Quản lý trường mầm non tư thục: Cần mạnh tay hơn

Thứ Ba, 26/11/2013, 16:45

Có lẽ chưa bao giờ như bây giờ, các Nhà trẻ, mẫu giáo tư thục lại mọc lên nhiều như ở các thành phố lớn. Những người có chuyên môn mở trường tư đã đành, nhưng nhiều người “dù không có chuyên môn về giáo dục cứ có tiền là có thể đứng ra mở một trường tư thục theo cách của riêng mình. Dù biết cơ chế xã hội hóa đã và đang mở ra cho phụ huynh nhiều sự lựa chọn hơn nhưng từ đó cũng đã nảy sinh nhiều sự bất cập trong quản lý, giáo dục mà nếu không có một sự tính toán kỹ càng từ nhiều phía thì sự thiệt hại sẽ đổ lên đầu gia đình và những đứa bé vô tội.

Ngày 16/11 vừa qua, sự kiện gây nên làn sóng phẫn nộ trong dư luận là vụ việc cháu Đỗ Nhất Long (18 tháng tuổi) con trai của chị Võ Thị Huyền (24 tuổi, quê Nghệ An), và anh Đỗ Trọng Đức (27 tuổi, quê Bình Định), hiện tạm trú quận Thủ Đức) bị bảo mẫu trông trẻ Hồ Ngọc Nhờ (18 tuổi, quê Cần Thơ) bạo hành, đánh đập dẫn đến tử vong.

Theo thông tin, sáng 16/11, chị Huyền chở cháu Long đến phòng trọ giao cho Nhờ như thường ngày. Sau khi nhận cháu Long, Nhờ cho cháu ăn sáng. Lúc ăn cháu Long có khóc, Nhờ dỗ mãi không dứt. Lúc này Nhờ cầm tay, chân dốc ngược cháu Long lên để dọa. Nhờ khai, do tuột tay làm cháu Long té xuống nền nhà. Thấy cháu Long vẫn nằm khóc, Nhờ dùng chân đạp mạnh vào ngực, vào bụng cháu bé.

Nhờ bỏ vào nhà vệ sinh 20 phút sau quay ra thì thấy cháu Long nằm bất động. Nhờ dùng tay ấn ngực cháu nhưng không có kết quả, nên nhờ hàng xóm đưa cháu Long đến Bệnh viện Quân dân Miền Đông cấp cứu. Tuy nhiên, tại đây cháu Long được xác định là đã tử vong trước đó.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, công an địa phương đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và bắt giữ Nhờ. Khám nghiệm tử thi cho thấy, cháu Long tử vong là do đa chấn thương. Cụ thể cháu bị bầm, tụ máu dưới khu vực đầu, mặt, cổ, ngực; sưng màng sụn thanh khí quản; dập 2 bên phổi; rách màng ngoài tim bên phải; rách gan… Ngày 18/11, Cơ quan điều tra Công an quận Thủ Đức đã tạm giữ hình sự đối với Hồ Ngọc Nhờ để điều tra làm rõ hành vi "giết người".

Trẻ được chăm sóc chu đáo luôn là điều các phụ huynh mong mỏi.

Cũng vào ngày 16/11, trên địa bàn Hà Nội, cháu H.B. (gần 3 tuổi), được gửi tại Trường mầm non tư thục T.C. (Thanh Xuân, Hà Nội), trong giờ ăn trưa đã bị bảo mẫu N.T.N tát vào má phải (gần thái dương) bị bầm tím và trên gương mặt cho đến mấy ngày sau vẫn còn hằn vết tay trên mặt cháu.

Trao đổi với chúng tôi, chị D.T., mẹ của cháu, cho biết: "Buổi chiều thứ bảy (16/11) khi đi học về thì tôi nhìn thấy trên mặt con có vết bầm tím, hỏi thì thằng anh (hai con trai sinh đôi của chị đều học tại đây) trả lời là B. bị cô đánh, tôi tức tốc gọi ngay cho cô N. thì cô trả lời là… không biết, có thể là con chơi ở "Nhà Chuột" và bị ngã. Ngay sau đó, tôi đã báo việc này với cô hiệu phó nhà trường nhưng cô trả lời là có gì sẽ báo với hiệu trưởng và đến thứ Hai sẽ giải quyết.

