Sự bịa đặt về ông lang vườn có khả năng kỳ lạ

Thứ Ba, 15/11/2011, 17:00
Dư luận hiện đang xôn xao chuyện ông Út Lựu, trú ở Núi Thành, Quảng Nam, chết đi sống lại rồi tự làm giỗ cúng cho chính mình trong 21 năm qua. Đặc biệt, sau khi xảy ra sự cố chết đi sống lại, ông Lựu đã có "khả năng kỳ lạ", làm thuốc chữa bệnh cứu người. Qua tìm hiểu, chúng tôi phát hiện sự thật câu chuyện của ông Lựu đã bị một số kẻ cố tình bịa đặt, thổi phồng nhuốm màu mê tín dị đoan.

Việc ông Lựu cúng giỗ cho mình cũng không có gì thần bí cả. Vì thực tế, cũng có người đang sống tự làm lễ tang cho chính bản thân mình. Những việc làm tuy có vẻ khác người, song xét cho cùng cũng mang tính chất đạo lý thông thường…       

Có hay không chuyện cúng giỗ cho chính mình?

Từ TP Đà Nẵng xuôi về huyện Núi Thành, miền đất cuối cùng ở phía nam tỉnh Quảng Nam, tiếp giáp với huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, theo QL1A qua khỏi cầu An Tân, hỏi nhà ông Nguyễn Lựu (còn gọi là Út Lựu), dường như người dân ở khu vực này ai cũng biết cả. Vì ở địa phương, ông Lựu là một "lang vườn" chuyên dùng lá thuốc nam để chữa các chứng bệnh thông thường, nhất là bệnh con nít hay khóc đêm, khi có người yêu cầu. Ở một nơi xa bệnh viện nên việc "cho thuốc" bằng lá của ông Lựu hóa… hay!

Thời gian gần đây, ông Lựu càng trở nên "nổi tiếng" sau khi một số người viết báo phao tin chuyện ông chết đi, sống lại, rồi tự làm đám giỗ cho chính bản thân mình đã 21 năm qua và đặc biệt sau khi chết đi, sống lại thì có được khả năng kỳ lạ như đề những vần thơ thần bí; làm thuốc trị bệnh con nít khóc đêm thêm phần công hiệu…

Loanh quanh trong xóm nhỏ bên bờ Nam dòng Trường Giang, chúng tôi đến nhà ông Út Lựu vào một ngày mưa gió bời bời. Ông già đã bước vào tuổi 80, râu tóc bạc phơ cười móm mém, huơ tay từ chối kể câu chuyện mà dư luận đang đồn thổi ly kỳ về mình. Nhưng khi chúng tôi cho biết, đã lặn lội đường xa hơn trăm cây số tới tìm không ngoài mục đích muốn biết được sự thật câu chuyện, ông Lựu hạ giọng: "Chuyện của tui đơn giản thôi, mấy chú có viết báo thì cũng nên nói rõ ràng chứ đừng viết sai làm tui khó ăn nói với bà con chòm xóm". Thì ra, nguyên nhân ông Lựu từ chối là vậy... Ngồi lắng nghe ông Lựu kể rõ ngọn ngành, mới hay câu chuyện về ông đã bị không ít người thêu dệt kiểu "vẽ rắn thêm chân" và khoác lên chiếc áo thần bí. Điều này đã khiến ông bị dị nghị, đàm tiếu…

Theo lời ông Lựu, cách đây 21 năm vào đêm mồng 3 Tết Nguyên đán, sau khi cúng tiễn tổ tiên, ông bà theo tục lệ, bỗng ông thấy mặt mày xây xẩm, rồi bất thần bỏ chạy ra đầu ngõ và té xuống, không biết gì nữa. Tỉnh dậy, tự dưng ông Lựu bảo vợ con là từ nay phải làm đám giỗ cho mình ngày mồng 4 tết. Nghe lời ông, trải qua 21 cái tết, gia đình ông Lựu đã làm cho ông 21 cái giỗ rồi…

Chúng tôi gặng hỏi, có phải ông chết đi sống lại rồi bảo người nhà làm giỗ, hay chỉ té xỉu? Ông Lựu nói bâng quơ: "Lúc nớ tui bất tỉnh biết chi đâu…". Từ lúc chúng tôi vào nhà ngồi nói chuyện với ông Lựu thì bà Đoàn Thị Bình (vợ ông Lựu) đã lảng xuống nhà dưới. Nghe ông Lựu trả lời có nhiều nghi vấn nên chúng tôi nhờ gọi bà Bình lên kể cho nghe những gì xảy ra trong lúc ông bị bất tỉnh. Ngập ngừng nhìn chúng tôi một lát rồi ông Lựu cất tiếng gọi vợ: "Bà Út ơi, lên kể chuyện cho mấy chú ni nghe chút…".

