Phận người “hấp” mình trong lò cá

Thứ Năm, 21/09/2017, 07:45
Nghề hấp cá không nguy hiểm nhưng không phải ai cũng có thể làm được. Muốn làm nghề này phải ngửi được mùi tanh và chấp nhận bị “ướp” mùi cá vào người, bản thân bị biến thành “chợ cá di động”. Đằng sau cái nghề đặc biệt ấy là những niềm vui nỗi buồn mà chỉ có người trong nghề mới hiểu thấu...

Kiếm tiền nhờ cái... mũi

Hơn 1 giờ sáng, khi thành phố đang chìm trong giấc ngủ thì ở một góc nhỏ phía đông, cạnh cảng cá Quy Nhơn (phường Hải Cảng, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) không khí lại nhộn nhịp, tấp nập. Dưới ánh đèn vàng vọt, tàu thuyền lần lượt cập bờ, mang về những mẻ cá tôm nặng trĩu. Trên bờ, người xe tấp nập vận chuyển những mẻ cá lớn, mang theo cái mùi tanh nồng đặc trưng, người xa lạ lần đầu đến đây chỉ cần thoáng ngửi qua thôi cũng đủ “giã từ” cơn buồn ngủ. Những người làm nghề hấp cá thì đã quen. Họ là những người sống cùng, ăn cùng, ngủ cùng và “hôi cùng” với mùi tanh của cá tôm.

Mấy chục năm trôi qua, dù nắng hay mưa, sâu trong những ngóc ngách nằm cạnh cảng cá Quy Nhơn, những lò hấp cá vẫn âm thầm đỏ lửa. Tại đây, những người mưu sinh với nghề này chăm chỉ làm việc để kịp cho ra những mẻ cá, mẻ mực hấp ngon lành rồi được xếp lên xe tải. Những chuyến xe ấy sẽ tỏa đi các chợ trong tỉnh Bình Định và cả khu vực Tây Nguyên.

Từ 1 giờ sáng, những lò hấp cá đã bắt đầu đỏ lửa.

Lò hấp cá của bà Nguyễn Thị Chua (63 tuổi) nằm sâu trong con hẻm nhỏ. Từ ngoài đi vào men theo con hẻm, tôi như bị cái mùi tanh của cá mực dội ngược ra, xộc thẳng lên mũi, đẩy thẳng lên tới não. Mùi tanh càng nặng dần theo từng bước chân. Càng tới gần lò hấp, mùi càng đậm đặc, không khí nặng trịch.

Lò hấp rộng chừng 30m2, chứa chật ních nào là cá cơm, cá nục, cá ngừ sọc dưa, mực... rồi những nồi hấp to đùng được đặt trên những bếp lửa đang cháy ngùn ngụt. Mùi tanh cá quyện với mùi khói bếp tạo nên thứ mùi đặc quánh, lởn vởn giữa không gian dồn nén, thách thức sức chịu đựng của bất cứ ai lần đầu đặt chân đến.

Mặc cho người lạ chống chọi với mùi tanh đang “tấn công” vào khí quản, từng phút từng giây xâm chiếm cơ thể, những người thợ cả nam lẫn nữ vẫn chăm chỉ lao động, làm việc một cách hết sức tự nhiên. Ngồi giữa những kết cá, sọt mực la liệt, những người phụ nữ vừa thoăn thoắt đôi tay vừa pha trò cười đùa như không để ý gì đến mùi tanh hôi xung quanh. Gần đó, người đàn ông đứng bên lò, vừa canh chừng ngọn lửa, vừa loay hoay đưa cá vào, vớt cá ra, cả thân người ướt đẫm mồ hôi nhưng thỉnh thoảng vẫn góp một câu bông đùa.

