Ông nhà báo Nhật Bản và những lần trở lại Việt Nam

Thứ Sáu, 30/01/2009, 10:15
Hơn 10 năm qua, số tiền và hiện vật mà ông bà Hajime Kitamura cùng các bạn người Nhật của mình làm từ thiện giúp đỡ trẻ em khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam và những người có hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam là trên 300.000 USD, số tiền chưa phải là nhiều, nhưng tấm lòng của họ thì không thể đong đếm được.

Cách đây hai năm, tôi được nữ nhà báo Cao Tân Hòa, nguyên phóng viên Thông tấn xã Giải phóng Khu V, mời dự buổi tiếp vợ chồng nhà báo Nhật Bản Hajime Kitamura nhân một chuyến ông bà trở lại Việt Nam.

Ông Hajime Kitamura, nguyên là Trưởng văn phòng đại diện Hãng Truyền hình ASHAHI, Nhật Bản tại Hà Nội từ năm 1994 đến năm 1997, một người bạn thân thiết của nhiều gia đình Việt Nam. Sang Việt Nam lần này, ngoài công việc từ hơn 10 năm nay là giúp đỡ trẻ em và nạn nhân chất độc da cam, ông muốn tìm gặp nhà báo Cao Tân Hòa để tặng bà một tờ báo của Nhật đã có bài viết về bà. 

Bà Cao Tân Hòa là một trong số những nữ phóng viên từng tốt nghiệp đại học ở miền Bắc, sau đó xung phong vào chiến trường miền Nam, như Hoàng Tuyết Trinh, Triệu Thị Thùy, Lê Kim Thoa, Nguyễn Phương Thảo… và nhiều phóng viên nữ khác của Thông tấn xã Việt Nam. Năm 2001, bà Christire Martin, Chủ nhiệm Khoa Báo chí Trường đại học Tây Virginia, Mỹ, và bà Maryane Reed, Phó giáo sư báo chí của trường này sang Việt Nam gặp các nữ phóng viên nói trên của Việt Nam để tìm hiểu thông tin, phục vụ việc làm phim và viết giáo trình về các nữ nhà báo của cả hai phía trong chiến tranh Việt Nam.

Trở về Mỹ, hai bà đã viết bài, đăng ảnh, trả lời phỏng vấn của truyền hình về cuộc gặp các nữ phóng viên chiến trường của Việt Nam. Sau đó, một số nhà báo nước ngoài, trong đó có nhà báo Nhật Bản đã gặp bà Cao Tân Hòa và các nữ nhà báo khác viết bài về họ. Ông Hajime Kitamura cũng muốn nhân dịp này hỏi chuyện bà Hòa về hoạt động của những nữ nhà báo "Việt Cộng" trong chiến tranh chống Mỹ trên chiến trường miền Nam trước đây, bổ sung tài liệu chuẩn bị xuất bản cuốn sách thứ ba của ông về Việt Nam.  

Bài viết về nữ nhà báo Cao Tân Hòa trên báo Nhật.

Sau cuộc gặp đầu tiên ấy, nhờ sự giúp đỡ của anh Lê Đức Thanh, cán bộ của Trung tâm Báo chí, Bộ Ngoại giao, người từng nhiều năm làm việc ở Văn phòng đại diện Hãng Truyền hình ASHAHI, Nhật Bản tại Hà Nội, tôi được biết ông bà Hajime Kitamura là một trong hàng nghìn, hàng vạn người dân Nhật Bản lâu nay luôn nặng lòng với Việt Nam.

Ông Hajime Kitamura sinh năm 1941 tại  thành  phố Osaka, Nhật Bản. Năm 1964, sau khi tốt nghiệp Trường đại học Kikon, ông vào làm việc cho Hãng Truyền hình ASHAHI. Từ  năm 1977 đến năm 1989, ông sang làm việc cho Hãng BBC của Anh. Năm 1989, ông quay lại làm việc cho ASHAHI, sau đó được hãng cử phụ trách Văn phòng đại diện của Hãng tại Bangkok, Thái Lan tới năm 1994. 

Năm 1991, từ Bangkok, lần đầu tiên ông Hajime Kitamura đặt chân đến Việt Nam. Thời kỳ đó, Việt Nam và Trung Quốc vừa bắt đầu bình thường hóa quan hệ ngoại giao trở lại, Việt Nam trở thành tiêu điểm tin tức của báo chí, truyền hình Nhật Bản. Ông là một trong số ít phóng viên nước ngoài hồi ấy đã được lên vùng biên giới quay phim về cuộc sống của người dân nơi đây sau hơn 10 năm chiến tranh.