Ở dưới nhà lặng thinh không có tiếng trả lời. Thấy ông Lựu gọi mấy lần mà bà Bình không lên tiếng, chúng tôi liền đứng dậy đi xuống nhà dưới mới thấy bà Bình nằm trên giường gác tay lên trán. Khi chúng tôi mời thì người đàn bà đã 73 tuổi này mới miễn cưỡng ngồi dậy bước lên ngồi cạnh chồng. Ông Lựu đưa mắt nhìn vợ như muốn nói điều gì và bà Bình gượng gạo bảo: "Thì đêm đó ổng đi chơi về rồi té xỉu ở đầu ngõ…". Ông Lựu liền cắt ngang: "Bà này! Tui nhớ ở trong nhà chạy ra chứ đi chơi hồi mô?!". Bà vợ không cãi lời chồng mà nói tiếp: "Thấy ổng té xỉu, tui bèn đốt nhúm hương cắm phía trên đầu, chừng một lát sau ổng tỉnh lại".

Chúng tôi lại hỏi về việc một số người kháo rằng, sau khi ông Lựu chết đi sống lại đã lập bàn thờ cúng giỗ mười mấy năm trời, đến lúc nghe người ta bàn tán nhiều nên thấy kỳ mới bỏ cái bàn thờ đi, chỉ cúng giỗ mà thôi. Ông Lựu lại nhìn bà Bình rồi xua tay: "Không có. Tui đâu có lập bàn thờ. Mình sống sờ sờ lập bàn thờ làm chi. Bữa hổm có ông nhà báo tới tìm hiểu, tui cũng nói vậy. Chẳng hiểu răng ổng lại nói tui lập bàn thờ. Tào lao…". "Vậy không có bàn thờ thì cúng giỗ làm sao?". Ông Lựu bảo: "Tui đặt bàn hương án cúng ngoài sân. Đồ cúng chỉ là hoa quả, bánh, chuối và ly nước lã, không có rượu… Nói chung là cúng đồ lạt. Lúc cúng tui vái như thế này: "Vái linh hồn ông Nguyễn Lựu sống khôn thác thiêng; hồn đi một nơi, xác đi một ngả mau về nhập xác dự bữa giỗ…".

Ông Lựu giải thích thêm rằng, ông có 10 người con, nhưng đã chết 3, chỉ còn 6 nam, 1 nữ đều lập thành gia thất, nên nhà chỉ còn lại vợ chồng già hẩm hút bên nhau. Ngày mồng 4 tết năm nào cũng vậy, nhờ có giỗ mà các con của ông đưa cháu nội, cháu ngoại về sum họp hơn 10 người. Vì thế, ngoài mâm cúng lạt, ông Lựu phải làm thêm 5-6 bàn để liên hoan đãi con cháu và bà con chòm xóm.

Trước khi vào nhà ông Lựu, chúng tôi cũng hỏi chuyện bà Nguyễn Thị Xuân Tri (40 tuổi) có nhà đối diện, bà Tri cho hay, bà về xóm này làm dâu đã 14 năm nay và năm nào cũng thấy gia đình ông Lựu tổ chức cúng giỗ ngày mồng 4 tết, đều mời bà con chòm xóm tới dự. Người tới dự giỗ cũng mua bánh trái, hoa quả mang tới cúng. Bà Tri cười nói: "Mấy anh thấy lạ chứ bà con tui ở đây thấy bình thường". Hỏi một số cụ già trong xóm mới biết, đằng sau câu chuyện ông Lựu cúng giỗ cho chính bản thân ông ẩn chứa một việc làm mang tính chất đạo lý thông thường…

Hàng chục vỏ chai dầu gió xanh ông Út Lựu đã sử dụng còn để trên bàn giữa nhà.

