Quản giáo khu giam tử hình - Họ là ai?
Cuộc sống của họ, cũng từ bấy gắn liền với khu giam khi mà hầu hết thời gian trong ngày họ giam mình trong một không gian kín cổng cao tường, chỉ có những dãy buồng giam dài hun hút và những nữ tù, trong đó có cả những tử tù nằm chờ chết. Lý lịch nghề nghiệp đó đã thôi thúc tôi gặp họ, chỉ nhằm đi tìm câu trả lời cho câu hỏi vì sao hai người phụ nữ này lại có thể làm việc được suốt 20 năm trong khu giam lạnh lẽo, u buồn đến thế...
1. Nơi làm việc của họ là một căn phòng nhỏ, đối diện ngay các dãy giam tử hình, chỉ cách nhau có một hành lang hẹp. Nhưng, lại có một chiếc bàn nhỏ với la liệt sổ sách, hai chiếc ghế gỗ được kê ngay trong hành lang, kề sát với cửa sắt dẫn vào buồng giam tử hình. Thì ra, cái phòng làm việc kia chỉ là nơi họp hành, giao ca hàng ngày, còn nơi làm việc chính của những người quản giáo là ở đây, ngay trong hành lang này, ở một khoảng cách không thể gần hơn nữa với những buồng giam tử hình.
Theo chân các chị từ ngoài cổng Trại Hỏa Lò vào đây, tôi để ý phải qua rất nhiều lần cửa và ở cái lần cửa cuối cùng của khu giam này thì ngay khi vừa hé ra để tôi lách người vào là lập tức đóng sập lại. Khu giam lập tức trở lại vẻ kín cổng cao tường như nó vốn có. Không có bất kỳ một cánh cửa nào được mở ra.
Hai mươi năm qua, hai người phụ nữ mảnh mai này đã làm việc ở đây, trong không gian mà bên phải, bên trái, đằng trước, đằng sau, tất tật chỗ nào cũng là song sắt. Một ngày làm việc của họ bắt đầu từ 7 giờ sáng, họ đến trại, thay quân phục cảnh sát xong là vào đây và ở riết cho đến chiều tối. Đó là làm ngày. Còn trực đêm thì cứ 3 đêm họ có 1 đêm phải ở lại trong trại, trực thông từ chiều hôm nay đến sáng hôm sau.
Nhà chị Lụa ở đường Giải Phóng, vào đến Trại cỡ phải 15 cây số. Nhà chị Hạnh ở Nhân Chính, gần hơn nhưng đối với hai người phụ nữ này, khi mà suốt cả ngày làm việc, họ hầu như giam mình trong không gian kín cổng cao tường như thế thì khoảng cách xa gần ấy trở nên ít ý nghĩa. Chị Lụa, nhiều khi còn cảm thấy sung sướng hơn chị Hạnh bởi quãng thời gian chạy xe trên đường là quãng thời gian duy nhất trong ngày họ được hòa mình với cuộc sống bình thường. Còn ở trong khu giam tử tù này, chỉ rặt là song sắt và những nữ tù, trong đó có cả những tử tù đang sống những ngày ngắn ngủi cuối cùng trước khi ra trường bắn...
Tôi hỏi, làm việc lâu thế ở đây, có khi nào các chị nghĩ đến việc chuyển nghề. Thay cho câu trả lời là cái lắc đầu kèm theo nụ cười duyên dáng của Lụa. Còn Hạnh thì bảo, thực ra đã có một lần nhưng không thành. Ấy là khi Trại giam chuyển về Hỏa Lò mới, cách trung tâm thành phố đến gần 20 cây số, Hạnh ái ngại bàn với chồng hay là chuyển công tác đến một đơn vị công an khác.
Nhưng không hiểu vì yêu nghề quản giáo hay quá yêu vợ mà chồng chị, cũng là một cán bộ công an, thay vì để chị chuyển nghề đã chấp nhận chuyển nhà từ Thanh Xuân về Dịch Vọng cho gần Trại hơn. Và, vậy là chị lại tiếp tục ở lại Trại, tiếp tục gắn bó với công việc quản giáo ở khu giam lạnh lẽo, u buồn này. Sự gắn bó, nhiều khi giống như là định mệnh...
Phút rảnh rỗi hiếm hoi của quản giáo Trịnh Thị Lụa. |
2. Học chuyên khoa Điều tra ở Trường Trung học Cảnh sát, cả Hạnh và Lụa đều không bao giờ nghĩ ra trường họ sẽ làm quản giáo. Nhưng như một sự run rủi của số phận mà đúng vào thời điểm họ ra trường, Trại Hỏa Lò đang cần quản giáo nữ. Và, họ đầu quân về đây, khi còn là Hỏa Lò cũ ở ngay Trung tâm Hà Nội, với ý nghĩ đơn giản, công tác ở đơn vị nào, làm bất cứ công việc gì cũng đều là cống hiến cho lực lượng Công an cả.
