“Phố thang” đất Hà thành

Chủ Nhật, 17/06/2007, 14:04

Đoạn phố dài khoảng 180 mét với hơn 60 hộ dân sinh sống thì cũng có chừng ấy cái thang bắc từ độ cao 3-4 mét xuống địa phận bến xe Giáp Bát. Tồn tại gần 5 năm, song dường như cái phố thang nhếch nhác, bẩn thỉu này vẫn quyết sống mãi với thủ đô".

Chúng tôi đến “phố thang” vào một ngày nắng tháng 6 “vỡ đầu”. Hơn 60 căn hộ cái nhô ra, cái thụt vào trông không khác gì hàm răng “hô” của... Thị Nở. Đã thế cái to, cái nhỏ, cái trát xi măng quét ve vàng khè, cái thì không thèm trát lộ ra hàng vữa nâu xỉn, cái thì túi nilon phất phơ, cái thì nội y của phụ nữ “tung tẩy”... nhếch nhác không thua gì những xóm ổ chuột. Mùi xú uế bốc lên nhức óc.

“Làm xiếc” rồi hãy vào nhà

Gọi là phố cho oai, chứ thực ra đây là một cái chợ cóc phục vụ mọi nhu cầu của khách đi xe. Nhìn sơ sơ có thể thấy có đến gần hai chục quán nước, mấy quán cơm, phở. Rồi thì quán chè, giải khát, nước mía... thậm chí có cả một hàng sửa chữa ôtô, xe máy, một quán lẩu bò khá hoành tráng. Dãy hàng quán “liên hoàn” thành một dải chạy suốt tường rào bờ bắc của bến xe Giáp Bát. Nơi đây là “vùng trũng” của bến xe nên bao nhiêu nước thải, rác rưởi... tập trung nhìn ô uế và rất mất vệ sinh.

Sống phía trên những cái thang là hàng trăm người dân tứ xứ, người thuê nhà để ngày ngày bắc thang trèo xuống bán quán kiếm miếng cơm manh áo, kẻ thuê nghỉ một hai ngày rồi “biến”. Chúng tôi tạt vào một quán nước mía gọi mấy cốc cho thỏa cơn khát. Bà chủ quán lếch thếch kê chiếc thang gỗ, trèo lên nhà để quay mía.

Nhấp được mấy ngụm, chúng tôi bỗng thấy một ông già chừng 60-70 tuổi hối hả đạp xe đến. Thế rồi ông dựng xe vào gốc cây, lấy chiếc xích với cái khóa to tổ bố khóa lại rồi leo lên nhà. Hỏi bà chủ quán, chúng tôi được biết đấy là ông Ngô Bá Thể, một trong 7 hộ dân mà chỉ có cách duy nhất để vào ngôi nhà của mình là trèo thang mà thôi.

Biết chúng tôi là nhà báo, ông Thể giãi bày: Gia đình ông chuyển về khu “phố thang” từ năm 1992. Thời điểm đó, bến xe mới hình thành, chưa có tường rào bao quanh, ngoài lối đi qua cổng bến xe còn có lối ra hồ Kim Đồng.

Trong khoảng thời gian từ năm 1992 đến 2001, UBND xã Thịnh Liệt (huyện Thanh Trì, nay là phường Thịnh Liệt) đã bán đất và cấp phép xây dựng cho 7 hộ khác phía mặt hồ. Vì thế, lối đi ra hồ của 7 nhà từ số 22-34 tổ 16 bị tường nhà 7 hộ kia chặn lại. Nhưng các hộ này không sai vì họ làm nhà trên nền đất được cấp phép của cơ quan chức năng. Ông Thể cùng các hộ này chỉ còn lối qua cổng bến xe.

Vậy nhưng, tháng 8/2003 lối đi này cũng bị Ban quản lý (BQL) bến xe phía Nam chặn lại bằng một bức tường cao gần 3m. Từ đó, con đường duy nhất để 7 hộ dân ra khỏi nhà là phải bắc một cái thang từ nhà mình lên tường rào, rồi lại bắc tiếp một cái từ tường rào xuống bến xe Giáp Bát.