Thứ Hai chúng tôi đến gặp nhà trường để hỏi rõ về việc này thì cô N. thành khẩn thừa nhận đã đánh con vì con lười ăn. Do cô sợ nên đã nói dối nhà trường và phụ huynh. Chúng tôi cũng biết là việc chăm sóc các con rất vất vả, có lúc cáu cũng muốn phạt để các con sợ, song cô đánh kiểu gì mà hằn bầm cả một bàn tay trên gương mặt cháu. Điều quan trọng là cô đã không thành thật khi được hỏi đến, và có lẽ gia đình chúng tôi cũng không biết nếu sau khi về nhà con quấy khóc, kêu đau và đến tối thì vết bầm mới dần dần xuất hiện".

Được biết, Trường mẫu giáo tư thục T.C. sau đó đã chính thức buộc thôi việc giáo viên N. và cam kết sẽ chịu trách nhiệm nếu việc đánh con có thể để lại hậu quả. Gia đình chị D.T. cũng đã xin chuyển trường cho con vì những ngày qua con cũng khá sợ sệt và việc này có thể sẽ bị ảnh hưởng đến tâm lý của con sau này.

Có lẽ nhiều người vẫn chưa quên clip ghi lại hình ảnh bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa (Đồng Nai) ngược đãi  trẻ với hành vi liên tục túm tóc, giật ngửa mặt lên rồi trút cơm vào miệng, dùng thước, tay đánh tới tấp vào mặt các cháu đang được trông giữ tại nhà mình. Hầu hết các bé chỉ từ 1 đến 3 tuổi này phải ăn trong nỗi đau đớn, sợ hãi và nước mắt như cháu Huỳnh Thị Mỹ Duyên (2 tuổi) và cháu Phan Thành Đạt (15 tháng tuổi) là nạn nhân của vụ bạo hành. Trong đoạn video ghi lại cảnh ngược đãi của bà Hoa, bé Duyên đã bị bà Hoa túm tóc giật ngược, rồi ụp cả tô cơm vào mặt. Cháu Phan Thành Đạt bị bà Hoa dùng ngón tay cái ấn mạnh vào môi trên, ngón tay trượt xuống làm rách môi.

Hay một trường hợp tương tự với trường hợp bảo mẫu Trần Thị Phụng (52 tuổi, ngụ xã Thuận Giao, huyện Thuận An, Bình Dương), ngày 20/11, bà Phụng tắm rửa cho bé Ngân tại sàn rửa chén phía sau nhà. Trong khi tắm, bà Phụng dùng chân đạp lên lưng, dùng thau nhôm múc nước trong lu tạt mạnh vào đầu, mặt bé Ngân. Do bị ngạt nước, bé Ngân định bỏ chạy thì bà Phụng dùng tay giật tóc bé lại.

Một lớp học tại một trường mầm non tư thục.

Một trường hợp đau lòng khác tại Hà Nội khiến không ít người đau đớn, xót xa hơn khi bé Hương vừa mới được gửi tới nhà trẻ chưa đầy hai ngày tại Trường mầm non Thiên Thần Nhỏ (số 9 BT6, KĐT Việt Hưng) đã tử vong. Kết quả khám nghiệm pháp y số 2755/C54 ngày 9/9/2013 do Phó viện trưởng Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an, Đại tá Hà Quốc Khanh ký, được thông báo đến gia đình đã kết luận: Nguyên nhân dẫn đến cái chết của cháu Trần Nhật Hương là "suy hô hấp do nhồi máu phổi và dị vật đường thở ở người có huyết khối buồng nhĩ phải"…--PageBreak--

Chị Đỗ Thị Hà, Hiệu trưởng Trường mầm non An Phú (đường Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: "Ở cấp trường mầm non, theo quy chế quy định thì yêu cầu đòi hỏi đề án hoạt động rất quy mô, cụ thể và khắt khe lắm, cho nên hầu như trên địa bàn xã Trung Văn chỉ có các nhóm lớp đủ điều kiện để hoạt động. Tôi được gọi với chức danh là hiệu trưởng, song thực chất là trưởng nhóm, dù trường của chúng tôi hiện có 50 cháu và cơ sở vật chất đảm bảo thậm chí vượt quy định của quy chế Nhà nước. Thực ra mà nói, thời gian các con ở với các cô có khi còn nhiều hơn là ở với gia đình nên tôi nghĩ rằng, giáo viên giáo dục mầm non trước hết phải là những người có tâm, có tính kiên nhẫn, có lòng bao dung, coi các con như con cháu của mình thì mới tạo được tín nhiệm của phụ huynh.

Cũng có thể do nhiều hoàn cảnh khách quan và chủ quan, có nhiều phụ huynh gửi con đến các nhà trẻ tự phát, nhưng có một điều lợi bất cập hại là ở các nhà trẻ này, chủ yếu được chăm con theo kinh nghiệm và thường là chỉ có một người chăm nên không phải lúc nào người chăm trẻ cũng có đủ tính kiên nhẫn và đủ phương pháp sư phạm để nuôi dạy các cháu một cách bài bản".