Bịa đặt những điều huyễn hoặc…

Một số người tung tin cho rằng, ông Lựu chết đi sống lại và có khả năng kỳ lạ, đó là làm thuốc chữa bệnh cứu người. Vài kẻ còn phóng đại là ông Lựu đã cất công vào tận rừng sâu tìm 12 thứ lá chỉ riêng ông ta biết mang về "bào chế" với rượu để chữa chứng bệnh con nít khóc đêm rất công hiệu. Rằng, ông Lựu chữa bệnh không lấy tiền công nên rất nhiều người từ các nơi đều tới nhờ ông chữa bệnh. Gần nhà thì mời ông tới, xa xôi ông sẵn lòng gửi lá qua đường bưu điện, bày vẽ cách dùng lá thuốc để trị bệnh khóc đêm của con mình... Chuyện nghe rất thần kỳ, song qua trao đổi với ông Lựu, chúng tôi mới thấy đây là sự bịa đặt trắng trợn.

Ông Lựu tâm sự chân tình, do gia đình nghèo khó nên học mới hết lớp 3 trường làng, ông phải bỏ học đi làm thuê kiếm sống. Tuổi trung niên, đi làm thợ hồ ở Huế ông học lỏm được cách dùng lá thuốc nam chữa các chứng bệnh thông thường như, đau đầu, sổ mũi của một thầy lang. Từ đó, ông áp dụng chữa bệnh cho bản thân và những người trong gia đình. Thấy công hiệu, ông mạnh dạn giúp đỡ trị bệnh cho bà con chòm xóm.

Hỏi ông Lựu: "Ông phải tìm những thứ lá thuốc kia trong tận rừng sâu hẻo lánh mang về?". Ông Lựu bật cười sảng khoái. Bà vợ ngồi cạnh cũng che miệng cười theo. Ngớt cười, ông Lựu chỉ vạt đất trước sân trồng hành, gừng, bồ ngót, ngải cứu… và nói: "Rừng của tui đó! Thuốc là những loại cây vợ chồng tui trồng!".

Ông Út Lựu hái lá thuốc nam ngay ở mảnh vườn trước sân nhà.

Theo lời giảng giải của ông Lựu, khi có người tới nhờ cậy chữa bệnh con nít mắc chứng khóc đêm, ông cùng vợ hái 12 thứ lá gồm: trầu không, đinh lăng, ngải cứu, chanh… bỏ vào cối giã nhuyễn, pha rượu và một chút dầu gió xanh vào để có được thứ nước sền sệt, ngậm vào miệng phun và thoa khắp người em bé. Phun xong lá thì còn phải mút tứ chi em bé cho độc tố ra hết, mới lau sạch(?)…

Nghe cách ông Lựu trị bệnh cho em bé, chúng tôi không khỏi giật mình kinh sợ. Thực tế, em bé khóc đêm có thể bị chàm (chàm ướt là chứng thấp nhiệt và chàm khô là chứng thai nhiệt); hoặc bị dơ dáy thân thể… Kinh nghiệm dân gian, lá trầu không có thể giã nát pha với rượu để bôi lên vết chàm trị bệnh cho em bé; còn lá đinh lăng chống bệnh co giật cho trẻ con; ngải cứu và gừng giã nhuyễn vắt lấy nước pha với rượu xoa bóp toàn thân để trị chứng hàn… Tuy nhiên, tổng hợp các thứ lá giã hòa rượu ngậm vào miệng phun khắp mình mẩy, rồi ngậm mút tứ chi em bé quả là việc không nên làm. Bởi vì, sức đề kháng của trẻ con, nhất là trẻ sơ sinh rất yếu, khó có thể lường được hậu quả gì sẽ xảy ra. Thời nay, y học đã phát triển, trẻ em mắc bệnh tốt nhất nên đưa đi bệnh viện để bác sĩ chữa trị…

