Phụ nữ sau tay lái

Thứ Sáu, 09/03/2018, 15:47
Đây không phải là câu chuyện phán xét tốt hay chưa tốt về kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông của chị em, có thể trong bài viết là vài điều góp ý nhẹ nhàng, cần thiết bởi nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của cá nhân người điều khiển và cộng đồng.

Cụ thể, ngay mới đây trên nhiều phương tiện thông tin và mạng xã hội Facebook đăng tải, lan truyền đoạn video ngắn về một trường đoạn vi phạm luật giao thông là một chiếc xe ô tô màu đỏ chạy ngược chiều trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Chiếc xe này đã lò dò chạy ngược chiều vài trăm mét lúc 16h25 ngày 28-2 khiến nhiều phương tiện chạy trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (tuyến đường có 3 làn đường ô tô và 1 làn đường khẩn cấp, cho phép chạy với tốc độ tối đa 120 km/h) buộc phải giảm tốc độ. Đã có một xe hơi màu đen đi đúng luật chỉ chút xíu nữa đâm trực diện với chiếc ô tô chạy ngược chiều này.

Sau khi đoạn clip vi phạm này phát tán rộng rãi như lời cảnh tỉnh về hành vi vi phạm luật giao thông nghiêm trọng này, đã có rất nhiều ý kiến bày tỏ bức xúc cho rằng hành vi của tài xế là vô cùng nguy hiểm, có thể gây ra tai nạn thảm khốc khi các phương tiện đang di chuyển với tốc độ rất cao. Nhiều người cho rằng với hành vi nêu trên, tài xế phải bị tước bằng lái xe vĩnh viễn, thậm chí là các hình phạt nặng từ có trong luật đến trong trí tưởng tượng của họ cũng được đề xuất.

Liên quan tới vụ việc, Cán bộ Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) cho biết, đã xác minh được người điều khiển chiếc xe ô tô chạy ngược chiều trên cao tốc là L.T.K.A., sinh năm 1976, sống tại Hà Nội.

Đội tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 2 (Đội 2) đã lập biên bản vi phạm hành chính với chị K.A. về hành vi điều khiển xe đi ngược chiều trên cao tốc theo Nghị định 46 với mức phạt từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng. Ngoài phạt tiền, chị còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 4 tháng đến 6 tháng. Nữ tài xế "dũng cảm" khai báo với cơ quan chức năng lý do chạy ngược chiều là do đi nhầm đường nên đã quay đầu đi ngược chiều để ra khỏi cao tốc.

Chiếc xe của chị K.A. đang được bày bán trước cửa một salon ô tô cũ.

Câu chuyện đi quá đà lối ra trên cao tốc rồi tìm cách di chuyển ngược chiều để quay lại trên cao tốc hiện đại Hà Nội - Hải Phòng thì trường hợp này không phải là lần đầu tiên xuất hiện. Trước đó cũng một tài xế (cũng lại là phụ nữ) dù ít nhiều có "ý thức" hơn khi biết nép sát xe vào làn trong cùng bên phải rồi mới đi lùi tốc độ thấp đoạn ngắn khoảng 100 mét ra lối rẽ.

"Hình phạt" đầu tiên chị K.A. đón nhận là bức ảnh chiếc xe kể trên đang được bày bán trước cửa một salon ô tô cũ. Được biết gia đình nữ tài xế đã lựa chọn cách xử lý này và được nhiều người gửi ý kiến nhiệt thành ủng hộ. 

