Quyết liệt chống pháo lậu

Thứ Ba, 12/02/2008, 13:30
Thời điểm cận tết Nguyên đán, tình hình buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép các loại pháo nổ diễn biến rất phức tạp, các cơ quan chức năng đang quyết liệt ngăn chặn tình trạng này. Phóng viên ANTG đã có mặt ở nhiều "điểm nóng" như Hà Nội, Lạng Sơn, Móng Cái (Quảng Ninh) để kịp thời thông tin đến bạn đọc.

Hà Nội: 20 ngày phá gần 20 vụ

Ngày 9/1/2008, tổ công tác gồm Đội Chống buôn lậu và buôn bán hàng cấm, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC15) Công an Hà Nội phối hợp với Công an phường Tứ Liên, Tây Hồ phát hiện tại khu vực trước cửa số nhà 8 ngách 172/77 thuộc cụm 3, phường Tứ Liên 1 xe taxi Matiz BKS 30F-0928 đang dừng đỗ để chuẩn bị bốc dỡ hàng hóa.

Tổ công tác đã kiểm tra và bắt quả tang các đối tượng trên xe đang vận chuyển 2 bao tải pháo nổ gồm 17 thùng, cân nặng 73kg. Chủ số hàng trên là Trần Thị Điệp (tuổi 1968, trú tại cụm 5, phường Tứ Liên, Tây Hồ). Điệp khai 17 thùng pháo diêm (gồm 8.160 bao) là do Điệp đặt mua của một phụ nữ ở bến xe Mỹ Đình rồi thuê taxi chở về nhà riêng để tiêu thụ.

Khám xét nhà riêng của Điệp, Cơ quan Công an còn phát hiện thêm 9 bánh pháo nổ, 20 quả pháo "bướm", 50 quả pháo sáng, 30 hộp pháo diêm và 250 quả pháo "tỏi".

Trung tá Lê Hồng Sơn - Đội trưởng Đội Chống hàng lậu và buôn bán hàng giả, hàng cấm, PC15 - cho chúng tôi biết, đó chỉ là một trong số rất nhiều vụ buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo đã bị cơ quan chức năng phát hiện trên địa bàn thành phố thời gian vừa qua. Trung tá Sơn cũng nhấn mạnh, tình hình tội phạm buôn bán, tàng trữ pháo nổ các loại tại Hà Nội năm nay gia tăng cả về số đối tượng và số vụ.

Qua trinh sát, PC15 phát hiện các đối tượng đã chuẩn bị "hàng" từ rất sớm, tập kết ở các tỉnh, thành lân cận Hà Nội như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng... chờ thời điểm "nhạy cảm" là tung hàng về Hà Nội tiêu thụ.

Đặc biệt trong thời điểm giáp tết Mậu Tý này, tình hình buôn bán, tàng trữ pháo nổ diễn biến hết sức phức tạp. Những đầu nậu tìm mọi cách để vận chuyển pháo về Hà Nội.

Ngoài vụ ở trên ra, chỉ từ đầu năm 2008 đến nay, Công an Hà Nội đã bắt được gần 20 vụ buôn bán, tàng trữ trái phép pháo các loại. Có thể kể ra đây một loạt các vụ điển hình như vụ Nguyễn Xuân Thắng (26 tuổi, trú tại Đình Xuyên, Gia Lâm) vận chuyển 1.200 cây pháo Trung Quốc; vụ Nguyễn Thị Tài (42 tuổi, trú tại thôn Đại Lâm, Yên Phong, Bắc Ninh) bị bắt giữ tại địa bàn quận Hoàn Kiếm khi đang vận chuyển 110,7kg pháo lậu; vụ Đinh Thị Thủy (25 tuổi, trú tại Nam Định) đang vận chuyển để tiêu thụ hơn 200kg pháo hoa lễ hội; hay như vụ Trần Kim Dung (32 tuổi, trú tại số 3 Điện Biên Phủ) tàng trữ gần 30kg pháo các loại ở trong... nhà vệ sinh.

Pháo lậu tràn qua biên giới Lạng Sơn

Tháng giáp tết là thời điểm Lạng Sơn nhộn nhịp với hàng vạn lượt người đổ về mua sắm cũng là thời điểm mà các lực lượng phòng chống buôn lậu làm việc vất vả nhất. Gần tết, mặt hàng quốc cấm được săn lùng nhiều nhất và phức tạp nhất chính là pháo lậu, biến Lạng Sơn thành khu vực trung chuyển pháo nổ lớn nhất cả nước.