Nói về bài thơ huyền bí mà ông Lựu viết bằng phấn trắng lên chiếc bảng đen treo trên tường. Bài thơ có đoạn: "Vạn chí trùng dương đầy gian khổ. Cam lòng vẫn chịu mãi đời ta. Chờ đợi vầng mấy đã bạc đầu…". Ông Lựu thanh minh rằng, ông viết chơi thôi. Nhìn nét phấn trắng còn mới, chúng tôi cũng xác định được bài thơ mới viết chứ không phải viết từ 21 năm trước, kể từ sau khi ông Lựu chết đi sống lại như lời đồn thổi… Ông Lựu đưa đôi mắt già nua nhìn chúng tôi, rồi nhìn người vợ ngồi cạnh và đột nhiên nói: "Tui bảo các con tui, sau này tui chết đi cứ lấy ngày mồng 4 tết mà làm đám giỗ. Ngày đó đang còn tết nên làm đám giỗ cũng không phải mua sắm nhiều, con cháu lại sum họp đầy đủ…".

Đã bắt được cốt lõi của vấn đề, chúng tôi liền hỏi: "Vậy là ông muốn đám giỗ ngày mồng 4 tết để con cháu luôn nhớ ngày, lại khỏi phải lo lắng mua sắm nhiều?". Ông lão cười đồng tình. Tới đây thì chúng tôi đã hiểu mọi chuyện. Theo phong tục tập quán của người Việt chúng ta, cúng giỗ người đã khuất cũng là thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" và là dịp để người thân, bạn bè, láng giềng họp mặt, trước là nhớ người đã mất, sau là hàn huyên, tâm tình, bàn chuyện làm ăn. Trong nhà có bàn thờ tổ tiên, thờ người đã khuất và cúng giỗ cũng chỉ trong nhà… Do đó, có thể sau khi ông Lựu té ngất xỉu mê man và khi tỉnh lại, theo hủ tục thì người nhà lập bàn cúng gọi "ba hồn, chín vía về nhập lại xác". Từ đó, ông Lựu thường niên cúng để cho con cháu sum họp, bà con chòm xóm có dịp ngồi lại liên hoan vui vẻ khi ông ta còn sống...

Bất chợt, chúng tôi nhớ lại chuyện kể của các bô lão dòng họ Đoàn, là hậu duệ bà Đoàn Quý Phi - vợ của Chúa Nguyễn Phước Lan, được người xứ Quảng tôn là Bà Chúa Tằm Tang. Chuyện kể về ông Mười Xịnh, họ Đoàn, thời kháng chiến chống Pháp ở khu vực Cây Da Cằn, Đà Nẵng (nay là phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), tự làm lễ tang cho chính mình.

Chuyện rằng, lúc đó ông Mười Xịnh làm nghề thầy thuốc, đã ngoài tuổi 80. Ông thường căn dặn các con, khi cha mẹ còn sống phải lo tròn đạo hiếu chứ đừng bạc đãi, khinh rẻ để rồi khi cha mẹ mất đi lại làm văn tế, cúng giỗ linh đình để mang tiếng thị phi "sống không cho ăn, chết làm văn tế ruồi". Và, đang lúc khỏe mạnh, ông ta đã bảo vợ con làm đám ma cho mình; ai can gián cũng không nghe, mà một mực nói: "Tui muốn xem tận mắt khi tui chết đi con cái thương tiếc như thế nào thôi!". Thế là đám ma ông Mười Xịnh diễn ra đến gần tuần lễ. Cũng cờ phướn giăng khắp đường báo tang; cũng đội âm công đánh trống, thổi kèn ò í e, cũng quan tài bằng gỗ tốt mua về để giữa nhà, bàn linh đèn hương nghi ngút, con cháu bịt khăn tang, mặc áo vải sô khóc thương thảm thiết…

 Ông Mười Xịnh điềm nhiên ngồi ở bộ phản để gian bên cạnh mà xem. Thỉnh thoảng ông lại bước ra ngoài chào bà con láng giềng đến viếng đám ma của mình. Nhiều người nghi ngại cho là ông Mười Xịnh làm điềm gở, sẽ không sống được lâu, nào ngờ sau đám ma, ông sống đến hơn 5 năm nữa mới mất…

Ngẫm chuyện, ông Lựu cúng giỗ và ông Mười Xịnh làm đám ma khi đang còn sống, thấu hiểu được những lý lẽ thâm sâu ẩn chứa đằng sau đó, mới thấy việc làm của họ không có gì lạ lẫm, thần bí cả!

Long Vân
.
.