Sẻ chia sau lũ dữ

Thứ Hai, 06/11/2017, 11:41
Con suối ôm theo sườn núi bị lấp đầy đất đá, chỉ ít ngày trước nó thật hiền hòa, nước tới bắp chân, nhưng lũ về thì giống như quái thú khổng lồ nuốt chửng tất cả những gì nó đi qua. Cơn lũ ống bất ngờ quét đến huyện Trạm Tấu (Yên Bái) vào sáng sớm 11-10 đã làm 10 người chết, 3 người mất tích, 7 người bị thương, thiệt hại nặng nề về tài sản và hoa màu.

Trở lại đây sau thảm kịch của lũ ống, chúng tôi chỉ thấy những bãi đá khổng lồ vùi lấp thửa ruộng xanh non; những ánh mắt hoang hoải buồn thương vô hạn khi mất đi người thân; những nỗi lo trĩu nặng tâm can khi người dân mất nhà, mất tài sản, mất ruộng vườn.

Cơn ác mộng chưa qua

Trên đường từ thị xã Nghĩa Lộ vào huyện Trạm Tấu, rất nhiều đoạn đường bị sạt lở đã được khắc phục. Khi lũ quét xảy ra, Trạm Tấu bị chia cắt hoàn toàn với bên ngoài do đất đá vùi lấp đường đi. Phải mất nhiều ngày với nhiều phương tiện và sức lực của con người, hàng chục nghìn tấn đất đá mới được thu dọn, con đường mới được sửa chữa và khơi thông.

Lũ đã đi qua hơn 20 ngày, khi tới đây chúng tôi vẫn cảm nhận rõ nét sự tàn phá kinh hoàng của nó. Dưới vực sâu đất đá bị sạt lở vẫn nằm lại. Bên vách núi sừng sững từng mảng đồi sạt còn trơ lại nền đất đỏ. Những tảng đá to nặng vẫn còn nằm lại ven rừng. Nhìn cảnh tượng ấy, chúng tôi không khỏi rùng mình, mới thấy con người thật bé nhỏ khi chống chọi cơn giận dữ của thiên tai.

Đường vào xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu gập ghềnh khó đi. Theo Thượng tá Đỗ Văn Thắng, Trưởng Công an huyện thì đây là xã bị thiệt hại nặng nhất. Cả lòng suối chạy dài hàng chục km cạn trơ tới đáy bị vùi lấp dày đặc bởi đá lớn, đá nhỏ. Đau lòng hơn khi những bãi đá ngút ngàn đằng kia trước đây là ruộng lúa. Làm sao mà bốc được hết những đất đá này để tìm lại đồng ruộng đây?

Thiếu tướng Phạm Văn Miên - Tổng Biên tập Báo CAND - trao quà và động viên thân nhân những người thiệt mạng trong trận lũ .

Câu hỏi này bám riết chúng tôi, một cảm giác chua xót ập tới. Cuộc sống sinh nhai của người dân tiếp theo như thế nào khi 39ha lúa ở Hát Lừu bị vùi lấp, trong đó có 23,4ha mất trắng và không thể nào khôi phục lại được; 6.000m2 ngô bị vùi lấp, mất trắng 11 ngôi nhà, 25 nhà phải di dời khẩn cấp và 30 nhà bị hư hỏng đang khắc phục, 695 con gia súc, gia cầm bị trôi...

Ông Lò Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Hát Lừu đau xót: “Tổn thất này chưa biết khi nào khôi phục được”. Một xã nghèo trong một huyện nghèo gần nhất cả nước, trận lũ này giống như một cơn ác mộng với họ.

Nhắc lại cơn ác mộng vào 5h kém sáng 11-10 làm 8 người trong xã bị thiệt mạng (trong đó còn 1 người mất tích vẫn chưa tìm thấy), ông Lò Văn Pầng, Phó Chủ tịch xã nói mà như khóc: “Sau 2 ngày mưa không dứt, khoảng 5h kém ngày 11-10, lũ ống, lũ quét bất ngờ từ thượng nguồn đổ về ập xuống Hát Lừu. Lũ đến quá nhanh, lại vào sáng sớm nên nhiều gia đình còn ngủ đã không phát hiện, bị nước cuốn trôi. Người phát hiện ra thì không kịp chạy mà thiệt mạng, người kịp thì chỉ thoát được mình, toàn bộ tài sản đều không kịp đem theo”.