Thấy tôi vào lò đã được một hồi, mặt nhăn mày nhó nhưng vẫn chưa tháo chạy ra ngoài, một người phụ nữ lớn tuổi không khỏi lạ lẫm, hỏi: “Chú không thấy hôi à?”. Tôi chỉ cười. Người phụ nữ ấy bảo, mới đầu vào làm ai cũng khó chịu, ngửi cái mùi mà buồn nôn, nước mắt nước mũi chảy ròng ròng, nhưng ngửi riết rồi quen...

Là thợ hấp cá trước khi làm chủ lò, bà Chua thấu hiểu nghề hơn ai hết. “Làm cái nghề này không nhọc nhằn gì mấy, nhưng phải giỏi chịu đựng mùi tanh. Kiếm tiền nhờ cái mũi chứ không phải cái tay là vậy. Trước giờ, cứ thỉnh thoảng lại có người xin vào làm, nhưng được vài hôm là bỏ vì không chịu được mùi. Thành ra lò thường có người đến xin việc nhưng vẫn cứ thiếu người. Nghề chọn người chứ người không chọn được nghề”, bà chủ lò vui vẻ tâm sự.

Không gian chật hẹp ở lò hấp cá.

Những mảnh đời “lấy nghề làm chồng”

Trong gian nhà mấy chục mét vuông, chỉ toàn cá với mực, những người phụ nữ như lọt thỏm giữa các rổ hải sản bày la liệt. Khói lò lửa nghi ngút, cuồn cuộn bốc lên gặp mái nhà lại dội xuống, trộn vào mùi cá tạo nên thứ mùi cực kỳ khó ngửi. Làm việc giữa không gian ấy, họ như bị “ướp” mùi cá biển không phải ngày một ngày hai mà là quanh năm suốt tháng, như bám chặt vào những kiếp đời. Giữa những lò cá tanh hôi và nóng bức, những người phụ nữ hấp cá mà chẳng khác gì như đang tự “hấp” đời mình.

Ở khu vực cảng cá Quy Nhơn, có hơn 10 lò hấp thì cũng có ngần ấy những mảnh đời phụ nữ không chồng. Đời người phụ nữ hấp cá chuyện buồn nhiều hơn chuyện vui là như vậy. Khi nào người cũng bốc mùi tanh, trai nào thèm ngó? Bà Võ Thị Mạnh nay đã ngoài 60 tuổi, làm nghề này đã hơn 40 năm. Hồi trẻ, bà là một cô gái đẹp người đẹp nết nhưng đã theo cái nghề này nên ở vậy cho đến giờ. Dưới bà còn 4 người em gái đều trên 50 tuổi những cũng chỉ ở vậy làm nghề hấp cá chứ không lấy chồng.

Từ mấy chục năm trước, người mẹ mất sớm trong lần sinh con, bà Mạnh là chị cả phải phụ cha chăm lo cho 8 đứa em nheo nhóc. Ban đầu chỉ mình bà làm nghề hấp cá, sau đó bà dắt díu đàn em vào làm, cứ anh chị lớn đi làm lo cho các em nhỏ. Gánh nặng đè trĩu trên vai, bà với 4 người em gái lớn làm quần quật mà quên cả hạnh phúc bản thân. Cho đến bây giờ, 5 chị em bà vẫn chung sống với nhau bằng nghề hấp cá.

“Tôi cũng muốn lấy chồng, cũng muốn có riêng mái ấm gia đình, nhưng mải lo cho các em, đâu có nghĩ cho bản thân được nhiều. Mà thôi, cũng là cái số. Hết bấu víu vào cái lò hấp được thì nhờ em, nhờ cháu vậy”, bà Mạnh trút bầu tâm sự.

Sự cần cù chịu thương chịu khó của bà Mạnh có lẽ đã được đền đáp khi những người em út của bà dù sớm mồ côi mẹ nhưng sau này có cuộc sống ổn định. Dù bản thân chịu thiệt thòi nhưng bà đã hoàn thành được tâm nguyện của cha mẹ, làm tròn trách nhiệm của một người chị cả. Bây giờ, trong những năm tháng tuổi già, 5 chị em bà làm việc vừa là để lo thân, vừa là tìm niềm vui tuổi già.

