chấp hành Việt Minh được thành lập. Rồi phong trào Việt Minh phát triển rộng với các hội Phụ nữ Cứu quốc, Thanh niên Cứu quốc, Nông dân Cứu quốc và có cả Nhi đồng Cứu quốc.

Bà Trần Thị Minh Châu (thứ 3 từ phải sang) và Đội du kích Võ Nhai.

Giữa lúc phong trào đang phát triển mạnh mẽ với các lớp học quân sự, các lớp học chính trị phổ thông được đông đảo các tầng lớp nhân dân theo học, nhiều cuộc mittinh kỷ niệm các ngày lễ lớn được tổ chức, thì tháng 10/1944, thực dân Pháp mở cuộc khủng bố ác liệt vào Võ Nhai - Đình Cả.

Trước đó do cơ sở của ta là đồng chí Cát Lượng - cán bộ của Ban lãnh đạo Việt Minh (đồng thời đương chức phó lý) và đồng chí Việt Cường - một nhân mối (người của Việt Minh cài sẵn) ở trong đồn Đình Cả đã kịp thời thông báo cho Ban lãnh đạo Việt Minh Võ Nhai biết âm mưu của địch. Nên khi nhận được tin báo, Ban lãnh đạo Phân khu A (Phân khu Quang Trung): đồng chí Vũ (Trần Thị Minh Châu) - Bí thư chi bộ kiêm Chính trị viên, đồng chí Hà Châm - Chỉ huy trưởng, đồng chí Quốc Hưng - Chỉ huy phó, đồng chí Thái Long và đồng chí Hồng Kỳ - Ủy viên Ban Chỉ huy CQQ đã kịp thời có biện pháp đối phó. CQQ tiêu diệt tên Phó tổng Tý, Tổng đoàn Thương, tên Dầu Châu chỉ huy lính dõng của xã là những tên tay sai nguy hiểm có nhiều nợ máu với nhân dân.

Nữ tướng Võ Nhai

Đang chăm cây lưỡi hổ vừa trổ hoa trên ban công, bà nghỉ tay: "Tôi biết cây lưỡi hổ từ lâu, vậy mà đến bây giờ khi về già rồi mới biết hoa này rất đẹp, anh xem...". Vừa nâng niu những gốc cây trong góc vườn nhỏ tự tạo, bà Minh Châu lại tiếp tục câu chuyện: "Nhiệm vụ của tôi lên Võ Nhai là làm công tác chính trị, xây dựng cơ sở Đảng. Khi thực dân Pháp đánh lên, chúng tôi bị động đối phó - bà cười, nụ cười thanh thản pha chút bông đùa - chứ đâu phải có tư tưởng nữ tướng như ai đó kết luận...".

CQQ phá cầu Trúc Mai ở cây số 25 đường Thái Nguyên đi Đình Cả cắt đứt liên lạc của địch từ Thái Nguyên lên Đình Cả. Sáu lần địch cho liên lạc về Thái Nguyên để xin chi viện đều bị ta bắt. Liên tiếp sau đó CQQ cùng tự vệ đánh đồn Quang Thái, đồn Đình Cả, tịch thu súng dõng, bắt 10 tên mật thám ở Lâu Thượng. Vì vậy cuộc lùng sục của địch không đạt kết quả. Chúng phải tăng cường thêm lính dõng và huy động nhiều chỉ điểm địa phương tham gia.Trong đợt khủng bố này thực dân Pháp tăng cường 1.000 lính khố đỏ thuộc Trung đoàn số 9 do tên Tiểu đoàn trưởng Milơ (Mille) chỉ huy. Sau đó chúng lại điều thêm 1.000 lính lê dương Âu - Phi có máy bay yểm trợ cùng những tên mật thám khét tiếng gian ác xung trận.

Để tránh mũi nhọn của kẻ thù, du kích luồn vào rừng, giặc đuổi ta chạy vòng tròn. Chúng vây ráp ngày càng dữ, chúng khủng bố các cơ sở trong bản và cả thường dân. Nhân dân không chịu nổi cảnh khủng bố kìm kẹp, bắt người tra khảo, đốt phá nhà cửa thóc lúa... đã tự động chạy vào rừng. Số người vào rừng mỗi ngày một đông, có cả người già và trẻ em.

Trước tình hình đó, Ban lãnh đạo quyết định: Tổ chức đưa dân tạm lánh xa làng, đi sâu vào rừng, rồi  lên hang Mỏ Gà: một hang rộng có thể chứa và cung cấp nước uống đủ cho một số lượng lớn nhân dân. Còn CQQ ban đêm tổ chức những trận đánh nhỏ lẻ tiêu diệt sinh lực địch. Đầu tháng 11/1944, CQQ  cử liên lạc lên báo cáo cấp trên xin viện trợ và chỉ đạo nhưng càng chờ càng không có tin tức gì.