Sống sót

Hai mươi ngày thoát chết từ trong dòng lũ trở về, ánh mắt thất thần, trũng sâu của anh Lò Văn Lập đã rớm lệ khi nhắc lại câu chuyện đau thương của gia đình mình. Vợ chồng anh bị nước lũ cuốn đi nhưng đều may mắn thoát chết. Đau đớn nhất với họ là trong giây phút sinh tử lại không cứu được đứa con gái bé bỏng.

Khi chúng tôi tới thăm, anh Lập vừa mới ra viện. Anh phải phẫu thuật vì bị cây đâm vào đùi. Vợ anh xuất viện trước đó nửa tháng, nhưng người mẹ trẻ như mất hồn, đôi mắt lúc nào cũng sưng mọng, không còn sức gượng dậy sau cú sốc mất con. Anh Lập kể rằng sáng sớm ngày 11-10, anh không ngủ được nên dậy sớm vì lo lắng cho ao cá, chuồng lợn chuẩn bị đến ngày thu hoạch đang có nguy cơ bị lũ nhấn chìm.

Khoảng 5h kém 15 phút, anh thấy nước lũ dâng lên rất nhanh, mấy gia đình phía trên đang bỏ chạy thì cũng cuống lên gọi vợ bế con chạy đi. Nhưng lũ lên quá nhanh, chưa kịp tới cửa thì anh bị cuốn đi. Thấy mình bị đảo lên lộn xuống trong dòng nước, toàn thân đau đớn do va đập vào đá, anh tưởng rằng mình không sống nổi. Nhưng may mắn thay, trôi khoảng hơn 200m anh mắc vào một cành cây nên thoát chết. Dù vết thương sâu trên đùi máu chảy rất nhiều, người run rẩy, kêu cứu không có ai trả lời, nhưng anh cũng cố bò về nhà.

“Từ xa, tôi không nhìn thấy nhà mình đâu nữa, vợ con không biết sống chết ra sao. Tôi đã ngất đi. Tỉnh lại, mới biết vợ mình cũng đang cấp cứu ở đây, nhưng lũ đã cuốn mất ngôi nhà của chúng tôi cùng với con gái” - cố nén đau xót chỉ trực bật ra, anh Lập ghìm lại dòng nước mắt đang muốn lăn xuống gò má.

Anh bảo rằng, mình là đàn ông còn không chịu nổi, huống hồ vợ anh trong giây phút chuẩn bị nắm được bàn tay con gái thì bị lũ cuốn phăng đi. Cô ấy lúc tỉnh lúc mê, lúc nào cũng bị ám ảnh tới giây phút tuyệt vọng đau xé lòng đó. Trôi theo dòng nước chừng 50m, cô ấy mắc lại và được người dân cứu.

Trong lúc vật lộn, vợ anh mơ hồ thấy cảnh tượng khủng khiếp, con quái vật lũ ống hung dữ nhằm ngay ngôi nhà của họ quật xuống, bên trong có con gái họ. 3 ngày sau các lực lượng chức năng mới tìm thấy thi thể cháu bé trôi xuống tận xã Tuy Lộc, huyện Trấn Yên, cách nhà hơn 100km.

Anh Lò Văn Mười đau buồn khi nhắc tới 5 người thân trong gia đình bị lũ cuốn trôi.

Hôm chúng tôi tới thăm anh Lập vào đúng lúc gia đình đang làm cơm cúng cho cháu. Bố anh - ông Lò Văn Đôi - nghẹn ngào: “Thương cháu mà không biết làm sao. Vợ chồng nó mất tất cả rồi, mất con, nhà cửa, ruộng vườn, gà lợn không còn gì hết. Tôi bảo chúng nó cứ về đây mà ở, nỗi đau này cần phải có thời gian để nguôi ngoai”.

Nhà ông Đôi có mấy ha lúa, hoa màu cũng bị lũ cuốn trôi sạch. Ông bảo, bao nhiêu năm nay mới thấy một trận lũ lớn đến thế này. Nghĩ lại mà ông vẫn thấy ớn lạnh.

