Sang Hồng Kông mua… “sữa xách tay”

Thứ Ba, 03/04/2018, 12:10
Sáng nào cũng vậy, hàng trăm người lại tụ tập ở cửa khẩu Thẩm Quyến, Hồng Kông để chờ làm thủ tục qua bên kia… mua sữa!

Kể từ khi vụ sữa bột bẩn do một số công ty ở Trung Quốc sản xuất bị phát hiện gây ra chứng sỏi thận cho hàng nghìn trẻ sơ sinh - trong đó có một số trẻ chết thì nhiều người dân Trung Quốc sống ở thành phố Thẩm Quyến (Shenzen) đổ xô sang Hồng Kông mua sữa bột.

Những hộp "sữa xách tay" này sau đó được bán lại cho các nhà buôn. Tùy theo chủng loại và trọng lượng, mỗi hộp sữa người bán kiếm lời từ 150.000 đến 250.000 đồng (nếu tính theo tiền Việt), còn các bà mẹ sẽ phải trả cao hơn nữa…

Vì thế, sáng nào cũng vậy, hàng trăm người lại tụ tập ở cửa khẩu Thẩm Quyến, Hồng Kông để chờ làm thủ tục qua bên kia… mua sữa!

1. Mới 7 giờ sáng mà khoảng sân lát đá hoa cương rộng cỡ 2 sân bóng đá ở trước cửa khẩu Thẩm Quyến, Hồng Kông đã khá đông người, phần lớn là dân Thẩm Quyến, một số khác đến từ tỉnh Sơn Đông. Họ tụ tập thành từng nhóm, chuyện trò inh ỏi. Liu, người Việt gốc Hoa, sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, năm 1979 theo gia đình về Quảng Châu, Trung Quốc, vừa là phiên dịch và cũng là hướng dẫn viên cho tôi trong chuyến đi này nói: "Họ sang Hồng Kông mua sữa bột.

Một nhóm người mua sữa "tổng kết thành quả" ngay trên lề đường.

Trước đây, sáng nào cũng có cả nghìn người nhưng hiện nay, theo quy định thì khi quay lại Thẩm Quyến, mỗi người chỉ được mang theo 2 hộp sữa, tổng trọng lượng không vượt quá 1,8kg nên số người đi đã giảm bớt".

3 ngày trước đó, thông qua một dịch vụ du lịch ở Thẩm Quyến, Liu đã xin cho tôi visa nhập cảnh Hồng Kông. Liu nói: "Với người dân Thẩm Quyến, nếu như từ năm 2013 trở về trước, ngày nào họ cũng có thể sang Hồng Kông và có thể mang về hàng trăm hộp sữa bột thì từ năm 2014 đến nay, mỗi tuần họ chỉ được sang 1 lần, và phải có giấy phép do bộ phận xuất nhập cảnh phía Hồng Kông cấp. Nếu số sữa bột mang về vượt quá giới hạn cho phép, họ sẽ bị phạt khoảng 136 triệu đồng (quy ra tiền Việt) và còn có thể bị 2 năm tù giam".

Chả thế mà gia đình ông Mã - một người quen với Liu - gồm 2 vợ chồng và 3 đứa con mỗi tuần 1 lần cùng nhau đi Hồng Kông mua sữa, tiền lời kiếm được từ 10 hộp sữa cũng tạm đủ sống Ông cho biết những loại sữa bột được ưa chuộng nhất hiện nay là Nutrilon, Formula và Friso Gold, sản xuất ở Mỹ, Hà Lan.

10 năm trước - năm 2008 - dư luận Trung Quốc vừa phẫn nộ, vừa kinh hoàng khi 3 công ty sản xuất sữa hàng đầu ở quốc gia này bị phát hiện pha trộn chất melamine vào sữa bột. Đây là một chất giàu nito - thường được sử dụng để đo lượng protein (chất đạm) nên có thể trộn chung với sữa nhằm làm tăng thành phần đạm trong sữa. Tuy nhiên, melamine là đạm vô cơ nên đã gây ra hậu quả là hàng nghìn trẻ sơ sinh sau khi được cho uống loại sữa bột ấy bị chứng sỏi thận và đã có trẻ chết.

Trước đó, năm 2004, ít nhất 13 trẻ cũng đã chết sau khi uống sữa bột giả, hoàn toàn không có một chút giá trị dinh dưỡng nào. Những vụ việc này đã khiến số đông người Trung Quốc quay lưng với các sản phẩm sữa bột nội địa, kèm với đó là sự xuống dốc của nhiều nhãn hiệu sữa Trung Quốc.

Chính vì vậy, mới xảy ra hiện tượng người Thẩm Quyến sang Hồng Kông mua sữa rồi đem về bán lại cho các nhà buôn, và các nhà buôn ấy bán lại cho các bà mẹ có nhu cầu. Đục nước béo cò, một số kẻ đầu cơ nhân cơ hội này cũng bỏ tiền thuê người sang Hồng Kông thu gom sữa. Bên cạnh đó, họ còn mua nhiều loại hàng hóa tiêu dùng khác như điện thoại di động, đồng hồ, máy tính bảng, máy tính xách tay, giày dép, tã giấy cho trẻ em, thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng…, với chất lượng tốt hơn hàng nội địa, giá cũng rẻ hơn.

