Nước mắt của bà má trăm con

Thứ Sáu, 08/07/2016, 20:55
Chỉ 2 năm nữa là chạm tuổi 80, tuổi già của má Mười vẫn là nỗi day dứt về tương lai, số phận cho đàn con côi cút tật nguyền “nhiều hơn cả số con của Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ”. Phần lớn trong số 120 đứa con của má là những đứa trẻ bị ruồng rẫy, bỏ rơi.

Mái ấm Thiện Duyên của má tọa lạc ở địa chỉ 73 Nguyễn Thị Nê, ấp Phú Hòa, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh. Đó chỉ là một căn nhà cấp 4 với hơn 100 đứa trẻ côi cút, tật nguyền luôn khát khao tình mẫu tử!

1. “Mái ấm đã tròn 15 năm tuổi. Má lấy tên Thiện Duyên, hàm ý là “có duyên làm việc thiện”. Má nghĩ, cuộc đời có hàng ngàn, hàng vạn trẻ thơ bất hạnh nhưng nhờ có nhân duyên mà các trẻ mới tề tựu về với má ở mái ấm này”.

Má Mười tên thật là Trần Thị Cẩm Giang, là con thứ 10 trong gia đình. Lớn lên ở vùng đất thép Củ Chi nên lý lịch của má Mười… khá “dữ dằn”. 14 tuổi, má đã là giao liên. Má từng có đến 5 lần bị bắt và tra khảo… Sau giải phóng, Má Mười hưởng chế độ thương binh (4/4) và được bầu làm Chủ tịch UBND phường 23, quận Tân Bình (nay là phường 10), giữ cương vị ấy trong 2 nhiệm kỳ rồi về hưu.

“Sau năm 2000, về hưu, má hay đi chùa, theo các sư, các đoàn từ thiện đi khắp nơi. Trên hành trình đó, má gặp nhiều đứa trẻ có thân phận đáng thương. Có đứa vừa lọt lòng mẹ đã là trẻ tật nguyền. Có trẻ đang sống ấm êm, yên lành thì các em chìm trong bi kịch, trở thành trẻ mồ côi sống lầm lũi, bụi bờ, đói khát do cha mẹ chết vì tai nạn, bệnh tật”.

Một góc mái ấm Thiện Duyên.

Càng đi, má càng tiếp cận nhiều cảnh đời đau đến nhói lòng. Năm 2002, định mệnh thôi thúc Má Mười lập nên mái ấm Thiện Duyên khi chứng kiến câu chuyện đau lòng gắn với một người mẹ có con bị tật nguyền ở Bình Thuận. Đã nghèo khó, con đông, lại phải lo chăm đứa con bị bại não nên cuộc sống của chị ấy cùng các con chìm trong cùng quẫn. Mấy đứa nhỏ lúc nào cũng trong tình trạng thiếu đói.

Má đến thăm, nghe chị bộc bạch “cầu cho nó chết mà không chết”, lòng má chết lặng. Hỏi thăm tình cảnh, biết người mẹ không ác ý gì, chị chỉ là cùng đường, mà không nỡ bỏ con, mà ôm đứa con tật nguyền kia vào lòng thì khổ cả đàn con, nên nghĩ quẩn… Cám cảnh quá, vậy là má nghĩ đến chuyện lập nên mái ấm, để đón những trẻ như thế về chăm. “Lúc đầu, má chỉ tính nuôi vài trẻ. Đâu ngờ!”.

2. Từ vài đứa trẻ ban đầu như thế, số trẻ ở Mái ấm Thiện Duyên nên hình hài từ tấm lòng của má bắt đầu gia tăng “quân số”. Người này chỉ người kia, người này giới thiệu người nọ, vậy là nhiều gia đình ở khắp các tỉnh thành Bắc - Trung - Nam có con em bị tật nguyền bẩm sinh, chủ yếu là do di chứng chất độc da cam tìm đến gửi con. Má thấy người ta khổ sở cùng quẫn năn nỉ nhờ má chăm giúp con để còn làm ăn nuôi những đứa con còn lại, má không đành lòng, vậy là má nhận.

Những người không may có con bị dị tật, nếu gắn chặt với đứa trẻ thì những con còn lại sẽ mờ mịt tương lai. Họ không nỡ bỏ mặc con, họ tìm đến má nhờ giúp đỡ, tiếp nhận, nên má khó mà chối từ. Có người sợ má chối từ, họ mang con đến đặt trước cửa Mái ấm…

Má Mười với một đứa con tật nguyền.

Lúc cao điểm Mái ấm Thiện Duyên, có đến hơn 120 trẻ sống trong sự chăm dưỡng của má Mười cùng nhiều tấm lòng thơm thảo xa gần. Trẻ đông, chi phí tăng đột biến, má Mười đã phải bán nhà, lấy tiền mở rộng cơ sở, lấy vốn “làm ăn”. Nói làm ăn chứ má có biết kinh doanh buôn bán to tát gì đâu. Má làm tương chao, muối ớt bán kiếm thêm, được đồng nào hay đồng nấy để có thêm chi phí lo cho Mái ấm.

