Quặn lòng nỗi đau vì tai nạn giao thông

Thứ Ba, 26/11/2019, 11:49
Sáng 20-11, tại khu vực cầu Hòa Mục, quận Cầu Giấy, Hà Nội, xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm một người chết, xe ô tô Mercedes và xe máy bị cháy rụi. Đó là vụ việc điển hình gần nhất, để lại hậu quả vô cùng nặng nề về người và tài sản.

Chỉ trong 10 tháng năm nay, tại Việt Nam đã có trên 6.300 người chết và 10.000 người bị thương tật suốt đời do tai nạn giao thông. Mỗi ngày khoảng hơn 20 người ra đường và vĩnh viễn không trở về nhà. Tai nạn giao thông ập đến bất ngờ, đột ngột và hậu quả về nhân mạng là không gì có thể bù đắp, nỗi đau để lại khó có thể xóa nhòa...

Khi lá vàng lặng khóc lá xanh

Ngày 10-11, trong căn nhà nhỏ mới xây chỉ kịp trát vữa, chưa kịp lăn sơn ở thôn Sơn Đồng, xã Ngọc Thanh, TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, bà Trần Thị Toan (49 tuổi) lặng lẽ lo làm lễ 49 ngày cho con cháu. Gần 2 tháng qua, bà chưa một đêm nào yên giấc, chưa một bữa ăn nào ngon miệng. Đôi mắt thâm quầng của bà cứ nhắc đến con cháu là lại ầng ậng nước. Bà lẩm bẩm: “Lá vàng tiễn lá xanh, còn đau đớn nào hơn”.

Nhà bà Toan vốn nghèo khó, chồng mất sớm, bà bươn chải đủ nghề để nuôi con trai Nguyễn Văn Thủy (SN 1994) cùng cô con gái nên người. Khi hai con lấy vợ lấy chồng, nhất là sau khi anh Thủy và vợ là chị Trần Thị Tuyết (SN 1993) sinh hai con đủ nếp đủ tẻ là cháu Nguyễn Gia Bảo (SN 2015) và Nguyễn Gia Hân (SN 2018), bà mừng lắm.

“Vợ chồng chúng nó nghèo nhưng đầm ấm, hạnh phúc, thằng Thủy chịu khó làm ăn. Sinh con bé Hân xong, chúng nó vay mượn, xây căn nhà nhỏ này, bảo để mẹ khỏi ở nhà dột nát. Vậy mà nhà xây xong, con cháu chưa ở được mấy ngày, đã ra đi cả rồi...”, bà Toan bật khóc.

Với tay lấy chiếc mũ sinh nhật để trên bàn thờ cháu trai rồi cứ mân mê mãi trong lòng, bà Toan nén nghẹn ngào chia sẻ, đây là chiếc mũ bà mua cùng bánh sinh nhật để mừng cháu Gia Bảo tròn 4 tuổi. “Hôm ấy là 22-9, là sinh nhật cháu Bảo. Thủy đi làm ca đêm tại khu công nghiệp đến 5h sáng mới về, thì 7h đã thức dậy đưa vợ con sang nhà ngoại ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang để ăn cưới một người trong họ ngoại. Tôi hẹn cả nhà Thủy về sớm tổ chức sinh nhật cho bé Bảo”, bà Toan cho hay.

Trưa hôm đó, bà Toan còn gọi điện qua ứng dụng mạng xã hội để được nhìn các cháu, bà khoe đã mua hoa quả và đặt bánh sinh nhật cho Gia Bảo. 17h chiều cùng ngày, tự nhiên bà Toan thấy nóng ruột, bà gọi nhiều lần vào điện thoại của anh Thủy thì không thấy nghe máy. Mãi sau, mới có một người đàn ông bắt máy, nói xe anh Thủy đã bị tai nạn, ba mẹ con chị Tuyết đã chết, anh Thủy bị nguy kịch.

