Sóng gió phận người: Chỉ mong đừng chết trước con

Thứ Tư, 07/01/2015, 20:00
Qua một chặng đường dài, qua nhiều ngã rẽ khúc cua, qua nhiều cánh đồng, xóm nhỏ, rồi chúng tôi cũng đến được nơi cần đến. Đó là một căn chòi lá xác xơ nằm trơ trọi giữa đồng không mông quạnh (ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre). Trong căn chòi rách nát, xiêu vẹo tưởng chừng chỉ một cơn gió thoảng qua cũng đổ sụm… ở đây, có hai phận người thê lương.

1. Một trong hai  phận người ấy là ông Nguyễn Văn Thạnh, 61 tuổi. Khi chúng tôi ghé thăm, ông Thạnh đang ngồi bên người con trai duy nhất bị bại liệt gần 10 năm qua. Ông kể một ngày nọ, cậu con trai của ông sau 4 năm học đại học, sau cuộc vui liên hoan với các bạn chờ đến sáng thứ hai chính thức đặt chân lên bục giảng, lúc trên đường về thì bỗng dưng đổ quị. Nhận được tin báo, ông thuê xe đưa con về nhà, khi còn cách nhà khoảng 500m thì… ác mộng ập đến.

"Một thanh niên phóng hết tốc độ đi ngược chiều đâm thẳng vào chiếc xe ôm chở cha con chú. Khi tỉnh dậy, chú thấy mình nằm trong bệnh viện, chẳng thấy con đâu. Hoảng quá, chú hỏi các bác sĩ mới biết do chấn thương quá nặng nên nó gần như chết rồi. Không chấp nhận tin đó, chú nằng nặc yêu cầu chuyển con lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Tại đây bác sĩ đã cứu sống nó. Ngặt nỗi…".

Ông Thạnh bỏ lửng câu nói với ánh mắt đỏ hoe. Dân trong vùng ai cũng rõ câu chuyện đau lòng, vì cứu mạng con mà ông Thạnh từ một người khá giả trở thành người nghèo nhất xã. Để có tiền chữa trị cho con, ông Thạnh đã tiêu tốn tiền bạc dành dụm qua bao năm, bán tất cả những gì có được, rồi bán toàn bộ đất đai, vườn tược: "Lúc đầu thì chú bán 7 công đất, sau đó bán 5 công còn lại và hơn 2.000 gốc kiểng. Mình là nông dân sống nhờ đất, nay phải bán đất tiếc lắm, nhưng không bán thì lấy tiền đâu mà chữa trị cho con. Chưa đầy 6 tháng nằm điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy, tính ra chú tiêu tốn mỗi tháng cả trăm triệu đồng. Nhờ vậy mà từ hôn mê sâu, thằng Phú hồi tỉnh. Nhưng...".

Ông Thạnh lại bỏ lửng câu nói, ánh mắt buồn xa xăm. Có lẽ ông muốn bộc bạch rằng, khi cậu con trai bạc mệnh của ông là Nguyễn Tài Phú (SN 1981) hồi tỉnh với tấm thân tàn tạ, phần lưng và đốt xương cùng lở loét do nằm một chỗ lâu ngày, sức khỏe suy kiệt, tứ chi có cảm giác nhưng chẳng thể vận động được, ông vừa vui vừa xót...

Nuôi hy vọng con được trở lại bình thường, ông Thạnh đưa con về điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Củ Chi. Nhờ vậy mà tay chân con có thể phục hồi được. "Đang lúc tiến triển tốt thì chú chẳng còn gì để bán. Đành để em ngây ngây ngô ngô đến bây giờ" - ông Thạnh, trầm giọng, tay khẽ vuốt lên vết sẹo dài vắt ngang đầu con với bộc bạch để cứu con, các bác sĩ phải mở cả hộp sọ đặng can thiệp, phẫu thuật.

Không còn tiền để điều trị cho con, vậy là ông Thạnh đành cho con xuất viện. Ông về tìm gặp người mua đất xin họ cho ở đậu trên mảnh đất từng là tài sản của mình, bù lại ông sẽ trông coi vườn, chăm sóc cây cảnh cho họ và được chủ đất trả cho số tiền khiêm tốn chưa đến 200.000 đồng. Mỗi tháng, từ khoản tiền công còm cõi ấy, cha con ông dặt dẹo sống qua ngày đoạn tháng.

Bên trong căn chòi lá này, có hai phận người thê lương.

2. Tai nạn đã cướp đi của ông tất cả, nhấn chìm ông trong đọa đày có lẽ chỉ đến khi nhắm mắt xuôi tay ông mới được giải thoát. Chạnh lòng khi biết hồi con được 14 tháng tuổi, vợ ông vì không chịu nổi cảnh nghèo đã bỏ mặc cha con ông đi theo tiếng gọi khác: "Hồi sinh con, với hy vọng thoát nghèo, vợ chồng tôi nghĩ mãi mới đặt tên cho con là Nguyễn Tài Phú. Ai ngờ càng về sau càng cực khổ, chịu không nổi, một ngày nọ bà ấy lẳng lặng bỏ đi. Sau này tôi mới biết bà ấy lập gia đình với người đàn ông khác, điều kiện kinh tế khá giả".