Không tận mắt chứng kiến sự tàn khốc của cơn lũ, nhưng chàng thanh niên 26 tuổi Lò Văn Mười lại là người chịu đau thương lớn nhất ở Hát Lừu khi gia đình anh có 5 người bị thiệt mạng. Đến giờ không ai biết trong tình huống lũ dữ ập đến, cả gia đình họ còn đang ngủ hay chống chọi với lũ thế nào, bởi sau khi lũ đi qua, người ta mới phát hiện ngôi nhà của Mười không còn nữa, 4 thi thể được tìm thấy trong dòng nước, còn cháu bé 12 tuổi vẫn mất tích.

Nhà Mười nằm cạnh khe Huẩy Phang, trong cơn lũ thì khe nước này bỗng phình to như vòi rồng, nước ào xuống như thác. Cùng lúc đón nhận tin dữ: bố mẹ, anh trai, chị dâu và hai cháu bị lũ cuốn chết, Mười vội vã từ Hà Nội trở về. Đường bị sạt lở chia cắt, không đi được ô tô thì Mười lội bộ, đôi chân tứa máu cũng mặc kệ. Trực tiếp an táng cho từng người thân, Mười quỳ sụp xuống mà khóc.

Khi nói với chúng tôi về gia đình đã dừng việc tìm kiếm thi thể cháu trai 12 tuổi, ánh mắt Mười buồn vô hạn. Không biết thi thể của đứa cháu tội nghiệp đang còn nằm lại ở nơi đâu, có thể bị đất đá vùi lấp, cũng có thể trôi dạt về phương nào, day dứt và xót xa.

Ám ánh chúng tôi là ánh mắt của Sùng Thị Bầu, ở xã Xà Hồ. Bầu năm nay 19 tuổi nhưng đã có 2 con, chồng Bầu là Vàng A Bo vừa thiệt mạng trong trận lũ ống. Người mẹ trẻ địu trên lưng đứa con nhỏ đang ngủ, tay dắt con gái lớn gần 3 tuổi, đôi mắt đỏ hoe khi nhận món quà mà Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng Biên tập Báo CAND và Ngân hàng Agribank trao tặng.

Chồng Bầu đi làm nương, khi lũ quét đến không kịp chạy đã thiệt mạng. Tôi cảm nhận được ánh mắt hốt hoảng của em trên khuôn mặt buồn trĩu nặng mỗi lần nhắc tới chồng, với nỗi lo vời vợi phía trước.

Đối mặt với sự tan hoang sau lũ, UBND tỉnh Yên Bái, UBND huyện Trạm Tấu và chính quyền các xã bị thiệt hại do lũ đang khẩn trương khắc phục hậu quả, vận động nhân dân dựng lại nhà cửa bị hư hỏng, khôi phục sản xuất và học tập. Vẫn biết việc khắc phục còn vô vàn khó khăn bởi giải quyết cho những hộ mất nhà, mất tài sản là cả một câu chuyện dài.

Theo ông Lò Văn Pầng thì xã Hát Lừu đã tìm được một khu đất bằng phẳng (khu Hay Cúng) và an toàn để cho 38 hộ dân mất nhà về tái định cư. Các hộ này vẫn còn đang ở nhờ nhà văn hóa thôn, trường học, nhà người thân và nguồn sống hiện nay đều trông chờ vào trợ cấp. Lo lắng cho cái đói, cái nghèo sẽ đeo đẳng sau lũ, ông Pầng cho biết,  tới đây phải vận động người dân khắc phục đất hoang hóa để trồng cấy, vận chuyển đất đá để tìm lại ruộng đồng, khôi phục sản xuất, tăng gia chăn nuôi thì mới mong ổn định được cuộc sống.

Không chỉ ở Yên Bái, tại một số địa phương khác như Sơn La, Thanh Hóa, lũ lụt cũng gây thiệt hại nặng nề. Tại huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) đã hơn 20 ngày sau khi mưa lũ đi qua nhưng cuộc sống của nhiều bà con nhân dân xã Cẩm Thành vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Hà Văn Trường, Phó Bí thư thường trực, UBND xã Cẩm Thành cho biết, mưa lớn kéo dài nhiều ngày đã gây thiệt hại về tài sản, hoa màu... của nhân dân trên địa bàn xã. Trong đó, số nhà dân bị ngập nước là 228 nhà, hoa màu gần như bị thiệt hại hoàn toàn. 70% diện tích mía bị hỏng, Nhiều ao cá của bà con bị lũ cuốn trôi. Ước tỉnh tổng thiệt hại toàn xã là hơn 18 tỷ đồng.