Nói vậy nhưng khi về Hỏa Lò, thực sự làm công việc của một quản giáo, cả ngày sống trong khu giam, họ mới thấu hết nỗi gian nan. Ai cũng cứ tưởng, trông coi một kho người, lại là người đã bị tạm giam, ở trong mấy lần cửa bị khóa kín như thế, có gì là khó. Nhưng nếu đó là một kho gạo vô tri vô giác thì với ngần ấy lần cửa khóa, chỉ cần người coi kho thanh liêm, làm việc có trách nhiệm thì đảm bảo, gạo sẽ không suy suyển một hạt. Song đây lại là một kho người, biết ăn, biết nói, biết suy nghĩ, biết hành động, biết vui, biết buồn thì việc trông coi sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều.
Đã có những bài học đắng cay sau những vụ phạm nhân đánh chết nhau trong buồng giam, phạm nhân phá cùm, cưa cửa đào thoát ngay cả trong những điều kiện giam giữ nghiêm ngặt nhất. Ấy là còn chưa kể, quản lý chỉ là một phần trong công việc của người quản giáo. Một phần công việc còn nặng nề hơn là phải giáo dục, cảm hóa họ, những con người lầm lỗi.
Ngày mới về làm quản giáo ở Hỏa Lò, khi mới 22 tuổi, vừa rời giảng đường, Hạnh đã từng run lên khi bước chân vào khu giam, giữa những ánh nhìn vây bủa của hàng trăm phạm nhân với đủ các gương mặt: hung hãn có, lỳ lợm có và cả đáng thương cũng có. Bây giờ sau 20 năm, cảm giác ấy vẫn còn lặp lại khi đêm đêm trong những ca đi tuần, suốt những dãy buồng giam dài hun hút, yên lặng như tờ, chỉ có tiếng gót giày khua lộc cộc và bóng mình đổ dài ở phía trước lặng lẽ theo tiếng bước chân.
Hai mươi năm làm quản giáo, cả Hạnh và Lụa đã từng quản lý giáo dục cả nghìn lượt phạm nhân, đã từng tìm hiểu, chia sẻ, cảm thông với rất nhiều số phận những người đàn bà mà cuộc sống là một chuỗi những đau đớn, lỡ lầm. Có những phạm nhân còn trẻ lắm, bị bắt vào đây, được khám sức khỏe mới biết là mình có thai. Trong những tháng ngày ăn chơi hoang tàn ở ngoài xã hội, cặp kè với đám giang hồ sống theo kiểu quần hôn, các em mang thai mà thậm chí không biết với ai. Trở thành bà mẹ đơn thân, sinh nở trong trại giam khi còn chưa biết thế nào là làm mẹ, các chị phải dạy dỗ, chăm sóc cho họ từng ly từng tí một.
Có những phạm nhân không gia đình, hoặc có cha mẹ nhưng cả hai đều ở tù cả, đi bụi từ khi còn bé, rồi sa ngã, rồi phạm tội. Vào Trại có khi cả năm trời không có ai thăm nuôi, đến khi đau ốm được quản giáo quan tâm, họ bảo rằng lần đầu tiên trong đời họ biết đến tình thương nhưng không ngờ lại ở chốn lao tù và nhận được từ những người quản giáo. --PageBreak--
3. Hai mươi năm làm quản giáo, dù thời gian và kinh nghiệm công tác đã giúp cho công việc vốn nặng nề của họ trở nên bớt gian nan hơn. Nhưng, đó là với các buồng giam chung, còn đối với các buồng giam riêng, nơi dành riêng cho các nữ tử tù thì công việc quản lý, đối với những người quản giáo vẫn rất cam go. Ở tất cả các tử tù, trong những ngày sống ngắn ngủi cuối cùng, họ luôn luôn cảm thấy bất an. Niềm tiếc đời, nỗi hãi hùng trước cái chết khiến họ trở thành những người không bình thường. Có khi thoắt vui rồi lại buồn, thoắt cười rồi lại khóc.
Tử tù nam đã vậy nhưng tử tù nữ, với bản chất yếu đuối, trong những ngày cuối cùng trước khi ra pháp trường, họ càng hoảng loạn hơn. Khi cái chết càng tới gần, họ càng trở nên yếu đuối hơn, mong manh hơn, nhạy cảm hơn. Đến mức, ngay cả những điều rất bình thường cũng trở thành linh cảm sợ hãi trong họ, rồi vì nó mà họ hoảng loạn vô cớ. Ví như, Lụa kể, thông thường, tháng nào y tế trại cũng khám sức khỏe cho tử tù. Đó là việc làm bình thường nhưng hễ cứ thấy cán bộ y tế vào buồng là họ hãi vì nghĩ rằng chắc ngày mai đi bắn nên hôm nay BS mới vào nghe tim, khám phổi...