Việc ra vào nhà mà phải qua “hai lần đò” khiến cho 7 hộ dân cực không để đâu cho hết. Họ thường nói vui: “Mỗi khi muốn ra, vào nhà mình là phải “làm xiếc” cái đã”. Mà đúng thật, leo thang tay không thì dễ, còn ai muốn leo cầu thang với một túi xách hay một nách ôm cũng phải có “nghệ thuật”, chứ không cẩn thận thì may là đồ rơi, còn rủi là... người rơi tự do xuống đất ngay chứ chẳng chơi.

Một góc "phố thang".

Cũng theo lời ông Thể, khó khăn nhất của các hộ dân ở “phố thang” là khi phải di chuyển các đồ vật nặng. Con cá, mớ rau thì có thể tự mình mang ra mang vào, thế nhưng khi mua một cái bàn, cái ghế, tivi, tủ lạnh... thì chỉ có nước hò vài ba người cùng đỡ lên. Rồi thì xe cộ, phương tiện đi lại cũng không thể ngày nào cũng vác ra vác vào được. Thế là các hộ đành phải để ngay ở chân bến xe, lấy dây xích khóa lại.

Bà Hiếu, một hộ dân ở “phố thang” cho chúng tôi biết, nhìn cái xe của mình phải phơi mưa phơi nắng giữa đường giữa chợ thế, ai mà chả xót. Nhưng cũng chẳng biết làm thế nào. Trong mấy năm qua nhà bà đã mất đến 2 chiếc xe đạp rồi. Mỗi lần đi ra đi vào bến xe, bà lại phải nộp 2.000 đồng tiền qua cổng.

Một nỗi khổ nữa, tuy là nhà của mình, thế nhưng muốn sửa sang, nâng cấp cũng không được. Một người dân ở “phố thang” bức xúc. Khi căn nhà của anh dột quá, muốn đi mua ít cát, xi măng để trát thì bị bảo vệ bến xe không cho vào. Thế là đêm đêm anh phải “đột kích” mang trộm vật liệu xây dựng vào. “Vào nhà mình mà chẳng khác nào đi ăn trộm!”.

Không có lối đi, bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài, bà Nguyễn Thị Phúc, số nhà 20 đành bán rẻ nhà cho hộ trước mặt để... ra đi. Bởi thế, từ chỗ có 8 hộ đi “kêu cứu”, giờ chỉ còn lại 7 hộ. Các hộ không bán được nhà thì đành cho thuê giá rẻ. Nay, trong số những hộ xây nhà từ năm 1992 chỉ còn duy nhất nhà ông Thể “bám trụ” lại. Còn lại, đã sang tên hay cho thuê dài hạn...

Bắc thang lên hỏi... "ông giời”

Quá bức xúc trước tình cảnh muốn ra, vào nhà mình mà cứ phải “làm xiếc” quanh năm suốt tháng, ngày 13/8/2004, ông Thể thay mặt các hộ đã có đơn gửi Ban quản lý (BQL) bến xe cùng phường “tha thiết xin đi nhờ qua cổng bến xe để duy trì đời sống cho gia đình” nhưng không được các cơ quan này chấp nhận.

Khi có 1 trong 8 hộ có ý định bán nhà, các hộ còn lại cũng đã ngồi lại để bàn kế hoạch mua lại ngôi nhà đó để làm lối đi chung. Tuy nhiên kế hoạch đã bị “phá sản” vì chủ nhà đòi giá cao quá.

Thế là cái “phố thang” nhếch nhác, bẩn thỉu cứ tồn tại gần 5 năm nay, trở thành một “điểm nóng” về trật tự an ninh và môi trường ngay trong lòng bến xe. Điều đáng nói là không chỉ có 7 hộ bị bịt mất lối đi mới phải dùng thang để ra vào nhà mình mà mấy chục hộ có nhà quay lưng vào bến xe cũng được thể “té nước theo mưa”, cũng dựng thang xuống để làm quán cơm, cho thuê trọ, mở các quán nước... góp phần gia tăng sự phức tạp.

