“Quỹ doanh nhân với ANTT”: Giúp người lầm lỡ quay về nẻo thiện
- Cách làm hay từ mô hình Quỹ Doanh nhân với ANTT tại Đồng Nai
- Quỹ ‘Doanh nhân với an ninh trật tự’, cơ hội để hoàn lương làm lại cuộc đời
- “Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự” ở Đồng Nai: Giúp nhiều người lầm lỗi tiến bộ
Nhờ đồng vốn của quỹ này mà nhiều người một thời lầm lỡ đã vượt lên chính mình, góp phần giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn.
1. Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của các tỉnh phía Nam, Đồng Nai có nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi về mọi mặt để phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội. Hiện toàn tỉnh có 32 khu công nghiệp tập trung và 8 cụm công nghiệp, thu hút hàng trăm ngàn lao động từ khắp nơi đổ về. Các loại hình kinh doanh dịch vụ cũng phát triển mạnh, nhất là dịch vụ cho thuê nhà trọ bình dân, nhà nghỉ, quán bar, vũ trường... kèm theo đó là tệ nạn xã hội, tội phạm gia tăng.
Theo nhận định của Công an Đồng Nai, tội phạm hình sự từ khắp nơi đã lợi dụng tính năng động, đa dạng của địa bàn để ẩn náu, hoạt động và cấu kết với các đối tượng tại địa phương lập các băng nhóm tội phạm hoạt động liên địa bàn, gây nhiều khó khăn cho công tác bảo đảm ANTT. Toàn tỉnh hiện có trên 15 ngàn trường hợp từng vướng vòng lao lý được đặc xá, hoặc đã chấp hành xong hình phạt của pháp luật. Trong đó có khoảng 3.000 người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có vốn để sản xuất kinh doanh, từ đó dẫn đến tình trạng tái phạm tội, có trường hợp tái phạm tội nhiều lần, nhất là tội phạm ma túy. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến hoạt động của tội phạm diễn biến phức tạp, tác động xấu đến ANTT trên toàn tỉnh.
Buổi lễ trao vốn của “Quỹ doanh nhân với an ninh trật tự”. |
Từ đặc điểm tình hình trên, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã tiến hành nghiên cứu các biện pháp, kinh nghiệm phòng ngừa các đối tượng tái phạm trên toàn quốc. Và “Câu lạc bộ doanh nhân tham gia công tác ANTT” đã ra đời vào ngày 10-12-2010 với tên gọi “Quỹ doanh nhân với ANTT tỉnh Đồng Nai”.
Ngay trong buổi ra mắt, Quỹ đã nhận được sự đóng góp của rất nhiều doanh nhân, doanh nghiệp với số tiền lên tới gần 1,8 tỉ đồng. “Quỹ doanh nhân với ANTT” là bước khởi đầu có ý nghĩa nhằm giúp những người từng lầm lỡ có hoàn cảnh khó khăn cải thiện cuộc sống, làm tốt công tác phòng ngừa, hạn chế tình trạng tái phạm hoặc nảy sinh tội phạm và tệ nạn xã hội.
Sau hơn 7 năm hoạt động, “Quỹ doanh nhân với ANTT” đã có nhiều thay đổi từ quy mô tới người thụ hưởng. Khi mới thành lập, số tiền đóng góp của các doanh nghiệp, doanh nhân còn hạn chế, có những năm do tình hình kinh tế khó khăn, số tiền đóng góp của các “Mạnh Thường Quân” giảm đi rõ rệt, nhưng ban lãnh đạo Quỹ vẫn quyết tâm duy trì và phát triển, tích cực vận động các nhà thiện nguyện ủng hộ quỹ.
Con số 16,509 tỉ đồng của các doanh nhân, các “Mạnh Thường Quân” đóng góp đã nói lên nỗ lực vận động các nhà thiện nguyện chung tay, góp sức vào công cuộc giữ gìn ANTT của Công an tỉnh Đồng Nai. Nỗ lực đó phần nào đem lại niềm vui, sự tự tin cho những người một thời lầm lỡ có cơ hội đổi đời, quay về nẻo thiện. Đối tượng thụ hưởng không gói gọn là những người đã chấp hành xong án phạt, mà những người sắp mãn hạn cũng được xem xét hỗ trợ, cho vay vốn trước khi trở lại với cộng đồng.
