Ở trọ chốn phồn hoa

Thứ Ba, 26/10/2010, 05:25
Họ, là những nông dân miền Tây nghèo, không ruộng đất, không nghề nghiệp ổn định. Họ ly hương từ vùng An Giang, đi mải miết đến TP HCM thì dừng lại, lập làng làm nghề chạy dây để mưu sinh. Làng mới của họ được dựng trên khu đất hoang của chủ thuê, những cái lán trại trống hơ trống hoác cũng là do chủ dựng giúp… Họ chẳng có gì cả ở thành phố xa hoa bậc nhất nước ta này. Cái nghèo cứ trúc trắc bám theo họ từ miệt sông nước lên tận nơi đô hội này…

1. Làng nằm trong khu vực vắng người thuộc khu Vĩnh Lộc (quận Bình Tân). Vài mươi nóc nhà được lợp và quây lại bằng tôn, không cửa nẻo. Hôm chúng tôi đến làng để thực hiện phóng sự này, thành phố như cái áo thun đang ướt sũng nước vì nhiều trận mưa liên tiếp kéo dài tới gần 2 tuần liền. Trên mảnh đất cỏ dại lắm sình lầy này, gần trăm con người đang miệt mài với phần việc của mình. Sự hắt hiu được cảm nhận ngay khi đặt bước chân đầu tiên đến nơi đây.

Công việc chính của những người ở làng chạy dây là bện những sợi dây tơ nhỏ thành một sợi dây dài, chắc chắn. Những sợi dây làm từ tơ này có thể được dùng để cột mũi bò, cột thuyền bè, dây viền của lưới để đánh cá lớn... Chính vì vậy, trong căn chòi của từng gia đình ở làng, luôn có hàng đống ống dây tơ lớn, người ta nhẩm tính là mỗi ống dây như vậy dài trên 3.000m, để chạy được 1 ống dây cần mất khoảng thời gian từ sáng đến chiều. Bình quân mỗi người làm việc từ 4h sáng đến 18h (nghỉ trưa 1 tiếng) thì có thu nhập khoảng 70 nghìn/ngày. Ngày nào mưa gió thất thường thì buộc phải nghỉ, vì tơ mỏng, không cho phép người ta chạy giữa lúc thời tiết ẩm ướt.

Tôi ngồi trò chuyện với ông Nguyễn Văn Cưng (49 tuổi), ông Cưng là người được cả trăm con người nơi đây, không bình bầu mà nghiễm nhiên thừa nhận là trưởng làng. Người đàn ông gần 50 này có ngoại hình già hơn số tuổi mình đang sở hữu, khuôn mặt đầy nếp nhăn, tướng người khắc khổ, nói chuyện rặt chất miền Tây. Ông bảo, đa phần dân ở đây đều dạt từ miệt Nhơn Hồng, An Phú, An Giang lên đây làm thuê. Có vài người ở vùng ven Cần Thơ lên cùng chung sống.

Làng thành lập đã được 5 năm, có nhiều người đến, nhiều người đi. Ít người trụ lại làng lâu như ông, vì đơn giản, họ từ miền Tây lên đây... tránh nghèo, nhưng cái số nghèo ấy vẫn cứ dai dẳng bám theo họ như căn bệnh đau khớp kinh niên của người già miệt sông nước.

Ông nói rằng, bà con sinh sống ở đây, họ đều không có ruộng ở quê. Như là cái chuỗi đã được luật định, cha mẹ làm thuê kiếm cơm qua ngày, thì con cái sinh ra gần như là sẽ... lặp lại quy trình làm thuê ấy. Người thì cắt lúa mướn, người nuôi vịt chạy đồng thuê...  Ngày kiếm được dăm mươi nghìn, không đủ tiền mua gạo. Không còn cách nào khác, họ truyền tai nhau chuyện "có làng đan dây ở Sài Gòn, toàn là người quê mình" rồi lại dắt díu nhau lên đây.