Tại khu buôn bán có tên khá mỹ miều là Trung tâm Thương mại Hồng Công nằm trên đất Pò Chài, Bằng Tường, Trung Quốc pháo không được bày bán công khai nhưng "cứ hỏi là có”. Có rất nhiều loại pháo như: pháo bướm, pháo xoay, pháo lựu đạn, pháo hoa, pháo bánh... được chào hàng và bán rất chạy.

Nếu là khách du lịch mua về dùng thì các chủ pháo ở đây chỉ bán lẻ còn mua số lượng lớn thì phải là khách quen, giao tiền trước và chủ quán sẽ gói sẵn hàng trong một bao tải màu đen.

Pháo hoa loại 12 quả giá 150 nghìn đồng một hộp; còn giàn 36 quả thì 180 nghìn đồng một giàn. Pháo nổ được bán với giá 150 nghìn đồng/bánh (khuyến mại thêm 7 quả pháo cối). "Hàng khủng" nhất là pháo hình lựu đạn mỏ vịt được bán với giá 20 nghìn đồng một trái.

Nắm được nguồn tin trinh sát báo về, tại khu vực thôn Thâm Mò, xã Phú Xã, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn thời gian gần đây thường có xe taxi xuất hiện vào lúc nửa đêm về sáng, Đội QLTT số 2 đã tổ chức lực lượng mật phục. Đến 2 giờ sáng ngày 13/1/2008, tổ công tác đã tiến hành kiểm tra xe taxi của Hãng Tam Gia mang BKS 29V – 8436 do lái xe Giang Thanh Tuấn ở 2/7 Bến Bắc, phường Tam Thanh, TP Lạng Sơn điều khiển. Trên xe vận chuyển gần nửa tấn pháo nổ các loại.

Cũng trong ngày 13/1, vào lúc 19h30, Công an Đồn Đồng Đăng phối hợp với lực lượng QLTT kiểm tra tại khu vực Thác nước - Bãi Gianh thuộc thị trấn Đồng Đăng, phát hiện được 200kg pháo các loại nhưng không có chủ.

Mới nhất và liều lĩnh đến mức khó ai ngờ nhất chính là việc các đối tượng buôn pháo xài luôn xe goòng đẩy chạy trên đường sắt để ra ga tàu hỏa tuồn về xuôi cho tiện. Đây là thủ đoạn từng xuất hiện với gà lậu và hàng tiêu dùng.

Các lực lượng chức năng đang kiểm đếm pháo lậu ở Quảng Ninh.

Ngày 9/1/2008, lực lượng QLTT chốt tại thị trấn Đồng Đăng phát hiện một xe goòng đang “tung tăng” chạy trên đường sắt, hướng về ga Đồng Đăng mang theo gần 300kg pháo nổ. Chủ lô hàng này là Lăng Thị Mọi, 33 tuổi, trú tại thôn Thác Mò, xã Phú Xá, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn. Là một "đầu nậu" buôn pháo lớn, tại nhà Lăng Thị Mọi, Cơ quan Công an còn thu được 400kg pháo nổ.

Mọi khai nhận đã thuê cửu vạn vận chuyển 700kg pháo lậu từ Trung Quốc, tập kết để đưa về Hà Nội đổ mối lại cho các cửa hàng bán lẻ. Đây được xem là vụ buôn lậu pháo có trữ lượng lớn nhất từ tháng 9/2007 đến nay ở Lạng Sơn.

Không chỉ có xe taxi, xe goòng được dùng làm phương tiện chuyên chở hàng quốc cấm, xe du lịch cũng bị lợi dụng một cách tối đa. Các con buôn thường trà trộn pháo lậu vào hàng mua sắm của khách du lịch tại chợ cửa khẩu, gây khó khăn cho các lực lượng kiểm tra.--PageBreak--

Vào lúc 11h30 ngày 4/1 tại khu vực xã Mai Pha, Công an tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện và bắt giữ 2 xe ôtô khách BKS: 98K-3591 và 98K-2719 chở 2.950 cây pháo giấy, pháo hoa cùng 1.728 chiếc mũ bảo hiểm Trung Quốc chưa được kiểm định chất lượng.

