Phép màu của tình mẫu tử

Thứ Sáu, 18/05/2012, 10:50

Có nỗi đau nào bằng nỗi đau của một người mẹ hơn 20 năm trời tần tảo buôn gánh bán bưng, một mình vò võ nuôi con ăn học thì bóng đen số phận ập đến, đứa con sắp trở thành bác sĩ bỗng dưng sa sút sức khỏe vì căn bệnh suy thận giai đoạn cuối...

Giữa lúc cùng con cuống cuồng chống chọi với bạo bệnh thì tai nạn lại ập đến. Người mẹ tội nghiệp vô tình khiến con bị bỏng nặng với chảo dầu sôi sùng sục hất thẳng vào người. Chôn chặt nỗi đau "lỡ tay hại con" khiến sinh mạng của con như chỉ mành treo chuông. Thế mà người con vốn dĩ chịu nhiều bất hạnh đang trong cảnh "một phần sinh, chín phần tử"… đã từ cõi chết trở về!

Mẹ con cùng kiên cường chống bạo bệnh

Chiều 7/5, tại khoa Bỏng Bệnh viện Chợ Rẫy, lặng nhìn đứa con trai duy nhất là Nguyễn Phương Tú, đang là bác sĩ Bệnh viện Đa khoa quận 10, nằm bất động với băng trắng phủ khắp người do bỏng nặng, cơ thể sưng vù bởi biến chứng của căn bệnh suy thận giai đoạn cuối, cô - người mẹ bị bỏ rơi, sầu giọng nói về con: "Hơn 7 năm trước, lúc đang học năm cuối đại học, sắp ra trường trở thành bác sĩ thì Tú đổ bệnh. Hôm ấy Tú đang ôn bài thì gục đổ, rồi chân Tú sưng phù, hơi thở nặng nhọc, huyết áp tăng cao. Khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu, cả nhà quặn thắt khi biết được hung tin Tú bị suy thận giai đoạn cuối".

Cô tên là Trần Thị Dung, năm nay cô 52 tuổi. Chuyện đời với cô là một chuỗi dài bi kịch chồng chất nỗi đau và nước mắt. Bị chồng bỏ rơi đi theo bóng hình khác năm con được 2 tuổi, vừa làm vợ vừa làm chồng, vừa làm mẹ vừa làm bố, để nuôi con ăn học nên người, cô-người mẹ cơ hàn đã phải chật vật buôn gánh bán bưng tần tảo, nuôi con ăn học đến khi sắp trở thành bác sĩ... thì tai ương ập đến!

Đã lướt qua lưỡi hái của tử thần, mẹ con bác sĩ Tú sẽ còn trải qua "trận đánh" cuối - ngày người mẹ kiên cường hiến thận cho con .

Chặng đường của bà mẹ nghèo nuôi con ăn học trở thành bác sĩ như cô kể ra chỉ đôi dòng ngắn ngủi nhưng đong đầy sự tảo tần và những hy sinh thầm lặng. "Cô hướng Tú vào ngành y, mong con mai này trở thành bác sĩ vì nhiều lẽ cháu à" - "Ngày cô còn nhỏ, trước nhà có ông bác sĩ rất nhân từ, thường hay giúp người nghèo trong xóm lúc ốm đau, hoạn nạn. Bố mẹ và bản thân cô ngày trước cũng từng được vị bác sĩ ấy giúp chữa bệnh, thuốc thang. Điều ấy khiến cô rất cảm kích và mong muốn Tú mai này cũng như vậy. Mà tính Tú rất lành, Tú rất thương người cơ nhỡ, nghèo khó. Lúc Tú học Y, bà con trong xóm ai đau ai bệnh Tú đều sẵn lòng giúp đỡ…".

Cũng vì điều ấy mà cô tâm sự rằng Tú là lẽ sống của đời mình, là tất cả những gì cô có, rằng cô sống vì con và làm tất cả vì con.

Nhưng chuyện đời trớ trêu làm sao. Như lời cô tâm sự, đang học năm cuối, sắp trở thành bác sĩ thì Tú đổ bệnh. Suy thận giai đoạn cuối là chứng bệnh hao tiền tốn của mà ngay cả những người giàu có cũng rất khiếp sợ, huống chi mẹ con cô!

Nhưng Tú luôn động viên cô: “Mẹ an tâm, con chưa trả hiếu được cho mẹ, con không gục ngã đâu...”.

Tú sinh năm 1982, năm nay Tú 30 tuổi nhưng trong mắt cô, Tú vẫn là thằng bé thuở nào, luôn cần được mẹ bao bọc, chở che: "Nói thật lúc biết mình bị suy thận giai đoạn cuối, em buồn chán lắm… Nhưng rồi em biết nếu mình yếu hèn, mình buông xuôi thì mẹ sẽ đau lòng lắm. Nên em tự thắp lửa cho mình rồi mọi chuyện sẽ qua. Muốn hay không thì mình cũng phải học cách chấp nhận sự thật phũ phàng và chiến đấu với bệnh tật".

Trên giường bệnh với tay chân bị băng chặt, bác sĩ Nguyễn Phương Tú lạc quan tiếp lời mẹ. Tú nói về cuộc chiến với căn bệnh "giai đoạn cuối" một cách bình thản, nhẹ tênh: "Khi ấy em được tư vấn rằng nếu áp dụng biện pháp chạy thận nhân tạo sẽ ngày cách ngày đến bệnh viện mất rất nhiều thời gian. Mà thì giờ với em rất quý bởi em còn phải tiếp tục việc học. Để dôi dư thời gian, em quyết định áp dụng biện pháp Thẩm phân khúc mạc, tự lọc thận cho mình tại nhà".