Đồng vốn vay cũng được cải thiện. Ban đầu, mỗi đối tượng được vay từ 5 đến tối đa 20 triệu đồng, sau tăng lên tối đa là 30 triệu đồng, lãi suất 3%/năm. Thời gian vay cũng được kéo dài, từ 2 năm lên 3 năm.
2. Những đồng tiền của “Quỹ doanh nhân với ANTT” đã thực sự đem lại hiệu quả. Nhờ những đồng vốn này, những người một thời sa cơ lỡ bước đã biết đứng lên. Không những thế, họ còn tạo công ăn việc làm cho nhiều hoàn cảnh khác. Với 30 triệu đồng tiền vốn ít ỏi mở quán cơm chay, giờ đây quán cơm của ông Trịnh Kim Hà ở phường Hòa Bình, TP Biên Hòa, lúc nào cũng đông khách, với 7 nhân viên phục vụ.
Hay như cha con ông Nguyễn Văn Minh (55 tuổi) và Nguyễn Hữu Lộc (28 tuổi) ngụ xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, với số tiền vay 60 triệu đồng ban đầu để nuôi dê, hiện đàn dê của cha con ông Minh đã lên tới hàng trăm con...
Chúng tôi tìm đến nhà anh Trần Chế Linh (48 tuổi, ở ấp Bầu Lùng, xã Bình An, huyện Long Thành) đúng lúc anh đi vắng. Mặc dù có hẹn trước nhưng chúng tôi vẫn phải chờ. Rất may, vợ anh cũng vừa mới đi làm về. Trao đổi với chúng tôi, vợ anh Linh cho biết, trước đây, chỉ vì xích mích nhỏ với hàng xóm mà anh Linh vướng vòng lao lý, tất cả cũng chỉ vì rượu.
Câu lạc bộ những người hoàn lương cũng nhận được sự hỗ trợ của “Quỹ doanh nhân với ANTT”. |
Nói tới rượu, chị bảo không muốn nghĩ tới những ngày cơ cực ấy. Chồng chị - một nông dân chất phác, hiền lành, cũng hay lam hay làm, chỉ tội mê rượu hơn mê... vợ. Chiều chiều đi làm về lại tụ tập mấy anh em lối xóm bù khú với nhau vài ly. Rượu vào lời ra, hàng xóm của anh thốt ra những câu nghịch nhĩ.
Không làm chủ được mình, anh chạy về nhà vác dao qua định dạy cho người bạn rượu một bài học. Hai bên xảy ra xô xát, người hàng xóm bị thương, tỉ lệ phần trăm thương tật của nạn nhân đủ khiến anh Linh phải hầu tòa. 2 năm 6 tháng tù giam là thời gian anh Linh phải trả giá bởi sự bốc đồng, không làm chủ được mình.
Một lúc sau, anh Linh, một người đàn ông trông rất lam lũ điều khiển chiếc xe máy nhìn còn lam lũ hơn cả chủ nhân của nó, về tới. “Các anh thông cảm, tôi chạy ra cửa hàng thuốc thú y mua ít thuốc cho bò...”, anh Linh phân trần. Anh cho biết, chỉ vì rượu mà ra nông nỗi. Hơn 2 năm cải tạo là bài học đắt đối với anh.
Khi vướng vòng lao lý năm 2000, cậu con trai lớn của anh chị mới vào lớp 1, thương vợ, thương con nhưng chẳng biết làm sao. Bình thường, hai vợ chồng đi làm thuê làm mướn mà vẫn khó khăn. Anh cải tạo, mình vợ phải gánh cả, đó là chưa kể hằng tháng còn phải thăm nuôi chồng. Nhờ cải tạo tốt, anh được tha tù trước thời hạn. Về nhà, anh cùng vợ nai lưng làm trả nợ. Kiếp làm thuê làm mướn mãi không khá lên được.
Muốn có đồng tiền để xoay xở nhưng thân là thằng tù tha, không ai muốn giúp, lắm khi nghĩ quẩn. Rất may “Quỹ doanh nhân với ANTT” đã tìm tới anh. Bị vấp ngã, nhưng chính quyền địa phương đã không bỏ mặc những hoàn cảnh khó khăn như anh. Họ đã đưa “Quỹ doanh nhân với ANTT” tới tận tay anh. Lần đầu, với 20 triệu của Quỹ, anh mua bò về nuôi nhưng không hiệu quả. Lần sau, anh vay thêm 30 triệu và vẫn mua bò.