Guo Shuqing, một cảnh sát Hồng Kông cho tôi biết qua lời phiên dịch của Liu: "Mặc dù dòng người hàng ngày nườm nượp đổ sang Hồng Kông mua sữa đã khiến các nhà bán lẻ hài lòng, nhưng phần lớn người dân Hồng Kông lại rất khó chịu vì nhiều trường hợp khi đi mua sắm, họ phải mất thời gian chờ đợi bởi hàng đoàn người Thẩm Quyến cũng đang chen chúc chờ mua. Chưa kể mua xong, người Thẩm Quyến tự nhiên đóng gói hàng hóa ngay trên lề đường còn ở sân ga tàu cao tốc là hàng trăm thùng hàng, ít nhiều cũng gây khó khăn cho khách đi lại…".

2. 9 giờ sáng, tôi cùng Liu hoàn tất thủ tục nhập cảnh Hồng Kông. Biên giới tự nhiên ngăn cách giữa hai vùng này là 1 con sông nên có thể đến các trung tâm thương mại ở Hồng Kông như Cửu Long, Tân Giới bằng tàu cao tốc, phà hoặc xe bus. Chỉ vào đám người đang rồng rắn trước mặt, Liu nói: "Phần lớn họ đi mua sữa và các loại hàng hóa khác. Anh muốn lấy tư liệu thì cứ theo họ".

Sữa đóng thành từng thùng ở sân ga.

Cầm tấm vé trên tay, tôi và Liu lên tàu cao tốc. Chừng 20 phút, tàu dừng lại ở ga Cửu Long. Nằm về phía bắc đảo Hồng Kông, Kowloon Walled City (hay còn gọi là Cửu Long Thành) là một tổ hợp gồm hơn 300 tòa nhà kết nối với nhau. Tại đây, có những phố mua sắm nổi tiếng như Causeway Bay với hai khu thương mại là Sogo và Mitsukoshi nằm đối diện trên đường Hennessy. Ở hai khu thương mại này, sữa bột được bày bán trong các cửa hàng dược phẩm, cả Đông y lẫn Tây y. Liu nói: "Ngoài ra, ở Times Square với 8 tầng lầu cũng có một số tiệm thuốc Tây bán sữa".

Tuy nhiên, thay vì đến Causeway Bay, Liu bảo tôi qua Trung tâm thương mại Lung Fung Garden vì phần lớn những người đi trên tàu cao tốc đều chọn nơi này để mua sữa bột. Tại một cửa hàng thuốc Tây có tên Fong Pharmacy, dòng người rồng rắn xếp hàng và cũng không thiếu những người chen ngang.

Mặc dù quy định chỉ được phép mang về Thẩm Quyến mỗi người 2 hộp sữa nhưng một phụ nữ lúc bước ra khỏi cửa, tôi thấy cái túi nilon trong suốt trên tay chị ta có 6 hộp, hiệu Friso Gold. Nhờ Liu hỏi giúp là bằng cách nào để có thể mang về được cả 6 hộp thì chị ta cười: "Gửi mấy người quen, những người mua hàng hóa khác chứ không mua sữa".

Vẫn theo lời phụ nữ ấy, mỗi hộp Friso Gold chị ta mua với giá 25USD (khoảng gần 600 nghìn đồng tiền Việt), về đến Thẩm Quyến bán sang tay được 850 nghìn. Chả thế mà nhiều gia đình gồm 3 thế hệ ông, bà, cha mẹ, con cháu đều cùng đi… mua sữa, và tình trạng ấy đã dẫn đến những phản ứng của dân Hồng Kông.

Theo tìm hiểu của tôi, không ít người Thẩm Quyến chung tiền thuê một căn phòng của một chung cư nào đó tại Hồng Kông. Sữa mua được, họ cất giấu ở đó rồi chuyển dần về đại lục, bất chấp nguy cơ bị bắt, bị tịch thu, bị phạt tiền và bị ở tù.

Liu cho biết năm 2014, báo chí Hồng Kông đưa tin có khoảng 90 tấn sữa bột đóng hộp hiệu Formula được đem ra khỏi Hồng Kông bởi những người mua đến từ Sơn Đông, Thẩm Quyến. Hồi tháng 3-2015, nhiều cuộc biểu tình lớn của dân Hong Kong chống lại việc thu gom sữa đã khiến một số cửa hàng dược phẩm phải tạm thời đóng cửa mặc dù nhu cầu sữa của trẻ sơ sinh ở Hồng Kông không nhiều đến mức bị thiếu hụt.

Theo chân dòng người, tôi cũng xếp hàng vào mua… 2 hộp sữa! Đứng trước tôi là ông Yang Liang-lin, tài xế taxi ở Thẩm Quyến. Có lẽ do nghề nghiệp nên ông nói tiếng Anh khá tốt. Theo Yang thì vợ chồng ông có 1 đứa con trai 6 tháng tuổi, và tháng nào ông cũng sang Hồng Kông 1 lần để mua 2 hộp Friso Gold.