"Chạy dây không khó đâu. Người chẳng biết gì học một tuần là có thể thành thợ. Chỉ có điều dây tơ mỏng, không biết cách chạy thì sẽ bị rối, đứt tơ... nên nhất thiết tính người phải điềm đạm, nóng quá thì hỏng việc. Có vậy thôi", ông Cưng trả lời câu hỏi "Nghề này có khó không ạ?" của tôi.

Toàn bộ đồ nghề của họ là cái máy suốt tơ, ở đây người ta gọi là đầu xuồng, có giá khoảng 400 nghìn. Cộng với cái máy chạy dây giá khoảng 2 triệu của chủ cung cấp. Trước đây, chủ bao luôn chuyện mua máy suốt tơ, nhưng về sau, một số người thấy máy không phải là của mình, nên mỗi khi sắp về quê kiếm việc khác, họ xài như phá. Chủ buồn, nên ra quy định là ai muốn vào làng chạy dây thì tự bỏ tiền ra mua máy suốt tơ, chủ không chịu khoản đó.

Một góc làng chạy dây.

Nhẩm tính, với một hộ gia đình khoảng 4 người làm chạy dây, ngày thời tiết thuận lợi họ kiếm hơn 250 nghìn/ngày. Tằn tiện hết sức, thì cuối năm cũng dư được hơn triệu để về quê. Vì ở thành phố này, cái gì mà không mắc. Bước ra khỏi cửa đồng nghĩa với chuyện chuẩn bị xài tiền. Thế nên, người ở cái làng nghèo khó ấy, chẳng mấy khi họ bước ra khỏi khu đất được chủ thuê để chạy dây này. Có vài cậu thanh niên tôi gặp, đang ở lứa tuổi "gặp gái xinh thì nhìn tít mắt" lên đây đã gần 3 tháng, nhưng chưa từng đặt chân ra khỏi làng, vào quán kế bên uống một ly cà phê nhìn người qua lại. Cái nghèo khó làm họ ngại phải xài tiền... Mà ở đây, cũng ít có tiền mặt được lưu thông.

Chắt chiu mãi, có hộ mua được cái xe gắn máy Trung Quốc, mà nói theo cách của họ là "để dành đi mần công chuyện", cái tivi màu cũ mèm để coi cải lương... Còn lại, của "gia bảo" của mỗi gia đình là... cuốn sổ "cuối tháng tính một lần".

2. Không thường xuyên có tiền, mỗi hộ tại làng chạy dây được những chủ quán bán tạp hóa, bán gạo, bán linh tinh... trong khu vực phát cho cuốn sổ con con. Họ giữ một cuốn, chủ quán giữ một cuốn. Muốn mua 1kg gạo, cầm sổ chạy ra, chủ quầy bán gạo ghi vô sổ "1 ký gạo... giá.." vậy là hoàn tất một cuộc "giao dịch". Cuối tháng, lãnh tiền công chạy dây ra quán thanh toán một lần.

Vài đứa trẻ trong xóm mỗi lần muốn mua cây kem hay gói snack làm quà ăn vặt, cũng lấy cuốn sổ con con ấy, chạy ra tiệm để ghi nợ và cầm quà chạy về.

Trên bãi đất gần nhà, tôi để ý thấy họ trồng một ít rau muống, nuôi vài con gà, một đàn vịt con như cách để "tăng gia". Cái gốc quê bỗng dưng hiển hiện ở phố đến kỳ lạ. Hiển hiện thật, không hào nhoáng xa lạ như những căn nhà quê "giả cổ" đang là mốt của những tỉ phú Việt Nam.