Phương pháp "lọc thận tại gia" kể ra cũng rất đơn giản, bác sĩ sẽ khoét một lỗ ở bụng, mỗi khi chạy thận, Tú chỉ việc đặt ống vào ổ bụng và tự vào thuốc. Mỗi ngày Tú tự lọc thận cho mình 4 lần, sáng, trưa, chiều và tối. Việc phải sống với ổ bụng bị chọc thủng nhiều năm trời, mỗi lần chạy thận thì phải thọc ống dẫn vào ổ bụng, một ngày thọc vào lấy ra đến 4 lần… vô cùng đau đớn. Nhưng người mẹ nghèo tâm sự: "Tú luôn cười, lại còn đùa để cô được vui “thọc riết con nghiền luôn đó mẹ!”.

Nếu nói về sức mạnh ý chí của con người, có lẽ chẳng ví dụ, minh chứng nào rõ nét hơn về cuộc chiến chống bạo bệnh của chàng bác sĩ tương lai Nguyễn Phương Tú và mẹ. Vượt qua những nỗi đau thể xác lẫn tinh thần, vừa tự lọc thận vừa tự học, rồi Tú cũng tốt nghiệp bác sĩ. Người ta học 6 năm đã ra trường, đằng này Tú mất đến 10 năm bởi "vừa học, vừa bảo lưu kết quả lại vừa chữa bệnh". Kể ra "vài bước chân nữa sẽ đến đích" của Tú và mẹ sao mà dài, sao mà gian nan quá đỗi!

Nỗi đau tiếp nối nỗi đau…

Giữa năm 2010, ngày con chính thức tốt nghiệp bác sĩ, cô Dung mừng lắm. Cô khóc rất nhiều, khóc vì hạnh phúc, vì cái ước mơ con khoác trên mình chiếc áo blue trắng thiêng liêng, có cơ hội san sẻ yêu thương với người bệnh.

Nhận được bằng, bác sĩ Nguyễn Phương Tú được Bệnh viện Đa khoa quận 10 tiếp nhận, biên chế tại Khoa Nội. Những tưởng từ đây Tú cùng người mẹ giàu nghị lực sẽ có những tháng ngày bình yên. Ai ngờ sóng gió lại một lần nữa ập đến: "Tối 26/3, trong lúc khử dầu xào hành nấu nước lèo cho gánh bún sáng mai, chảo dầu bỗng dưng bùng lửa, cô hốt hoảng, quýnh quáng kêu la. Tú khi ấy chạy đến giúp mẹ nhưng hỡi ơi, cô trong lúc hoảng loạn đã hất thẳng chảo dầu sôi sùng sục... vào người con" - người mẹ nghèo nhớ lại giây phút khủng khiếp mà mắt nhòa lệ.

Tú được đưa vào cấp cứu tại Khoa Bỏng Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng nguy kịch, phỏng độ 3, nhiễm trùng huyết, suy thận giai đoạn cuối, nhiễm trùng dịch báng, sốt hôn mê… Hơn 20 ngày con nằm mê man trong phòng chăm sóc đặc biệt, đêm nào người mẹ tội nghiệp cũng thức trắng, quay quắt, khóc cạn nước mắt và khấn cầu: "Người bình thường bị bỏng như thế chưa chắc đã qua khỏi, huống chi Tú sức khỏe yếu kém vì suy thận...”.

Ngày 20/4, sau hơn 20 ngày mê man, bác sĩ Nguyễn Phương Tú được đưa ra phòng chăm sóc đặc biệt, chính thức thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Trước khi Tú bị bỏng, vết thương nơi ổ bụng nhiễm trùng khiến Tú lắm lúc đau đớn, quằn quại chỉ muốn chết. Cô nói mà như van lơn: "Nếu không thay thận thì thời gian sống của Tú chỉ là vấn đề sớm muộn thôi, cháu ơi!".

Nhiều năm trời theo đuổi việc chạy thận, những gì dành dụm được người mẹ nghèo đều đổ vào chi phí điều trị cho con. Gánh bún nhỏ nơi vỉa hè lắm lúc không đủ để tiếp thêm máu, tiếp thêm đạm cho những lần lọc thận của con nên sau những giờ phút bám vỉa hè, cô Dung phải tất tả đi bưng bê, làm giúp việc nhà để có thêm đồng ra đồng vào… Với cô, hạnh phúc rất đỗi giản đơn: mỗi một ngày trôi qua được nhìn thấy con mạnh khỏe!

Nói về những tháng ngày cơ cực, gian nan sắp tới, ánh mắt vốn dĩ đờ đẫn vì thiếu ngủ của cô rực sáng một cách lạ thường: "Cô tính rồi, cô sẽ bán ngôi nhà nhỏ trong hẻm sâu trên đường Nguyễn Đình Chiểu mà mẹ con cô cùng một người dì tá túc trong những năm qua. Cô sẽ bán tất cả, làm tất cả để con được sống". Nếu cần cô sẽ lấy thận của mình để cho con”.

Muốn nói với cô rằng sau cơn mưa, trời sẽ lại sáng! Nhưng rồi lại nghĩ nói điều ấy với cô, có lẽ thừa. Từ ngày bác sĩ Nguyễn Phương Tú phát hiện bị suy thận giai đoạn cuối đến hôm nay, cả hai mẹ con cô với khát vọng sống, khát vọng yêu thương đã kiên cường chống chọi với định mệnh nghiệt ngã của số phận. Và tình mẫu tử thiêng liêng ấy đã làm nên những phép màu giữa đời thường 

Dũng Thành
.
.