Qua những trận đánh, anh em rất phấn chấn về tinh thần, kinh nghiệm trận mạc thêm dày dặn, số vũ khí thu cướp được tăng lên nhiều đảm bảo trang bị cho hai tiểu đội.

Bà Trần Thị Minh Châu hiện nay.

Ngày 18/11/1944, Cung Đình Vận - Tuần phủ Thái Nguyên - khét tiếng với thành tích diệt Cộng sản tức tối trực tiếp chỉ huy cuộc càn quét lên Đình Cả với quyết tâm chuyến này bắt bằng được "con nữ tướng Võ Nhai".

Biệt danh "Nữ tướng Võ Nhai" do chính Tuần phủ họ Cung này gọi đầu tiên, để rồi nhắc đến bà Trần Thị Minh Châu là nhắc đến "Nữ tướng Võ Nhai".

Cung Đình Vận bị du kích  bắn bị thương phải bỏ cuộc, rút quân về Thái Nguyên.

Sang cuối tháng 11, thực dân Pháp tiếp tục tăng cường khủng bố và địch đã phát hiện ra hang Mỏ Gà. Chúng điên cuồng đem 2 Tiểu đoàn lê dương do tên Mátxây (Massei) chỉ huy kéo lên bao vây từ ba mặt: Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên. Nhân mối của ta trong đồn đã báo tin này hai ngày trước khi chúng hành quân.

Mùa đông năm Giáp Thân ((1944) lạnh buốt như kim châm vào da thịt. Tờ mờ sáng ngày 27/11/1944, sương mù còn dày đặc, thực dân Pháp đã đặt pháo trên mặt đường phía trước bắn lên núi thăm dò. Sau đó chúng tổ chức làm nhiều đợt tấn công lên núi. Ỷ vào quân số lớn, trang bị vũ khí tối tân, đạn dược nhiều vô kể nên nhiều lần lính Pháp hung hãn xông lên nhưng liền bị đánh bật trở lại chẳng khác gì những đợt sóng cồn ngoài biển khơi ào ào xô vào bờ rồi lại ào ào rút nhanh ra.

Đến 14 giờ, sau khi quân ta đã bí mật khôn khéo rời trận tuyến, cả hai tiểu đội cuối cùng rút về căn cứ an toàn trận chiến mới kết thúc đánh dấu sự thất bại cay đắng của thực dân Pháp. Đó là chiến thắng mà về phía CQQ không có tổn thất về người. Sau vụ này thực dân Pháp đã phải thừa nhận: "Cuộc hành quân ngày 27/11 vừa qua ở vùng Mỏ Gà do ông Mátxây chỉ huy đã gửi về 150 người  dân đàn ông đàn bà và trẻ con, trong đó có một phiến loạn quan trọng là phó ty Mỏ Gà... Phiến loạn vùng này ở trong những chiến lũy nhỏ đã gây được một số tổn thất cho ta. Chúng chống ta bằng cách lăn đá tảng xuống đạo binh của ta...". (Tài liệu rút trong tập hồ sơ của Pháp hiện lưu trữ tại Bảo tàng Đình Cả - Võ Nhai).

Sau chiến thắng Mỏ Gà, Trần Thị Minh Châu (lấy bí danh là chị Chi) đã được điều động về làm thư ký cho Ủy ban Chỉ huy lâm thời Khu giải phóng đóng tại Tân Trào.

* * *

Hơn 60 năm sau chiến thắng Võ Nhai, bà Trần Thị Minh Châu có dịp trở lại Thái Nguyên, khoảng thời gian đủ để một đời người nếm lửa thử vàng. Tiếng trong ngần của chú chim họa mi ngoài ban công ngân lên như khúc nhạc đệm hòa vào lời kể của "Nữ tướng Võ Nhai":

"Ban lãnh đạo Việt Minh Võ Nhai ngày ấy chỉ có hai cán bộ là người Kinh, còn tất cả đều là người dân tộc thiểu số, một mình tôi là nữ còn tất cả đều là nam. Chính các anh là những người có công nhất trong chiến thắng Võ Nhai. Ngày ấy gian khổ là thế nhưng anh em sống rất vui vẻ, lạc quan, địch truy kích mà anh em vẫn văn nghệ hát vang, tuổi trẻ mà. Thời gian qua đi, nhiều việc tôi đã quên hết nhưng tình cảm của bà con đồng bào dân tộc thiểu số, cùng gương mặt những đồng chí Hà Châm, Quốc Hưng, Thái Long, Hồng Kỳ... đêm đêm lại hiển hiện về rất rõ trong tâm trí tôi. Tôi không bao giờ quên được... Tôi như đang gặp lại các đồng chí một thời vào sinh ra tử cùng mình..."

Kiều Mai Sơn
.
.