Anh Trần Hồng Lạc (33 tuổi) cũng dân miệt An Giang. Ngồi hút thuốc lá vặt, pha cà phê nhiều đường ngọt lừ mời tôi uống rồi nói: "Ở dưới nghèo quá, hai vợ chồng toàn làm thuê. Tính mùa nước nổi này cố gắng làm kiếm ít tiền dành dụm, mà mùa nước này nước về chậm quá, nên đành lên đây làm kiếm cơm thôi". Vợ chồng anh dắt díu nhau lên đây đã hơn 3 tháng, có cậu nhóc đang học lớp 6 gửi ở quê nhờ ông bà nội ngoại coi giúp. Lâu lâu, đón xe cho cậu lên thành phố thăm bố mẹ một lần. Anh Lạc kể rằng, mùa nước nổi những năm trước, mỗi ngày anh lưới cá cũng kiếm được hơn 100 ngàn. Giờ thì thay vì lưới cá, đành phải chạy dây.

"Mần thuê ở quê, chẳng hạn như đi cắt lúa mướn. Mỗi năm mình có được khoảng 2 tấn lúa. Nhưng mà cái gì cũng tính bằng lúa, giỗ quẩy, ma chay, hiếu hỷ cũng tính bằng lúa. Hết mùa lúa, nhìn lại mình cũng... hết cái ăn. Ở đây chạy dây, nghèo thì cũng nghèo rồi, mình chỉ cầu sao cho ngày nào cũng có việc, chủ bán được hàng nhiều, trời không mưa gió là may cho mình lắm rồi", anh Lạc tán chuyện.

Sát cái chõng tre tôi đang ngồi nói chuyện cùng ông Cưng và anh Lạc là gia đình của anh Nguyễn Văn Đức. Hai vợ chồng anh Đức cùng cậu con trai đã lên đây được 3 năm. Ở An Giang, hai vợ chồng anh Đức cũng làm thuê, ngày có việc ngày không. Lên đến thành phố, gia nhập làng chạy dây cũng không thoát khỏi kiếp nghèo. Anh Đức bảo: "Đủ ăn thôi, em ạ. Lâu rồi, không thấy tiền dư".

Ông Cưng ngồi tính rằng, nhẩm sơ sơ thấy hộ gia đình ở làng có thu nhập khoảng hơn 5 triệu đồng mỗi tháng nếu có việc đều sẽ tưởng nhiều lắm. Nhưng, cuối tháng lãnh tiền công, vội cầm sổ mang ra quán thanh toán thì những khoản tiền lặt vặt, như: gạo, muối, mắm, thức ăn cũng đã chiếm tròm trèm con số đó. Tháng nào nhà có người bệnh, là phải vay hàng xóm mỗi nhà vài ba chục nghìn để có thuốc men.

Ông bảo rằng, khoảng cách từ TP HCM về đến An Phú, An Giang không quá gần, mà cũng chẳng quá xa. Thế nên, thường mỗi năm ông về thăm nhà được mấy lần. Ông nói, bà con ở quê còn nhiều lắm. Nhưng ngại về, mỗi khi về tốn cả bạc triệu, mà đâu phải khi nào trong nhà cũng có tiền. Hiện tại đã là tháng 9 Âm lịch, nhà không dư được một cắc, nên năm nay có lẽ nhà ông sẽ ở Sài Gòn đón tết. Hai hôm trước, đến ngày cúng cơm má ông, kẹt tiền ông không về quê được, chỉ làm mâm cơm nhỏ thắp nhang như để nhớ ngày.

Theo cha mẹ di cư từ quê lên phố, những đứa trẻ ở làng có cách học cũng ngộ. Đứa lớn một chút thì được cán bộ phường đi vận động vào trường cộng đồng để học. Đứa mới vỡ lòng thì học thêm ở nhà cô giáo cho biết mặt chữ. Học mỗi tuần 3 buổi thì học phí là 100 nghìn/tháng, học suốt tuần thì 200 nghìn/tháng. Học chủ yếu là để biết mặt chữ, con tính... Không có hy vọng gì về chuyện khoa cử xa xăm.