Câu chuyện về má  Mười, một cụ bà ở tuổi ngoài 70 ôm vào lòng hơn 100 đứa trẻ côi cút, tật nguyền đã lay động nhiều tấm lòng. Thương má có tấm lòng Bồ tát, thương đàn trẻ chịu nhiều thiệt thòi, ngày càng nhiều tấm lòng đến mái ấm, chung tay với má lo cho lũ trẻ đáng thương. Nhờ nhiều, rất nhiều tấm lòng thầm lặng như thế mà Mái ấm được duy trì đến hôm nay, trở thành mái nhà chung cho vô số cuộc đời trẻ thơ bị… trời đọa.

Trong khuôn viên Mái ấm Thiện Duyên, má Mười phân chia thành nhiều khu vực chăm trẻ. Mái ấm có phòng chăm sóc đặc biệt, có phòng dành cho trẻ bị bại não, phòng dành cho trẻ bị động kinh… và có cả phòng dành cho trẻ sơ sinh. Theo chân má Mười vào phòng sơ sinh, chúng tôi đắng lòng khi biết có đến 4 đứa trẻ còn chưa biết lật, có em còn đỏ hỏn đã bị các bà mẹ bỏ trước mái ấm, trong lùm bụi, bên miệng cống…

Đang lặng im, nghe tiếng bước chân và tiếng người trò chuyện, 4 đứa trẻ khóc ré, những thanh âm xé ruột. Má Mười trải lòng: “15 năm qua, má quá quen với cảnh này. Nhưng lần nào cũng vậy, nghe tiếng trẻ khóc, cõi lòng má như tan nát, tâm can như bị giày xéo, thương lắm con ơi. Bọn trẻ khóc vì khát khao, vì thèm hơi ấm của mẹ”.

3. Hôm tôi đến Mái ấm Thiện Duyên vào cuối tuần, thấy có rất nhiều tấm lòng già trẻ xa gần đến thăm, tặng quà, và hỗ trợ má Mười chăm lo cho lũ trẻ. Người tắm cho trẻ, người cho trẻ ăn… Có cả những người đến phòng trẻ sơ sinh chỉ để ôm trẻ vào lòng, trước cho trẻ được sưởi ấm yêu thương, sau để thỏa phần nào khát khao làm mẹ!

Chị  Nguyễn Thị Kiểu, 34 tuổi, nhà ở phường Đa Kao, quận 1, lấy chồng năm 27 tuổi. Hai năm sau, đang chuẩn bị sinh con thì chị Kiểu bị ung thư buồng trứng, phải phẫu thuật cắt bỏ. Chuyện có con với chị trở thành vô vọng. “Đang lúc buồn, biết chuyện má Mười có hơn trăm đứa con, nên mình đến tìm hiểu. Thực tình lúc đầu mình chủ đích đến xin một trẻ về làm con nhưng má Mười chối từ. Rồi sau đó, nghe lời má, mình suy nghĩ lại, thấy nhận trẻ này thì thương đứa trẻ khác bị thiệt thòi, nên cuối cùng mình lại thôi”.

Từ bỏ ý định xin con nuôi từ Mái ấm của má Mười, chị Kiểu quyết định xem những đứa trẻ ở phòng sơ sinh là con của mình. Rảnh rỗi là chị đến phụ giúp má Mười chăm lo cho bọn trẻ. Có nhìn chị ôm ấp, vỗ về, cho trẻ bú bình, nói lời yêu thương với từng sinh linh như thế, mới hiểu tình yêu thương mà chị dành cho bọn trẻ sâu nặng đến vô ngần.

Trẻ ở phòng sơ sinh và bại não.

“Nếu không có những người như chị Kiểu, má chẳng thể nào lo xuể cho bọn trẻ được. Có máu mủ, ruột rà gì đâu, vậy mà nhiều người như chị Kiểu xem bọn trẻ như nhúm ruột do mình mang nặng đẻ đau. Trong khi đó, cha mẹ ruột của bọn trẻ thì đoạn đành, hoặc chối từ, hoặc mang con đi vứt bỏ”.

Nói về thân phận của những đứa con lành lặn của mình bị đấng sinh thành chẳng đoái hoài gì đến tình cốt nhục, má Mười bảo rằng, mỗi một đứa trẻ như thế là mỗi câu chuyện buồn, buồn đến tê tái. Bé gái tên Trung Thu bị mẹ quẳng tại nghĩa địa vào đêm rằm tháng 8. Bé Sứt được má và các cô bảo mẫu phát hiện trong một  lùm bụi, bị kiến cắn đến nát người…

Hiếm có bà mẹ nào bỏ con một cách… đàng hoàng. Họa hoằn lắm mới có bà mẹ mặc áo ấm cho con, để con vào hộp giấy rồi đặt tử tế trước cửa Mái ấm… “Phần lớn trẻ được má và các cô bảo mẫu phát hiện trong tình cảnh đau lòng, tím tái vì đói lạnh, toàn thân sưng phù, có khi hỏng mắt, nhiễm trùng vì bị kiến thui. Tội lắm!” - má Mười kể trong nước mắt.