Lần này, từ một con bò giống, sau mấy năm, đàn bò của anh đã lên tới hơn chục con. Từ những con bò đó, anh đã có chút vốn liếng. Hiện, ngoài chăn nuôi bò, anh chị còn mua khoán những lô cao su để cạo mủ. Lời ăn lỗ chịu, tuy vất vả nhưng cũng có đồng ra đồng vào. Trong nhà anh chị lúc nào cũng tràn ngập niềm vui. Cậu con trai lớn giờ đã đi làm, cậu thứ hai hè này vào lớp 10, còn cậu trai út mới 3 tuổi.
Anh Trần Chế Linh bên đàn bò có được nhờ nguồn vốn của “Quỹ doanh nhân với ANTT”. |
Anh Linh chia sẻ, sau mấy năm, giờ anh chị đã trả được hết nợ. “Cảm ơn các anh công an, chính quyền, cảm ơn Quỹ, nếu không có nguồn vốn kịp thời đó, vợ chồng tôi không biết giờ ra sao”. Anh còn bảo sẽ có một ngày anh “báo đáp” quỹ bằng cách góp phần công sức nhỏ bé của mình vào quỹ để hỗ trợ cho những những người có hoàn cảnh giống anh.
Thành lập được đã khó, duy trì, phát triển “Quỹ doanh nhân với ANTT” cũng khó không kém nhưng bằng tất cả nỗ lực, Ban Giám đốc Công an Đồng Nai đã vận động nhiều doanh nhân, doanh nghiệp chung tay góp sức vì cộng đồng.
“Tiên phong” tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là ông Phạm Đức Bình, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình. 18 tuổi đã “lăn” vào thương trường, ở tuổi 52, ông Phạm Đức Bình đã có hơn 20 năm làm thiện nguyện, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Từng được mệnh danh là “Vua heo”, nhưng nghề chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, ông Bình đã nhanh chóng chuyển đổi ngành nghề, từ chăn nuôi sang sản xuất thức ăn gia súc, kho bãi... Làm việc gì cũng vậy, ông không quên “nhiệm vụ” thiện nguyện của mình.
Ông Bình cho biết, mặc dù làm thiện nguyện là bằng cái tâm, không ai bắt buộc nhưng cứ nghĩ mọi người cùng chung tay, giúp một người thoát nghèo thì xã hộị sẽ tốt hơn, nhất là với những người từng vi phạm pháp luật không tái phạm, không tự ti, hòa nhập cộng đồng là bớt đi một mối lo cho xã hội. Chính những suy nghĩ giản đơn vậy mà hằng năm ông đóng góp 100 triệu đồng vào “Quỹ doanh nhân về ANTT”.
Ngoài ra, ông còn tham gia nhiều hội, quỹ khác trong đó có Hội doanh nhân trẻ hỗ trợ người khuyết tật vươn lên. Hiện ông xây khoảng 300 căn nhà, phòng trọ cho công nhân nghèo thuê với giá rẻ, có khi miễn phí. Ông từng đón nhận các cháu ở trường giáo dưỡng về, tạo công ăn việc làm cho các cháu, cá nhân nào tốt, ông còn cho đất xây nhà, dựng vợ gả chồng cho các cháu.
Có cháu, dù được nhận vào làm, nhận được nhiều ưu ái của người lớn nhưng vẫn tỏ ra bất cần đời, ông vẫn nhẫn nại, uốn nắn... Theo ông Bình, nếu không chấp nhận, không kiên trì uốn nắn, đẩy cháu ra ngoài xã hội, vô tình lại đẩy cháu vào con đường phạm pháp...
Với ông Bình, dang tay đón nhận những người một thời lầm lỡ thì chỉ những người có tâm mới dám làm. Nếu ai cũng nhìn họ bằng con mắt thiếu thiện cảm, xa lánh họ thì rất có thể khiến những người lầm lỗi bị tự ti, mặc cảm và chuyện tái phạm khó tránh khỏi. Với “Quỹ doanh nhân vì ANTT”, ông cho rằng đây là một mô hình tốt, cần nhân rộng.
Việc tổ chức tạo nguồn vốn và trao vốn vay kết hợp lồng ghép với các hoạt động trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc đã được Công an tỉnh Đồng Nai triển khai một cách hiệu quả. Tuy nhiên, việc duy trì và phát triển nguồn vốn còn gặp nhiều khó khăn, do vậy Công an Đồng Nai rất mong các nhà hảo tâm hãy chung tay ủng hộ “Quỹ doanh nhân về ANTT”, góp phần giữ gìn ANTT xã hội không chỉ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.