Nước mắt Pô Cô

Thứ Ba, 02/08/2011, 10:45

Dòng sông Pô Cô đã cướp đi của em những thứ quí giá nhất trên đời, nhưng cũng từ dòng sông này, em đã tìm lại được hơi ấm làm chỗ dựa vững chắc cho cuộc đời.

Chuyến đò định mệnh

Chỉ còn chừng ba tháng nữa, Siu H'ly sẽ được bước chân vào lớp 1 như những đứa bạn cùng trang lứa. Việc học của em chắc chắn sẽ thuận lợi hơn so với đám bạn trẻ thơ, bởi kinh tế gia đình H'ly thuộc vào loại khá giả nhất làng. Thế nhưng, sau một quyết định dại dột của những bậc làm cha, làm mẹ đã đẩy H'ly - một đứa trẻ đang tuổi thơ dại vào cảnh "tứ cố vô thân" bơ vơ giữa chốn núi rừng.

Bi kịch của gia đình Siu H'ly xảy ra vào cái đêm định mệnh 26/5/2006, khi bố H'ly là ông Rơ Châm Theo nghe theo lời dụ dỗ của bọn xấu để rồi lén lút đưa cả gia đình vượt biên sang Campuchia. Trong một đêm mưa tầm tã, 5 gia đình (ở làng Cúc, xã Ia O, huyện Ia Grai, Gia Lai) gồm 23 người, trong đó có 14 trẻ em rời bỏ nhà cửa kéo nhau ra sông Pô Cô rồi dùng thuyền độc mộc vượt sông để sang Campuchia đi tìm "miền đất hứa".

Sau 2 chuyến đò chông chênh cập bến, cứ tưởng chuyến đò cuối cùng sẽ được… "xuôi chèo mát mái". Nào ngờ, khi ra giữa dòng, chuyến đò định mệnh này đã gặp sóng to, gió lớn làm cho con thuyền chòng chành lắc lư trên dải đá ngầm rồi bị lật úp. Cả gia đình H’ly gồm bố mẹ, 2 anh chị sinh đôi, 1 em gái và người chú ruột cùng trên một chuyến đò bị dòng nước dữ Pô Cô nhấn chìm.

Trước khi H'ly ngất đi, em còn kịp nhận biết là đã được ai đó kéo lên đặt trên một tảng đá giữa dòng nước chảy xiết và cho đến khi tỉnh dậy thì thấy mình đang nằm ở Đồn biên phòng 717 (xã Ia O). Đến sau này, H'ly mới được nghe người trong làng kể lại là đến 7 giờ sáng hôm sau, khi ông Siu Blơ (ở làng Bi, xã Ia O) đi đánh cá thì mới phát hiện em đang nằm trên tảng đá giữa dòng sông và báo cho bộ đội biên phòng đưa em về.

Cha mẹ em bây giờ là những người lính biên phòng.

Biết được sự việc xảy ra, người dân làng Cúc, người dân làng Bi, làng Tăng (xã Ia O) cùng bộ đội Đồn biên phòng 717 trải dọc theo dòng sông Pô Cô để tìm kiếm những người bị nước cuốn trôi, đồng thời thông báo cho lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn Campuchia hỗ trợ công tác tuần tra truy bắt số người vượt biên trái phép đang còn lẩn trốn trong rừng.

Đến 11h trưa cùng ngày hôm ấy, đội tìm kiếm của Đồn biên phòng đã vớt được thi thể cháu Siu Yiên, em của Siu H’ly trên dòng sông Pô Cô cách nơi gặp nạn chừng 500m. Số người còn lại trong gia đình H'ly và cả những người trên 2 chuyến đò qua sông an toàn được xác định là mất tích và cho đến nay vẫn… "biệt vô âm tín".

Mới sáu tuổi đầu H'ly đã trải qua một cú sốc quá lớn. Em phải gánh vác trọng trách của gia đình bằng một công việc quá sức chịu đựng ngay cả đối với người lớn là làm đám tang cho đứa em kế vừa được vớt xác từ dòng sông Pô Cô hung hãn.

Sau lễ chôn cất em gái xong, ngày nào H'ly cũng thui thủi ra trước ngôi mộ của Siu Yiên, người thân duy nhất của em được tìm thấy xác sau cái đêm định mệnh ấy mà ngồi khóc. Em khóc tức tưởi qua nhiều ngày. Có lúc em đã ngất đi rồi khi tỉnh dậy em lại tiếp tục khóc, nhưng cũng chẳng thể hiểu nổi vì sao đang yên lành những người thân trong gia đình lại rời bỏ em, rời bỏ buôn làng để rồi phải đẫm mình giữa dòng nước dữ! H'ly cũng chưa đủ khôn để có thể nhận mặt những kẻ trực tiếp gây nên thảm cảnh cho gia đình mình. Cái giá phải trả cho sự mê muội của những bậc làm cha, làm mẹ là quá đắt. Mỗi khi có ai đó nhắc đến tên cha tên mẹ mình thì em lại ngẩn ngơ như một cái bóng rồi thu mình trong nước mắt và sự lặng thinh.

Nụ cười đã trở lại trên khuôn mặt H'Ly sau cái đêm kinh hoàng cách đây 5 năm.

Và nụ cười trở lại

Căn nhà ở ngay giữa làng Cúc - nơi em cất tiếng khóc chào đời và đã ra vào cùng người thân trong suốt 6 năm qua bây giờ chỉ còn… tứ bề gió lộng. Em sống lang thang nhờ vào sự chia sẻ, đùm bọc của cộng đồng, nay ở nhà người này mai lại đến nhà người khác, còn chuyện học hành thì coi như mù tịt.