Bị vợ bỏ với đứa con thơ, ông Phú cắn chặt nỗi đau sống cảnh gà trống nuôi con. Bằng hai bàn tay trắng, cần mẫn nhặt nhạnh, chắt chiu, ông đã mua được 12 công đất, gây dựng được 2.000 gốc cây kiểng, nuôi con đến khi tốt nghiệp đại học: "Thằng Phú nó ước mơ mai này làm giáo viên nên mới đi học ngành sư phạm. Nếu không có tai nạn xảy ra, giờ đây nó đã là thầy giáo lâu rồi" - ông Thạnh nói trong tiếng thở dài, buồn đến não nề.

- Từ ngày bỏ đi đến nay, mẹ Phú có liên lạc hỏi thăm chú và em không?

- Bà ấy không. Trước ngày tốt nghiệp đại học, thằng Phú lần ra tung tích của mẹ, nó đến thăm rồi trở về với lời thề từ nay không bao giờ gặp bà ấy nữa.

- Bà ấy có biết em Phú bị tai nạn không, thưa chú?

- Có thể biết, nhưng bà ấy không quan tâm đâu. Từ ngày bỏ đi, trong bà ấy, cha con chú nếu không phải là người xa lạ thì coi như... đã chết rồi.

Có sự tàn nhẫn, lạnh lùng nào bằng câu chuyện mẹ vứt bỏ con để được rảnh rang đi tìm cuộc sống mới. "Thôi thì trời kêu ai nấy dạ" - ông Thạnh cắt đứt suy nghĩ của tôi bằng câu nói an phận. Rồi ông trải lòng rằng mỗi ngày nhìn con ngây ngây ngô ngô, lên cơn động kinh, trái tim trong ông quặn thắt: "Khoảng 4 năm trước, nghe ở đâu có bác sĩ giỏi chú đều tìm đến hỏi thăm. Người ta nói tình trạng của cháu có thể phục hồi đến 70 - 80%. Nhưng số tiền điều trị quá lớn nên chú đành chịu".

3. Trời chiều ở miệt bưng biền sâu xa, buồn đến não nề. Trong căn chòi rách bươm, ông Thạnh nhìn con cười nói ngô nghê mà trái tim người cha trong ông quặn thắt. Còn nỗi đau nào bằng nỗi đau của một người cha tảo tần, nặng tình phụ tử, bao năm hy sinh vì con khi sắp đến ngày được đáp đền thì bị số phận trớ trêu tước đi tất cả.

“Chú có ước mơ gì không?”- Sau khi giúp người cha tội nghiệp tiền, gạo và nhu yếu phẩm, chúng tôi hỏi ông Thạnh. Câu trả lời của ông Phú khiến chúng tôi nhói lòng. Ông không mong cầu có nhiều tiền như thường thấy ở nhiều người khác. Ông chỉ cầu ông trời đừng cho ông chết trước con mà thôi.

- "Chú mà chết rồi, em Phú... ai lo, con ơi?!".

Đến bây giờ trong tôi vẫn ám ảnh lời trăn trở ấy của ông Thạnh. Ông nói lời ruột gan ấy, cái ước mơ mong đừng chết trước con ấy với trái tim người cha chất chứa tình thương lớn lao. Vợ ông vì tham phú phụ bần đã nhẫn tâm bỏ mặc cha con ông. Nhưng với ông, con ông, dù ở hình hài gì, dù giờ đây nó không nhận ra ông là cha... thì với ông Phú vẫn là tất cả.

Chúng tôi rời túp lều xiêu vẹo của cha con ông Thạnh với cõi lòng trĩu nặng. Với ai đó không biết, chứ với cha con ông, quả thật ông trời là quá bất công. Thật đau đớn thay và tôi không sao hiểu được, không thể hình dung được hai cha con ông, sống như thế nào với khoản thu nhập chưa đến 200.000 đồng một tháng.

Phía sau cái mong ước cầu trời đừng cho mình chết trước con, ông Thạnh "chỉ cầu" có được thuốc bổ não, thuốc giảm đau và có thêm phép màu nào đó, giúp ông có điều kiện chữa bệnh cho con, để một ngày nào đó, con ông bừng tỉnh cất tiếng gọi... cha ơi!

Mọi sự giúp đỡ cho cha con ông Thạnh, xin liên hệ Chuyên đề An ninh thế giới, số 373D Nguyễn Trãi, Q.1, TP HCM; hoặc chú Nguyễn Văn Thạnh, số điện thoại: 01692483515.

BS Thế Dũng
.
.