Một thành viên của BQL bến xe cho chúng tôi biết: “Hầu như ngày nào đội bảo vệ của bến xe cũng phải đi thu thang, rồi xua đuổi những quán cóc mọc vô tội vạ. Thế nhưng khi đội đi qua, đâu lại vào đấy. BQL cũng chẳng có đủ người để suốt ngày chỉ đi làm cái công việc ấy”.

Rồi thì chuyện mua đi bán lại của các ngôi nhà của “phố thang”, việc cho thuê trọ thiếu sự quản lý của chính quyền địa phương cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất trật tự an ninh. Người dân ở đây đã tận mắt chứng kiến không ít những cuộc ẩu đả, đánh ghen... ngay trong các ngôi nhà trọ.--PageBreak--

Cũng theo BQL bến xe, sắp tới để hạn chế, tiến tới dẹp bỏ "phố thang", lãnh đạo bến xe đã có kế hoạch xây dựng kiốt “trám” vào khu “phố thang”. Đến lúc ấy thì người dân không thể bắc thang trèo qua các kiốt được. Nếu chuyện ấy xảy ra, gia đình ông Thể và 6 hộ dân khác coi như trở thành “tù giam lỏng”.

Để tìm hiểu ngọn nguồn của “phố thang”, PV ANTG đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai. Ông Lê Văn Mão, Chủ tịch UBND phường cho biết, mặt bằng của hơn 60 hộ dân đang định cư ở “phố thang” vốn trước đây (khoảng năm 1990-1991) là diện tích đất nông nghiệp của nhân dân xã Thịnh Liệt.

Khi Hợp tác xã Nông nghiệp Hoàng Hải tiến hành san lấp mặt bằng theo quyết định thu hồi đất của Nhà nước, nhiều người dân trong xã đã ra khu đất ấy “cắm dùi” để giữ đất. Những hộ dân này đã trả công san lấp mặt bằng cho Hợp tác xã Hoàng Hải bằng một diện tích đất nhất định. Hợp tác xã đã bán lại lô đất ấy cho một số hộ dân (theo thống kê lúc ấy là có 49 hộ).

Khi Bến xe phía Nam được hình thành, tất cả các hộ dân đều quay mặt vào bến xe để mở quán nước, cho thuê trọ... kinh doanh buôn bán. Đến tháng 12-1992, Thủ tướng Chính phủ và UBND TP Hà Nội có quyết định thu hồi 2,2 ha đất của xã Thịnh Liệt (trong đó có dãy nhà của 49 hộ dân này) để làm hồ điều hòa và xây chung cư. Dự tính 49 hộ dân “lấn đất” ở trên sẽ được chuyển sang một vị trí mới (gọi là “ao Cây dừa”, cách vị trí cũ cũng không xa). Theo Quyết định số 4230 của UBND TP Hà Nội thì sẽ giao hơn 2.000m2 đất để đền bù cho 49 hộ dân theo diện phải thu hồi.

Tuy nhiên, trong quá trình giải phóng mặt bằng có đơn thư của một số hộ khiếu nại về diện tích đất được đền bù. Thanh tra TP Hà Nội đã điều tra và ra kết luận số 4427 khẳng định việc chuyển 49 hộ dân sang khu vực ao Cây dừa là chưa đúng với luật pháp. Lý do là 49 hộ dân trên không thuộc diện KT1 nên không thể giao đất cho họ được. Thế nên dự án đó đã bị “treo” cho đến thời điểm này.

Và từ 49 hộ dân thời điểm đó, đến năm 2005 đã nhân thêm 75 hộ. Trong đó có 7 hộ là hoàn toàn bị “cách ly” với bên ngoài nếu không có thang. Tuy nhiên, để giải quyết 7 hộ này thì lại kéo theo phải giải quyết cả 75 hộ trên (vì đều thuộc dự án “treo”).