Bà Thịnh (quận Đống Đa), một người từng trông trẻ tại nhà lâu năm đã chia sẻ: "Là một người từng làm mẹ, làm bà, tôi thấy bàng hoàng trước những câu chuyện bạo hành trẻ em mà báo chí đã đưa tin, thật không thể tin được là có những câu chuyện khủng khiếp đến vậy. Tôi cũng khuyên những bà mẹ phải thận trọng, gửi con thì phải "chọn mặt gửi vàng" để con mình đỡ khổ".

Hôm nay là ngày 20/11, ngày để cả xã hội nói lên tiếng nói biết ơn đối với những thầy cô giáo, nhưng có lẽ bên cạnh đó cũng đã đến lúc mạnh tay hơn trong việc quản lý giáo dục mầm non để tránh đi những thiệt hại về thể xác và tâm hồn của những đứa trẻ non nớt, cũng là cách để tránh khỏi rủi ro cho những gia đình bất hạnh đang khổ đau vì những sinh linh bé nhỏ vô tội của mình trước những "đòn oan" của những bàn tay bảo mẫu vô lương còn sót lại trong đời sống xã hội.

Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non:

Việc xảy ra một số hiện tượng không đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần cho trẻ, khiến cha mẹ lo lắng, gây bức xúc trong xã hội như báo chí đã phản ánh xảy ra ở các nhóm lớp tư thục nhỏ lẻ chưa được cấp phép. Các nhóm lớp này mở ra một cách tự phát, không đảm bảo các điều kiện  về cơ sở vật chất, người nhận trông trẻ không được bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn về giáo dục mầm non (GDMN) theo quy định.

Về phía cơ quan quản lý chỉ đạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã ban hành các văn bản pháp quy nhằm tăng cường quản lý Cơ sở GDMN ngoài công lập như: Quyết định số 41/2008/QĐ-BGDĐT ngày 25/7/2008 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục; Thông tư số: 28/2011/TT-BGDĐT ngày 15/7/2011 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế Tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục ban hành kèm theo Quyết định số 41/2008/QĐ-BGDĐT ngày 25/7/2008 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT; Thông tư số 21/TT-BGDĐT ngày 15/6/2012 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường mầm non dân lập; Công văn số 1933/BGDĐT - GDMN  ngày 25/3/2013 về việc Tăng cường công tác quản lý các cơ sở GDMN ngoài công lập; công văn số 6221 ngày 10/9/2013 về việc đảm bảo an toàn cho trẻ em tại cơ sở GDMN.
 
 Ngay đầu năm học 2013-2014, Bộ GD-ĐT đã có Công văn số 6221/GDMN-BGDĐT ngày 10/9/2013 chỉ đạo các Sở GD-ĐT đảm bảo an toàn cho trẻ em trong các cơ sở GDMN, trong đó tập trung:
-  Kiểm tra, nắm tình hình triển khai nhiệm vụ đầu năm học mới, đặc biệt là thực hiện các văn bản quy định về đảm bảo an toàn, phòng tránh tai nạn, thương tích cho trẻ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ cả về thể chất và tinh thần trong các cơ sở GDMN.

- Chỉ đạo các phòng giáo dục, các cơ sở GDMN trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định và chịu trách nhiệm về đảm bảo an toàn cho trẻ; phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra các cơ sở GDMN ngoài công lập, kịp thời phát hiện và kiên quyết đình chỉ các nhóm lớp tư thục không đảm bảo các điều kiện về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.

-  Chỉ đạo, hướng dẫn, thanh kiểm tra hoạt động của các cơ sở GDMN, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hiện tượng vi phạm quy định về việc đảm bảo an toàn cho trẻ.

Hàng năm, Bộ GD-ĐT đã tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra, nắm tình hình nhiệm vụ năm học, trong đó có công tác quản lý các cơ sở GDMN ngoài công lập nói chung và các nhóm lớp tư thục nói riêng tại các tỉnh... Năm 2013, tổ chức kiểm tra chuyên đề về GDMN ngoài công lập tại Bình Dương, Đồng Nai. Việc thanh kiểm tra các cơ sở GDMN nói chung và cơ sở mầm non tư thục nói riêng theo phân cấp quản lý giáo dục thuộc trách nhiệm của các địa phương.

Trong năm học 2013-2014, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức hội thảo bàn về biện pháp quản lý GDMN ngoài công lập ở khu công nghiệp, khu chế xuất và đô thị, tiến hành kiểm tra, nắm tình hình một số địa phương.

Thiên Kim
.
.