Khi mạng xã hội phát triển, trên nhiều diễn đàn về xe hơi xuất hiện rõ nét hơn định kiến về phụ nữ và cách tham gia giao thông. Họ còn chế ra nhiều khẩu hiệu thiếu tính hài hước lẫn ý thức bình đẳng giới, ví dụ như "Bán ô tô cho phụ nữ là tội ác" "Bán xăng cho phụ nữ là tội ác"…

Là một nam giới có kinh nghiệm lái xe 20 năm, tôi có chút đồng cảm về những vấn đề phức tạp xảy ra đối với người điều khiển phương tiện trên các cao tốc mới xây dựng tại Việt Nam là rất dễ nhầm lẫn về lối rẽ nhánh. Tôi di chuyển thường xuyên phải sử dụng thiết bị dẫn đường để có thể nhận biết sớm trước đó 2 tới 5km. Đã có lần xảy ra nhầm lẫn và tôi phải di chuyển tiếp xấp xỉ 30km mới tìm ra hướng vòng trở lại.

Sự hoảng sợ, lo lắng, mù mờ về địa lý lẫn sử dụng công nghệ dẫn đường có thể khiến mọi phụ nữ dễ dàng đưa ra quyết định mạo hiểm lẫn nguy hiểm như kể trên. Xin được nhắc lại, nếu xảy ra nhầm lẫn hãy tiếp tục di chuyển đúng luật về phía trước sẽ có phương án. Hãy nhẹ nhàng coi đó như là tiết học địa lý mất chút phí xăng dầu nhưng vô cùng bổ ích.

Tôi có chút thắc mắc, lý do tại sao những diễn đàn thay vì đưa ra các bài viết hữu ích chỉ dẫn, hướng dẫn, trao đổi các kỹ năng lái xe lại là những bài viết giễu nhại cợt nhả vui đùa chị em lái xe. Theo số liệu thống kê tổng hợp của các công ty bảo hiểm hàng đầu thế giới về số vụ gây tai nạn xe hơi tính theo tỷ lệ nam/nữ riêng biệt, thì con số đàn ông gây tai nạn cao gấp 3,6 lần phụ nữ.

Ở khía cạnh cuộc sống, dù không ai giục thì phụ nữ vẫn tự nguyện đều đặn đảm đương, gánh vác quá nhiều vụn vặt việc không tên trong bếp, trong chợ, trong gia đình; ứng phó với mẹ chồng, tìm cách cười tươi tắn với em chồng và sinh nở. Khoảng thời gian đó chiếm quá lớn trong cuộc đời mỗi phụ nữ để có quỹ thời gian thênh thang luyện tập tay lái.

Chưa kể những quyết định trong đời sống mang tính chất "cơ khí" đều do đàn ông định đoạt. Nếu muốn chị em lái xe tốt, ngày mai hết 8-3, đàn ông cũng nên biết tự nguyện bế con và vào bếp nấu bữa tối thật ngon miệng trước khi sáng tác thêm "biểu ngữ" trên mạng về đàn bà lái xe, tôi nghĩ vậy. Dù sao, phụ nữ ngồi sau vô-lăng đó luôn là một hình tượng rất đẹp, mềm mại nhưng mạnh mẽ.

Đã có rất nhiều lần tôi bắt gặp những chiếc xe hơi có bày biện ngổn ngang nhiều gấu bông và mảnh giấy A4 in tràn lề, font chữ to dán phía sau kính xe "XE NỮ MỚI LÁI, MONG THÔNG CẢM". Mỗi lần như vậy, lòng chùng lại, cố gắng giữ khoảng cách xa để tránh trường hợp phanh hoặc chuyển hướng bất chợt. Dù đó chỉ là hành động nhỏ không đáng phải kể lắm, nhưng việc nhường phụ nữ và mềm mại hướng dẫn họ cách lái xe an toàn hơn thì luôn là việc đáng làm.

Để kết bài, tôi xin nhắc lại lời nói thường xuyên được phát sóng trên kênh VOV Giao thông, "Phía trước tay lái là sự sống". Và việc đi ngược chiều kể cả trên đường phố nội đô lẫn trên cao tốc, đó là hành vi vô cùng nguy hiểm cho xã hội. Nếu có việc gấp và sợ nhầm đường, có thể tìm sự trợ giúp từ người khác hoặc dự trù thời gian sớm hơn.

Minh Trí
.
.