"Mỗi khi bước vào căn nhà cũ thì hai hàng nước mắt nó lại lăn dài trên má. Nó nhớ bố mẹ của nó. Nó nhớ anh em nó lắm. Nó khóc hết nước mắt rồi. Người dân làng này không ai dám nhắc đến người thân của nó vì sợ nó lại khóc", già làng Rơ Châm Hin kể lại.

Mặc dù sợ H'ly bị tổn thương, thế nhưng chuyện của H'ly cứ như thế được người dân làng Cúc "rỉ tai" nhau rồi lớn dần lên thành nỗi lo chung của buôn làng. Ở cái xã vùng biên giới này, việc giúp nhau đôi ba chục ký gạo không phải là vấn đề lớn, nhưng cái khó là làm thế nào để đảm bảo được cuộc sống và tương lai cho một đứa trẻ mồ côi vừa mới trải qua một cú sốc lớn nhất cuộc đời. "Cho nó vài trăm ngàn đồng hay vài chục ký gạo thì được chứ mang nó về nuôi đến lúc khôn lớn thì khó khăn lắm. Rồi còn lo cho nó học hành, chăm nom cho nó những lúc ốm đau… Hoàn cảnh của nó dân làng này ai thấy cũng rất thương nhưng cái đầu người dân làng Cúc không thể nào nghĩ ra được cách để giúp đỡ. Mỗi lần già tổ chức họp làng thì người dân đều đem chuyện H'ly ra để bàn nhưng không ai dám đứng ra nhận chăm lo cho nó", già làng Rơ Châm Hin trăn trở.

Trong khi người dân làng Cúc đang loay hoay chưa nghĩ ra được cách chăm lo cuộc sống cho H'ly thì một hôm, nhận được tin Thượng úy Nguyễn Minh Chuyến, thuộc đội vận động quần chúng Đồn biên phòng 717 (lúc ấy) xuống làng tổ chức họp dân về việc cháu H'ly. "Ai chứ bộ đội Chuyến thì cả làng cả xã này đều biết đến. Hơn 10 năm công tác ở vùng này, nó giúp nhiều việc cho dân làng này lắm.  Lần này, nó xuống làng tổ chức họp dân chắc chắn là đem niềm vui đến cho bà con mà thôi", già làng Hin hồ hởi kể lại.

Rồi đúng như thế, tối hôm đó, sau khi nghe cán bộ Chuyến truyền đạt nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng 717 muốn nhận H'ly làm con nuôi thì dân làng ai cũng phấn khởi và đồng tình ủng hộ: "Tốt lắm chứ! Người dân làng Cúc đang lo chuyện này đây. Vậy là ngày mai, nó được làm con bộ đội rồi…".

Tuổi thơ của Siu H'ly đong đầy nỗi bất hạnh. Nhưng cũng từ nỗi đau đó, em đã tìm thấy nguồn sáng cho cuộc đời mình. Việc Đồn biên phòng nhận H'ly làm con nuôi được người dân trong vùng đón nhận bằng một buổi lễ tạ ơn trời đất tổ chức trang trọng tại nhà rông làng Cúc. Nút thắt trong lòng của bà con dân làng đã được cởi bỏ. H'ly đã có được điểm tựa vững chắc mà người dân cả làng Cúc trước đó không thể nghĩ ra.

Sông Pô Cô đã cướp đi của H'ly những người thân yêu nhất, nhưng cũng chính bên dòng sông đó, một nguồn sống mới đã thổi vào cơ thể bé bỏng của em. H'ly đã không còn cảnh nay đây mai đó đơn bóng giữa dòng đời. Cha mẹ của em bây giờ là những người lính biên phòng đang ngày đêm kề vai sát cánh.

Sáu tháng sau buổi lễ nhận Siu H'ly làm con nuôi, tôi đã có dịp quay lại dòng sông biên giới Pô Cô và nhờ các chiến sĩ bộ đội biên phòng dẫn cháu H'ly về thăm ngôi nhà cũ. Lúc này em vẫn lặng thinh và em lại khóc. Một lần khác vào năm 2009, khi H'ly và một số bạn học cùng lớp được các chiến sĩ Đồn biên phòng dắt ra bờ sông Pô Cô ngồi hóng mát. Mặc dù em không còn thui thủi, rụt rè như trước, nhưng ngồi bên dòng sông cuộn chảy, tôi đã kịp nhận ra đôi mắt em nhìn xa xăm rồi ửng đỏ. Em đã khóc…

Các chiến sĩ bộ đội Đồn biên phòng 717 cho biết, vì muốn cho H'ly nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng nên đã gửi em cho một người bà con họ hàng sống tại làng để em được vui chơi với bạn bè cùng trang lứa. Hàng ngày, các chiến sĩ trong đơn vị thay phiên nhau đến thăm nom và cung cấp gạo cho H'ly. Đầu tháng 3 vừa qua, đoàn viên thanh niên Đồn biên phòng 717 đã chọn Siu H'ly để xây dựng "địa chỉ nhân đạo" nhằm tiếp bước cho em vững vàng đến trường với mức hỗ trợ 30kg gạo/tháng và quần áo, sách vở…

Từ hôm nhận nuôi H'ly, cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng 717 đã có thêm nhiều bạn mới. Nhiều sinh viên ở các trường đại học đã viết thư bày tỏ sự thán phục trước tình cảm của người lính dành cho H'ly và xem đó một câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Trở lại Pô Cô lần này, gặp tôi, Siu H'ly đã cười rạng rỡ. Đây là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy em cười kể từ sau cái đêm định mệnh cách đây hơn 5 năm. Hiện nay, H'ly đã lấy lại được thăng bằng và đầu năm học tới em sẽ là học sinh lớp 4 tại trường làng

Nguyễn Tiến Thành
.
.