Những thước phim ông quay về cảnh tiếp tục rà phá mìn dọc biên giới, cảnh cuộc sống hồi sinh trở lại ở thị xã Lạng Sơn… đã đem đến cho người xem truyền hình Nhật Bản cái nhìn thiện cảm đối với nhân dân và đất nước Việt Nam đang đổi mới. Cũng chính năm đó, ông là người được Hãng Truyền hình ASHAHI giao cho việc thăm dò và đàm phán để xin lập Văn phòng đại diện của Hãng ở Hà Nội. Năm 1992, Hãng Truyền hình ASHAHI được phép mở Văn phòng đại diện tại Hà Nội. Năm 1994, ông Hajime Kitamura được cử làm Trưởng Văn phòng của Hãng tại Việt Nam.

Thời gian làm việc ở Việt Nam, ông Hajime Kitamura khám phá thêm nhiều điều về đất nước và con người Việt Nam. Đó cũng chính là thời gian ông tự khám phá mình, bồi đắp tình cảm đối với Việt Nam ngày càng sâu đậm. Ông đã đi nhiều nơi, gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người dân Việt Nam là nạn nhân chiến tranh, bị mất mát, thiệt thòi trong cuộc sống, nhất là trẻ em và những nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam.

Vợ chồng ông Kitamura và vợ chồng nhà báo Cao Tân Hòa.

Ngay từ những ngày còn làm Trưởng Văn phòng Hãng Truyền hình ASHAHI tại Hà Nội, ông đã cùng bạn bè Nhật Bản tìm đến Làng Hòa Bình, các trung tâm nuôi dưỡng trẻ em tàn tật và trẻ em nhiễm chất độc da cam ở Hà Nội, Thanh Hóa, Hà Tây, Bắc Giang, Thái Bình, Phú Thọ… để tìm cách giúp đỡ họ.

Ông đứng ra vận động việc quyên góp tiền để mua xe lăn, máy trợ thính, máy vi tính… gửi cho các trung tâm này. Ông cùng bạn bè Nhật Bản giúp Làng Hòa Bình ở Hà Nội làm "bể bơi lý liệu pháp", kết hợp bơi lội với chữa bệnh; mời cả chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn dạy âm nhạc kết hợp tập vật lý trị liệu cho các cháu.

Năm 1997, sau khi kết thúc nhiệm kỳ công tác ở Việt Nam, ông Hajime Kitamura được cử sang phụ trách Văn phòng đại diện của Hãng Truyền hình ASHAHI tại Sydney, Australia. Năm 2001, ông nghỉ hưu. Ông là nghiên cứu sinh danh dự của Trường đại học Tây Sydney, hiện  là nhà báo tự do, tiếp tục các công việc làm từ thiện để giúp đỡ trẻ em tàn tật và nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam.

Ông là một trong những người sáng lập tổ chức từ thiện giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, đặc biệt là trẻ em, của tỉnh SHIZUOKA quê hương ông. Từ năm 1995, ông đã vận động và hàng năm đều giúp đưa nhiều bạn bè của ông từ Nhật Bản sang Việt Nam, đến các cơ sở  nuôi trẻ em khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam để giúp đỡ các em, các cháu.

Những người trong Hội từ thiện SHIZUOKA phần đông là giáo viên, công nhân, viên chức, một số là các ông bà già đã về hưu và có cả các cháu học sinh. Thu nhập của họ không cao nhưng năm nào họ cũng dành tiền để giúp đỡ trẻ em khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Nhiều người, trong các chuyến sang Việt Nam làm từ thiện, trước khi về đã mua cà phê, chè, đồ thủ công mỹ nghệ của Việt Nam mang theo, về nước bán để có thêm tiền góp vào quỹ từ thiện. Họ chính là hạt nhân của nhiều tổ chức ở Nhật Bản trong nhiều năm nay liên tục ủng hộ Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam kiện đòi các công ty hóa chất Mỹ phải bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân.

Từ năm 2001, sau khi về hưu và sinh sống tại Australia, năm nào ông Hajime Kitamura cũng cùng vợ sang Việt Nam một, hai lần, để làm từ thiện và tiếp tục tìm kiếm, thu thập tài liệu về hậu quả chiến tranh Việt Nam, nhất là về các nạn nhân chất độc da cam để viết sách về Việt Nam. Những khi ông không có mặt ở Việt Nam, ông nhờ anh Lê Đức Thanh và các bạn Việt Nam giúp ông làm các công việc từ thiện.