“Cháu Bảo thích sinh nhật lắm, cứ dặn bà cho con ăn bánh kem, thổi nến, con sẽ hát bài “Chúc mừng sinh nhật” cho bà nghe. Vậy mà con chưa kịp ăn bánh, thổi nến thì đã ra đi. Thôi thì, giờ ba mẹ con được vui hát với nhau dưới ấy rồi”, bà Toan lại bật khóc và xác nhận, trưa hôm xảy ra tai nạn, anh Thủy có uống rượu ở đám cưới. Có thể vì đêm hôm trước thức trắng làm ca, về chỉ chợp mắt 1-2 tiếng rồi lại chạy xe máy về quê ngoại cách xa cả trăm km, ăn nhậu xong rồi lại chở vợ con về nhà ngay trong ngày nên anh Thủy buồn ngủ mà gây tai nạn thảm khốc khiến vợ con đều tử vong.

Hơn chục ngày qua, ngôi làng nhỏ O Pếch (xã Ia Pếch, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) trắng khăn tang tiễn biệt 3 học sinh là người trong làng đi xe máy tử vong vì tai nạn giao thông. Trước đó, khoảng 22h ngày 7-11, Rơ Châm Tài (SN 2003) và em Rơ Châm Khiên (SN 2006) sử dụng xe máy lưu thông theo hướng từ làng O Rang đi làng O Pếch thì xảy ra va chạm với xe mô tô (không gắn biển kiểm soát) do Puih Tuyết (SN 2007, đều trú làng O Pếch, xã Ia Pếch, huyện Ia Grai) điều khiển, lưu thông theo hướng ngược lại. Vụ tai nạn làm 2 em Tài và Tuyết tử vong tại chỗ, em Khiên được đưa đi cấp cứu và tử vong tại bệnh viện. Cả 3 em đều là người làng O Pếch.

Một vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng.

Phủ phục bên bàn thờ con, ông Rơ Lan Lai và bà Rơ Châm Blăn dường như vẫn không tin nổi, cậu con trai duy nhất Rơ Châm Tài đã bỏ ông bà mãi mãi. “Khuya 7-11, người ta đập cửa, hét lên thằng Tài chết rồi. Vợ chồng tôi còn bàng hoàng bán tín bán nghi thì người ta đã lấy xe công nông đưa xác nó về đến nhà. Nó đi chả vẹn toàn, chả kịp trăng trối cho chúng tôi một lời”, bà Blăn nức nở kể.

Chung hoàn cảnh, Puih Tuyết là con trai duy nhất của ông Rơ Lan Hnher và bà Puih Vel. Con trai mất đi, hai ông bà suy sụp, than khóc ngày đêm. “Nhà chỉ có mình nó là trai, trông vào nó dựa cậy tuổi già, nay còn đâu. Giá mà trước nay tôi nghiêm hơn với nó, không cho nó chạy xe đi chơi khuya như vầy”, bà Puih Vel sụt sùi.

Mất mẹ mất cả đường đi lối về...

Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho thấy, nạn nhân tai nạn giao thông đa số là những người khỏe mạnh, tích cực, hăng say lao động, ở độ tuổi 18-55. Do đó, tai nạn không chỉ cướp đi những đứa trẻ, là tương lai và hy vọng của các gia đình, của đất nước mà còn khiến các gia đình lâm cảnh khánh kiệt, cuộc sống lao dốc, những đứa trẻ bơ vơ không nơi nương tựa vì mất đi trụ cột chính.

Từ ngày mẹ mất, Nguyễn Ngọc Lan (18 tuổi, thôn 3, Lại Yên, Hoài Đức, Hà Nội) ngoài giờ đi làm lại tất tả chợ búa lo cơm nước cho mình và em trai Nguyễn Văn Phong (16 tuổi). Trong căn nhà cấp 4 lụp xụp chưa đầy 20m2 dường như rộng ra, lạnh lẽo hơn từ khi vắng bàn tay chăm sóc của người mẹ, chị Nguyễn Thị Tuyết (SN 1968, công nhân vệ sinh của Công ty CP và phát triển công nghệ Minh Quân).