Trẻ bị tật nguyền, bị bại não, bị não úng thủy, bị bệnh down trở thành gánh nặng của đấng sinh thành nên bị gửi bỏ âu cũng là số phận. Nhưng má buồn ở chỗ, có nhiều trẻ xinh xắn, khỏe mạnh, vậy mà cũng bị mẹ cha đoạn đành mang vứt bỏ. Kể chuyện, má Mười trầm giọng.

4. Cuộc đời, nghĩ cũng lạ. Trong lúc nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn kiếm cầu đứa con trong quay quắt, sẵn sàng bán nhà, bán đất, làm thủ thuật thụ tinh nhân tạo hàng chục lần chỉ mong kiếm được mụn con thì lại có những người, sinh con ra, chẳng thèm nhìn mặt con, chẳng cho con được bú giọt sữa mẹ đầu đời đã đang tâm vứt bỏ. Những ông bố bà mẹ như thế, theo lời các bảo mẫu ở Thiện Duyên, hầu hết là nữ công nhân, cô sinh viên, cô nhân viên văn phòng… sống ở khu công nghiệp Củ Chi hay các vùng lân cận.

“Khi vứt bỏ con, người ta biện giải hàng loạt lý do, nào là do lỡ làng, do người yêu không nhận con, do cha mẹ hai bên không đồng ý… Có người thì viện dẫn do cuộc sống khổ cực quá nên không đủ sức nuôi con… Nói chung, má chẳng dám trách gì những bà mẹ như vậy. Má chỉ buồn là họ nếu quyết định vứt bỏ con, sao không bỏ cho đàng hoàng, mà xem con như món đồ phế thải, vứt bỏ con bên miệng cống, trong lùm bụi để đứa trẻ bình thường trở thành người tàn phế do bị kiến thui, chó gặm…”.

Giờ, má Mười có đến hơn 120 đứa con. Đứa con nào, má cũng rõ vanh vách hoàn cảnh đến với Mái ấm Thiện Duyên, cũng như tính nết của từng đứa. Má nói, tuy hoàn cảnh của mỗi trẻ mỗi khác, nhưng cả thảy đàn con của má đều có điểm chung, là khát khao hơi ấm tình mẹ đến mãnh liệt. “Khách đến thăm, cho quà bánh, bọn trẻ mừng một nhưng nếu họ chịu ôm bọn trẻ vào lòng, thì bọn trẻ mừng mười. Có đứa trẻ nào mà không mong được nằm trong vòng tay dưỡng tử từ tình thương của mẹ”.

Thấy khách vào thăm, bọn trẻ nhao lên, rồi lao tới, đứa níu chân, đứa khóc ré lên đòi bế bồng không chịu rời. Dù cố dằn lòng nhưng vẫn không kìm được dòng nước mắt chảy tràn, chị Lê Mỹ Ý, 36 tuổi, ngụ phường Tân Hưng, quận 7, lúc ghé thăm Mái ấm và được cùng lúc 4 đứa trẻ bâu chặt đòi ẵm bồng, trầm giọng: “Con mình, được mẹ cha chăm lo từng miếng ăn giấc ngủ, cựa  mình là được hết ba lại mẹ ôm ấp vỗ về. Còn bọn trẻ ở đây, các con chịu nhiều thiệt thòi quá. Không chỉ khao khát được ẵm ôm, các con còn khát khao một lần trong đời được gọi ba mẹ.

Điều may mắn cho bọn trẻ là dù như thế nào, dù hoàn cảnh ra sao, thì khi về với vòng tay của má Mười, bọn trẻ đều được má xem như máu mủ của mình. Má lấy họ Trần của mình làm khai sinh cho trẻ. Với con trai, má lót chữ Thiện, con gái má lót chữ Duyên: “Nghèo mấy thì nghèo, khó mấy thì khó, con má đứa nào đủ tuổi đến trường má đều cho đi học. Đứa nào chịu học, mà cho học đến nơi đến chốn. Chỉ có con chữ mới cứu được đời tăm tối của bọn trẻ mà thôi”.

Đã gần tuổi 80, má Mười vẫn ngày ngày tất bật với đàn con nhỏ. Nói chuyện mong ước ngày mai, má Mười chẳng mong cầu gì cho riêng mình. Má chỉ ước mong tìm được người tâm đức để tiếp tục hành trình của mình. Má mong mỏi đến cháy bỏng, rằng những người được gọi là đấng sinh thành, đừng bao giờ đoạn đành mang con đi vứt bỏ: “Làm như vậy, các bà mẹ có biết đâu đã gieo vào lòng đứa trẻ nỗi đớn đau chẳng thể nào gột rửa. Nhiều đứa con của má lớn lên trong oán hờn và mặc cảm, tự sống cô lập, tự hành hạ đời mình. Nỗi đau chẳng biết đến khi nào mới chấm dứt!”.

N.T.Dũng
.
.