Ngay sau khi nước rút, chính quyền địa phương đã chỉ đạo bà con khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống. Kịp thời di dời khi mưa lũ tràn về đảm bảo an toàn về người tuy nhiên do nước lũ lên cao và nhanh nên toàn bộ đàn gia súc, gia cầm của gia đình chị Nguyễn Thị Chí, thôn Thành Long 1, đã bị lũ cuốn trôi. Một mẫu mía chuẩn bị thu hoạch cũng bị nước lũ dâng cao làm thối hỏng gần hết.

“Cả năm chỉ trông chờ vào vụ mía mà mía giờ hỏng gần hết rồi, gia đình chưa biết phải làm thế nào”, chị Nguyễn Thị Chí buồn rầu.

Còn tại xã Cẩm Bình, trong đợt lũ vừa qua, tổng thiệt hại trên toàn địa bàn xã ước tính hơn 10 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại về hoa màu là khoảng hơn 6 tỷ đồng, thiệt hại về thủy sản là hơn 2 tỷ đồng... Anh Hà Văn Hào, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình, cho biết, cùng với sản xuất nông nghiệp, bà con xã Cẩm Bình còn phát triển kinh tế bằng nghề nuôi cá. Tuy nhiên, trận mưa lũ lớn vừa qua gây ngập trên diện rộng đã khiến cho 29 ha ao cá của bà con bị ngập.

Nhiều gia đình lao đao sau khi đầu tư vào nuôi cá. Như gia đình chị Đỗ Thị Hương, thôn Tô 2 bị trôi 2 sào cá. “Gia đình tôi đã nuôi cá bán nhiều năm. Năm nay coi như mất trắng vụ cá. Chúng tôi đang tính phải vay mượn để tiếp tục đầu tư thả cá. Chỉ mong thời tiết thuận lợi ủng hộ để cuộc sống của chúng tôi được ổn định”, chị Đỗ Thị Hương lo lắng.

Ngày 31-10, Thiếu tướng Phạm Văn Miên - Tổng Biên tập Báo CAND - cùng đại diện Ngân hàng Agribank chi nhánh Yên Bái và Công an tỉnh Yên Bái đã trao tận tay số tiền 50 triệu đồng ủng hộ người dân ở xã Hát Lừu và Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, bị thiệt hại do lũ ống, lũ quét. Món quà tuy nhỏ nhưng đây là tình cảm, tấm lòng của những CBCS Công an và cán bộ Ngân hàng Agribank nhằm chia sẻ với người dân vùng lũ vơi bớt khó khăn.

Trong đợt mưa lũ vừa qua, thông qua Báo CAND, Ngân hàng Agribank ủng hộ 200 triệu đồng cho người dân bị thiệt hai ở 4 tỉnh: Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Thanh Hóa.

Cùng ngày, đoàn công tác XH-TT do Thượng tá Nguyễn Thúy Quỳnh, Phó Tổng Biên tập Báo CAND dẫn đầu cùng ông Nguyễn Viết Văn - Phó Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Agribank tỉnh Thanh Hóa - mang theo hơn 4 tấn gạo đến với bà con xã Cẩm Bình và Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy. Đây là những địa bàn bị ngập sâu gây thiệt hại lớn về tài sản trong đợt mưa lũ vừa qua.

Thượng tá Nguyễn Thúy Quỳnh, ông Nguyễn Viết Văn cùng đoàn công tác trao quà tận tay cho bà con xã cẩm bình.

Đoàn công tác cũng đã trao 5 triệu đồng do Công ty TNHH Phát triển du lịch quốc tế Phượng Hoàng tài trợ cho 5 cán bộ Công an huyện Cẩm Thủy tận tụy giúp dân trong đợt mưa lũ vừa qua. Trước đó, ngày 29-10, được sự ủy quyền của Báo CAND, Công an tỉnh Thanh Hóa đã đến nhà thăm hỏi và trao 4 triệu đồng do Ngân hàng Agribank tài trợ cho gia đình Thượng tá Cao Đăng Cường, Chính trị viên Đồn Biên phòng Yên Khương và Đại úy Nguyễn Thành Chủng, Đội trưởng Đội tổng hợp Đồn biên phòng Yên Khương, huyện Lang Chánh, hi sinh khi đi làm nhiệm vụ phòng, chống lũ lụt.

Trần Hằng - Cảnh Vũ - Nguyễn Hương
.
.