Chưa từng biết mặt bố từ khi chào đời, hai chị em Lan - Phong coi mẹ là tất cả. Để lo toan cho hai con với đồng lương ngặt nghèo của một lao công, chị Tuyết làm thêm đủ việc để kiếm sống, từ nhặt rác, đánh vữa thuê, rửa bát thuê... Từ khi bắt đầu học cấp 3, Lan đi học một buổi, buổi còn lại cũng phụ mẹ đi quét rác. Nhà rất nghèo nhưng nhờ có mẹ, hai chị em Lan vẫn được sống trong những tháng ngày ấm êm, hạnh phúc...

Nhưng vụ tai nạn xảy ra khoảng 19h45 tối 11-8, trên đường Tây Mỗ, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã cướp đi người mẹ của hai chị em Lan - Phong. Hôm ấy, như lệ thường, mẹ đưa Lan theo để cùng thu gom rác trên đường Tây Mỗ. Sau chuyến rác đầu tiên, mẹ đi lấy găng tay và đẩy xe rác ra trục đường chính gom rác cho chuyến thứ hai, còn Lan cầm chổi theo sau. Vừa quét được mấy nhát chổi, bất ngờ nghe tiếng “rầm”, Lan vội ngẩng lên thì thấy mẹ Tuyết nằm giữa các bánh xe.

“Xe sau khi đè lên mẹ vẫn tiếp tục chạy, bánh xe liên tiếp cán lên người mẹ, cháu nhìn thấy rất rõ. Mẹ Tuyết nằm dưới các bánh xe, mắt vẫn mở, ngoái đầu nhìn cháu vẫy tay ra hiệu trong tuyệt vọng. Cháu hét lên mà chú lái xe cứ tiến, rồi lại lùi, đầu mẹ cháu ở phía ngoài, thân mẹ bầm giập dưới bánh xe, mẹ cứ nhìn cháu, vẫy tay với cháu, chắc mẹ muốn dặn cháu gì đó mà không kịp...”, Lan nấc lên.

Sau ít phút, một số người đi đường dừng lại, cùng nhấc đuôi ô tô để kéo chị Tuyết ra và đưa đi cấp cứu nhưng chị đã tử vong. Từ đó, hai chị em Lan - Phong mồ côi mẹ, đơn độc trên đường đời... Nói về tương lai, Lan mím môi khẳng định: “Giờ cháu xin đi quét rác, em Phong cũng nghỉ học đi làm thuê rồi, chúng cháu cố chăm sóc nhau cho mẹ an lòng nơi xa xôi ấy”.

Cháu Lan và cháu Phong đứng bên bàn thờ mẹ.

Cùng hoàn cảnh mất mẹ giống Lan - Phong, em Trần Đức Anh (SN 2004) và Trần Đức Hiếu (SN 2007) - hai con trai chị Lê Thị Thu Hà (SN 1977), nữ công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) bị ô tô Hyundai kéo lê tử vong trên đường Láng đêm 22-4 may mắn hơn vì không bị đứt việc học giữa đường.

Cũng như nữ lao công Tuyết, hoàn cảnh của chị Hà rất éo le, hôn nhân không suôn sẻ, chị đưa hai con trai về nhà mẹ đẻ sinh sống. Nhà mẹ đẻ chị Hà cũng nghèo, cả đại gia đình gồm 7 hộ chung sống trong mảnh đất khoảng 100m2, mỗi hộ gia đình có một căn phòng dựng tạm bợ bằng khung nhôm kính chưa đầy chục m2. Chị Hà mắc bệnh xơ gan, viêm tuyến giáp nhưng giấu không cho đồng nghiệp biết vì sợ không được đi làm. Để có tiền lo cho mẹ già và cho hai con, ban đêm quét rác, ngày chị Hà chạy xe ôm Grab kiếm thêm thu nhập.