Bà Võ Thị Phụng (53 tuổi) sinh ra trong gia đình nghèo có 3 chị em. bươn chải từ nhỏ. Bà đã đến với nghề hấp cá từ hồi còn xuân rồi gắn bó tới tận bây giờ. Các em của bà giờ đã con cháu đề huề, riêng bà thì vẫn sớm tối một mình. “Hồi đó tôi cứ lủi thủi làm, sáng tối quanh quẩn trong lò hấp chứ có biết yêu đương là gì đâu. Mà cũng chẳng có anh nào trêu ghẹo hay hỏi cưới gì. Cái tuổi nó đuổi xuân đi, khi nhìn lại thì đã quá lứa lỡ thì”, bà thủ thỉ.

Vì mưu sinh để lo cho các em nên bà Mạnh không lấy chồng.

Trò chuyện với những người phụ nữ này, tất cả đều xót thương khi nhắc đến bà Phạm Thị Thu Vân, nay đã ngoài 50 tuổi, đã về bên kia thế giới cách đây gần 1 năm. Người đàn bà quá cố này gắn bó với nghề khi mới 15 tuổi. Đến tuổi quá lứa lỡ thì, trong khi người chị và em trai đã có gia đình thì bà vẫn một mình lẻ bóng, hằng ngày cặm cụi với nghề và chăm sóc cho người mẹ già yếu.

Cách đây 5 năm, bà chẳng may mắc căn bệnh ung thư vú nhưng vì nghèo quá không có điều kiện chữa trị nên cứ để mặc. Hằng ngày, bà vẫn đi làm vì xa lò hấp cá ngày nào là nhớ quay quắt ngày đó.

“Hơn 35 năm làm nghề hấp cá, cái mà chị Vân có được là căn bệnh ung thư vú hành hạ. Sức khỏe cứ ngày một yếu đi nhưng chị vẫn đi làm vì bảo được nói chuyện, được làm việc với mọi người là niềm vui lớn đối với chị. Cách đây gần 1 năm, chị đã không qua khỏi, chúng tôi ai cũng xót thương. Rồi mới đây chưa đầy 3 tháng, người mẹ già của chị cũng qua đời”, bà Phụng nói giọng nghèn nghẹn.

Có lẽ, điều níu giữ bà Vân với nghề hấp cá lúc “án tử” treo lơ lửng trên đầu không chỉ là miếng cơm manh áo, mà là tình người, là sự sẻ chia giữa những mảnh đời lam lũ nơi lò hấp, nơi mà từ lâu bà xem như mái nhà thứ hai của mình.

Thương nhau thương cả cái mùi

Người cùng chung gian khó, cùng nghề hấp cá, họ thương nhau, quý nhau ở cả cái mùi. Và với một số trường hợp, chính mùi cá ám ấy lại là ông tơ bà nguyệt xe duyên cho những cặp đôi tìm được hạnh phúc. Câu chuyện của vợ chồng chị Nguyễn Thị Hiền (36 tuổi) và anh Cáp Văn Đĩnh (42 tuổi) như là một minh chứng. Chị Hiền là con gái thứ 3 trong gia đình làm nghề hấp cá. Chị theo mẹ làm nghề hấp cá từ nhỏ.

Cách đây 10 năm, anh Đĩnh hay đánh xe đến lấy cá hấp từ lò của gia đình chị đi bỏ mối các chợ xa. Nhiều lần đến lò hấp, anh thường gặp chị rồi thân thiết và bén duyên từ đó. Đến giờ, anh chị đã được 2 cháu trai kháu khỉnh.