Cũng theo ông Mão, để giải quyết dứt điểm tình trạng “phố thang” thì lãnh đạo phường đã tư vấn cho các hộ dân 3 giải pháp.

Thứ nhất, UBND TP Hà Nội phải có quyết định công nhận 75 hộ dân thuộc tổ 16 là diện KT1, khi đó sẽ buộc các hộ dân phải ngồi lại để bàn giải pháp lối đi cho 7 hộ bị cách ly. Nếu không hòa giải được thì có thể đưa ra tòa giải quyết theo Luật Dân sự.

Thứ hai, các hộ dân tự thỏa thuận mua lấy một ngôi nhà rồi làm một ngõ chung cho các hộ.

Thứ ba, đề nghị Ban Quản lý bến xe phía Nam mở một con đường cho các hộ dân trên.

Tuy nhiên, phương án thứ nhất hiện đang bị bỏ ngỏ. Phương án thứ hai thì đã không thành công. Bởi nhiều lần ông Thể cùng một số hộ bảo nhau góp tiền mua một ngôi nhà nhưng cuối cùng không đủ tiền mua.

PV ANTG cũng đã có cuộc trao đổi với Ban Quản lý bến xe phía Nam. Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát khẳng định sự tồn tại của “phố thang” trên khu vực bến xe thực sự gây mất trật tự an ninh, đồng thời gây mất vệ sinh môi trường, là một cái gai nhức nhối. Tuy nhiên, Ban Quản lý đã không ít lần thu thang của các hộ dân, song cứ thu cái này họ lại có cái khác.

Về đề nghị của các hộ dân xin được mở một lối đi trong bến xe, ông Thành cho biết, đó không thuộc thẩm quyền của Ban Quản lý. “Nhà nước giao cho chúng tôi quản lý bến xe nên chúng tôi không thể tùy tiện cắt đất cho ai thì cắt” - ông khẳng định.

Hiện có thông tin cho rằng, nguyên nhân của sự tồn tại của phố thang là do việc chỉ giới phân định đất của bến xe và các hộ dân là không rõ ràng, việc cấp phép xây dựng của những hộ dân phía sau 7 hộ dân (bị bít mất lối đi) là không được tính toán kỹ lưỡng.

Tuy nhiên, theo nhiều người dân sống lâu năm gần phố thang thì nguyên nhân chính là do công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) không được giải quyết triệt để. Khi mà Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) triển khai dự án xây dựng nhà ở và cải tạo hồ Kim Đồng ở xã Thịnh Liệt cũng đã lên phương án đền bù, trả tiền cho 41/49 hộ dân ở khu vực phố thang bây giờ.

Do có 8 hộ chưa nhận tiền khiến cho công tác giải phóng mặt bằng bị đình lại. Không hiểu sao chính quyền xã Thịnh Liệt và chính quyền quận Hoàng Mai (khi ấy) lại không có biện pháp nào để khai thông bế tắc?!

Có thể nói công tác GPMB luôn là một trong những vấn đề nổi cộm cần giải quyết của phường Thịnh Liệt nói riêng, quận Hoàng Mai nói chung. Từ năm 1992 đến năm 2004, TP Hà Nội có 13 quyết định thu hồi đất trên địa bàn phường để thực hiện các dự án, nhưng đến nay mới chỉ có 3 dự án hoàn thành do chính sách GPMB có nhiều thay đổi. Một số dự án dân muốn thực hiện nhưng chủ đầu tư không triển khai, phường đã nhiều lần báo cáo quận nhưng tới hơn 2 năm vẫn không có câu trả lời ? Và theo chính quyền phường Thịnh Liệt thì đến thời điểm này, ngay cả UBND quận Hoàng Mai cũng khó có khả năng giải quyết dứt điểm phố thang. Chỉ có UBND TP Hà Nội mới có đủ thẩm quyền để “khai thông bế tắc”. Nhưng chính quyền TP sẽ giải quyết thế nào và bao giờ sẽ giải quyết vẫn là những “câu hỏi lớn không lời đáp”!

Minh Tiến
.
.