Hay như chuyện tiếng giày của Hạnh cũng vậy. Các tử tù ở trong buồng giam, cách hành lang những 3 lần cửa nhưng họ nghe tiếng giày rất tinh. Chỉ nghe thôi, không nhìn thấy mà họ đoán chính xác được cán bộ nào đang đi tuần ngoài hành lang. Biết chị Hạnh là Đội phó Đội quản giáo nữ nên hôm nào, nhất là ban đêm, nghe tiếng giày của chị Hạnh gõ liên tiếp là trong buồng, các tử tù... run. Họ vọng ra, khắc khoải: "Hôm nay có người phải đi trả án hay sao mà cô Hạnh đi lại nhiều thế, ở đây lâu thế?". Mà thực ra thì không phải vậy, là chỉ huy đội nên đôi khi chẳng phải ca trực, chị Hạnh vẫn phải đi lại để kiểm tra công tác chốt trực của anh em thôi, có gì bất thường đâu...
Một góc trại giam Hà Nội. |
Chính những bất an, những hoảng loạn vô cớ trong những nữ tử tù đã khiến cho công tác quản lý giáo dục họ trở nên vô cùng gian nan. Những người quản giáo nữ như Hạnh, Lụa phải thường xuyên xuống buồng giam, trò chuyện, an ủi họ mỗi khi họ cảm thấy bất an, chăm sóc họ mỗi khi họ đau ốm. Như nữ tử tù Tuyết Ba ở Phú Thọ chẳng hạn. Chị ta bị tử hình về tội buôn bán ma túy nhưng suốt thời gian chờ thi hành án ở đây, nữ tù này hầu như không được gia đình thăm nuôi. Cuộc sống của chị ta, trong những ngày cuối cùng ở khu giam này hoàn toàn trông vào chế độ của trại và sự chăm sóc ân cần của những người quản giáo. Khi Tuyết Ba ra trường bắn, cứ níu lấy Trung tá Hạnh mà cảm ơn.
Hai mươi năm làm quản giáo, Trung tá Hạnh cũng như Thiếu tá Lụa đã dẫn nhiều phạm nhân ra pháp trường như thế bởi người quản giáo bao giờ cũng là người bắt buộc phải có mặt bên tử tù đến tận phút cuối cùng. Khi tiếng khóa cửa buồng giam mở ra lách cách bắt đầu cho một cuộc thi hành án thì người đầu tiên bước vào buồng giam vẫn lại là những người quản giáo, những người đã coi sóc các tử tù trong suốt thời gian họ sống nốt những ngày cuối cùng ở đây. Trong những phút cuối cùng này, câu đầu tiên mà những người quản giáo nói với tử tù bao giờ cũng là một câu động viên, an ủi: "Thôi, hôm nay đi thanh thản nhé".
Hạnh và Lụa bảo, dù họ phạm trọng tội, họ xứng đáng phải chết để đền tội nhưng cứ đưa một tử tù ra đi là trong lòng các chị cảm thấy buồn... Thế còn niềm vui, có khi nào các chị thấy vui cùng phạm nhân không, tôi hỏi. Và, Hạnh cười, nụ cười hiền hậu làm gương mặt người nữ quản giáo này bừng sáng: "Ấy là khi có ai đó trong số các tử tù được ân giảm xuống chung thân hoặc được Chủ tịch nước tha tội chết". "Suốt hai mươi năm làm quản giáo, có nhiều lần vui như thế không?". "Có chứ - Hạnh lại cười - như phạm nhân Quỳnh chẳng hạn. Cô này ném con chồng xuống sông Hồng, bị xử tử hình nhưng sau đó được ân giảm xuống chung thân vì đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Hay như phạm nhân Nguyễn Thị Hoa, người đẹp buôn ma túy ở Điện Biên cũng được ân giảm án tử hình".
Tôi bảo, tôi cũng mới gặp hai phạm nhân này trong một chuyến công tác tới Trại giam số 5 ở Yên Định, Thanh Hóa. Thấy thế, cả Thiếu tá Lụa và Trung tá Hạnh đều ríu rít hỏi thăm, nào là Hoa và Quỳnh có khỏe không, có được gia đình thăm nuôi thường xuyên không, hai cô ấy còn xinh đẹp như ngày xưa không, y như những phạm nhân này là người thân của họ, chứ không phải chỉ là phạm nhân một thời đã từng sống ở khu giam tử hình này, từng được họ quản lý giáo dục...