Trong tháng 11/2007, Trạm Dốc Quýt đã bắt giữ được 9 vụ với 352kg pháo nổ, 1.200 que pháo hoa và 200kg pháo to hình lựu đạn và mỏ vịt có thể gây sát thương cho con người. Đặc biệt, trong tuần từ ngày 4/1 đến ngày 10/1/2008 trạm kiểm soát liên ngành này liên tiếp phát hiện ra 4 vụ buôn lậu pháo.

Ngoài pháo hoa, pháo giấy, năm nay, xuất hiện thêm một loại pháo khá lạ là: "Pháo trái". "Pháo trái" có kiểu dáng, kích thước giống quả lựu đạn và nguy hiểm nhất là loại pháo này có dây cháy chậm rất dài gắn kíp nổ và có sức công phá lớn. Loại pháo này nếu các cơ quan chức năng thu giữ được thì việc tiêu hủy cũng rất khó.

Sau khi thu giữ, việc vận chuyển và tiêu hủy pháo lậu cũng cực kỳ khó khăn. Theo ông Nguyễn Thắng Lợi, Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Lạng Sơn, thì để tránh việc các đối tượng buôn lậu cay cú trả thù ném cho xe chở tang vật một mồi lửa, thậm chí Chi cục đã phải thuê cả xe đông lạnh để vận chuyển cho an toàn.

Theo ông Lợi thì pháo không thể tưới nước rồi chôn xuống đất bởi cánh buôn lậu lại cho người rình để đào lên đưa về... sấy khô bán tiếp. Lực lượng QLTT phải đưa tang vật vào một vùng đất trống ở chân núi, đào hố sâu khoảng chục mét rồi chất tất cả xuống để cho nổ. Có đợt tiêu hủy phải cho nổ liên tục cả ngày mới hết.

Về chế tài xử lý với các đối tượng vận chuyển mặt hàng quốc cấm này, ông Nguyễn Thắng Lợi cho biết: Thông tư liên tịch giữa Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Công an đã quy định việc buôn bán pháo nổ có số lượng từ 30kg trở lên là đã có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy vậy, do pháo là mặt hàng có giá trị vật chất không lớn nên khi bị phát hiện, các chủ hàng sẵn sàng bỏ của chạy lấy người, và có nhiều vụ, chỉ bắt được người vận chuyển thuê chứ chưa thể tìm được chủ hàng.

Trao đổi với PV ANTG, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống buôn lậu của tỉnh Lạng Sơn (Ban 127) ông Hà Hồng cho biết: "Nạn mũ bảo hiểm lậu đã tạm dẹp yên, giờ là thời điểm liên hợp các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, QLTT của chúng tôi tập trung chiến đấu quyết liệt với pháo nổ".

Ông Hồng cũng cho biết, năm nay nạn buôn lậu pháo đến sớm hơn hẳn mọi năm. Các năm trước, chỉ khi cận tết khoảng một tháng phong trào này mới rộ lên thì năm nay, các đường dây vận chuyển pháo đã hoạt động từ tháng 10 nhằm lẩn tránh sự truy quét gắt gao vào thời điểm trước tết của các cơ quan chức năng.

Một phần là do năm nay, khi nhu cầu các mặt hàng tiêu dùng gần bão hòa thì nhiều người chuyển sang buôn pháo cho dễ kiếm lời.

Quảng Ninh: Bọn buôn lậu chống cả công an để cướp pháo

Đến thị xã vùng biên này những ngày đầu tháng 1/2008, mới thấy những nhọc nhằn, vất vả của các lực lượng chức năng nơi đây bởi đối tượng vận chuyển pháo trái phép ngày càng manh động, liều lĩnh, sử dụng nhiều phương thức mới để đưa pháo vào tuyến trong.

Có vụ đối tượng cất giấu pháo trên xe container hay tinh vi hơn là cắt đáy 2 vỏ bình ga loại 45kg ga/bình cho pháo vào và xếp lẫn với các vỏ bình ga khác để trên xe ôtô chở vỏ bình ga vận chuyển đưa đi tiêu thụ. Thậm chí, pháo lậu còn được các đối tượng cho vào thùng thả theo sông, biển trôi từ bên kia biên giới về thị xã Móng Cái.