Hằng ngày, sau khi những mẻ cá hấp chất đầy xe hàng là anh chị lại cùng nhau đi bán ở các chợ thuộc huyện Tây Sơn, nơi cách Quy Nhơn 50km. Công việc thức khuya dậy sớm khá bận rộn nhưng anh chị vẫn gắn bó, yêu thương nhau hết mực. “Nhìn chúng tôi hạnh phúc, nhiều người hay trêu nếu không có cái mùi cá nó ám, chắc gì tụi tôi đã lấy nhau. Vợ chồng cùng làm nghề nên hiểu được nỗi khổ của nghề, mới dễ dàng đến được với nhau. Tôi nghĩ, nếu thương nhau thì thương cả cái mùi...”, chị cười hiền.

Vợ chồng chị Hiền nên duyên từ lò hấp cá.

Vợ chồng anh Lê Văn Sơn (47 tuổi) cũng đến với nhau từ cái mùi tanh của cá mực. Trước kia, anh làm nghề đi bạn thuê cho các tàu đánh bắt cá trong thành phố, còn vợ anh là cô bán cá trên bến. Cùng là dân biển, cùng mưu sinh trong cái mùi tanh hải sản, anh chị thân thiết sau những lần ghe cập bến rồi duyên đến lúc nào không hay.

Từ ngày cưới chị, anh ở lại bờ, cùng nhau mở lò hấp cá. Hằng ngày, họ dậy sớm cùng nhau vượt qua những nhọc nhằn của nghề hấp cá. Trong vất vả, cái mùi cá tanh hôi kia càng làm cho anh chị gắn bó, yêu thương nhau nhiều hơn.

Bình quân mỗi ngày anh Sơn có thể kiếm được khoảng 200.000 đồng, cộng với số tiền vợ buôn bán cá ngoài chợ nên có thể lo cho 2 đứa con đang là sinh viên ở TP Hồ Chí Minh và 2 đứa con nhỏ đang học phổ thông.

“Làm nghề này cực lắm nhưng cũng tạm được. Với lại, tôi chữ nghĩa chẳng có nên chỉ biết gắn bó với nghề này thôi. Đời mình coi như xong, chủ yếu dồn hết cho mấy đứa con ăn học kiếm cái chữ. Mong sau này nó khấm khá hơn mình”, anh Sơn bộc bạch.

Khi tôi chưa kịp quen với mùi tanh nồng của cá, với những lò hấp cá nóng hừng hực, những con người lặng lẽ “ướp” cuộc đời mình bên lò hấp thì cũng là lúc mặt trời bắt đầu lên cao. Bên ngoài ánh nắng hắt vào, bên trong lò hơi nóng dội ra, cộng thêm mùi tanh nồng nặc, thế nhưng những phận người này vẫn thủ thỉ với nhau những câu chuyện vui buồn thường nhật. Khi những mẻ cá cuối cùng được đưa ra lò cũng là lúc lò hấp dần được dọn dẹp ngăn nắp, ai nấy thở phào nhẹ nhõm.

Chia tay ra về, tôi nhận ra cái mùi hăng hẳng như đã thấm vào người để rồi đau đáu về những cảnh đời mưu sinh bên những lò hấp cá này.

Ông Nguyễn Trung Kiên - Trưởng Ban quản lý chợ cá Hải Cảng bảo, những lò hấp cá ở đây, người làm đa phần là phụ nữ. Đàn ông chỉ đứng quay lò, trung bình mỗi lò 1 người đàn ông, còn phần lớn những phụ nữ cơ nhỡ, có người ở địa phương, người từ nơi khác lưu lạc về. Không thể lựa chọn được nghề nào khác nên đành gắn bó với nghề này để lấy công làm lời.

Những lò hấp cá đã tồn tại gần 50 năm, chứng kiến biết bao vui buồn, những nụ cười, giọt mồ hôi và nước mắt, cũng là nơi nương tựa, miếng cơm manh áo của gần 150 lao động trực tiếp và nhiều người gián tiếp. Họ bước vào lò hấp cá gần như ở “tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu” và gắn chặt cuộc đời mình vào những ánh lửa bập bùng.

Phan Nhuận Phin
.
.