Khoảng 23h30 đêm 22-4, khi chị Hà đang thu gom rác trên đường Láng thì bị một xe ô tô “điên” đâm phải, khiến chị tử vong tại chỗ. Nghe tin mẹ gặp nạn, Đức Anh đang ôn thi vào lớp 10 vội cùng người thân chạy tới hiện trường. Thấy mẹ tử vong, thi thể không nguyên vẹn, Đức Anh ngồi khóc thảm thiết, rồi gục bên mẹ mãi không rời.

Nhớ lời mẹ dặn, Đức Anh vượt qua nỗi đau, thi đỗ trường Lương Thế Vinh với số điểm rất cao. Anh Lê Văn Hưng (SN 1979, em trai của chị Hà) cho biết, nhờ cộng đồng chung sức, hiện tại, số tiền mà các cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, nhà hảo tâm đã ủng hộ là khoảng 2 tỷ đồng để gia đình gửi tiết kiệm lo cho hai cháu Đức Anh - Đức Hiếu ăn học. Hiện, trường Lương Thế Vinh sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí cho Đức Anh trong suốt 3 năm học.

“Với sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng và cộng đồng, gia đình không còn phải lo toan tài chính để các cháu ăn học. Nhưng mất mẹ, mãi mãi vẫn là sự thiệt thòi của hai đứa trẻ...”, anh Hưng trầm giọng.

Hãy hành động vì người đang sống

Ngày 17-11, tại lễ tưởng niệm nạn nhân tai nạn giao thông, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Trương Hòa Bình một lần nữa nhấn mạnh việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kéo giảm tai nạn, hạn chế số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông là nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ, của ngành giao thông và của cả hệ thống chính trị.

“Phải cùng nhau xây dựng ý thức và thực hành văn hóa giao thông, nhường nhịn giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông, cùng nhau xây dựng một môi trường giao thông an toàn, thân thiện để mỗi người Việt Nam và bạn bè luôn có cảm giác an lành khi ra đường, để không còn ai phải lo sợ, phấp phỏng vì tai nạn giao thông. Đồng thời cùng chung tay chia sẻ những tổn thất, xoa dịu bớt nỗi đau của các nạn nhân, gia đình tai nạn giao thông”, Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh thông điệp: “Hãy vì niềm thương xót những người đã mất mà hành động cho sự an toàn của những người đang sống”.

Cũng truyền tải thông điệp “San sẻ nỗi đau - hành động vì người đang sống”, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tâm sự, điều đau lòng nhất với ông là tai nạn giao thông cướp đi sinh mệnh của rất nhiều người, đẩy không biết bao nhiêu gia đình vào hoàn cảnh khó khăn, thiệt hại về tính mạng và sức khỏe con người rất to lớn và không thể bù đắp được. Phía sau những cái chết do tai nạn giao thông là rất nhiều em nhỏ mất đi cơ hội đến trường, những bậc cha mẹ già không còn nơi nương tựa và đói nghèo ập đến với hàng chục ngàn gia đình, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của đất nước.

“Ai cũng có nhu cầu được sống khỏe mạnh, an toàn, mong muốn người thân, bạn bè mình được sống. Chúng ta nghĩ đến người mất đi để thấy cái chết vì tai nạn giao thông là vô nghĩa và phải làm gì để không còn những cái chết vô nghĩa như thế. Chúng ta vẫn còn người thân, bạn bè mình đang sống, nghĩ đến người đã mất thấy mình cần làm gì để bản thân, những người đang sống khác an toàn, làm gì để vi phạm giảm thì tai nạn giao thông mới giảm”, ông Hùng gửi đi thông điệp.

Theo Nghị quyết 70 của Liên Hiệp Quốc, đến năm 2020, Việt Nam phải giảm thương vong do tai nạn giao thông xuống khoảng 50% so với năm 2010. Đây là nhiệm vụ nặng nề, vì vậy cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo hơn trong chỉ đạo giải pháp thực hiện. Đặc biệt, trong công tác tuyên truyền cần huy động mạnh mẽ hơn nữa sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhất là các tổ chức đoàn thể xã hội trong đảm bảo an toàn giao thông.
An Na
.
.