Ông nói: "Chúng tôi không tin tưởng thương hiệu trong nước. Nếu có sự lựa chọn, bạn nên mua sữa nước ngoài". Bà Chan Yue, đứng gần ông Yang Liang-lin nói thêm: "Không phải ai sang đây cũng mua về bán lại, nhưng phần lớn đều như vậy nên đó là lý do vì sao đa số dân Hồng Kông muốn giữ nguyên mức giới hạn mỗi người chỉ 2 hộp, được áp dụng từ hồi tháng 3-2013".

3. Nhanh chóng nhận ra nguồn kinh doanh béo bở này, Andy Yuen Hong-pang, một thương gia Hồng Kông đã xin phép để được mở một cửa hàng bán sữa bột nhập ngoại ngay tại Thẩm Quyến với tên gọi Qianhai, và giá cả chẳng đắt hơn nếu mua ở Hồng Kông là bao. Theo ông Andy Yuen, chỉ trong 3 tháng kể từ khi mở cửa, doanh thu của Qianhai đã đạt 3,8 triệu nhân dân tệ - khoảng 4,5 triệu đô la Hồng Kông, gấp 3 lần so với cùng thời gian bán tại Hồng Kông.

Một số người bán sữa sang tay kiếm lời khi về đến Thẩm Quyến.

Yuen nói: "Sự cạnh tranh ở Hồng Kông ngày càng trở nên gay gắt, lợi nhuận của chúng tôi đã giảm 30 đến 40% bởi quy định "một lần mỗi tuần", áp dụng cho cư dân Thẩm Quyến". Chả thế mà số liệu của Cục Hải quan Hồng Kông cho thấy trong năm 2014, đã có 5.152 trường hợp buôn lậu sữa bột bị xử lý. Năm 2015 là 4.300 trường hợp, năm 2016 là 3.964 trường hợp.

Riêng 9 tháng đầu năm 2017 chỉ còn hơn 2.000. Guo Shuqing, cảnh sát cửa khẩu Hồng Kông, Thẩm Quyến nói: "Những con số ấy cho thấy nhu cầu về sữa bột ngoại nhập ở trong nước vẫn rất cao, nhất là khi chính phủ Trung Quốc nới lỏng chính sách mỗi gia đình chỉ có 1 con. Để có đủ sữa, nhiều người đặt mua qua mạng Internet từ các hãng nước ngoài. Một số người khác - thuần túy là mua đi bán lại - thì do lợi nhuận từ sữa bột ngày càng ít hơn nên họ chuyển sang những mặt hàng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm…".

Tuy nhiên, cũng như ở Việt Nam, nhiều người Trung Quốc vẫn chuộng "hàng xách tay" mặc dù hộp sữa Friso Gold bán trong cửa hàng Qianhai chẳng khác gì hộp Frisol Gold bán ở Trung tâm thương mại Lung Fung Garden, Hồng Kông, nhưng một số các bà mẹ vẫn sẵn sàng trả đắt hơn cả trăm nhân dân tệ để mua sữa từ Hồng Kông "xách tay" về.

Sheng Sui, một bà mẹ trẻ 26 tuổi vừa chỉ ra hướng cửa khẩu vừa nói: "Sự cố sữa bẩn năm 2008 đã khiến chúng tôi e ngại vì mặc dù sữa ở Qianhai là sữa ngoại nhập, nhưng làm sao biết được họ nhập nguyên thùng hay chỉ nhập bột sữa rồi về đóng hộp ở đây, và trong quá trình đóng hộp họ có pha trộn thêm thứ gì nên tốt nhất, cứ mua ở bên ấy…".

Cuối cùng, sau hơn nửa tiếng xếp hàng chờ mua sữa, tôi bỏ cuộc vì không chịu nổi sự ồn ào và cái mùi mồ hôi người. Liu hỏi tôi: "Sao vậy?". Tôi cười: "Thử để biết cảm giác mua hàng xách tay thôi". Lúc về gần đến cửa khẩu, một phụ nữ to béo đứng bên lề đường, thấy tôi và Liu đi tay không liền vồn vã chào hỏi. Qua lời dịch của Liu, tôi biết chị ta muốn nhờ chúng tôi mang giúp 4 hộp sữa.

Thấy tôi gật đầu, chị ta nhanh chóng lôi từ trong chiếc va li màu đen ra 4 hộp Nutrilon, xuất xứ Hà Lan rồi cho vào 2 cái túi giấy. Sau đó, chị ta bám sát sau lưng chúng tôi, chắc là sợ chúng tôi… ôm hàng trốn mất! Lúc làm thủ tục qua cửa khẩu, một nhân viên hải quan Hong Kong vừa nhìn vào visa, vừa ngó chằm chặp xuống cái túi trên tay tôi: "Từ Việt Nam mà cũng sang đây mua sữa à?".            

Vũ Cao
.
.