Ông Hajime Kitamura là tác giả của nhiều tác phẩm báo chí và  truyền hình có tiếng ở Nhật Bản và các nước trong khu vực Đông Nam Á, như các chương trình truyền hình: Căn bệnh sau 20 năm chiến tranh Việt Nam kết thúc; Cuộc chiến Campuchia; Bầu cử tổng thống ở Hàn Quốc; Sự đổ vỡ của thể chế Shuharto, Indonesia; Con sóng thần Papuanyaginia (nói về con sóng thần xảy ra tại quốc đảo Papua ở Thái Bình Dương năm 1989)...

Ông đã viết 2 cuốn sách về Việt Nam và cuối năm nay sẽ xuất bản cuốn sách thứ ba cũng về Việt Nam. Một trong hai cuốn sách của ông về Việt Nam có tên: "Buộc tội chiến tranh hóa học của Mỹ", dày 397 trang, xuất bản lần đầu tháng 8/2005, lên án sự tàn ác của chiến tranh hóa học của Mỹ đối với con người và môi trường ở Việt Nam, có tiếng vang không những ở Nhật Bản mà còn ở một số nước khác.

Hơn 10 năm qua, số tiền và hiện vật mà ông bà Hajime Kitamura cùng các bạn người Nhật của mình làm từ thiện giúp đỡ trẻ em khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam và những người có hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam là trên 300.000 USD, số tiền chưa phải là nhiều, nhưng tấm lòng của họ thì không thể đong đếm được.   

Tháng 8/2008, vợ chồng ông Hajime Kitamura trở lại Việt Nam và tôi lại có dịp được gặp ông bà. Lần trở lại Việt Nam này ông bà lên Bắc Giang, Thái Bình, Ninh Bình, Làng Hữu Nghị, Hà Nội, thăm các cháu ở các trung tâm nuôi dưỡng trẻ em tàn tật và nạn nhân chất độc da cam, nơi nhiều lần đã đến trước đây, để tổ chức những "bữa cơm liên hoan" cùng các cô, các cháu.

Vợ chồng ông cũng đến thăm, giúp đỡ một số gia đình các tỉnh nói trên có vốn mua lợn giống để chăn nuôi, xóa đói giảm nghèo. Từ mấy năm nay, theo đề xuất của anh Lê Đức Thanh, ông Hajime Kitamura đã chuyển hướng dần việc giúp đỡ các nạn nhân, chuyển từ gửi máy khiếm thính, xe lăn… sang giúp đỡ, tài trợ học bổng cho các cháu ở các trung tâm này có điều kiện học lên đại học, giúp vốn cho một số gia đình có con nhiễm chất độc da cam chăn nuôi, trồng trọt, xóa đói giảm nghèo…

Năm 2006, trong lần gặp nữ nhà báo Cao Tân Hòa và tôi, được chúng tôi kể chuyện về cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, ông Hajime Kitamura đã nhờ mua cho bằng được cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” bằng tiếng Việt, sau đó nhờ một lưu học sinh Việt Nam đang học ở Nhật dịch sang tiếng Nhật với ý định giới thiệu với bạn đọc Nhật Bản câu chuyện như cổ tích về cuốn nhật ký lưu lạc hơn 35 năm trên đất Mỹ trước khi trở về với gia đình, nhất là về tấm gương chiến đấu dũng cảm của nữ bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm.

Năm 2007, vợ chồng ông Hajime Kitamura sang Việt Nam, đến tận Quảng Ngãi, về Đức Phổ thăm Bệnh xá Đặng Thùy Trâm, ra Hà Nội gặp gia đình liệt sĩ để xin in cuốn nhật ký của chị đã được dịch sang tiếng Nhật.

Rất tiếc vì lý do bản quyền, do đã có người nhận dịch và in cuốn sách bằng tiếng Nhật trước đó nên đề nghị của ông Hajime Kitamura không thành. Gặp ông lần này, tôi thấy ông Hajime Kitamura không hề tiếc công sức, tiền bạc mình đã bỏ ra khi lo dịch cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” mà không được in, trái lại ông rất vui vì thấy cuốn sách gần đây đã được dịch, in và phát hành tại Nhật. Ông nói với tôi, miễn là có nhiều người ở Nhật đọc được cuốn nhật ký của bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm là vui rồi!

Từ Việt Nam trở lại Australia, nơi ông bà Hajime Kitamura đang định cư, ông gửi e-mail và gửi ảnh cho tôi, hy vọng một ngày gần đây sẽ gặp lại tôi tại Hà Nội. Mới đây, qua anh Lê Đức Thanh tôi được biết, từ mấy năm nay vợ chồng ông Hajime Kitamura có nguyện vọng  là được sống ở Việt Nam. Ông đang tìm hiểu thủ tục để có thể xin Nhà nước Việt Nam cho phép gia đình ông sinh sống lâu dài ở mảnh đất này. Mong rằng ý nguyện của ông bà Hajime Kitamura sớm được thực hiện

.
.