Các đối tượng vận chuyển pháo thường đi theo nhóm, bố trí một đối tượng đi trước dẫn đường không chở hàng, chúng còn chuẩn bị dao, kiếm, bình xịt hơi cay để chống trả, khi bị phát hiện sẵn sàng bỏ tang vật, phương tiện để chạy trốn sau đó lại tiếp tục hoạt động.

Mới đây nhất, để triệt phá, bắt gọn 5 đối tượng thuộc ổ nhóm vận chuyển pháo từ Móng Cái đưa vào Cẩm Phả và một số huyện, thị khác trong tỉnh tiêu thụ do đối tượng Ngô Văn Năm (32 tuổi, trú tại xã Hải Tiến, thị xã Móng Cái), cầm đầu, Công an thị xã phải mất một thời gian khá dài lập chuyên án đấu tranh. Tang vật thu giữ ngoài 489kg pháo các loại còn có 5 xe máy không có nguồn gốc, mang BKS giả.

Theo số liệu thống kê của Công an thị xã Móng Cái, thì chỉ từ tháng 11/2007 đến ngày 20/1/2008, đã phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn phát hiện, bắt giữ hơn 10 vụ vận chuyển, tàng trữ pháo trái phép, thu tới gần 7 tấn pháo các loại do Trung Quốc sản xuất, và Móng Cái chính là địa phương đã bắt giữ, xử lý pháo trái phép đạt kết quả cao nhất trong tỉnh Quảng Ninh thời gian qua.

Thậm chí còn có vụ người nước ngoài tham gia vận chuyển, buôn bán pháo như vụ gia đình Lã Thiên Lầu (24 tuổi, quê ở Chiết Giang, Trung Quốc). Lầu cùng vợ con đăng lý kinh doanh tại quầy 80, chợ 2, Móng Cái và thuê tầng một nhà số 33, ngõ 1, phố Đào Phúc Lộc, phường Trần Phú của một người Việt Nam để tập kết hàng hóa các loại, trong đó có cả pháo.

Đối tượng này thường nhằm vào đêm khuya để thuê xe ôm chở pháo từ khu vực biên giới đưa về tập kết tại số nhà 33 phố Đào Phúc Lộc, khi chủ hàng có nhu cầu thì hẹn trước sau đó sẽ đưa đến nhà 33 hoặc quầy bán hàng của gia đình Lầu tại chợ 2, Móng Cái.

Lúc 20h ngày 18/1, tổ công tác của Công an phường Trần Phú tổ chức kiểm tra phát hiện Lã Thiên Lầu vận chuyển, tàng trữ tại đây 79 thùng pháo hoa trang kim lễ hội do Trung Quốc sản xuất có tổng trọng lượng là 1.537kg.

Từ thị xã Móng Cái, pháo lậu được vận chuyển bằng các loại phương tiện theo Quốc lộ 18A đi các địa phương thuộc tỉnh Quảng Ninh và một số tỉnh, thành phía Bắc. Ngoài xe máy và những "đội quân cảm tử”, được ưa chuộng hơn cả là xe vận tải khách.

Tuy nhiên, không như những năm trước đây, khi giấu trên loại phương tiện này pháo được xé lẻ, ngụy trang tinh vi bằng nhiều hình thức như vụ Công an Quảng Ninh bắt quả tang xe khách mang BKS 14L-9213, do Đỗ Văn Nhuận 40 tuổi, ở Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng là lái xe đồng thời cũng là chủ xe vận chuyển 300kg pháo nổ và 15 mặt hàng nhập lậu từ thị xã Móng Cái đi TP Hải Phòng.

Ngoài giấu trong hầm tự chế ở đuôi xe, số pháo trên còn được đối tượng giấu trong 3 thùng loa cây.

Lực lượng Công an toàn tỉnh ngay từ đầu tháng 9/2007 đã tăng cường công tác nắm tình hình, phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, kiểm soát. Từ ngày 16/8/2007 đến 20/1/2008, các lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện 184 vụ, 154 đối tượng, thu hơn 20 tấn pháo các loại, trong đó, công an các đơn vị, địa phương thuộc Công an Quảng Ninh phát hiện 82 vụ, 93 đối tượng, thu trên 10 tấn pháo các loại.

Thực sự, các cơ quan chức năng đang căng hết sức mình để góp phần giữ cho nhân dân ăn tết bình yên

Hoàng Thắng – Minh Tiến – Minh Châu
.
.