Lang thang ở làng, tôi gặp hai anh em ruột là Tuấn và Khá. Tuấn là anh, 23 tuổi, Khá 21 tuổi. Khá có khuôn mặt già hơn Tuấn rất nhiều, cậu ở thành phố đã nhiều năm. Trước, Khá làm nghề ó keo cho một cơ sở sản xuất ở huyện Bình Chánh. Trong một lần làm việc, không may cái máy ó keo nổi chứng "ăn" đứt sát gốc 3 ngón tay trên bàn tay phải của Khá. Sau khi được chủ chạy chữa, Khá sang làng chạy dây làm việc với đồng hương. Bàn tay khiếm khuyết của Khá không cho phép Khá làm những công việc ở nhà xưởng, nơi mà theo Khá là có "thu nhập nhiều hơn bên này".

Khá lành tính, hiền khô. Tuấn cũng vậy. Gia đình ở dưới quê nghèo, ba mẹ đi làm thuê, chị gái lớn lấy chồng. Hai anh em cứ cố sức làm việc, rồi cắc củm dành dụm, dư được vài trăm nghìn lại gửi về quê. Nhưng, tháng này mưa nhiều, việc ít. Không những chẳng dư, mà hai anh em còn nợ thêm lại hàng quán ít nhiều.

3. Thật ra, làng chạy dây là tên gọi của tôi đối với những căn nhà như lán trại của những con người tha hương mưu sinh tại nơi này, để bạn đọc có thể dễ hình dung. Làng không có tên, mà sự khốn khó làm họ sống khép kín. Gần như cả một khu dân cư Vĩnh Lộc, chẳng ai biết đến sự xuất hiện của họ. Ngoại trừ những nhà kinh doanh tạp hóa bên ngoài mảnh đất họ đang trú ngụ.

Kéo dây.
Ông Nguyên Văn Cưng (phải) ngồi trò chuyện cùng anh Hồng Lạc.

Nói chuyện với họ thích lắm, bởi họ thật thà, chân chất. Những con người miền Tây, bao giờ cũng phóng khoáng, tính giản đơn. Với họ, việc lên thành phố cũng bình thường như khi ở quê đi cắt lúa mướn. Vì có gì đâu, mang tiếng  là ở phố, nhưng họ chẳng biết gì ngoài khu vực làng của mình. Ngay cả "già làng" Cưng cũng nói với tôi rằng, "Giờ mày mà quẳng chú ở xa nơi này một chút, là chú lạc liền. Xa nơi này chút thôi, chẳng cần ra tới ngoài Sài Gòn làm gì đâu. Mình lên đây nhiều năm rồi, toàn đi quanh quẩn từ chợ về nhà, từ nhà ra chợ. Cũng có biết gì đâu".

Niềm vui duy nhất của cả xóm tụ lại bên cái tivi suốt ngày đặt kênh phát sóng các đài truyền hình thuộc khu vực miền Tây của gia đình ông Cưng. Những bộ phim dài lê thê của Hàn Quốc, Hồng Công... được các đài truyền hình phát ra rả suốt cả ngày, vào những lúc mưa là màn giải khuây của cả xóm. Mà chủ thuê họ cũng tốt, tiền điện chủ cũng trả giúp mỗi tháng.

Trưa, tôi xin phép về để họ còn nghỉ ngơi, chuẩn bị cho công việc buổi chiều. Ai cũng có vẻ luyến tiếc, họ nói hôm nào đi đâu rảnh, cứ ghé chơi cho vui chứ ở trong làng, nhìn những khuôn mặt cũ hoài cũng... dễ buồn. Trên đường băng qua bãi đất lắm cỏ hoang để ra đường nhựa, bỗng dưng gặp cây trâm. Loại cây bẵng hơn 15 năm không nhìn thấy, từ khi lên thành phố học rồi đi làm thì lại càng biệt dạng. Bỗng dưng nhớ da diết câu đồng dao quê "Trời mưa lâm râm, cây trâm có trái, con gái có chồng...".

Ngoái nhìn phía trong làng chạy dây, những mái nhà tạm lúp xúp chạy dọc dài mắt với những con người ly hương mưu sinh. Cứ ám ảnh về nụ cười chân chất của họ, nụ cười giúp họ bước qua được những ngày khốn khó

Ngô Nguyệt Hữu
.
.